I.Các vấn đề chung
1.Thành phố thông minh là một trong 23 chuyển dịch công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm các lĩnh vực chính như sau : (1) Cơ sở dữ liệu tập trung (Big Data);(2) Thành phố thông minh (Smart Cities);(3)Tiền ảo (Blockchain/Bitcoin);(4)Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence);(5) Năng lượng tái tạo/Công nghệ sạch (Renewable Energy/Clean-tech); (6)Công nghệ tài chính mới (FinTech);(7) Thương mại điện tử (E-Commerce);(8)Người máy (Robotics); (9)Công nghệ in 3D (3D Printing); (10) Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); (11)Các nền kinh tế chia sẻ (Shared Economies); (12)Internet kết nối vạn vật (IoThings); (13) Công nghệ Nano/ Vật liệu 2D, (Nanotechnology/2D Materials); (14) Công nghệ sinh học/Biến đổi gen và cách mạng nông nghiệp (Biotechnology/Genetics & Agricultural Innovation); (15)Khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn (Desalination and Enhanced Waste Management)[1]
Một mạng lưới giao thông được quy hoạch tốt và quản lý hiệu quả là điều bắt buộc đối với bất kỳ thành phố thông minh (Smart city) nào. Đó là lý do Hệ thống giao thông thông minh ITS (Intelligent Transport System) cần được triển khai bên trong các thành phố. (Ảnh: Internet.)
Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là xu hướng phát triển của các đô thị hiện đại trong thời đại kỹ thuật số mà còn là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai. Khác với đô thị truyền thống, đô thị thông minh là đô thị sử dụng thông tin dữ liệu và công nghệ hiện đại để tăng tốc độ cung cấp các dịch vụ đô thị bền vững và các giải pháp ứng phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số quá mức và sự bất ổn chính trị, kinh tế, các vấn đề đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trườngnhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy kinh tế số và đổi mới sáng tạo, tăng cường an ninh, an toàn, nâng chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố (cư dân, doanh nghiệp,du khách) hiện tại và trong tương lai gần mà không gây bất lợi cho người khác hoặcsuy thoái môi trường tự nhiên.
2.Cấu phần (trụ cột) của thành phố thông minh bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực góp phần tạo nên hệ sinh thái toàn diện, giúp việc quản lý đô thị được hiệu quả. Các cấu phần này không ngừng thay đổi và hoàn thiện làm cho đô thị càng trở nên thông minh hơn. Cho đến năm 2025, các cấu phần chính gồm : (1) Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); (2) Chính phủ số và Quản trị thông minh; (3) Giao thông thông minh; (4)Năng lượng và tiện ích thông minh; (5) Môi trường và phát triển bền vững; (6) Kinh tế thông minh; (7) Đời sống và dịch vụ công cộng thông minh và (8) Sự tham gia của người dân và cộng đồng thông minh.
3.Giao thông thông minh là một trong 8 trụ cột của thành phố thông minh. Giao thông thông minh bao gồm toàn bộ các giải pháp và sáng kiến nhằm cải thiện hệ thống giao thông, nó không đơn thuần chỉ là các giải pháp công nghệ trong quản lý giao thông như sử dụng hệ thống giám sát, điều khiển giao thông tự động và giải pháp chia sẻ phương tiện…nhằm tối ưu hóa luồng xe, giảm ùn tắc và cải thiện an toàn giao thông, mà còn bao gồm các các yếu tố như quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng, cải thiện trải nghiệm người dùng, chính sách hỗ trợ và các giải pháp bền vững. Các thành phần chính của giao thông thông minh bao gồm : Phương tiện thông minh, hạ tầng thông minh, hệ thống điều hành giao thông thông minh, công nghệ thông tin và truyền thông, cụ thể :
(1) Phương tiện thông minh :Phương tiện được trang bị công nghệ truyền thông ( cảm biến, camera, mạng không dây) để có thể trao đổi thông tin với các phương tiện, người lái xe và cơ sở hạ tầng khác (thường được gọi là phương tiện kết nối – V2X). Khả năng này cho phép thực hiện các chức năng như tránh va chạm, cập nhật giao thông và tối ưu hóa tuyến đường, nâng cao đáng kể độ an toàn và hiệu quả đi lại.
(2) Xe tự hành: Là loại phương tiện có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người, sử dụng sự kết hợp của cảm biến, camera và trí tuệ nhân tạo (AI). Phương tiện tự hành sẽ biến đổi phương tiện giao thông cá nhân và công cộng, giúp an toàn, chính xác thời gian, giảm thiêu ô nhiễm và hiệu quả hơn.
(3) Hạ tầng thông minh: bao gồm hệ thống công trình có khả năng nhận diện tình trạng giao thông, tự điều chỉnh phân luồng, phân làn, thực hiệnquản lý điểm đỗ, bãi đỗtự động, thu phí tự động, giám sát tình trạng phục vụ của hệ thông cầu, đường, biển báo kịp thời phát hiện hư hỏng và tối ưu hóa việc sửa chữa, bảo trì..
(4) Hệ thống giao thông thông minh (ITS) :Bao gồm hệ thống thu thập dữ liệu liên quan đến giao thông (cảm biến, camera, bảng điện tử, hệ thống định vị (GPS) và các thiết bị khác); Hệ thống truyền tải thông tin và dữ liệu giao thông; Trung tâm xử lý số liệu và điều hành giao thông; Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu; Hệ thống thanh toán và thu phí; Hệ thống quản lý các phương tiện xe buýt.Hệ thống giao thông thông minh (ITS) có nhiệm vụ thu thập toàn bộ dữ liệuvề lưu lượng, tốc độ, và tình trạng giao thông thông qua hệ thống cảm biến, camera, GPS và các thiết bị đo lường được lưu trữ và xử lý bằng các công nghệ Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) tại các trung tâm điều hành giao thông thông minh.
(5) Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): bao gồm các mạng lưới internet, hệ thống cảm biến, thiết bị IoT và trung tâm dữ liệu, giúp thu thập và truyền tải thông tin giao thông một cách nhanh chóng và chính xác.
Giao thông thông minh tạo ra nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho đô thị như : góp phần nâng cao an toàn, giảm tai nạn giao thông thông qua việc cảnh báo lái xe về mối nguy cơ tiềm ẩn, giám sát luồng giao thông và hỗ trợ phòng ngừa tai nạn; Giảm ùn tắc giao thông nhờ phân tích mô hình giao thông theo thời gian thực, điều chỉnh hệ thống tín hiệu theo tình trạng giao thông, phân luồng, phân làn giao thông kịp thời; Giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy việc sử dụng các phương thức giao thông bền vững, đa phương thức, giao thông chia sẻ, tối ưu hóa vận chuyển, thúc đẩy việc sử dụng xe điện; Nâng cao khả năng tiếp cận, tạo ra sự thỏa mái cho người dùng; Tiết kiệm chi phí nhờ giảm ùn tắc giao thông và tối ưu hóa hoạt động vận hành giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí bảo trì hạ tầng và giảm thiểu chi phí phát sinh từ các tai nạn giao thông; Hỗ trợ công tác quản lý và ra quyết định.
Cầu vượt Ngã Ba Huế
II. Thực trạng triển khai xây dựng giao thông thông minh ở Đà Nẵng
1.Đà Nẵng là một trong các địa phương đi tiên phong trong xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh. Ngày 29/12/2018 thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 6439/QĐ-UBND (QĐ 6439) phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2030. Đề án được xây dựng dựa trên các chỉ đạo của Trung ương về xây dựng chính phủ điện tử (NQ36a), xây dựng thành phố thông minh ( QĐ 950), kế thừa các kết quả đạt được trong thời gian dài nổ lực lực thực hiện NQ 06 của Thành ủy về triển khai đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNTT (2003), thực hiện khung kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT (QĐ 5258), khung kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử (QĐ 9862), triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giao thông, an ninh, cấp nước, môi trường, cấp điện, an toàn thực phẩm, giáo dục, y tế. 2. Thành phố thông minh ở Đà Nẵng được xây dựng dựa trên 6 trụ cột : Quản trị thông minh, Đời sống thông minh, Kinh tế thông minh, Giao thông thông minh, Môi trường thông minh và Công dân thông minh với 16 lĩnh vực chuyên ngành. Khung kiến trúc của thành phố thông minh gồm 3 lớp ( hay tầng) : Lớp hạ tầng chuyên ngành ( hạ tầng cứng gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị), lớp hạ tầng công nghệ thông tin ( gồm hệ thống cảm biến, camera, đường truyền có dây, không dây, hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin và xử lý dữ liệu, các ứng dụng người dùng), lớp người dùng ( Chính quyền, công dân, tổ chức). Các trụ cột của thành phố thông minh có mối quan hệ chặt chẽ, được kết nối thông qua trục tích hợp dữ liệu thành phố.Có tổng cộng 53 chương trình, đề án được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2018-2025 tập trung vào lớp hạ tầng công nghệ, trong đó phát triển cơ sở dữ liệu có 16 chương trình, đề án, ứng dụng người dùng 29 chương trình đề án, số còn lại là các chương trình đề án dành cho đầu tư hệ thống cảm biến, nâng cấp hệ thống mạng và hệ thống xử lý số liệu.3. Lĩnh vực giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng có 4 chương trình,đề án hiện đang được triển khai thực hiện[2]:
(1) Hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh : bao gồm hệ thống camera giám sát ( 269 cam) có phần mềm nhận dạng, đo đếm lưu lượng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông (187 nút), trong đó có 56 nút được kết nối với Trung tâm điều hành tin hiệu. Ngày 23 tháng 7 năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 1606/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng với việc đầu tư hạ tầng truyền dẫn để kết nối các điểm ngoại vi ( các nút tín hiệu giao thông độc lập, các thiết bị cảm biến, đo đếm lưu lượng) về Trung tâm điều hành. Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Trung tâm điều hành quản lý giao thông thông minh ( máy chủ, phần mềm.v.v..). Hệ thống thông tin giao thông. Dự án thực hiện đến 2026.
(2) Cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải: Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành bao gồm CSDL lĩnh vực tải đường bộ, đăng kiểm phương tiện, CSDL các cơ sở đào tạo lái xe, CSDL về hạ tầng giao thông…và các ứng dụng xử lý số liệu như các phần mềm quản lý CSDL về xe buýt, hạ tầng xe buýt, hành khách đi xe buýt, thiết bị giám sát hành trình trên xe…đã được triển khai.
(3) Ứng dụng Cổng thông tin giao thông trực tuyến: đưa vào sử dụng 100% dịch vụ công trực tuyến toàn cho tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai (99 TTHC triển khai toàn trình) tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố.Ứng dụng QRCode trong công tác cấp, quản lý giấy phép, cho thẻ vé xe buýt phục vụ hành khách đi xe buýt.
(4)Giám sát đỗ xe : Xây dựng Hệ thống phân tích online, offline để phân tích cácdữ liệu của các Hệ thống camera của Sở giao thông và các Hệ thống khác nhằmgiám sát tình trạng đỗ xe trên các tuyến đường và trong các bãi đỗ xe, nhận dạng biển số phương tiện đậu đỗ, phát hiện phương tiện đậu đỗ trái phép, kết hợp vớihệ thống tìm kiếm vị trí đỗ, đặt chỗ và thu phí đỗ xe; kết nối về trung tâm chung,chia sẻ dữ liệu cho quận huyện.
Hình ảnh minh họa giao thông thông minh.
III. Thách thức và giải pháp đặt ra khi triển khai xây dựng giao thông thông minh và thành phố thông minh ở Đà Nẵng.
1. Xác định chiến lược phát triển tổng thể : Như đã trình bày ở trên thành phố thông minh chỉ là một trong 23 chuyển dịch công nghệ chủ chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc xây dựng thành công thành phố thông minh cần được thực hiện đồng bộ, song song với các chuyển dịch công nghệ khác như các công nghệ liên quan đến AI, big Data, IoT, 3D… Vì vậy cần một chiến lược tổng thể cấp quốc gia về vấn đề này nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, trí tuệ trong và ngoài nước.Ngày 22/12/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ( NQ57) của về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định mục tiêu đến năm 2030, đất nước ta cần phát triển “Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện”.
Đối với thành phố Đà Nẵng, trong quá trình xây dưng kế hoạch hành động thực hiện NQ57 cần tiến hành đánh giá kết quả thực hiện NQ 05/NQ-TU ngày 17/6/2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, đánh giá kết quả thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh ( QĐ 6439) để xây dựng chương trình tổng thể phát triển một số ngành công nghệ chủ chốt nhằm phục vụ không chỉ xây dựng đô thị thông minh mà còn làm cơ sở phát triển nền kinh tế thành phố trên nền tảng số.
2. Để đánh giá mức độ thông minh của đô thị, kết quả triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển thành phố thông minh, hiện nay ở nước ta đang tồn tại các Bộ chỉ số đánh giá được hướng dẫn từ các cơ quan khác nhau :
– Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn số 3098/QĐ-BTTTT ngày 13 tháng 9 năm 2019 công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0). Bộ chỉ số có khung kiến trúc gồm 03 lớp với 50 chỉ số. Lớp 1 : Người dùng ( Chính quyền, cá nhân, tổ chức- Lấy con người làm trung tâm); Lớp 2 : Dịch vụ đô thị ( Hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị); Lớp 3 : Hạ tầng công nghệ ( Định hướng và thúc đẩy của chính quyển đô thị). Về nội dung cơ bản không khác nhiều với khung kiến trúc thành phố thông minh đang được các địa phương áp dụng, tuy nhiên có sự khác biệt về cách phân lớp ( thiếu hẳn lớp hạ tầng chuyên ngành là nền tảng giúp triển khai áp dụng công nghệ), ngôn ngữ sử dụng ( không sát với các ngôn ngữ của chuyên ngành đô thị) và không bao quát được hết các lĩnh vực đô thị ( Phần giao thông thông minh còn thiếu nhiều nội dung).
– Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 37122: 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố về đô thị và cộng đồng bền vững – Các chỉ số cho đô thị thông minh bao gồm 19lĩnh vực với 70 chỉ số. Tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 37122:2019 và cùng với ISO 37120 giúp cho các đô thị nhận diện các chỉ số để áp dụng đánh giá phát triển đô thị bền vững và đô thị thông minh. 19 lĩnh vực có thể gộp lại thành 5 nhóm chính bao gồm : Kinh tế thông minh, quản trị thông minh, hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội thông minh và môi trường thông minh tương đồng với khung kiến trúc thành phố thông minh đang được áp dụng hiện nay ở nước ta. Bộ chỉ số đánh giá cụ thể, dễ áp dụng, bao phủ khá toadn diện các lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn.
– Bộ Xây dựng có văn bản số 6862/ BXD-PTĐT ngày 12/12/2024 “Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững – Phiên bản 1.0” để phục vụ công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phát triển đô thị thông minh, hướng dẫn áp dụng thử nghiệm đến 31/12/2026. Bộ tiêu chí gồm 17 nhóm tiêu chí với 60 tiêu chỉ cụ thể của 4 trụ cột : Quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị thông minh, các tiện ích đô thị thông minh và nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị. Các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh về cơ bản phù hợp với Bộ chỉ số ISO ISO 37122:2019.
Đề án xây dựng đô thị thông minh thành phố Đà Nẵng được ban hành vào năm 2018, trước thời điểm các Bộ chỉ số đánh giá về đô thị thông minh được áp dụng. Các chương trình dự án được đề xuất thực hiện trong đề án chỉ tập trung nhiều vào phần công nghệ (lớp hạ tầng công nghệ thông tin) chưa có các nội dung liên quan đến hạ tầng chuyên ngành và còn ít nội dung liên quan đến người dùng. Dựa trên các kết quả đạt được, mức độ phát triển của kết cấu hạ tầng, thành phố cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng các Bộ tiêu chí đang được khuyến khích áp dụng để xây dựng đề án xây dựng thành phố thông minh mới phù hợp với yêu cầu của tình hình mới hiện nay.
3. Phát triển giao thông thông minh cần được thực hiện đồng bộ cả phát triển hạ tầng kỹ thuật ( cầu, đường, nhà ga, bến cảng, thiết bị an toàn…), phương tiện kỹ thuật cho các phương thức vận tải ( tầu, thuyền, xe máy, xe đạp, ô tô…), người tham gia giao thông ( người đi bộ, người điều kiển phương tiện, người tham gia điều hành hệ thống giao thông…) và hệ thống công nghệ ( cảm biến, camera, đường truyền, dự liệu lớn, AI, trung tâm điều hành, ứng dụng…) giúp cho cả hệ thống hoạt động hiệu quả thông suốt, tiến tới tự động hóa hoàn toàn, tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người tham gia giao thông. Trụ cột giao thông thông minh của Đà Nẵng đã triển khai được một số nội dung về ứng dụng công nghệ, số hóa hệ thống dữ liệu, từng bước hoàn thiện các cấu phần để tiến tới tự động hóa từng phần quá trình quản lý và điều hành các hoạt động giao thông.Ngành giao thông Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện một đề án về phát triển giao thông thông minh, đó là lực lượng lao động kỹ thuật, tinh thần chịu đổi mới, và những thành quả công nghệ đã áp dụng. Đề án phát triển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng bao gồm một sô giải pháp cụ thể như sau :
– Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án về giao thông thông minh đã được phê duyệt bao gồm : dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến và giám sát đỗ xe. Tuy nhiên cần được nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới nhất, đồng thời mạnh dạn mở rộng áp dụng cả về công nghệ và không gian để càng nhanh càng tốt hoàn thiện số hóa tất các các lĩnh vực hoạt động của ngành, đẩy mạnh ứng dụng để giảm tối đa các thủ tục hành chính.
– Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật : Ban hành quy định về việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cần gắn với tiến trình thông minh hóa hoạt động giao thông, nhất là phải đảm bảo tiện ích người dùng từ khâu quy hoạch, thiết kế, thẩm định đến khâu đầu tư, xây dưng và khai thác vận hành. VD : Các công trình biển báo có thể tự thay đổi các nội dung cảnh báo theo thời gian thực, các dải phân cách có thể tự điều chỉnh để phân làn giao thông. Các công trình có thể đảm bảo cho các phương tiện có thể tự hành.
– Đối với hệ thống tín hiệu giao thông : Nghiên cứu áp dụng mô hình điều khiển giao thông tự động tại một số khu vực, một số nút giao thông hiện đang có hiện tượng ùn tắc. Triển khai hoạt động của đèn tín hiệu theo “làn sóng xanh”. Thực hiện các giải pháp hạn chế phương tiện theo thời gian thực, phân luồng, phân làn theo lưu lượng. Xây dựng bản đồ cảnh báo và thông tin tình trạng giao thông theo thời gian thực.
– Đối với phương tiện : Thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện chạy điện, phương tiện tự hành. Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giao thông chia sẻ. Nâng cao chất lượng dịch vụ cho giao thông công công như intenet miễn phí, vé và thanh toán điện tử, thông tin hành trình, điểm đến..
– Đối với bãi đỗ, điểm đỗ : Ứng dụng công nghệ thực hiện thu phí và quản lý bãi đỗ, điểm đỗ tự động. Xây dựng bản đổ điểm đỗ bãi đỗ, thông tin tình trạng trống chỗ, thời gian chờ đợi trông chỗ.
4. Phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh cần lực lượng lao động kỹ thuật, nhất là đội ngũ công nhân, kỹ sư có chuyên môn về công nghệ thông tin. Đồng thời đây cũng là thị trường tốt cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiến tiến tự nghiên cứu phát triển hoặc chuyển giao từ nước ngoài. Thành phố cần đánh giá toàn diện nhu cầu về việc làm, cơ hội về thị trường để xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đặt hàng cho các cơ sở giáo dục thực hiện, xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ, phát triển ngành công nghiệp thông tin đảm bảo đóng góp ít nhất 15% GRDP theo tinh thần NQ05 của Thành ủy.
5. Thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua liên tục được vinh danh ở vị trí cao ở cả trong nước và quốc tế. Kết quả này đạt được là do cố gắng nỗ lực của người dân thành phố, trong đó có vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tổ chức. Bài học này cần được tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới, giai đoạn chuyển mình của dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đột phá về khoa học công nghệ theo tinh thần NQ57 của Bộ Chính trị./. Chú thích ảnh: Một mạng lưới giao thông được quy hoạch tốt và quản lý hiệu quả là điều bắt buộc đối với bất kỳ thành phố thông minh (Smart city) nào. Đó là lý do Hệ thống giao thông thông minh ITS (Intelligent Transport System) cần được triển khai bên trong các thành phố.
Đặng Việt Dũng
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Chú thích:
[1] Klaus Schwab. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 2018, trang 201-279.
[2] Báo cáo tình hình triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành GTVT tháng 10.2024