Làm gì để xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị xanh và phát triển bền vững, hay những giải pháp nào mang tầm chiến lược góp phần quy hoạch thành phố một cách bài bản, khoa học… là những vấn đề thời sự được các chuyên gia, nhà quan lý nêu ra tại hội thảo “Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm đô thị thành phố Đà Nẵng” do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức ngày 8-9.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì hội thảo.
Đà Nẵng lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian đô thị. Trong ảnh: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN TƯ
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cũng như nhiều địa phương khác, bước đường đi lên của Đà Nẵng cũng trải đầy những thách thức, khó khăn cần có sự đồng thuận, quyết tâm của cả thống chính trị cũng như người dân thành phố”.
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, tại thời điểm này, Đà Nẵng nên tập trung cho chiến lược trung hạn về phát triển đô thị Đà Nẵng từ sức bật ở các đồ án quy hoạch phân khu chức năng, xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; phát huy dư địa thương hiệu đô thị Đà Nẵng sau APEC 2017.
Hiện tại, diện tích đô thị của Đà Nẵng hơn 20.000 ha, thành phố đang tích cực điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh.
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết, chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng cần hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Từ đó, ông đưa ra đề xuất mở rộng các khu đô thị tiềm năng như: khu đô thị du lịch biển và giao thương hàng hải; khu đô thị ven sông; khu đô thị sân bay Đà Nẵng… để tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng và giải quyết vấn đề cạn kiệt quỹ đất.
Khu đô thị sân bay Đà Nẵng có thể hình thành từ việc quy hoạch lại khu vực bán kính 1-2km quanh sân bay. Trong đó, hoàn chỉnh tuyến đường vành đai sân bay để khi nâng cấp sân bay không bị hạn chế bởi giao thông kết nối, vừa tạo giá trị cho quỹ đất khu vực vành đai này để phát triển logistics, thương mại…
Ngoài ra, nên tổ chức quy hoạch chiều cao và quy hoạch không gian cây xanh cách ly và đô thị ven sân bay; đặc biệt là ở 2 đầu sân bay để bảo đảm phát triển đô thị hài hòa với phát triển sân bay một cách bền vững.
Thành phố Đà Nẵng cần gấp rút làm một đường vành đai xanh và dọc theo đường vành đai đó làm những khu dịch vụ, thương mại… để người dân có thể sống chung. Hình thành những làn đường giao thông dành cho người đi xe đạp và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch.
Thực tế phát triển của Đà Nẵng cũng cho thấy, thành phố được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Tuy nhiên, từ tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự khai thác quá mức đất đai, môi trường tự nhiên đang dần xâm chiếm làm nảy sinh nhiều bất cập. Thiếu đồng bộ trong cấu trúc đô thị dễ dẫn đến phá vỡ cảnh quan tự nhiên.
Khai thác quỹ đất quá mức, nặng về tư duy chia lô bán nền, quy hoạch đô thị theo kiểu nhà ống. Các nhà quy hoạch cũng đã khuyến cáo, nếu thành phố vẫn tiếp tục quy hoạch theo kiểu lối mòn, không thay đổi những tư duy sẽ dẫn đến việc đối mặt với tương lai trở thành một đô thị nghèo nàn về ý tưởng, không gian đô thị rời rạc, ô nhiễm, ùn tắc.
Trong tham luận của mình, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng cũng thừa nhận, đô thị Đà Nẵng đang phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng lớn đất dài dành cho chức năng ở.
Trong bối cảnh Đà Nẵng hạn chế về quỹ đất tự nhiên cần có chiến lược phát triển không gian đô thị tốt hơn để bảo đảm sử dụng đất lâu dài, bền vững. Do đó, cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không bảo đảm điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng.
Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo như: phát triển vịnh Đà Nẵng, phát triển đô thị về phía tây… một cách khoa học và hiệu quả.
Để hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận đề xuất giải pháp, xây dựng đô thị tập trung với mật độ xây dựng hợp lý trong sử dụng đất đô thị; thực hiện các giải pháp hạ tầng kỹ thuật và giao thông theo hướng xanh và hướng đến mục tiêu đô thị có môi trường sống tốt.
Tại hội thảo, một số ý kiến cũng đề cập đến vấn đề di dời sân bay Đà Nẵng.
Dẫn chứng về Singapore khi quốc gia này đang chuyển sân bay Changi theo hướng “đô thị sân bay”, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ, thời gian qua, sự phát triển của Đà Nẵng có phần vượt quá tầm quản lý quy hoạch, nhưng khu vực quanh sân bay chưa phải đã bị phá hỏng. Do vậy vẫn còn kịp để phát triển khu vực này theo mô hình “đô thị sân bay”.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng nếu di dời sân bay Đà Nẵng thì di dời vào Trảng Nhật là hướng xử lý đúng nhất, khả thi nhất so với đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng ra phía biển hay vào Chu Lai.
Theo ông, cần đặt vấn đề “tư duy vùng” trong việc di dời sân bay Đà Nẵng là phải đứng chân trên cơ sở lợi ích quốc gia. Cụ thể là bảo đảm vai trò “hạt nhân”, “động lực” của Đà Nẵng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chứ không phải để xóa vai trò cửa ngõ giao thông quốc tế toàn vùng của thành phố Đà Nẵng.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng:
Lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian đô thị
Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh.
Trong đó, thành phố kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị, tạo dựng bản sắc riêng. Tái cấu trúc trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nên kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn, chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm.
Đà Nẵng cũng chú trọng mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao. Nhiệm vụ của Đà Nẵng là nhìn thẳng vào thực tế, biết khắc phục những hạn chế yếu kém về phát triển đô thị để có một tầm nhìn chiến lược dài hạn và bền vững nhằm nâng cao vị thế, nâng tầm đẳng cấp của đô thị.
Triệu Tùng
(Báo Đà Nẵng)