- Giao thông đô thị bền vững
Phát triển bền vững (PTBV) là quan điểm phát triển hết sức tiến bộ của nhân loại, nó hoàn toàn không mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển. Hiện nay có hàng trăm vấn đề, lĩnh vực liên quan đến PTBV, có những vấn đề ở tầm vĩ mô, toàn cầu như biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học…, có những vấn đề ở tầm quốc gia, vùng hoặc chuyên ngành và Giao thông đô thị (GTĐT) phát triển bền vững là một đòi hỏi tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững của kinh tế – xã hội.
Trong chiến lược phát triển đô thị thì giao thông đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng đô thị theo hướng phát triển xanh và bền vững. Nhưng phát triển Giao thông đô thị bền vững (GTĐTBV) bao gồm những nội dung gì và triển khai thực thi thế nào? Đến nay, ở quy mô cả nước chưa có một quy định về một khung nội dung tiêu chí liên quan đến GTĐTBV để làm cơ sở đánh giá, định hướng và triển khai.
Phát triển GTĐT bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong hiện tại có tính đến sự gia tăng trong tương lai, phát triển hài hòa về cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông và tổ chức quản lý giao thông tương xứng với tốc độ đô thị hóa, tốc độc tăng trưởng nền kinh tế.
Phát triển bền vững giao thông đô thị còn phải đảm bảo kiểm soát được tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đảm bảo cho sự phát triển của giao thông mà không gây tác động xấu đến các hoạt động kinh tế, xã hội khác.
Để GTĐT phát triển xanh và bền vững nhất thiết phải xem vấn đề quy hoạch đô thị theo hướng giao thông công cộng làm nòng cốt trong sự phát triển đô thị (TOD). Phát triển GTCC bền vững luôn gắn liền với phát triển đô thị bền vững. Phát triển Giao thông công cộng bền vững là thiết lập một mô hình hệ thống giao thông công cộng hợp lý, bền vững, tạo điều kiện đi lại nhanh chóng, an toàn, thoải mái để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong đô thị và góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời phối hợp phát huy và không ngừng hoàn thiện chức năng hệ thống giao thông công cộng, thúc đẩy kinh tế xã hội và cải thiện môi trường thành phố.
- Về giao thông đô thị Đà Nẵng
Đà Nẵng hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc, thành phố vẫn không ngừng phát triển, đặc biệt có diện mạo đô thị mới trong đó có hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều công trình hạ tầng khu đô thị, các cây cầu con đường có ý nghĩa chiến lược đã được xây dựng. Nhà ga hàng không, cảng biển, ga đường sắt và đường quốc lộ, đường vành đai được đầu tư nâng câp mở rộng. Hệ thống các hạ tầng tiện ích xã hội được đầu tư quy mô và an toàn, tất cả những điều đó đã làm nên một diện mạo của thành phố trẻ, năng động, nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Trong quá trình phát triển, thành phố đã có những định hướng chiến lược phát triển với tầm nhìn xa và chính sách đúng đắn. Đã có nhiều nghiên cứu quy hoạch trực tiếp GTVT và các quy hoạch chiến lược từ những năm đầu thế kỷ 21 có liên quan đến GTVT đô thị như Chiến lược phát triển liên kết thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận 2010 (DaCRISS), nhằm xây dựng các chiến lược phát triển liên kết, đồng bộ giữa đô thị và vùng, đảm bảo một tương lai bền vững cho thành phố Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận. Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 23/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và đặc biệt Quyết định số 5030/QĐ-UBND, ngày 28/07/2014 về quy hoạch GTVT thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện quy hoạch này, dự kiến tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 là 65.677 tỷ VNĐ, đến năm 2030 là 155.477 tỷ VNĐ. Trong đó, dự kiến nguồn vốn thực hiện quy hoạch trên gồm được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại, mở rộng các hình thức BOT, BOT, PPP…
Nhìn nhận nội dung cùng quá trình triển khai các quy hoạch trên và thực tế diễn ra hằng ngày trong thời gian một vài năm gần đây, có thể nghiêm túc nói rằng GTVT Đà Nẵng hiện nay có chất lượng chưa tốt nếu như không muốn nói vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Nó thể hiện qua các thông số cơ bản như: tốc độ, thời gian hành trình; khả năng thông hành, năng lực hạ tầng, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị… Những chỉ tiêu trên đều chưa đạt mà rõ nhất là xuất hiện ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên và nhiều, trật tự đi lại, dừng đỗ và văn hóa giao thông thấp.
Sơ bộ đánh giá như sau:
Bảng 1. Đánh giá hiện trạng mạng lưới đường TP. Đà Nẵng
Mục | Nội dung | Nhận xét |
Đường bộ | Tổng chiều dài các tuyến là 915,84 km; trong đó: QL 116,43km; Đô thị 780km; đường tỉnh 99,92km; đường huyện 64,654 km; | Không cân đối |
Nút giao | Có gần 2.700 nút, hầu hết là giao nhau cùng mức; trong đó khoảng 107 nút có đèn giao thông | Bố trí nút giao không đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn quy định |
Bến, bãi | Có 2 bãi đỗ xe tập trung, còn lại chủ yếu đậu đỗ trên lòng đường | Thiếu so với nhu cầu hiện tại |
GTCC | 11 tuyến buýt đang hoạt động, có 72 điểm dừng đỗ và 13 nhà chờ; mật độ mạng lưới tuyến xe buýt là 0,222 km/km2; đảm nhận 0,9% nhu cầu đi lại | Tỉ lệ GTCC thấp; khoảng cách điểm dừng không hợp lý; hạ tầng xuống cấp. |
GT phi cơ giới (XĐ+Bộ) | Chưa có làn đường riêng | Chưa chú trọng đúng mức |
Hàng không | Sân bay có công suất phục vụ tối đa 4,5 triệu khách/năm, tiếp nhận 400.000-1 triệu tấn hàng/năm; tiếp nhận được các máy bay loại lớn, hiện đại. | Đáp ứng nhu cầu |
Đường sắt | Có tổng chiều dài khoảng 40,3km, khổ đường 1,0m bao gồm 06 nhà ga, trong đó có Ga Đà Nẵng là ga hạng I | Quy mô nhỏ; hạ tầng, trang thiết bị lạc hậu; ga cụt |
Cảng biển | Có 04 khu bến gồm: Tiên Sa, Liên Chiểu, Sơn Trà và Sông Hàn. Trong đó Cảng Tiên Sa là cảng nước sâu. | Đáp ứng nhu cầu hiện tại |
– Mạng lưới đường ngoài đô thị mất cân đối không đảm bảo 2 chức năng về giao thông và không gian.
– Mạng lưới đường không phân biệt rõ ràng (đường chính chủ yếu, thứ yếu, đường gom, đường nội bộ), không đảm bảo tỷ lệ % giữa các loại đường này với khả năng chuyên chở.
– Thiếu tuyến đường dành riêng cho xe tải.
– Hệ thống bến bãi thiếu so với nhu cầu hiện tại (đáp ứng khoảng 5% nhu cầu). Đã có đồ án quy hoạch bến bãi nhưng chưa đủ cơ sở đánh giá đủ, thiếu do không có chính sách quản lý nhu cầu, giải pháp kiểm soát, hạn chế phương tiện.
– Tỉ lệ đảm nhận nhu cầu đi lại của GTCC thấp (0,9%), kém rất xa so với tiêu chuẩn cũng như mô hình phát triển GTĐT của các nước trên thế giới và sẽ là rất khó để đạt được mục tiêu trong đề án QH 5030/QĐ-UBND ngày 28/7/2014.
– Thiếu liên kết phương thức hạ tầng: đường sắt với đường bộ và cảng biển;
– Chưa có hệ thống tiếp cận giao thông công cộng, chưa có kết nối với đi bộ, đi xe đạp (Giao thông xanh).
– Thiếu các tuyến đường liên kết trong hệ thống đường phố như đường vành đai và đường hướng tâm, các đường khu vực với các đường chính. Các thành phần trong hệ thống giao thông chưa có sự kết nối, tương tác hỗ trợ nhau. Hệ thống đường sắt không kết nối với đường bộ; GTCC chưa liên lạc được với vận tải hàng không.
– Quy hoạch, thiết kế và sử dụng mặt cắt ngang đường phố cũng chưa thỏa mãn 2 chức năng (Giao thông và Không gian kiến trúc cảnh quan). Chính việc này còn làm gia tăng khả năng sử dụng phương tiện cá nhân.
– Hệ thống các nút giao chủ yếu là nút giao cùng mức, tổ chức và điều khiển giao thông không đồng bộ (chu kỳ đèn, phối hợp trục…), không có quy hoạch tổ chức và điều khiển giao thông.
– Không có tuyến đường dành riêng cho xe tải do đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của nhân dân đô thị dọc tuyến (tiếng ồn, tai nạn giao thông, khói bụi…).
– Tỷ lệ cơ cấu phương tiện chưa hợp lý: Đà Nẵng là đô thị loại 1, nhưng tỷ trọng đảm nhận của giao thông công cộng thấp, chỉ có gần 1%. Mặt khác, do cấu trúc đô thị Đà Nẵng có chiều ngang thành phố hẹp nên việc đảm bảo nhu cầu chuyến đi thường khoảng cách không lớn, điều này tạo cho thói quen đi lại của người dân Đà Nẵng đến nay chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân. Đây là một khó khăn lớn trong việc phát triển giao thông đô thị.
– Hiện trạng chưa có làn đường dành riêng, đèn tín hiệu ưu tiên tại nút giao cho phương tiện GTCC; không có cho làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ cũng như các chỉ dẫn hỗ trợ tìm đường. Quy hoạch có đề cập, tuy nhiên thật sự chưa có quan tâm đúng mức cũng như không có dự án nào triển khai cụ thể. Đây cũng là vấn đề khó khăn trong việc phát triển giao thông xanh.
– Chưa thấy có sự đồng bộ trong đầu tư giữa đường bộ và đường thủy, tạo nên những hiện trạng chia cắt giao thông nội bộ, không khuyến khích phát triển lợi thế ngành kinh tế như du lịch, vận tải đường sông.
– Gần đây vấn đề bãi đậu, đỗ xe ở khu vực trung tâm đã thực sự bức xúc, nếu không có hoặc chậm có giải pháp đầu tư các bãi đậu thì chỉ một vài năm tới sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí không còn đường cho xe chạy (hiện nay xe đạp đã không còn lối đi).
– Chưa có quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan trên tuyến; hệ thống công trình ngầm. Với quỹ đất hạn hẹp, được định hướng phát triển du lịch là mũi nhọn, Đà Nẵng nhất thiết phải khai thác mạnh về không gian ngầm và phát triển giao thông trên cao phải được tính đến.
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng giao thông hiện nay? Chắc chắn là rất và rất nhiều nguyên nhân nhưng theo chúng tôi cái gốc của vấn đề – nguyên nhân cơ bản là vấn đề công tác QUY HOẠCH. Công tác quy hoạch mà chúng tôi nói ở đây không chỉ là quy hoạch đô thị hay quy hoạch giao thông vận tải mà bao gồm nhiều nội dung quy hoạch liên quan đến các ngành, lĩnh vực khác như: quản lý hành chính, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, quản lý sử dụng đất, tổ chức bộ máy… Trong khuôn khổ của Hội thảo này bàn về phát triển bền vững thành phố, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến một số vấn đề về quy hoạch, quản lý và khai thác GTVT đô thị.
Như vậy quy hoạch GTĐT phải được xem xét trong mối tương tác với các yếu tố trên xuất phát từ quan điểm kết nối. Đó là quan điểm nhìn nhận hệ thống GTĐT chịu tác động của nhiều yếu tố, như hình 1. Lý luận về kết nối là sự phân tích tác động qua lại giữa các yếu tố với nhau để từ đó tìm ra quy luật, mô hình hay khuynh hướng tích cực.
Ví dụ về kết nối GTĐT với sử dụng đất:
Nhu cầu đi lại là giá trị to lớn, là quyền cơ bản của con người. Chúng ta luôn mong muốn có thể đi lại một cách tự do, an toàn, nhanh chóng, với chi phí hợp lý. Vì thế phải thừa nhận không thể hạn chế nhu cầu đi lại của con người mà phải đáp ứng một cách tốt nhất. Nhu cầu di chuyển (hàng hóa và hành khách) luôn tăng theo quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhu cầu đi lại của hành khách phụ thuộc vào sự phát triển dân số, nhu cầu vận chuyển hàng hoá phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế. Nên cần phải nhìn vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, mỗi thành phố mà dự báo và quản lý nhu cầu di chuyển để nhằm đến mục tiêu rút ngắn hành trình đi lại làm giảm thời gian tồn tại nhu cầu của người và hàng hóa, giảm nhiên liệu, giảm khí thải ra môi trường, giảm ô nhiễm tiếng ồn, giảm ách tắc, giảm tai nạn,… Trong tư duy các nhà hoạch định GTVT trên thế giới, vấn đề rút ngắn hành trình đi lại ở đây là rút ngắn quãng đường đi. Vì vậy, vấn đề ở đây là Quy hoạch sử dụng đất sao cho cấu trúc không gian đô thị giảm thiểu các chuyến đi nhưng vẫn đảm bảo thỏa mãn nhu cầu đi lại.
3. Giải pháp chính cho phát triển GTĐTBV thành phố Đà Nẵng
- Sớm nghiên cứu hoàn chỉnh xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại trong quan hệ đồng bộ với qui hoạch GTĐT, QH sử dụng đất, Quản lý nhu cầu giao thông (TDM-Transportation Demand Management: quản lý phương tiện, kiểm soát nhu cầu đi lại). Cụ thể:
– Nghiên cứu phát triển mạng lưới BRT (hiện đang thực hiện trong dự án PTBV) kết nối hiệu quả hệ thống xe bus thường, xe buýt CLC, các phương tiện đường bộ, sắt, thủy, hàng không và xe đạp, bộ hành thông qua các việc nâng cao khả năng tiếp cận.
– Nghiên cứu quy hoạch phát triển giao thông trên cao (monorail cho tuyến Hải Vân – Sơn Trà, Đà Nẵng – Hội An), tàu điện ngầm.
– Xây dựng hệ thống giao thông công cộng có cạnh tranh: Giao thông công cộng phải thu hút người sử dụng xét về tính an toàn, thuận tiện, đúng giờ, nhanh, giá cả phù hợp.
=> Phát triển giao thông công cộng hiệu quả và đạt năng suất cao là chìa khoá cho sự phát triển bền vững của giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng trong tương lai.
- Quy hoạch và xây dựng các bãi đậu xe hiện đại: Khu vực các quận nội thành Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà… (theo tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh (3-5) % diện tích đất xây dựng. Thực hiện mô hình Park + Ride, Bike + Ride.
- Nghiên cứu ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong công tác Quản lý GTĐT, tổ chức và điều khiển giao thông.
– Trang bị hệ thống camera CCTV và hệ thống dò xe để theo dõi tình hình giao thông (input);
– Quy hoạch tối ưu mạng lưới nút giao thông điều khiển bằng tín hiệu đèn; phối hợp làn sóng xanh.
– Quy hoạch tổ chức phân luồng giao thông trên một số tuyến chính nội thành, vành đai;
– Hiện đại hóa Trung tâm điều khiển giao thông gồm có wall image và các thiết bị ngoại vi truyền dẫn tín hiệu thông minh;
– Nghiên cứu tích hợp (intergrate) các giải pháp chống ùn tắc và đảm bảo ATGT (on 9E integrated solutions: Engineering, Education, Enforcement, Evaluation, Environment, Electronic, Encouragement, Emergency, Economic);
– Phát triển hệ thống thông tin địa lý GIS của thành phố trong quản lý ATGT và các ứng dụng khác: Tích hợp Bộ số liệu về điều kiện đường, điều kiện giao thông, điều kiện tổ chức và điều khiển giao thông; Cung cấp hệ thống thông tin cứu hộ, cứu nạn đường bộ sau khi nhận tín hiệu đầu vào từ CCTV (input); Cung cấp hệ thống thông tin tới người sử dụng qua hệ thống biển báo VMS, GMS (output); cảnh báo Ùn tắc, Tai nạn giao thông qua phần mềm trên Smartphone.
– Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin lữ hành (xe buýt, tầu hỏa, tầu thủy, máy bay).
– Quản lý tải trọng (cân, thu phí) trên các tuyến vành đai, trục chính đô thị;
– Phát triển công nghệ tích hợp theo hướng du lịch thông minh và bền vững (Nghiên cứu, phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và chính phủ điện tử. Đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước KC01/16-20, trong đó có ITS).
- Quy hoạch hệ thống biển quảng cáo, dịch vụ, nhà hàng, cửa hiệu trong công tác quản lý, khai thác sử dụng không gian mặt cắt ngang đường phố, vỉa hè… (Mất trật tự, không văn minh và sai chức năng sử dụng).
- Nghiên cứu tổng thể quy hoạch kết nối GTVT trên cơ sở liên kết chiến lược phát triển cả vùng miền Trung – Tây Nguyên và hành lang đông tây mà Đà Nẵng là thành phố hạt nhân
a) Kết nối đứng:
– Kết nối thể chế, chính sách giữa các cấp chính quyền,
– Kết nối các cơ quan quản lý từ TW đến địa phương,
– Thứ thự ưu tiên trong Quy hoạch phát triển GTVT.
b) Kết nối ngang: Kết nối giữa ngành GTVT với các quy hoạch khác (công nghiệp, du lịch – dịch vụ, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian đô thị).
c) Kết nối ngành: Kết nối giữa các yếu tố, thành phần trong ngành GTVT (CSHT giao thông, phương tiện, hệ thống quản lý, cơ sở dịch vụ của ngành, các văn bản, Luật định v.v…).
d) Kết nối không gian: Bố trí hợp lý không gian sử dụng giữa các loại hình GTVT và giữa hệ thống GTVT với các khu đô thị.
e) Kết nối thời gian:
– Tầm nhìn – Dài hạn – Trung hạn – Ngắn hạn,
– Sự tương thích về thời gian hành trình giữa các loại hình GTVT.
- Xây dựng Trung tâm Quản lý rủi ro, cảnh báo và ứng phó thiên tai của thành phố
Phối hợp ĐH Đà Nẵng – ĐH Yokohama Nhật bản thực hiện các nghiên cứu song phương như: Phát triển công nghệ quan trắc sức khỏe công trình cầu đường phục vụ công tác quản lý khai thác hiệu quả.
- Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phát triển giao thông đô thị bền vững cho thành phố Đà Nẵng trên cơ sở phân vùng đô thị của Đà Nẵng ở 6 vùng chuyển tiếp như sau:
a) Vùng Tự nhiên (núi)
b) Vùng Nông thôn
c) Vùng Ngoại ô
d) Vùng Đô thị
e) Vùng Trung tâm đô thị
f) Vùng Lõi đô thị
Hiện thành phố đã có bộ chỉ số Xanh và phát triển bền vững theo QĐ số: dựng Bộ chỉ số Xanh và phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, Ngân hàng thế giới chuẩn y và UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt theo Quyết định số 3715/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 (là bộ chỉ số đầu tiên được xây dựng cho đô thị Việt Nam).
- Nghiên cứu phát triển mô hình ảnh hưởng nhân tố con người (Human Factor) trong hoạt động GTĐT: Develop model of human impact on exploitation effectiveness in urban transport
- Nghiên cứu lộ trình: thời gian và thời điểm ứng dụng phù hợp của từng giải pháp, có đề xuất cụ thể cho giai đoạn trước mắt, đến năm 2030, đến năm 2050 và có tính kế thừa.
- Nghiên cứu quy hoạch bổ sung ngay phát triển không gian ngầm, để có thể kiểm soát và tránh việc phải đập phá di dời lớn sau này.
Tài liệu viện dẫn:
- Bộ Xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng – QCXDVN 01:2008/BXD.
- UBND TP Đà Nẵng, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- UBND TP Đà Nẵng, Quyết định số 5030/QĐ-UBND, ngày 28/07/2014 về QHGTVT thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 20303.
- PGS.TS. Nguyễn Quang Đạo, Một số nguyên tắc chính trong quy hoạch giao thông vận tải đô thị.
- Nguyễn Quang Đạo và các Cộng sự (2014), Tài liệu liên quan đến nghiên cứu về Phát triển bền vững và Giao thông bền vững.
- Phan Cao Thọ (2013), Application of the traffic flow theory to a study on solutions of traffic congestion prevention in Vietnam urban areas. Journal of Science and Technology No. The University of Danang. Số: 6. Trang: 68-74.
- Tho, Phan Cao, Vu Tran Hoang (2016), Development of Warning System for Intelligent Transport Systems in the Road Traffic Network Passing Through the Central Provinces of Viet Nam, International Journal of Engineering Research & Technology (IJERT). No: Volume. 5, Issue. 09, ISSN: 2278-0181. Pages: 31-36. Year 2016.
- 8. Phan Cao Thọ, Nghiên cứu ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong hoạt động quản lý giao thông ở một số đô thị lớn Miền Trung Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, Mã số CNTT – 02, 2017.
- Phan Cao Thọ, Xây dựng bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững cho các đô thị lớn ở Việt Nam, trường hợp của thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ ĐHĐN số 11(108).2016 quyển 2, trang 235-240
- Phan Thái Bình, (2016, Nghiên cứu nội dung khung phát triển giao thông đô thị bền vững và định hướng áp dụng vào thành phố Đà Nẵng, ), Luận văn cao học – ĐH Đà Nẵng.
- PGS.TS. Lưu Đức Hải (2012), Quy hoạch giao thông đô thị bền vững, nhà xuất bản Xây dựng.
- Edited by Mike Jenks, Katie Williams. The Compack City _ A Sustainable Urban Form. 1996 E & FN Spon.
- Andrea Broaddus, Todd Litman, Gopinath Menon (2009), Sustainable Transport:A Sourcebook for Policy-makers in Developing Cities Module 2d: Transportation Demand Management.
- United States Environmental Protection Agency (2010), Guide to Sustainable Transportation performance measures.
PGS.TS Phan Cao Thọ
Đại học Đà Nẵng