Home / QUY HOẠCH / Hướng tới phát triển bền vững hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung – Tây Nguyên

Hướng tới phát triển bền vững hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung – Tây Nguyên

Phát triển bền vững là một khái niệm mới nhằm định nghĩa sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa.

Thuật ngữ “Phát triển bền vững” (PTBV) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế (UNC) đưa ra với khái niệm rất đơn giản : “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.

Hướng tới phát triển bền vững hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung - Tây NguyênĐến năm 1987 khái niệm này được phổ biến rộng rãi và trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển. Theo định nghĩa của Uỷ ban Môi trường và Phát triển thế giới – WCED (nay là Uỷ ban Brundtland) thì “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Như vậy, để đạt được PTBV rõ ràng cần có sự kết hợp giữa các thành phần kinh tế – xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội trong việc cùng nhau xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển với sự hài hoà trên cả 03 lĩnh vực chính: Kinh tế – Xã hội – Môi trường.

Ngày nay có hàng trăm lĩnh vực, vấn đề liên quan đến PTBV, trong đó có những vấn đề ở tầm vĩ mô, toàn cầu như biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học…, có những vấn đề ở tầm quốc gia hoặc chuyên ngành. Giao thông vận tải nói chung và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là một lĩnh vực gắn kết chặt chẽ nhất với PTBV.

Bước vào Thế kỷ 21, PTBV ngày càng trở thành trọng tâm của sự phát triển trong mọi lĩnh vực, đặc biệt khi vấn đề ô nhiễm, tàn phá môi trường đang trở thành vấn đề lớn gây nên sự biến đổi khí hậu, làm ấm dần Trái đất dẫn đến mực nước biển dâng cao mà Việt Nam với chiều dài 3200km bờ biển là một trong 05 quốc gia được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.

PTBV đã không đơn thuần được hiểu là duy trì sự phát triển một cách liên tục, không chỉ được coi là một mục tiêu đặt ra nhằm đạt được mà cần phải nhận thức và hành động như một quá trình duy trì sự cân bằng cơ học đối với những đòi hỏi của con người trên nguyên tắc bảo đảm tính công bằng, sự phồn vinh, nâng cao chất lượng sống và tính bền vững của môi trường tự nhiên.

Tiếp cận ba thành phần cơ bản của PTBV là: xã hội, kinh tế, môi trường có thể đưa ra một số yêu cầu đối với quá trình đầu tư, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông như sau:

  • Hướng tới xây dựng và phát triển xã hội bền vững:

Kết cấu hạ tầng giao thông có tính xã hội rất cao. Xuất phát từ nhu cầu phát triển và đi lại mà cần phải xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông. Các công trình giao thông phục vụ trực tiếp mọi hoạt động của con người. Sự phát triển của các khu đô thị, công nghiệp, khu kinh tế mới đều bắt đầu bằng sự hình thành những cây cầu, con đường, bến cảng.

Kết cấu hạ tầng giao thông bền vững về xã hội cần phù hợp với quy hoạch tổng thể và khu vực, phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn hợp lý tùy thuộc điều kiện, năng lực trong đó có năng lực tài chính để sao cho các giai đoạn xây dựng sau chỉ là sự bổ sung, hoàn thiện cho các giai đoạn xây dựng trước. Kết quả cuối cùng là sự hoàn chỉnh của dự án theo quy hoạch đề ra, và những tác động trực tiếp của nó đến sự hình thành, phát triển của các dự án khác như xây dựng, đô thị, công nghiệp…..

Kết cấu hạ tầng giao thông phải được duy trì thường xuyên và từng bước nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện. Một công trình giao thông có tính xã hội cao là công trình phù hợp về kiến trúc, cảnh quan, có giá trị thẩm mỹ, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội.

  • Hướng tới phát triển nền kinh tế bền vững:

Để đạt được mục tiêu này cần có sự cân đối, hài hoà giữa các lĩnh vực trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, có tính đến những xung đột giữa khả năng và yêu cầu, lợi ích trước mắt và lâu dài, sự chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực, và những yêu cầu khác biệt giữa bảo tồn và phát triển v.v…

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế lại càng cần đặt ra đối với dự án hạ tầng giao thông. Tưởng chừng như đây là nghịch lý, song liệu có thể cứ xây dựng những công trình giao thông theo kiểu “đáp ứng yêu cầu trước mắt” để chỉ 10, 15 năm sau là đã thấy chúng trở nên lỗi thời, lạc hậu, thậm chí có thể phải dỡ bỏ hoặc làm lại. Việc nâng cấp mở rộng một con đường, nhất là đường đô thị đã cho những bài học kinh nghiệm đắt giá về môi trường, an sinh xã hội, chi phí đầu tư và những trở ngại đặc biệt khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

  • Phát triển bền vững về môi trường :

Khu vực miền Trung – Tây Nguyên với những đặc thù về điều kiện địa hình, địa chất, thuỷ hải văn rất cần có sự nghiên cứu đặc biệt để đạt được sự phát triển bền vững về môi trường. Dãy Trường Sơn và tiếp theo là cao nguyên Tây nguyên chạy dọc sát biển tạo nên những sườn dốc lớn như những bậc thang khổng lồ đi thẳng từ vùng duyên hải hẹp ven biển lên mái nhà Tây Nguyên. Tác động thuỷ, hải văn và các ảnh hưởng sụt lở, trượt đất đối với các công trình giao thông ở đây là rất lớn. Mùa mưa lũ nước từ sườn dốc đứng đổ thẳng ra biển tạo nên những dòng chảy vô định gây xói lở nền đường. Gặp lúc triều cường, nước biển dâng lên làm lưu lượng nước từ thượng nguồn không thoát kịp gây dềnh ứ có khi đến hàng tháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và sự lưu thông bình thường trên đường. Gặp lúc nước thủy triều xuống, chênh cao cột nước tăng lên làm cho lũ trở nên hung dữ hơn. Hàng năm các cơ quan quản lý đã phải dành nhiều chi phí sửa chữa, khôi phục các sự cố trên đường song vẫn không tránh khỏi những ách tắc trong mùa mưa lũ.

Tìm những giải pháp tối ưu về kinh tế – kỹ thuật, thân thiện, gắn kết chặt chẽ với môi trường, đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp thiết kế và xây dựng ít ảnh hưởng nhất đến môi trường tự nhiên là việc làm cần thiết để đạt được phát triển bền vững về môi trường đối với các dự án hạ tầng giao thông khu vực.

Trong gần hai mươi năm đất nước đổi mới, hội nhập kết cấu hạ tầng giao thông cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây nguyên nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc, căn bản vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trước mắt và lâu dài, vừa hướng tới phát triển bền vững.

Tại Hội thảo “ứng dụng tiến bộ công nghệ phát triển hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng” do Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và Sở GTVT Đà Nẵng đồng tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 21/9/2012 đã có nhiều bản tham luận của các Sở XD, GTVT Đà Nẵng, các cơ quan và doanh nghiệp xây lắp ngành GTVT nêu lên những số liệu tổng hợp và những ví dụ sinh động về sự thay đổi to lớn cả về chất lẫn về lượng của mạng lưới giao thông thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung – Tây nguyên trong những năm qua.

Giờ đây, nếu xem lại những thước phim tư liệu về hệ thống giao thông khu vực những năm đầu thập kỷ 90 khi đất nước mới bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới và so sánh những thành tựu ngành GTVT đã làm được dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ mới chỉ trong thời gian chưa đầy 20 năm với tổng số vốn đầu tư khá khiêm nhường, có thể ghi nhận và đánh giá đầy đủ những nỗ lực to lớn của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương, chiến công phi thường của những chiến sĩ giao thông tận tuỵ, dũng cảm và sự hy sinh to lớn của đồng bào nơi phải di dời, giải phóng mặt bằng nhường đất cho các dự án giao thông thành công.

Ngày nay, ngắm nhìn bộ mặt giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây nguyên từng bước đổi mới “ra tấm ra món”, mang lại những lợi ích, hiệu quả to lớn trong việc hình thành và phát triển chuỗi đô thị – công nghiệp miền Trung – Tây nguyên, đem lại những tiện ích rõ rệt phục vụ cộng đồng dân cư, có thể tự hào về những kết quả xây dựng vùng quê miền Trung anh hùng, bất khuất trong các cuộc kháng chiến cứu nước trước đây đang ngày càng đổi mới, tươi đẹp, yên bình và trở thành nơi “đáng để đến và sống!”.

Trong những năm tới đây, thực hiện “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 35-2009/QĐ-TTg ngày 03/03/2009 với những nhiệm vụ và mục tiêu phát triển đồ sộ, việc đưa ra những quyết định đầu tư chuẩn xác, phù hợp với tiêu chí phát triển bền vững có ý nghĩa hết sức to lớn. Để thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu này cần quán triệt và kết hợp hài hoà ba yếu tố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường có sự lưu ý đặc biệt đến một số nội dung sau đây:

1- Xây dựng quy hoạch phát triển giao thông khu vực và từng đô thị phù hợp và gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cũng như các quy hoạch ngành có liên quan. Chỉ thực hiện điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt khi có đủ luận cứ xác đáng.

2- Khi xây dựng quy hoạch giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị nhất thiết phải có “quy hoạch sử dụng đất”. Đất đô thị cực kỳ qúi hiếm nên việc quản lý chỉ giới qui hoạch trên mặt bằng cũng như các tầng quy hoạch không gian ngay từ lúc này sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế – xã hội và môi trường trong tương lai.

3- Cần nhận thức tầm quan trọng đặc biệt, trực tiếp của những chủ trương và quyết định đầu tư để đảm bảo những quyết định đưa ra là khả thi, phù hợp với quy hoạch và hướng tới phát triển bền vững.

4- Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, cần tham khảo kinh nghiệm các nước đang phát triển ở khu vực để nghiên cứu và đưa ra những giải pháp huy động vốn phù hợp với điều kiện, đặc điểm Việt Nam. Không nên đồng nhất khái niệm “xã hội hoá” với việc “kêu gọi đầu tư” trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tham gia xây dựng hạ tầng giao thông.

5- Hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo sự bình đẳng, công khai, minh bạch có sự tham gia hiệu quả của Nhà nước (trung ương và địa phương) đối với dự án xây dựng giao thông từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Kinh nghiệm của các nước khu vực cho thấy sự góp vốn hoặc tham gia của Nhà nước được hiểu là sự cam kết đảm bảo cho dự án thành công.

Tới đây Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư nhiều dự án giao thông lớn, trong đó có dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với chiều dài 139, 52km. Dự án này đã được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư tại văn bản số 2656/QĐ-BGTVT ngày 10/09/2010.

Liên quan đến nội dung phát triển bền vững tại dự án này, nên chăng đặt ra một số vấn đề tiếp tục trao đổi:

– Tuyến cao tốc nằm hoàn toàn về phía tây QL 1A và đường sắt Thống nhất, vì vậy nhìn chung tuyến sẽ đi trong khu vực địa hình khó khăn. Với điều kiện địa hình đồi núi, việc chọn quy mô tiêu chuẩn thiết kế theo đường cao tốc loại A vận tốc 120km/h sẽ dẫn đến hai vấn đề lớn: i) khối lượng đào đắp lớn, ảnh hưởng đến môi trường và ii) khối lượng công trình lớn làm tăng TMĐT. Những vấn đề này có thể khắc phục bằng cách giảm cấp  vận tốc thiết kế tuỳ thuộc từng đoạn mà quyết định từ 80 – 100km/h.

– Mặc dù tuyến đi về phía tây là khu vực dân cư thưa thớt nhưng vẫn bố trí 106 cống chui dân sinh BxH = 5×3,5m trên toàn tuyến (bình quân 1,15km có một cống). Việc bố trí như vậy sẽ làm tăng chiều cao nền đắp trung bình dẫn đến việc hình thành một “con đê” dưới chân dãy Trường sơn. Do vậy sẽ dẫn đến các khả năng: i) phải bố trí gia tăng nhiều công trình thoát nước thậm chí là các đoạn cầu cạn trong khu vực hoạt động thủy văn phức tạp, làm tăng TMĐT; ii) gây nên những tác động tiêu cực do chế độ thủy văn, thuỷ lực ảnh hưởng đến sự bền vững của nền đường và các công trình lân cận phía hạ lưu.

– Kinh nghiệm xây dựng những tuyến đường song hành đặc biệt là trục dọc Bắc Nam cho thấy các tuyến đường chỉ phát huy hiệu quả khi có sự liên kết mạng và tổ chức giao thông hợp lý, thuận tiện. Với chiều dài đường nối với QL 1A trong dự án chỉ gồm 8,02km làm mới còn lại chủ yếu sử dụng các đường tỉnh hoặc QL hiện tại với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp là vấn đề cần cân nhắc.

Những bình luận về một dự án cụ thể nêu trên chỉ nhằm mục đích như đưa ra một ví dụ tiếp cận khái niệm “phát triển bền vững” khi quyết định đầu tư. Rất tiếc là đến thời điểm này, tác giả mới được tiếp cận văn bản quyết định đầu tư dự án để trao đổi một số ý kiến chủ quan như trên.

Việc tiếp cận khái niệm mới – phát triển bền vững – trong xây dựng giao thông đòi hỏi cần có các phương pháp mới, đặc biệt là sự đổi mới về tư duy, tích luỹ kiến thức và trải nghiệm thực tiễn.

Với những gì ngành GTVT đã và đang làm được trong thời gian qua, tin tưởng tới đây ngành GTVT từ trung ương đến địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đột phá phát triển hạ tầng GTVT mà Đảng và Nhà nước đã đề ra./.

Nguyễn Ngọc Long – PCT Thường trực Hội KHKT CĐ VN

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *