Không gian công cộng ven mặt nước của thành phố Đà Nẵng đang dần trở thành những món ăn tinh thần đặc trưng của đô thị này. Với chiều dài dòng sông Hàn hơn 200km và gần 92km bờ biển, tiềm năng phát triển các khu vực công cộng ven mặt nước của Đà Nẵng cần phải có qui hoạch, kế hoạch khai thác từ sớm.Năm 2004, khi dự án cảnh quan đường Bạch Đằng Tây mới hoàn thành, nhiều người mới chợt nhận thấy giá trị của không gian công cộng ven sông. Tiếp theo thành công ấy, đường Bạch Đằng đã được nối về phía Bắc đến chân cầu Thuận Phước (nay là đường Như Nguyệt) và giờ đây đang tiếp tục kéo dài đến cầu Trần Thị Lý nhằm tạo thành tuyến đường có vị trí cảnh quan quan trọng nhất của thành phố; hình thành tuyến cảnh quan liên tục dọc theo bờ sông Hàn, tạo một không gian sinh hoạt cộng đồng đặc sắc cho nhân dân thành phố; tạo một điểm tham quan du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi có ý nghĩa, góp phần phát triển ngành du lịch địa phương;… Có nhiều ý kiến cho rằng các tuyến đường ven sông Hàn được mở rộng, nhà cao tầng mọc lên chi chít, bộ mặt đô thị được thay đổi đáng kể nhưng trông na ná các thành phố khác như thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang… và đặc biệt là còn thiếu không gian cho cộng đồng …Hiện nay, 2 bờ sông Hàn – đoạn qua trung tâm thành phố từ cầu Thuận Phước đến cầu Tuyên Sơn đã có các dự án gần như phủ kín: Các bến du thuyền, nhà hàng, khu đô thị, khu chợ đêm, công viên … mà chưa có 1 thiết kế đô thị mang tính tổng thể tại khu vực nhạy cảm về cảnh quan này. Trong điều kiện phát triển đô thị nhanh chóng của Đà Nẵng hiện nay, việc học hỏi kinh nghiệm, áp dụng thành tựu của những thành phố lớn trên thế giới trong qui hoạch kiến trúc cảnh quan ven sông kết hợp với điều kiện thực tế của địa phương là điều cần thiết:
Sông Singapore là địa danh biểu trưng cho sự chuyển mình của cả đất nước Singapore. Các công viên dọc bờ sông, bến thuyền du lịch, các cửa hàng mua sắm, quán giải khát thu hút hàng nghìn du khách đến nơi đây. Các loại hình nghệ thuật trang trí nơi đây vừa mang tính thẩm mỹ vừa mang giá trị về lịch sử và biểu tượng cao. Trục giao thông chính, đường đi bộ và công viên cây xanh ven sông. Hệ thống cây xanh gồm có cây bóng mát tán rộng, cây bụi hoa tô điểm không che khuất tầm nhìn các công trình kiến trúc dạng biệt thự vườn phong phú cảnh quan ven sông. – Sông Hàn chảy qua thành phố Seoul có chiều rộng khoảng 1km, không gian cảnh quan hai bên bờ sông được chú trọng. Các công viên lớn của thành phố được tổ chức dọc tuyến làm tăng không gian tiếp xúc thiên nhiên của của người dân đô thị đồng thời cũng tạo ra các không gian sinh hoạt cộng đồng trong đô thị. Gắn kết hệ thống sông toàn đô thị và thiết kế đô thị phù hợp với nhu cầu sử dụng mặt nước của người dân.
(Hình: Sông Singapore)
Sông Seine đoạn chảy qua Paris đã trở thành hòn ngọc lung linh, góp phần không nhỏ tạo nên sự hấp dẫn của thành phố mỗi năm có tới 30 triệu khách du lịch.Hai bên bờ có nhiều cây xanh và con đường cho người đi bộ. Những chiếc du thuyền, quán cà phê vỉa hè, mặt những con đường lát đá. Đi dọc sông Seine vẻ đẹp lộng lẫy của Paris về đêm cùng vẻ đẹp trầm mặc của các lâu đài tráng lệ ban ngày và có nhiều sinh hoạt cộng đồng còn được tổ chức bên bờ sông. Việc khai thác hiệu quả dòng sông Hàn và không gian hai bên bờ sẽ mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị Đà Nẵng. Để ngắm nhìn đô thị Đà Nẵng theo thời gian, không gian khác nhau thì khai thác dòng sông Hàn bằng những chuyến tàu du lịch, những bến du thuyền là việc làm cần thiết. Còn để tổ chức những không gian sinh hoạt công cộng của đô thị ven sông, phải dành những quỹ đất và tổ chức không gian đi dạo của hai bên bờ. Ðôi khi những đường đi dạo còn được gắn kết với công viên lân cận, các điểm nhấn trên vỉa hè… Không gian đi bộ hai bên dòng sông là con đường thể dục buổi sáng của cư dân, là nơi gặp gỡ giao lưu của các thế hệ. Trong những ngày lễ hội, nó là nơi bán các đồ đặc sản, là nơi bắn pháo hoa, là chỗ tổ chức các trò chơi và tổ chức các sân khấu gắn liền với nước. Những cây cầu bắc qua sông Hàn không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện để thể hiện thẩm mỹ đô thị với kiến trúc riêng của nó. Ðà Nẵng đã mở rộng bờ sông bằng giải pháp vươn vỉa hè về phía dòng nước, nhưng không gian hai bên bờ của dòng sông Hàn vẫn còn nhỏ so với tầm vóc của mình, những hoạt động văn hoá ở nơi này còn cần được bổ sung thêm để xứng với một trung tâm của miền Trung. Cây xanh sử dụng 2 bên bờ thường mang tính trang trí mà chưa phải là những cây lưu niên có bóng mát, việc đầu tư này khá tốn kém, đòi hỏi chăm sóc, cắt tỉa từng ngày. Do đó cần nghiên cứu phát triển những cây có bóng mát vẫn cho hình ảnh đẹp, vững chãi và phù hợp hơn với điều kiện sử dụng. Các đường dạo hiện nay đã được lắp đặt lan can suốt đoạn đi qua trung tâm đô thị, nơi tập trung đông người. Với các đoạn còn lại cần xem xét uốn lượn hướng tuyến có thể sát bờ sông và sử dụng cây xanh làm không gian ngăn cách, thậm chí tạo 1 số bậc cấp tiến sát bờ sông.
(Hình: Sông Seine)
Ðây sẽ là những điểm nhấn có giá trị. Tượng đài là một yếu tố trong tạo lập kiến trúc cảnh quan. Với thương hiệu các làng nghề đá Ngũ Hành Sơn, liệu chúng ta có thể đóng góp cho những đường dạo phong phú hơn với loại hình nghệ thuật này mà ở một số đô thị trong và ngoài nước đã thực hiện.Việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị nói chung và kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông nói riêng có liên quan tới nhiều lĩnh vực khoa học – kỹ thuật và nghệ thuật, đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của nhiều chuyên gia, như: Quy hoạch, kiến trúc, kiến trúc phong cảnh, cây xanh, công viên….Trong đó người kiến trúc sư có trách nhiệm điều phối chung. Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông Hàn ở giữa lòng đô thị, người dân của “thành phố sống tốt”luôn tự hào và trân trọng món quà này. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố rất quan tâm và quyết liệt trong công tác qui hoạch – chỉnh trang đô thị. Các yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa đã hội đủ. Do đó, trách nhiệm tạo ra một tác phẩm đẹp, một đồ án để khai thác hiệu quả các không gian công cộng ven sông Hàn và cảnh quan đô thị 2 bên bờ đã được đặt lên vai những người làm công tác chuyên môn.
KTS Vũ Quang Hùng