Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / KHÁT VỌNG ĐÀ NẴNG NGANG TẦM ĐÔ THỊ CHÂU Á: KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ

KHÁT VỌNG ĐÀ NẴNG NGANG TẦM ĐÔ THỊ CHÂU Á: KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ

“Những gì chúng ta phát triển để thỏa mãn nhu cầu của ngày hôm nay mà không gây tổn hại đến nhu cầu của thế hệ mai sau – đó là PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”.

Có thể nói thiên nhiên ưu đãi đặc biệt cho thành phố Đà Nẵng. Từ trung tâm thành phố chỉ mất 30 phút đã có thể đắm mình vào làn nước biển xanh màu ngọc bích của biển Mỹ Khê và chỉ 1 giờ đã có thể vươn mình khoan khoái hưởng bầu không khi mát lạnh Đà Lạt trên đỉnh Bà Nà. Nằm lọt vào lòng tam giác di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế – đô thị cổ Hội An – thánh địa Mỹ Sơn, Đà Nẵng là thành phố lý tưởng cho phát triển du lịch. Những đột phá về phát triển xây dựng thành phố gần đây làm ngỡ ngàng du khách gần xa. Đà Nẵng nhanh chóng trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất của Việt Nam.

Chủ trương xuyên suốt của chính quyền thành phố là quy hoạch luôn đi trước và quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành thành phố văn minh, hiện đại tầm cỡ khu vực, châu Á và lấy Singapo làm hình mẫu xây dựng. Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng năm 2002 đã được lập dựa trên cơ sở những ưu thế vượt trội so với những địa phương khác trong khu vực, vạch ra chiến lược phát triển cho đô thị Đà Nẵng và là công cụ giúp cho lãnh đạo thành phố lập kế hoạch phát triển, quản lý thành phố .

Với góc nhìn đô thị phát triển bền vững hết sức khách quan và kinh nghiệm chuyên môn, xin được thẳng thắn tham gia một số vấn đề bất cập trong quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và những đề xuất nhằm góp phần nhỏ vào mục tiêu phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng được thuyết minh với ý tưởng một Đà Nẵng hiện đại, thông minh, nhân văn, môi trường,… nếu không am hiểu sâu sắc về quy hoạch đô thị thì người nghe dễ xiêu lòng và càng dễ bị ru ngủ hơn khi Đà Nẵng ngày một lung linh thêm. Tuy nhiên, xem xét kỹ sẽ thấy Đồ án Quy hoạch chung Đà Nẵng có quá nhiều bất hợp lý cả về định tính, định dạng hình thái kiến trúc đô thị, định lượng và định vị các khu chức năng quan trọng của  thành phố, định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh và môi trường… Những bất hợp lý này hiển thị rất rõ trong đồ án nhưng thật đáng tiếc, đồ án vẫn được bộ xây dựng thẩm tra và trình thủ tướng phê duyệt. Từ đây các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, dự án được triển khai đưa vào xây dựng với tốc độ chóng mặt. Thành quả đạt được trong xây dựng phát triển của Đà Nẵng thật to lớn nhưng những hậu quả để lại do những sai sót của quy hoạch chung  mang lại cho tương lai thành phố không hề nhỏ và khó lòng khắc phục nổi.

qhc

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030

Phần I:

KHÁT VỌNG ĐÔ THỊ TẦM CỠ CHÂU Á KHÔNG THỂ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC VÌ NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUY HOẠCH CHUNG

1. Thiếu tầm nhìn tương lai trong lựa chọn mô hình phát triển đô thị

Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 128.543 ha, trong đó hơn 70% là rừng núi, qũy đất thuận lợi cho xây dựng của Đà Nẵng rất hạn hẹp, chỉ vào khoảng 300 – 360 km2, trong khi dân số gia tăng rất nhanh khoảng 60.000 -70.000 người/năm. Đến 2030 dân số Đà Nẵng sẽ tăng gấp đôi hiện nay, lên đến 2 triệu người. Đến 2050 là một siêu đô thị trên 3 triệu dân.

Trước điều kiện tài nguyên đất đai hạn hẹp và nguy cơ bùng nổ dân số trên, nhiệm vụ hàng đầu của quy hoạch chung là phải lựa chọn mô hình phát triển Đà Nẵng hợp lý nhất cho trước mắt và lâu dài, tiết kiệm tài nguyên, dự trữ đất phát triển cho tương lai, bảo đảm phát triển bền vững. Theo đó mô hình của Đà Nẵng nên chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn ngắn hạn giải quyết các vấn đề bức thiết về xã hội và hạ tầng, kích thích đô thị phát triển; giai đoạn dài hạn phải định hướng chiến lược đô thị phát triển theo chiều cao,  mô hình đô thị Nén (Compac City), dành nhiều đất cho cây xanh và hạ tầng đô thị, đặc biệt cần xác định những vùng đất dự trữ phát triển trong tương lai. Tuy nhiên các tác giả quy hoạch Đồ án Quy hoạch chung Đà Nẵng lại chọn mô hình đô thị phát triển theo hướng chủ yếu là thấp tầng và đô thị sinh thái. Từ đây, các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được triển khai rất nhanh, phủ kín quy hoạch toàn thành phố. Hậu quả là các quy hoạch chi tiết 1/500 nặng về phân lô nhỏ, khai thác tối đa đất đai dẫn đến tình trạng chia lô bán nền tràn lan. Nhìn trên bản đồ Google Eath có thể thấy rất rõ gần như Đà Nẵng không còn đất để xây dựng ngoại trừ vài ngàn hecta còn lại ở vùng chân núi phía Tây và vùng Hòa Châu, Hòa Tiến…

Qua đó có thể thấy định hướng mô hình phát triển đô thị cơ bản thấp tầng và đô thị sinh thái là sai lầm to lớn của quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng. Sai lầm này là nguyên nhân chính dẫn đến sau 20 năm thực hiện xây dựng theo quy hoạch chung, thành phố phát triển nhanh nhưng đồng thời cũng gần như cạn kiệt quỹ đất, đừng nói gì đến tương lai xa, ngay tại lúc này thật khó tìm ra một khu đất vài chục hecta thuận lợi về địa điểm để xây dựng trung tâm thành phố mới hay trung tâm thương mại mua sắm tập trung. Khi dân số thành phố tăng gấp đôi, gấp ba hiện nay, câu hỏi về đất đai đô thị khó có lời giải.

Chứng minh: Lấy mô hình phát triển đô thị của Singapo để so sánh

Singapo có diện tích tự nhiên khoảng 700 km2, trong đó khu đô thị tập trung khoảng 550 km2 (gấp rưỡi Đà Nẵng). Từ 1900, Singapo đã là đô thị bậc nhất châu Á. Hiện nay, đây là quốc gia đô thị hóa cao độ với mô hình phát triển đô thị Nén. Người Sing khéo léo trong bố cục kiến trúc đô thị, đặt phát triển bền vững lên hàng đầu, nên dù diện tích không lớn nhưng sức chứa dân số rất cao (hiện trên 5 triệu người). Và điều đặc biệt, đô thị Nén nhưng Singapo vẫn là một trong những thành phố có môi trường tốt nhất thế giới.

2. Đánh mất cơ hội tổ chức không gian kiến trúc – sông – biển

Sông Hàn và biển Mỹ Khê là ưu thế đặc biệt của Đà Nẵng, là không gian tuyệt vời cho các nhà quy hoạch đô thị tổ chức bộ mặt kiến trúc độc đáo cho thành phố, hoàn toàn có thể tổ chức một không gian hoành tráng xuyên suốt kết nối sông Hàn ra biển Mỹ Khê. Trong không gian rộng lớn đó, bố trí quần thể các hệ thống trung tâm thành phố mới, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, trung tâm mua sắm, các quảng trường lễ hội bên sông, thi pháo hoa quốc tế, nhạc nước, trình diễn ánh sáng, đua thuyền, kết nối với quảng trường biển – nơi tổ chức các hoạt động như đại hội thể thao biển châu Á, thể thao bãi biển,… Với một đô thị quy mô 2-3 triệu dân trong tương lai không xa thì việc có các quảng trường sông – biển chứa hàng trăm ngàn người là không thể thiếu.

 Thật đáng tiếc, đồ án quy hoạch chung không bố trí các không gian cực kỳ quan trọng này, chỉ có các trục phố đơn điệu, lẻ loi, nghèo nàn về không gian kiến trúc và giờ đây khu vực sông – biển trên đã được phân lô, bán nền và cơ hội để tạo ra không gian kiến trúc hiện đại ven sông, ven biển như Singapo ở khu vực này đã không còn nữa .

3. Định hướng quy hoạch du lịch bờ biển phía đông bỏ qua nhu cầu cộng đồng dân cư ven biển

Bờ biển phía đông từ Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam dài khoảng 16km, đồ án quy hoạch chỉ bố trí tập trung một bãi tắm tại Mỹ Khê, còn lại hơn 10km từ đầu đường Trần Quốc Hoàn đến giáp Quảng Nam dày đặc các chuỗi khách sạn, biệt thự, resort,… chắn ngang toàn bộ mặt biển, mãi tít tắp giáp Quảng Nam mới có một vệt nhỏ nối với sân golf Đà Nẵng thông ra biển. Không có một khoảng không gian mặt biển nào được bố trí dành cho nhu cầu của người dân hưởng thụ biển, càng đáng lo ngại hơn khi khu vực Hòa Xuân, Hòa Châu… sẽ chứa cả triệu dân vào năm 2030. Họ sẽ tắm biển, sinh hoạt giải trí biển ở đâu?

4. Thành phố đa trung tâm nhưng không có trung tâm chính

Quy hoạch chung xác định Đà Nẵng là thành phố đa trung tâm, bao gồm trung tâm Hòa Minh – Hòa Khánh, trung tâm trục cầu sông Hàn và cầu Rồng, trung tâm Ngũ Hành Sơn và trung tâm khu Hòa Xuân.

Định hướng tính chất các trung tâm là vậy nhưng thực ra bố trí đất đai tại vị trí cụ thể lại thiên về phân lô bán nền, đất dành cho xây dựng trung tâm quá ít ỏi nên trung tâm thành phố từ khái niệm là quần thể, là tổ hợp công trình văn hóa, chính trị, thương mại, văn phòng cao cấp, quảng trường,… đã biến dạng, chỉ là trục phố được xây dựng tự phát, quy mô nhỏ lẻ đơn điệu. Nếu lãnh đạo thành phố hỏi bây giờ thành phố cần xây dựng một trung tâm thật quy mô, hiện đại, hoành tráng như hình mẫu Singapo thì xây ở đâu? Khó có câu trả lời vì vị trí tốt nhất là các khu ven sông Hàn, khu vực ven biển từ Sơn Trà đến Non Nước thì đã phân lô bán nền hết từ lâu, không lẽ xuống cánh đồng Hòa Châu để xây dựng trung tâm thành phố?

Dường như bí thế gần đây dư luận xôn xao bàn tán về giải tỏa chợ Hàn để xây dựng trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khu vực từ Trưng Vương đến sông Hàn cũng chi là một trục trung tâm nhỏ của khu vực, không thể là trung tâm của một đô thị 2-3 triệu dân có tầm cỡ đô thị châu Á được.

5. Thành phố không cây xanh, cây xanh Đà Nẵng chủ yếu là cây xanh vỉa hè

Đà Nẵng xác định sẽ xây dựng là thành phố môi trường và lấy Singapo làm hình mẫu, tuy nhiên từ ý tưởng cho đến hiện thực quá xa vời. Trong khi chiến lược môi trường do ông Lý Quang Diệu vạch ra cho toàn dân Singapo là dù đất đai hạn hẹp vẫn phải bố trí nhiều công viên cây xanh và đề ra chiến lược phủ xanh toàn thành phố, xây dựng rừng trong thành phố (hiện nay 47% thành phố đã được phủ xanh) thì Đà Nẵng lại làm ngược lại, chủ yếu chỉ có cây xanh vỉa hè, nhìn trên bản vẽ quy hoạch chung không thấy mảng xanh nào ngoài khu Ngũ Hành Sơn và khu công viên Tiên Sơn. Đất 2 bên bờ sông Hàn được khai thác tối đa không hề có thảm xanh ven sông. Ven biển còn tệ hại hơn khi các rừng dương bị phá sạch để lấy đất làm đường để rồi mùa mưa bão gió thỏa sức hoàng hành. Ngay cả khu đô thị mới Hòa Xuân được gọi là khu đô thị sinh thái cũng dày đặc nhà chia lô.

6. Hệ thống nước thải thành phố

 Hệ thống thoát nước thải toàn thành phố Đà Nẵng được xây dựng kết hợp chung với thoát nước mưa, đây là loại hệ thống chỉ áp dụng ở các nơi không đủ kinh phí đầu tư hệ thống hoàn chỉnh. Vì nhược điểm của hệ thống này là khi có mưa, nước mưa sẽ cuốn theo bùn, rác, nước thải xả thẳng ra môi trường, ra sông, ra biển. Thực tế ô nhiễm nặng tại biển Thanh Bình, Mỹ Khê, sông Hàn… nhiều năm nay đã không giải quyết được.
Điều đáng tiếc là Đà Nẵng hoàn toàn có thể xây dựng hệ thống nước thải riêng biệt cho tất cả các khu đô thị mới vì nguồn thu từ đất rất lớn, nhưng từ cơ quan lập quy hoạch đến cơ quan quản lý nhà nước đều mặc nhiên chấp nhận hệ thống thải chung và tiền lãi cứ rơi vào túi nhà đầu tư còn môi trường cứ ô nhiễm triền miên.

Tình hình trên nếu muốn đạt tiêu chuẩn môi trường sẽ buộc phải đào hàng ngàn km cống rãnh vỉa hè để tách riêng hệ thống cống thu nước thải. Ngoài việc tiền bạc là vô kể, nhưng chắc chắn cuộc sống, buôn bán, đi lại, môi trường sống,… sẽ bị đảo lộn trong nhiều năm.

7. Hệ thống giao thông chính thành phố 

Hiện nay tất cả các tuyến giao thông trục chính của thành phố hầu như chỉ có mặt cắt 4 làn xe ô tô, 2 làn cho xe 2 bánh, hầu như không có bãi đậu xe và không có đất dự trữ bố trí các tuyến xe điện, tàu điện ngầm và mở rộng đường. Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện tình trạng kẹt xe tại nhiều nút giao thông và hệ thống giao thông này sẽ nhanh chóng quá tải khi quy mô dân số tăng gấp đôi gấp ba trong tương lai không xa.

Kết luận

Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã phát triển rất nhanh trong 20 năm qua, đem lại những đổi thay thần kỳ trong đời sống xã hội, trở thành một thành phố đáng sống nhất nước. Tuy nhiên, qua phân tích 7 bất cập lớn trong lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch 20 năm qua đã cho thấy Đà Nẵng phát triển không bền vững: khai thác cạn kiệt tài nguyên đất đai, các tiện nghi đô thị, cây xanh, môi trường,… ít được quan tâm. Hậu quả để lại cho tương lai không hề nhỏ và khó khắc phục. Vì vậy trước thực trạng này tôi cho rằng khát vọng một thành phố Đà Nẵng hiện đại, sôi động ngang tầm khu vực và châu Á như Singapo hay Hồng Kông là không thể.

Phần II:  

ĐÀ NẴNG CẦN MỘT CUỘC “ĐẠI  PHẪU” ĐỂ CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ TẦM CỠ CHÂU Á?

Vì cạn kiệt đất đai xây dựng, những khu vực có giá trị nhất về vị trí, cảnh quan thiên nhiên sông biển hầu như không còn. Muốn xây dựng được một thành phố hiện đại, không gian kiến trúc được tổ chức hài hòa với thiên nhiên tạo nên hình ảnh một đô thị có đặc trưng riêng hấp dẫn. Việc quan trọng nhất với Đà Nẵng lúc này là cần tìm ra nguồn quỹ đất đảm bảo về quy mô và không gian đẹp.

 10 đề xuất cụ thể:

Các giải pháp này vừa sửa chữa những sai sót trong quá trình tăng trưởng nóng để lại, vừa đề xuất các khả năng có thể tạo quỹ đất cho xây dựng thành phố tương lai.

1. Rà soát và tổng hợp quỹ đất còn lại toàn thành phố, cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai nhằm gia tăng quỹ đất xây dựng các tổ hợp nhà ở cao tầng.

2. Rà soát và thu hồi những khu đất chưa xây dựng ven bờ sông Hàn nhằm mục tiêu gia tăng diện tích cây xanh cao nhất có thể.

3. Rà soát quy hoạch ven biển, thu hồi các dự án chậm triển khai lấy lại đất bố trí bổ sung các khu dịch vụ vui chơi – tắm biển cho nhân dân. Đồng thời xem xét một số vị trí resort sẽ không gia hạn thuê đất sau 50 năm để thu hồi cho mục tiêu công cộng tương lai.

4. Thu hồi khu chế xuất An Đồn khi hết hạn thuê đất bổ sung cho quỹ đất nhà ở cao tầng trong tương lai.

5. Trong quy hoạch chung, sân bay Nước Mặn là sân bay phục vụ du lịch, đề nghị chuyển thành khu đô thị tập trung, cao tầng, kết hợp quảng trường mở ra biển Đông.

6. Sân bay Đà Nẵng hiện đang quá tải, lại nằm ngay trong lòng thành phố không phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam về khoảng cách sân bay quốc tế với đô thị. Đã có nhiều ý kiến nên chuyển sân bay Đà Nẵng về sân bay Chu Lai trong một số diễn đàn quy hoạch vùng gần đây. Đặc biệt, Chính phủ đã chính thức cho chuyển hoạt động quân sự về sân bay Chu Lai trong năm 2017. Thành phố Đà Nẵng nên chủ động xin Chính phủ nghiên cứu chuyển sân bay Đà Nẵng về sân bay Chu Lai sau 2030, chuyển hơn 500 ha đất toàn bộ sân bay Đà Nẵng vào xây dựng thành phố.

7. Nghiên cứu giải pháp và thời gian tốt nhất có thể để chuyển các khu đô thị sinh thái khu vực Hòa Xuân, Hòa Quý sang mô hình đô thị Nén.

8. Xây dựng trung tâm thành phố mới tại khu vực ngã ba sông. Đây là khu vực có cảnh quan tuyệt đẹp để có thể xây dựng một trung tâm đô thị hiện đại, kiến trúc đặc sắc như Singapo, xây dựng một NEW DANANG trở thành đô thị ngang tầm khu vực và châu Á.

9. Khu vực phía Tây thành phố, đặc biệt dọc theo đường 14G cần xác định quy hoạch theo hướng xây dựng các khu nhà ở cao tầng, tiết kiệm đất xây dựng tối đa, phải dành đất phát triển cho tương lai.

10. Hệ thống thoát nước thải: Trước mắt tìm giải pháp chống ô nhiễm, chống hôi cho sông Hàn và bờ biển Mỹ Khê và bờ biển Thanh Bình. Có kế hoạch cải tạo, tách hệ thống thải trên toàn thành phố.

11. Dự án động lực: Đề nghị ưu tiên 2 dự án động lực sau cho Đà Nẵng:

– Dự án DANANG DISNEYLAND:

Vị trí tại khu đất Đồng Nò và Ngũ Hành Sơn:

Khu vực miền Trung rất cần một khu phức hợp giải trí quốc tế Disneyland, và địa điểm tại Đà Nẵng là lý tưởng.

Thí dụ: khu Disneyland Tokyo, năm 2013 đón 17,5 triệu du khách.

– Dự án vườn hoa – công viên rừng quy mô lớn phía tây thành phố:

Lấy ý tưởng từ công viên nhân tạo Nong Nooch Thái Land.

Nong Nooch là công viên nhân tạo do tư nhân xây dựng nằm cách thành phố biển Pattaya (tỉnh Chonburi, phía đông Băng Cốc) gần 20 km, đây là một công viên thực vật nhiệt đới lớn (2,4 km2) của Đông Nam Á và đã trở thành điểm du lich Thái Lan hấp dẫn từ năm 1980 đến nay. Đây là điểm tham quan hấp dẫn trong tour du lịch Thái Lan từ Băng Cốc đi Pattaya. Địa điểm này hàng ngày đón gần 2.000 khách đến tham quan của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Sản phẩm hoa, cây cảnh xuất đi khắp nơi trên thế giới

Phần III: THỬ ĐI TÌM MÔ HÌNH ĐÀ NẴNG TƯƠNG LAI

Giải pháp tổ chức không gian:

Lồng một “siêu” đô thị mới 1 triệu dân vào lòng đô thị cũ, nối biển Bắc vào biển Đông, nối sông nối biển, nối cũ nối mới tạo nên một Đà Nẵng xứng tầm khu vực và châu Á.

“Siêu” đô thị mới bắt đầu bằng quảng trường biển phía Bắc – biển Thanh Bình, kéo vào khu sân bay Đà Nẵng, 500 ha tại đây sẽ là trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, trung tâm mua sắm… cao tầng, cao cấp, sầm uất tập trung các thương hiệu nổi tiếng của quốc tế.

Vệt đô thị này kéo tiếp qua trung tâm cao tầng tại khu Hòa Xuân, Hòa Tiến và vượt qua ngã ba sông nhập vào sân bay Nước Mặn, trung tâm hành chính mới, trung tâm dịch vụ du lịch… có thể bố trí tại đây. Siêu đô thị kết thúc bằng quảng trường hướng ra biển Đông. Khu vực ngã ba sông sẽ là khu đô thị có dáng dấp như khu Manhatan – New York. Các khu vực Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong… sẽ là các tổ hợp nhà ở cao tầng như mô hình của Singapo.

Mô hình này là giải pháp tuyệt vời cho Đà Nẵng có thể phát triển thịnh vượng về kinh tế, hiện đại và nghệ thuật về không gian kiến trúc đô thị tương lai. Tuy nhiên mô hình này khó có thể trở thành hiện thực, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn có thể lấy nhưng khu đô thị khu vực Hòa Xuân – Hòa Tiến thì khó có thể.

“SIÊU” ĐÀ NẴNG MỚI – KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ…..

                                                 Ths. KTS Hoàng Sừ

                                                                             Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …