Home / QUY HOẠCH / Hệ thống giao thông vận tải sau 20 năm quy hoạch phát triển

Hệ thống giao thông vận tải sau 20 năm quy hoạch phát triển

Đà Nẵng sau giải phóng là một thành phố mà hệ thống giao thông chỉ có vài con đường nhựa nhỏ ở trung tâm, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì ngoài các căn cứ quân sự, sân bay dã chiến. Công trình vượt sông Hàn có cầu Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi xây dựng từ thời Pháp, Mỹ cùng với bến đò ngang sông Hàn tạm bợ, nhếch nhác…Về tổng thể khi đó Đà Nẵng là một thành phố nhỏ, nghèo, không bản sắc, buồn và không hề có chút hấp dẫn và tiếng tăm…

Qua nhiều thời kỳ Đà Nẵng trăn trở tìm hướng phát triển nhưng đã không thành công. Chỉ đến năm 1997 khi Đà Nẵng được tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và dưới sự lãnh đạo của cố Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh thì thành phố đã thực sự khởi sắc. Đặc biệt năm 2003 khi thành phố trở thành đô thị loại 1 đã mở ra một giai đoạn mới, đánh dấu sự trưởng thành, đi lên mạnh mẽ của Đà Nẵng. Đây là thời kỳ vàng của Quy hoạch và Xây dựng. Nó cũng đã và sẽ được ghi đậm dấu ấn trong lòng thành phố và đối với mỗi người dân Đà Nẵng.

Trải qua 20 năm phát triển, giờ đây nhịp độ của quy hoạch và xây dựng đã có xu hướng thay đổi, từ phát triển theo chiều rộng nay có xu hướng đi vào chiều sâu. Nhân dịp hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” do Liên hội Quy hoạch – Xây dựng – Kiến trúc – Cầu đường Đà Nẵng tổ chức, nhìn lại chặng đường phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông Đà Nẵng, Hội Cầu đường thấy cần có sự đánh giá nghiêm túc, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở …định hướng mới cho tương lai. Vì vậy Hội đã mời một số chuyên gia có tâm huyết với Đà Nẵng có bài tham luận phân tích, đánh giá trung thực, khách quan, thẳng thắn nhằm giúp cho sự phát triển bền vững của thành phố.

cau-quay-song-han
Cầu quay sông Hàn – Ảnh: Thanh Bình


I/ Quy hoạch – Phát triển hệ thống giao thông thành phố Đà Nẵng đạt được sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc TW:

1) Giao thông đường bộ, hàng không đã có sự phát triển rất mạnh mẽ, ấn tượng, giúp mở rộng không gian thành phố, giúp thành phố xích lại gần với các thành phố khác trong cả nước và ngày càng hội nhập với thế giới bên ngoài. Quá trình quy hoạch và xây dựng đã tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông về cơ bản đảm bảo được sự lưu thông tương đối thuận tiện, an toàn đáp ứng tốt trong thời kỳ đầu của sự phát triển và dần dần trở thành đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.

2) Giai đoạn phát triển gần đây đã bước đầu quan tâm đến kiến trúc công trình, thể hiện qua các cuộc thi kiến trúc tầm cỡ quốc tế đối với công trình cầu và sự thành công tốt đẹp của nó đã đem lại bộ mặt mới sinh động, hấp dẫn, đồng thời là biểu tượng và niềm tự hào của người dân Đà Nẵng được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá cao (cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý).

3) Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống hạ tầng giao thông đã tạo tiền đề cho đô thị phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng giúp thay đổi phần lớn bộ mặt của đô thị, tác động tích cực đến các lĩnh vực Kinh tế – Văn hóa xã hội – An ninh quốc phòng. Qua đó cũng tác động tốt đến việc nâng ý thức, nếp sống của người dân và giúp Đà Nẵng phát triển nhanh, ngày càng tiến bộ. Đến nay tuy chưa phải thật hoàn hảo nhưng về cơ bản thành phố cũng đã được người dân cả nước ca tụng là “thành phố đáng sống” hay các trang du lịch uy tín trên Thế giới bình chọn là “điểm du lịch hấp dẫn”.

4) Với đà phát triển mạnh này sẽ là bệ phóng tốt cho Đà Nẵng tiến tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông bền vững, thông minh, thân thiện với người dân, với du khách và với bản chất cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, thân thiện của người Đà Nẵng… nếu được sự dẫn dắt đúng đắn, tối ưu của UBND thành phố chắc chắn Đà Nẵng sẽ có cơ hội tiến mạnh, tiến nhanh, tiến xa hơn nữa…

5) Tuy nhiên bất cứ sự phát triển nhanh, mạnh nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn. Nhưng thật may mắn là Đà Nẵng có đội ngũ các nhà chuyên môn có TÂM, có TẦM rất TÂM HUYẾT và Hội Cầu đường là nơi hội tụ các hội viên hành nghề giao thông Từ Trung ương tới địa phương, từ cơ quan QLNN đến các trường đại học, các đơn vị Tư vấn, đơn vị thi công. Hội đã thành công trong việc tập hợp trí tuệ, sức mạnh tập thể thông qua những bài phản biện tốt, có chất lượng, hiệu quả đã góp phần dừng hay điều chỉnh những dự án lớn, nhưng kém hiệu quả như: Cầu Hòa Xuân (đổi vị trí cầu); Cầu đi bộ Đống Đa, Ngọn Hải đăng trên sông Hàn, quy hoạch 2 bờ sông Hàn, hầm chui sông Hàn (dừng dự án); Dự án xe buýt nhanh BRT (điều chỉnh nội dung)…

Tuy nhiên với việc tự phát góp ý kiến phản biện chưa đem lại hiệu quả mong muốn nên năm 2014 Hội mạnh dạn có văn bản kiến nghị với Liên hiệp hội KHKT thành phố cho Hội được tham gia các dự án lớn, có tầm quan trọng đối với giao thông vận tải thành phố đó là: Đồ án quy hoạch GTVT thành phố; Dự án xe buýt nhanh BRT; Dự án cầu Đống Đa nhưng mới chỉ được LH các Hội KHKT Đà Nẵng mời phản biện công trình hầm chui Đống Đa. Tháng 09/2016 Hội được Sở GTVT mời tham gia đề xuất ý tưởng Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng và Hội đã trình Sở GTVT ngày 15/9/2016.

Ngoài công tác phản biện xã hội, Hội còn tham gia các Hội thảo chuyên môn do cơ quan QLNN, trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức, tham gia Hội đồng thi kiến trúc các công trình giao thông và đã có nhiều ý kiến xác thực, được thành phố chấp thuận (cầu Rồng – 2005, cầu vượt Ngã 3 Huế – 2010, công trình giao thông vượt sông Hàn – 2016), tham gia tặng 15 suất học bổng cho các sinh viên nghèo, học giỏi của khoa cầu đường trường ĐH Bách Khoa, Duy Tân, xây nhà tình nghĩa cho cán bộ lão thành… Với nhiều thành tích đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố, Hội Cầu đường Đà Nẵng đã được Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, UBNDTP Đà Nẵng, Hội Cầu đường Việt Nam, LH các Hội KHKT Việt Nam tặng nhiều bằng khen cho tập thể và nhiều cá nhân và đặc biệt đã vinh dự được Chính phủ ghi nhận và tặng thưởng Bằng khen Thủ tướng năm 2009, Huân chương lao động hạng 3 năm 2013.

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 3 trong cả nước, nơi tập trung khá đông đảo đội ngũ cán bộ KHKT, các chuyên gia lành nghề ở khắp mọi lĩnh vực. Nếu được Lãnh đạo thành phố, các ban ngành liên quan nhìn nhận, đánh giá, quan tâm đúng mức sẽ là lực lượng hùng hậu, có trí tuệ, có chuyên môn cao giúp thành phố phát triển mạnh, đúng hướng đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân thành phố cũng như du khách. Thực tế cho thấy việc bỏ qua ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn ở các dự án lớn sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc mà cho đến nay vẫn còn là những vấn đề nan giải, nhạy cảm và việc xử lý sẽ còn phức tạp, kéo dài gây tốn kém ngân sách, làm chậm đi sự phát triển của phố (QHGT, BRT, công trình vượt sông Hàn, nút giao thông Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương…).

cau-ba-hue
Nút giao thông Cầu vượt Ngã Ba Huế


II/ Những tồn tại và bài học kinh nghiệm trong quy hoạch và phát triển giao thông vận tải:

1) Chiến lược phát triển, tầm nhìn và quy hoạch:

1.1- Chiến lược phát triển: Do còn bị nhiều yếu tố chi phối nên chiến lược phát triển ở giai đoạn đầu chưa có sự đồng bộ, tối ưu với tầm nhìn xuyên suốt, dài hạn làm cơ sở định hướng cho sự phát triển bền vững. Điều này được thể hiện ở nhiều dự án, công trình rất lớn nhưng tư duy chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn và luôn thay đổi trong quá trình quy hoạch và xây dựng gây mất ổn định trong đầu tư xây dựng, ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung. Giờ đây nếu không thay đổi tư duy chiến lược sẽ làm Đà Nẵng phát triển chậm lại và thậm chí bị lệch hướng.

1.2- Tầm nhìn:

– Hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển tầm nhìn chưa bao quát, chưa ổn định mặc dù hiện vẫn có những công trình hàng ngàn tỷ đang và sẽ triển khai đầu tư sẽ là nhân tố gây bất ổn trong quá trình đầu tư xây dựng.

– Mỗi một dự án, một công trình giao thông là một phần nhỏ bé trong tổng thể hệ thống giao thông thành phố và có mối liên hệ mật thiết với một số lĩnh vực khác ngành. Tuy nhiên, khi lập dự án các đơn vị Tư vấn do nhiều lý do khách quan, chủ quan đã không bao quát, bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng… Kết quả giá thành cao, nhưng hiệu quả đầu tư thấp và mang lại nhiều hậu quả trong tương lai (đó là hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương, hầm chui qua sông Hàn, bãi đỗ xe ở nút giao thông Đống Đa – Quang Trung – Trần Cao Vân, kè bờ sông khu vực dự án Olalani…).

– Đối với những dự án tổng thể, tầm cỡ của chuyên ngành giao thông nhưng tầm nhìn lại chưa vượt qua được hiện trạng các công trình đã được đầu tư một cách nhanh chóng, nóng vội. Đối với các dự án chi tiết tầm nhìn là mục tiêu đem lại lợi nhuận cao nhất cho Chủ đầu tư. Kết quả hệ thống giao thông tổng thể và chi tiết đều có vấn đề. Về tổng thể cho thấy sự khập khiễng, không đồng bộ, kém hoàn chỉnh làm giảm tính hiện đại, tiên tiến, bền vững do vậy khó đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển trong tương lai.

– Đối với các dự án có vốn vay của NHTG, ADB… do áp dụng một cách khá máy móc các mô hình đã thành công ở nước ngoài mà không xem xét điều kiện khác biệt của Đà Nẵng. Vì vậy mặc dù số vốn đầu tư rất lớn, nhưng hiệu quả sẽ không tương xứng thậm chí ngược lại mong muốn nếu không có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế…

1.3- Quy hoạch:

– Đối với hệ thống đường bộ: Còn thiếu sâu sắc, thiên về hợp thức hóa những công trình đã thi công mà không có sự phân tích, đánh giá để cảnh báo các hậu quả, hệ lụy trong tương lai và đề xuất giải pháp xử lý. Hệ thống đường mới còn tồn tại bất cập, chức năng sử dụng không đáp ứng yêu cầu thực tế, không kết nối thành hệ thống giao thông liên tục, trơn tru, thông suốt, êm thuận và đảm bảo an toàn.

– Đối với hệ thống đường tương lai: Dành cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) quy hoạch không được phủ đều khắp, thiếu đồng bộ và lạc hậu ngay khi mới ra đời. Một ví dụ điển hình về số lượng, vị trí và chức năng các công trình vượt sông Hàn từ nay đến 2020 tầm nhìn đến 2030:

+ Các công trình vượt sông Hàn bằng cầu vượt chỉ còn duy nhất 1 vị trí cuối cùng ở nút giao thông Đống Đa và cũng chỉ có chức năng cho người đi bộ.

+ Công trình hầm ngầm cho hệ thống Metro băng qua sông Hàn chỉ xác định ở vị trí cuối đường Hùng Vương.

– Giữa quy hoạch giao thông và phát triển đô thị chưa có cơ chế phối hợp, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ để tạo nên một đô thị phát triển hoàn hảo, tối ưu. Sự bất cập này đã tạo nên quá tải nghiêm trọng đối với hạ tầng giao thông khu vực và gây ách tắc, mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Thể hiện rõ nét nhất, dễ nhận thấy nhất ở các công trình cầu, nút giao thông, đặc biệt các nút giao thông đầu cầu. Đây là khu vực rất nhạy cảm về giao thông nhưng đồng thời cũng là những điểm nhấn hết sức quan trọng trong đô thị nhưng chưa bao giờ nhận được sự quan tâm đúng mức về bố trí quỹ đất dành cho cảnh quan và dành cho sự phát triển, kết nối giao thông trong tương lai. Kết quả sau một thời gian sử dụng giao thông bị ách tắc, khó cải tạo, khó mở rộng nút và cảnh quan đô thị lộn xộn, mất mỹ quan, không thể hiện được sức mạnh của quy hoạch và kiến trúc (điển hình nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn…).

– Mặc dù Đà Nẵng có hạ tầng giao thông được đánh giá tương đối tốt (có sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường sắt Bắc Nam đã và đang phát triển hoàn chỉnh và thuận lợi. Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố không ngừng được xây mới và mở rộng…) nhưng việc thu hút đầu tư ngày càng giảm sút, không tương xứng phải chăng một phần do tầm nhìn và quy hoạch chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư là vấn đề mà chính quyền cần quan tâm, giải đáp.

2) Quản lý kiến trúc:

2.1- Thiếu bài bản: Thể hiện trong việc chưa xây dựng ý tưởng kiến trúc một cách bài bản, thống nhất cho từng khu vực, từng loại, nhóm công trình ngay từ đầu và quản lý, phối hợp một cách đồng bộ giữa các ngành thật xuyên suốt, dài hạn để mang lại bản sắc, hiệu quả to lớn cho thành phố. Kết quả mặc dù diện tích thành phố đã được quy hoạch và xây dựng rất nhiều nhưng bộ mặt kiến trúc của thành phố vẫn nhạt nhòa, không bản sắc, chỉ mang tính chỉnh trang, manh mún… Thậm chí khi ngành giao thông thực hiện ý tưởng kiến trúc chuyên ngành đem lại thành công, nhưng khi ở giai đoạn cuối cùng đi vào hoàn thiện, hoàn chỉnh ý tưởng… thì lại có ý kiến trái chiều. Điều đó gây nguy cơ hạ thấp tác động to lớn của ý tưởng và làm chậm quá trình phát triển của thành phố, làm thiếu đi sự sâu sắc, đồng bộ, hoàn chỉnh cho một ý tưởng lớn đã gần như hoàn thành.

2.2- Thiếu sự điều hành chung: Trong mỗi lĩnh vực nhưng lại có nhiều ngành, nhiều cấp… quản lý dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp. Trình độ, trách nhiệm không tương xứng với công việc chuyên ngành đã tạo ra bộ mặt đô thị ở một số nơi, số khu vực kém văn minh, kém hiện đại, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan, ATGT và nhu cầu sử dụng cả hiện tại lẫn tương lai.

2.3- Mang nặng yếu tố kinh tế: Rất nhiều khu đô thị mới có quy hoạch ban đầu hoàn chỉnh, hài hòa giữa khu dân cư, các công trình phụ trợ và hệ thống giao thông, công trình công cộng…nhưng khi bắt đầu triển khai lại bị phá vỡ do nhu cầu tái định cư, khai thác quỹ đất và hiện tượng chia các lô đất công cộng thành nhà liền kề, đường sá chật hẹp, quanh co, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật…trở nên phổ biến đem lại một đô thị thiếu bản sắc và thiếu tính bền vững.

3) Quản lý đầu tư – xây dựng:

3.1- Còn trì trệ ở nhiều lĩnh vực: Hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, vận tải hành khách công cộng, giao thông tĩnh chưa có sự thay đổi nào đáng kể và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

3.2- Công tác quản lý còn hạn chế: Việc không tuân thủ quy hoạch, quy định chung vẫn còn tồn tại (Cầu đi bộ Đống Đa; Ngọn Hải đăng trên sông Hàn). Chưa chủ động rà soát các bất cập trong quy hoạch. Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, thiếu công khai, dân chủ khi triển khai các dự án…Việc tham vấn các hội chuyên ngành và dư luận đối với các dự án lớn chưa trở thành nhu cầu thiết yếu và chưa khách quan dẫn đến sự kém nhiệt tình, gây thất vọng cho những người yêu mến thành phố…

3.3- Chất lượng đầu tư chưa cao: Quá nhiều Chủ đầu tư, hoặc Chủ đầu tư thay đổi liên tục, hoặc Chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm chuyên môn dẫn tới quản lý lỏng lẻo, không đồng bộ, chất lượng công trình khó đảm bảo (kết nối kém, mất ATGT, mất thẩm mỹ), hiệu quả đầu tư thấp. Quá trình triển khai còn tình trạng phải thay đổi phương án, thậm chí có công trình nhiều lần thay đổi gây lãng phí, dự án bị kéo dài thời gian, tạo ra quy hoạch treo gây bức xúc trong dân và làm mất uy tín…

4) Hiệu quả đầu tư:

4.1- Còn bất cập: Hệ thống giao thông đường bộ còn chưa thật sự tạo ra nét riêng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người của Đà Nẵng và đáp ứng tốt cho nhu cầu hiện tại lẫn tương lai. Nhiều dự án đầu tư lớn còn duy ý chí, chưa được xem xét toàn diện để có đánh giá khách quan, khoa học trong việc lựa chọn phương án tối ưu giúp thành phố phát triển vững chắc (như dự án hầm chui sông Hàn, dự án BRT, dự án hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương…).

4.2- Chưa đồng bộ: Tuy đầu tư nhiều nhưng thiếu cân đối, không đồng bộ giữa hệ thống giao thông động và tĩnh, giữa giao thông và vận tải và các dịch vụ liên quan, hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, chưa phát triển theo kịp nhu cầu của xã hội và chưa tiến tới một hệ thống giao thông hiện đại, thông minh. Điều đó ảnh hưởng tới chất lượng đi lại của người dân, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường sống đang là vấn nạn có xu hướng phát triển nhanh, rộng khắp.

4.3- Thiếu đổi mới: Quá trình đầu tư xây dựng còn duy ý chí, chủ quan, thiếu tầm nhìn, còn tâm lý sợ mất vốn vay ưu đãi và đặc biệt ngại dư luận, chưa tham vấn, đối thoại với các nhà chuyên môn giỏi để tìm ra phương án tối ưu… Do vậy nhiều dự án triển khai rồi dừng lại hay thay đổi chút một gây kéo dài thời gian, lãng phí tiền của, hiệu quả đầu tư kém, ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế, du lịch… khả năng đối phó thiên tai do biến đổi khí hậu chưa được đề cập (hầm chui Đống Đa….). Do đó làm cho sự phát triển của thành phố khó bền vững…

III/ Những thách thức đối với lĩnh vực quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông trong thời gian tới:

1) Tầm nhìn: Để giao thông Đà Nẵng phát triển thành hệ thống hài hòa, thân thiện, bền vững rất cần xây dựng tầm nhìn tổng thể. Hiện nay tình trạng giao thông ùn tắc, mất an toàn đang ngày càng trở thành vấn đề nóng, bức xúc cùng với việc thay đổi liên tục trong thời gian ngắn các phương án đầu tư ở nhiều dự án giao thông lớn là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn hiện nay chưa phù hợp, bị rối vì thiếu cơ sở lý luận khoa học, không phù hợp thực tiễn của Đà Nẵng. Do đó việc quan trọng nhất hiện nay là cần có tầm nhìn tổng thể giúp cho việc đánh giá, xác định giải pháp tối ưu nhất, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và cho cả tương lai lâu dài một cách bền vững.

2) Năng lực bộ máy QLNN: Đội ngũ CBCC là những người tham mưu trực tiếp cho HĐND, UBND thành phố. Vì vậy đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn là những thứ không thể thiếu đối với mỗi CBCC. Chỉ có tinh giảm và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC (cả về đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn) mới giúp thành phố thoát khỏi sự trì trệ và có những đột phá mới để thành phố vươn lên ở tầm cao mới.

3) Huy động trí tuệ của chuyên gia và người dân: Các dự án giao thông được triển khai với mục tiêu là để phục vụ người dân. Vì vậy sự thành công của dự án giao thông phụ thuộc rất lớn ở sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người dân. Sự công khai, minh bạch, dân chủ của các dự án sẽ giúp cho việc huy động được trí tuệ của người dân và các chuyên gia, tìm ra phương án tối ưu là nhân tố quan trọng giúp dự án thành công.

4) Một số dự án lớn đang thách thức sự phát triển bền vững của ngành giao thông:

– Đồ án “Quy hoạch phát triển GTVT TP Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn 2030” mới được UBNDTP Đà Nẵng phê duyệt cách đây hơn 2 năm nhưng đã lộ rõ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thành phố. Vì vậy cần được nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện để có sự điều chỉnh một cách thuyết phục nhất, tối ưu nhất.

– Cảng Tiên Sa, Liên Chiểu: Chức năng vận tải hàng hóa, phục vụ du lịch của 2 cảng này cần sớm được làm rõ, có sự lựa chọn tối ưu nhằm tránh lãng phí trong đầu tư và đem lại hiệu quả lớn cho sự phát triển kinh tế – du lịch của thành phố.

– Các công trình vượt sông Hàn: Để đảm bảo giao thông thông suốt trong giai đoạn trước mắt và phát triển kinh tế – du lịch thì thành phố cần sớm lựa chọn hình thức vượt sông tối ưu tại nút Đống Đa. Đồng thời cần nghiên cứu, xác định vị trí các công trình ngầm sẽ băng qua sông Hàn nhằm có quy hoạch dành quỹ đất đấu nối hệ thống giao thông 2 bên bờ sông tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, phải giải tỏa, đền bù khi công trình mới đưa vào sử dụng không bao lâu…

– Hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương: Giải pháp xử lý giao thông hiện tại về nguyên tắc phải không gây ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông trong tương lai. Đây là khu vực sầm uất, tập trung các đầu mối giao thông. Theo quy hoạch sẽ có ga ngầm và tuyến Metro tại khu vực. Vì vậy việc xây dựng hầm chui qua nút sẽ ảnh hưởng lớn tới tuyến Metro, ga ngầm trong tương lai, làm mất mỹ quan đô thị và gây lãng phí trong đầu tư.

– Các nút giao thông: Cần có Hội đồng liên ngành giao thông – Xây dựng khách quan xem xét, đánh giá các phương án quy hoạch hay cải tạo nút để lựa chọn phương án tối ưu vừa đảm bảo giao thông trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, thực sự tạo ra cảnh quan hài hòa, độc đáo tô điểm cho thành phố và giúp du lịch thành phố phát triển tốt. Việc công khai, minh bạch các ý kiến đánh giá và xét chọn là cơ sở vững chắc cho việc tuyển chọn được phương án tốt nhất.

– Hệ thống BRT: Vừa qua dự án đã tiếp thu ý kiến của Hội Cầu đường cho điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên đối với các tuyến đường mới mở, khả năng dành quỹ đất cho dự án rất khả thi, vì vậy Hội tiếp tục đề nghị điều chỉnh vị trí làn xe, trạm chờ về phía vỉa hè và bố trí làn phụ, các bãi giữ xe, đường đi bộ hoàn chỉnh để đem lại sự thoải mái, thân thiện, an toàn thu hút người dân tham gia vào loại hình vận tải hành khách rất mới này…

– Trung tâm hành chính: Việc di dời TTHC là nhu cầu khó có thể tránh khỏi trong tương lai vì bản thân dự án đã sai lầm ngay từ khâu quy hoạch vị trí, khâu thiết kế và khâu thi công làm cho vấn đề an ninh, an toàn, hiệu quả làm việc cho bộ máy CBCC thành phố trở nên bức xúc, giao thông đô thị bị hỗn loạn, mất kiểm soát… Do vậy cần nghiên cứu thật thấu đáo để tránh sai lầm đã mắc.

IV/ Đánh giá các yếu tố quan trọng trong quá trình quy hoạch và phát triển giao thông đô thị Đà Nẵng: Để Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững, có tầm cỡ thì thành phố cần:

1) Có quyết tâm và quyết liệt trong đổi mới tư duy cũng như hành động: Con người là nhân tố, yếu tố quan trọng nhất trong mọi công cuộc xây dựng. Muốn thành phố bứt phá hơn nữa, phát triển bền vững hơn thì không thể giữ nguyên tư duy, hành động cũ. Việc đầu tư các công trình, các hạng mục cần được xem xét một cách tổng quát, khoa học, phù hợp với Đà Nẵng để tìm được phương án tối ưu. Việc này không khó nhưng để làm được và làm đúng rất cần đội ngũ CBCC giỏi, có tâm, hết mình với công cuộc xây dựng thành phố. Do vậy việc trước tiên và cần thiết là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC lên tương xứng với yêu cầu mới. Nếu không làm được điều này thì chính đội ngũ CBCC sẽ là vật cản trở đầu tiên cho sự phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng của Đà Nẵng.

2) Xây dựng tầm nhìn bền vững và rà soát quy hoạch: Chất lượng công tác này phụ thuộc rất lớn vào uy tín, năng lực chuyên môn, sự tâm huyết của đơn vị Tư vấn và những người tham gia trực tiếp. Kinh nghiệm cho thấy các đơn vị Tư vấn lớn, tầm cỡ sẽ cho các sản phẩm độc đáo, mới, hiện đại, nhưng để sản phẩm đó phát triển tốt, phù hợp với bản sắc, con người, điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng thì lại rất cần có sự phối hợp với các chuyên gia giỏi, tâm huyết sống trên địa bàn. Thời gian vừa qua nhiều dự án, nhiều công trình do một số lý do đã không lựa chọn được các đơn vị Tư vấn tầm cỡ, chuyên sâu nên kết quả đưa lại một sản phẩm hời hợt, thiếu bản sắc, nhanh bị thải loại do không theo kịp thực tiễn cuộc sống…

          V/ Đề xuất các ý tưởng góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng giao thông trong tương lai:

1) Xây dựng hệ thống VTHKCC thông minh, thân thiện: Được biết thành phố hiện đang có ý tưởng “xây dựng thành phố thông minh”, trong đó lĩnh vực GTVT có nội dung xây dựng “Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh” với mục tiêu kiểm soát và điều khiển các phương tiện đang lưu thông một cách có hiệu quả (tức là thông qua các thiết bị điện tử để chỉ dẫn, hướng dẫn người điều khiển các phương tiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, nhiên liệu). Điều này đem lại lợi ích to lớn cho các chủ phương tiện vận tải, nhưng chưa đem lại lợi ích cơ bản, trực tiếp cho người dân và du khách.

Chính vì vậy tôi kiến nghị bổ sung thêm nội dung: “Xây dựng hệ thống VTHKCC thông minh, thân thiện”. Hệ thống này sẽ thông tin, hướng dẫn mọi vấn đề liên quan tới chuyến đi một cách đầy đủ, phù hợp mong muốn của hành khách (Ví dụ: Cho phép có thể lựa chọn loại phương tiện sử dụng trên từng chặng đường; Chọn hãng vận tải yêu thích; Chọn thời gian đi nhanh nhất; Chọn chi phí vận tải thấp nhất và chỉ cần thanh toán 1 lần cho chuyến đi của mình thông qua online hay trạm thu phí thuận tiện nhất có đầy đủ các thông tin về ưu đãi, khuyến mãi giá cước…). Điều này sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của xã hội, giảm phiền hà, mất thời gian cho hành khách và mặt khác giúp tinh giảm bộ máy quản lý, thu phí, chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy, tạo điều kiện cho việc cạnh tranh công khai, minh bạch, công bằng cho tất cả các hãng vận tải các loại. Kết quả sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn, thiết thực cho xã hội, cho người dân và du khách. Như vậy “Hệ thống VTHKCC thông minh, thân thiện” cùng với “Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh” sẽ tạo ra sự hoàn hảo, hoàn chỉnh cho ngành GTVT thành phố và nó cũng đòi hỏi phải triển khai ngay công tác rà soát quy hoạch, dừng các dự án có nguy cơ phá vỡ hệ thống VTHKCC thông minh và thân thiện là điều hết sức cần thiết và cấp bách để tránh lãng phí, làm chậm quá trình phát triển hệ thống GTVT thành phố.

2) Xây dựng bộ máy QLNN công khai, minh bạch và thân thiện: Đà Nẵng đang hướng tới thành phố thông minh với nhiều dự án của các ngành, các lĩnh vực nhưng được thống nhất, kết nối hoàn hảo với nhau trong một tổng thể chung. Đây là mục tiêu quan trọng nhất, khó khăn nhất, kéo dài nhất vì nó đã bao hàm rất nhiều nội dung, rất nhiều giá trị mà Đà Nẵng cần hướng đến trong tương lai, nó phù hợp với xu thế phát triển của Thế giới. Trong thành phố thông minh, con người sẽ được đặt ở vị trí trung tâm và sự thông minh đó phải thân thiện với con người, ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống thì nó phải hết sức dễ tiếp cận, dễ sử dụng.

Để có đồ án “Xây dựng đô thị thông minh, thân thiện” chất lượng cao, phù hợp với Đà Nẵng thì ngoài việc đấu thầu quốc tế để chọn được Tư vấn tầm cỡ là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên yếu tố nội lực bản thân cũng rất quan trọng, vì không ai hiểu Đà Nẵng bằng người Đà Nẵng. Do đó đồ án này rất cần sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, trí thức góp phần cùng Tư vấn tạo nên một đô thị vừa thông minh (hiện đại, tiên tiến), nhưng lại vừa thân thiện (có bản sắc riêng của Đà Nẵng).

Muốn làm được điều này thành phố cần xây dựng trang web chuyên mục “ Góp ý xây dựng” để cập nhật thông tin các dự án lớn đến các Hội chuyên ngành, các chuyên gia, nhà chuyên môn và người dân có tâm huyết, quan tâm đến sự phát triển của thành phố góp ý kiến, đề xuất các ý tưởng tốt cho thành phố. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong đô thị thông minh, thân thiện mà thành phố cần xây dựng. Nó sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, công khai, minh bạch giúp thành phố phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả.

KS. TRẦN THỊ NAM PHƯƠNG 

ĐT&PT Số 63/2016

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …