Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / KHI NGƯỜI PHỐ HỘI RA ĐI

KHI NGƯỜI PHỐ HỘI RA ĐI

Khi người phố Hội ra đi…

Đêm khuya từ TP.HCM, người bạn vong niên điện thoại ra, hỏi có phải những thông tin người dân phố cổ Hội An đang ồ ạt rao bán nhà là có thật. Rồi anh thở dài, bảo sao lại thấy lòng hoang mang đến như thế. Những người đang ở Hội An, đang ở Đà Nẵng có nhận ra điều gì không?

 pho-co-hoi-an

Anh bảo đã lâu không về phố Hội, và ẩn ức trong anh là nỗi bực dọc sau lần ra với mấy người bạn Hà Nội. Chính những người bạn đó phát hiện và ngỡ ngàng nhận xét, sao người bán hàng ở Hội An, chủ yếu ở các cửa tiệm, cửa hàng lại nói toàn giọng phương khác chứ không phải người Hội An. Hóa ra một phần nhà mặt tiền phố Hội đã được sang tay, đã bán cho những người nơi khác đến. Người phố Hội đã bán nhà và rời đi, khiến phố Hội An đổi khác và những người sống xa xứ như anh không còn muốn về nữa.

Phải chăng, cần thấy rằng, tình trạng người dân Hội An bán nhà ở phố, phải gọi đích xác là nguy cơ suy nhược văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản văn hóa phi vật thể, là không gian cộng đồng dân cư lâu bền ở thành phố này. Nếu không sớm có sự chấn chỉnh, sẽ đến một ngày Hội An hoàn toàn đổi chủ, không còn duy trì được cộng đồng người dân cố hữu và lâu năm, để bảo vệ giữ gìn nếp sống tư duy âm thanh khẩu ngữ của người bản địa nữa. Những lực lượng thị dân Hội An mới tất nhiên không sỗ sàng, nhưng sẽ đem những cung cách văn hóa mới, tư duy sản phẩm kinh tế mới tràn ngập vào đô thị cổ, và điều đó sẽ đồng nghĩa với sự cáo chung của một đô thị văn hóa truyền thống mấy trăm năm.

Khi những cư dân Hội An rời khỏi ngôi nhà truyền thống của họ, rời bỏ không gian cuộc sống của cha ông họ, nghĩa là đô thị Hội An đã nứt vỡ cấu trúc nguyên bản, một cấu trúc đã được liên kết và xây dựng hàng trăm năm, đặc biệt trong mối quan hệ tương tác ba dân tộc Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Trong từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử và sự thay đổi của những số phận con người, chính không gian liên kết hài hòa giữa những nhóm người lưu vong tìm cơ hội sinh tồn, tìm cách phát triển bên nhau, đã tạo nên một địa chỉ tụ hội hợp tác văn hóa, gây dựng nên một bản sắc dân gian, một thị phần góc cạnh với đủ thứ sản phẩm đặc trưng của thời cuộc, của các chế độ quản lý và điều hành khác nhau. Vị trí tự nhiên của phố cổ Hội An đã giúp thành phố này thoát ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh và tồn tại ẩn khuất sau những đau thương thế hệ. Không gian văn hóa cộng đồng của người Hội An nhờ đó đã được bảo lưu và duy trì cho đến hôm nay, chỉnh không gian cộng đồng đó đã trở thành cốt lõi, tạo nên giá trị di sản Hội An tồn tại đến bây giờ.

Có lẻ cũng không còn sớm mà cũng không quá muộn để đặt vấn đề cần tu chỉnh lại thực tiễn phát triển Hội An hôm nay. Hãy nên khẩn trương xem xét lại thực trạng phát triển và điều hành kinh tế xã hội ở đô thị này, để sớm tìm ra giải pháp khắc phục và bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

pho-co-hoi-an-768x512

Di sản ấy, không chỉ nằm ở những công trình cầu cống, những con đường những ngõ hẻm mấy trăm năm, mà còn nằm ở trong tâm thức, tinh thần, tình cảm, hành vi của con người phổ Hội.

Di sản ấy chỉ có thể được giữ gìn, bằng cách bảo lưu, tôn trọng những giá trị không gian cộng đồng dân chúng bản địa tại đây, chứ không thể chỉ dựa vào một chứng nhận văn hóa nào đó, hay một chính sách quản lý phát triển du lịch, bán vé tham quan nào đó mà tồn tại.

Đừng để Hội An phải trả giá cho những dao động trong cung cách quản lý nặng tính kinh tế thực dụng và biến tướng thị trường, khi con người rời đi để lại những cái xác công trình đền miếu, cầu cống vô hồn vô nghĩa.

Giữ phố cổ Hội An thì phải giữ con người Hội An. Khi con người phố Hội ra đi, nghĩa là Hội An đã mất. Ai sẽ chịu trách nhiệm về điều ấy?

Thụy Bất Nhi
Chuyên đề Đô thị 

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …