Home / QUY HOẠCH / Khắc phục những hạn chế để phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược – bền vững

Khắc phục những hạn chế để phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược – bền vững

Những năm gần đây, Đà Nẵng được các cấp lãnh đạo1, các tổ chức, cá nhân là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, du khách và nhân dân đánh giá là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Đà Nẵng thậm chí còn được ưu ái gọi là thành phố đáng sống và thực tế đã và đang có xu hướng tìm đến Đà Nẵng sinh sống của không ít gia đình từ các địa phương khác. Đà Nẵng là thành phố không lớn, với diện tích 128.543 ha và hơn 1 triệu dân. Đà Nẵng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lợi thế, có núi, có sông, có biển cùng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là trung điểm của các di sản văn hóa thế giới nổi tiếng,…

Tuy nhiên, phải thấy rằng, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, bước đường đi lên của Đà Nẵng cũng trải đầy những thử thách, khó khăn.

Trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, xuất phát điển thấp với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Hình ảnh chung của Đà Nẵng lúc bấy giờ là một đô thị nhỏ bên sông Hàn được vây quanh bởi những làng quê nghèo khó, những làng chài xơ xác bên sông, quay lưng về với biển. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 5.600 ha. Hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày ấy rất kém, đặc biệt về giao thông. Kết nối hai khu vực Đông, Tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ), Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh. Phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà. Khả năng cấp nước rất hạn chế, phần lớn các khu vực dân cư dùng nước giếng. Công tác vệ sinh môi trường còn ít được quan tâm, bãi rác tự phát xen lẫn với khu vực dân cư.

Sau ngày 01/01/1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên, đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển bùng nổ ở thời điểm đầu những năm 2000 khi có thêm những cơ sở pháp lý và khoa học từ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020 cũng như Nghị quyết số 33/QĐ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với định hướng mở rộng đô thị theo hướng “kéo dài dòng sông, nối dài bờ biển”, hướng đến các vùng nông thôn và đồi núi, khai thác hợp lý các tiềm năng thiên nhiên, huy động cả cộng đồng xã hội, đồng thuận của nhân dân, Đà Nẵng được ví như một công trường khổng lồ, sôi động. Với khí thế ấy, sau hơn 20 năm, Đà Nẵng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trên lĩnh vực phát triển đô thị.

Có thể khẳng định đô thị Đà Nẵng ngày nay đã tiến một bước dài cả về quy mô lẫn chất lượng. Ranh giới đô thị không ngừng được mở rộng, kiến trúc đô thị ngày càng khang trang, hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, đời sống nhân dân được ổn định và nâng cao. Mô hình phát triển của Đà Nẵng cũng đã tạo được ấn tượng tốt, được nhiều địa phương tham khảo, học tập.

IMG_0383

Nhìn lại quá trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển, có thể khái quát một số thành tựu nổi bật và những bài học kinh nghiệm trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị như sau:

– Phát triển đô thị gắn với bản sắc đô thị:

Đà Nẵng vốn có sông, có núi, có biển nhưng trước đây các tiềm năng đó gần như bị bỏ quên. Trước đây biển Đà Nẵng chỉ được biết đến với vài ba bãi tắm và những làng chài thì ngày nay bờ biển Đà Nẵng có đến hơn 40 km và đã trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, khu vực này đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước với các loại hình khách sạn, resort, biệt thự cao cấp, các khu vui chơi giải trí biển và được du khách biết đến như là tuyến đường 5 sao đã được định hình trên bản đồ du lịch.

Sông Hàn trước đây chỉ là sự cách trở của hai khu vực Đông Tây với những xóm nhà chồ tiêu điều xơ xác thì nay đã được quy hoạch cảnh quan tạo điểm nhấn đô thị, phát triển dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, giải trí và phát triển chuỗi du lịch đường sông, trở thành một trong những con sông đô thị sinh động với những cây cầu hiện đại và nổi tiếng nối tiếp nhau hình thành. Những xóm nhà chồ đã được thay thế bằng những khu phố mới khang trang, những công trình cao tầng soi bóng. Sông Hàn ngày nay cũng được nhân dân cả nước biết đến như là địa điểm của Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế.

Các khu vực cảnh quan đẹp như Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn,… các di tích lịch sử như Hải Vân Quan, Thành Điện Hải, bảo tàng điêu khắc Chăm,… cũng được quan tâm phát triển đúng mực gắn với việc bảo tồn, tôn tạo đã tạo nên một Đà Nẵng rất riêng trong niềm tự hào của cộng đồng đô thị và du khách.

– Đô thị mới được quy hoạch và đầu tư đồng bộ:

So với quy mô đô thị khoảng 5.600 ha vào năm 1997, thì đến nay diện tích đô thị đã được mở rộng lên tới hơn 20.000 ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ; đã thực hiện giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư cho hơn 100 nghìn hộ dân trong trật tự và có kiểm soát. Các khu đô thị mới phát triển về phía Tây – Bắc, Đông – Nam thành phố với quy mô hàng nghìn hec-ta, hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ. Toàn bộ hai dải ven biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các khu dân cư. Hàng trăm hec-ta đất quốc phòng tại Hải Vân, Sơn Trà và nhiều vị trí khác trong đô thị cũng được đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng. Các khu vực nông thôn cận đô thị được hình thành các khu đô thị mới, khu tái định cư.

– Chú trọng chỉnh trang đô thị cũ, quy hoạch phát triển vùng ven đô và nông thôn mới:

Khu vực đô thị cũ tập trung ở các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà, Cẩm Lệ được cải tạo chỉnh trang, nâng cấp. Các cơ sở kho tàng trong đô thị cũng lần lượt được đưa ra vùng ngoại vi; Những nghĩa trang trong đô thị với hàng trăm nghìn ngôi mộ cũng được quy tập về các nghĩa trang mới nhường chỗ cho việc phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Hệ thống đường nội thị hầu hết được nâng cấp, có vỉa hè, có mương thoát nước, cây xanh. Một số tuyến đường trọng điểm đã được ngầm hóa các đường dây điện, thông tin… Hệ thống kiệt hẻm toàn thành phố được quản lý, quy hoạch, xác định lộ giới cụ thể, công bố cho nhân dân được biết. Các khu vực ngập úng cục bộ đều được khảo sát và có giải pháp khắc phục triệt để.

Ngoài việc đô thị hóa một phần các xã lân cận đô thị, thành phố đã triển khai quy hoạch chung cho toàn bộ 11 xã, trong đó quy hoạch chi tiết cho các điểm dân cư nông thôn gắn với các trung tâm hành chính xã. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đáng kể, các xã đều có đường liên thôn.

– Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và khả năng thích ứng lâu dài:

Hệ thống giao thông chính đô thị tại Đà Nẵng cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh, đường thông hè thoáng. Đây là một trong những đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố, đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Đối với nhà ga và tuyến đường sắt mới tuy đến nay chưa có dự án nhưng vị trí nhà ga và hành lang tuyến đường sắt tương lai vẫn được quản lý theo đúng quy hoạch chung.

Hệ thống cấp nước đã được đầu tư với tổng công suất 214.000 m3/ngđ. Chỉ tiêu sử dụng điện sinh hoạt và chiếu sáng đô thị của Đà Nẵng cũng thuộc hàng cao nhất nước. Các khu xử lý nước thải đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý cho toàn thành phố. Rác thải được thu gom hàng ngày và tập kết tại bãi rác Khánh Sơn với công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày, nhu cầu thực tế hiện nay của thành phố khoảng 1.000 tấn/ngày đang được xử lý đảm bảo. Thành phố đã đầu tư khu nghĩa trang tập trung Hòa Sơn, Hòa Ninh rộng vài trăm ha nhằm quy tập phần lớn mồ mả trong đô thị, hiện đã quy tập được hơn 120.000 ngôi mộ.

Trước đây Đà Nẵng vẫn thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão do chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Những năm qua, thiết kế chiều cao và thoát nước cho các khu đô thị được đặc biệt chú trọng; các vùng đất dự trữ chống ngập ven sông được xác lập và gìn giữ; đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ bản các tuyến thoát nước chính thành phố nên đến nay Đà Nẵng hoàn toàn kiểm soát tốt vấn đề này.

– Hạ tầng xã hội được chú trọng: Song song với việc hình thành các khu dân cư là việc xác định địa điểm, quy hoạch mạng lưới các hệ thống công trình hạ tầng xã hội thuộc mọi lĩnh vực hành chính, sự nghiệp, giáo dục, y tế, thương mại, an ninh quốc phòng,… Trong các khu dân cư cơ bản đều bố trí đảm bảo quy mô, bán kính phục vụ của các công trình thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học các cấp, chợ, nhà họp tổ dân phố,… và phân kỳ đầu tư hợp lý. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng cũng được xem xét bố trí phù hợp thực tế. Đến nay, không giống các thành phố lớn khác, Đà Nẵng đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng xã hội cho đô thị, không có tình trạng thiếu trường lớp, thiếu cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân.

– Kiến trúc đô thị khang trang, cảnh quan đô thị được xem xét thận trọng: Công tác quản lý kiến trúc đô thị tại Đà Nẵng trong những năm qua cũng góp phần đáng kể trong việc định hình một môi trường kiến trúc thuần nhất với phong cách kiến trúc đương đại mang dấu ấn đô thị biển. Các địa điểm nhạy cảm trong đô thị đều được cân nhắc để chọn lựa loại hình công trình phù hợp kèm theo các chỉ tiêu khống chế. Các trục đường chính, các trục đường có cảnh quan đẹp đều được tổ chức thiết kế cảnh quan. Các trục không gian cảnh quan chính ven sông, ven biển, các không gian mở của thành phố đều được xem xét thận trọng.

Ngoài những kinh nghiệm nêu trên, không thể không kể đến các yếu tố góp phần tạo nên thành tựu to lớn trong những năm qua, đó là: sự năng động, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của các cơ quan quản lý; chính sách tái định cư gắn liền với an sinh xã hội; chính sách giải phóng mặt bằng thống nhất; đặc biệt là sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân trên toàn địa bàn thành phố, bên cạnh đó chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ rất có hiệu quả của lãnh đạo và các chuyên gia ngành Xây dựng, Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong suốt hành trình xây dựng và phát triển thành phố…

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành khác, không thể tránh khỏi những hạn chế bất cập nhất định.

IMG_0411

Hiện nay, Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh với một số định hướng:

– Kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên của thành phố làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên trong lòng đô thị là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng (núi, đồi, sông, suối, biển, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cần được gìn giữ như là trụ cột phát triển môi trường sinh thái, đô thị bền vững).

– Xác định khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng cùng với việc phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng (không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, khai thác hết quỹ đất để phát triển nóng mà điều quan trọng là chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và dự trữ nguồn tài nguyên đất đai phát triển bền vững trong tương lai).

– Xác định vai trò “mặt tiền biển” của vịnh Đà Nẵng đối với đô thị Đà Nẵng để tìm kiếm ý tưởng phát triển xứng tầm.

– Phát triển phía Tây thành phố theo mô hình sinh thái, đô thị hóa có kiểm soát các khu vực nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

– Tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn. Chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm.

– Chú trọng nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để áp dụng vào quy hoạch đô thị, đặc biệt là việc xác định công trình các khu vực đô thị và các vùng đệm thoát lũ.

– Xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao.

Nhìn chung, qua hơn 20 năm phát triển, đô thị Đà nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng đô thị, đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị có nội lực đáng kể. Sự kiện tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC là minh chứng về một đô thị có sự phát triển khá toàn diện về mọi mặt. Trong thời gian đến, Đà Nẵng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tận dụng mọi thời cơ, vận hội trong quá trình xây dựng dựng và hội nhập, đồng thời với việc khắc phục những hạn chế yếu kém về phát triển đô thị để có một tầm nhìn chiến lược dài hạn và bền vững nhằm nâng cao vị thế, nâng tầm đẳng cấp của đô thị.

1 Ngày 18/3/2014, phát biểu tại buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “…, Đà Nẵng rất năng động, sáng tạo với nhiều cách làm, kinh nghiệm hay về phát triển đô thị, du lịch, y tế, an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân,…”;

TS. Đặng Việt Dũng

PCT. Thường trực UBND TP. Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …