ĐỨNG TRƯỚC TÒA NHÀ BẢO TÀNG MỚI
Chiều nay lòng tôi khấp khởi mừng vui cùng với các bà các cô lấy phông tòa nhà bảo tàng mới (được cải tạo, tân trang từ tòa nhà làm việc Hội đồng nhân dân thành phố) chụp những bức ảnh đẹp đưa lên facebook. Đến nay tòa nhà từng bước hiện hình một địa chỉ văn hóa mang giá trị cao, tọa lạc trên vị trí chiến lược của tuyến đường Bạch Đằng, xa xưa là tòa nhà Pháp cổ được thiết kế theo phong cách Tân Cổ điển có hình thức đối xứng đơn giản, mặt đứng tòa nhà hướng thẳng ra bờ sông Hàn với một không gian thoáng đãng.
Tôi đứng bên bờ kè lấn ra mặt nước sông Hàn trong nắng đẹp chiêm ngưỡng tòa nhà mới rực rỡ làm sao, từ tòa nhà Pháp cổ gợi trong tôi ký ức đường Bạch Đằng (rue Courbet). Đây là con đường trung tâm của thành phố sầm uất gắn với kỷ niệm tuổi thơ, có bến tàu, đường hỏa xa và các tòa nhà lớn của các công ty thương mại, nhớ những lần đến Bưu điện gửi thư, nhớ những lần tắm sông bên bến phà. Ký ức êm đềm lại hiện về trong tôi những chiếc xích lô, những cư dân lao động buôn gánh bán bưng trên vỉa hè, nhớ thương làm sao chiếc Renault cổ lỗ của hãng Staca chở khách trên đường.
Cũng từ tòa nhà Pháp cổ gợi nhớ trong tôi kỷ niệm xa xưa lang thang trong khu vực thành Điện Hải, vào viếng nhà nguyện mà nghĩ về thân phận những người lính viễn chinh, nghĩ về những chiến sĩ vô danh xả thân vì Đà Nẵng, vì đất nước thân yêu. Gợi nhớ những chiều vào nhà thờ Chính tòa- gọi là nhà thờ Con Gà xem người ta làm lễ, rồi đạp xe ngắm các phố Tây và công sở phần lớn nằm trên các trục đường chính. Tôi đi qua đi lại lắm lần trên đường đi học, để ý thưởng ngoạn những toà nhà cổ được xây dựng với hình thức kiến trúc phương Tây. Tôi còn thấy những bảng tên đường xưa kia là khu dân cư Tây mang tên những danh nhân Tây đúc bằng xi măng khá thẩm mỹ đặt ở góc đường như Quai Courbet (Bạch Đằng), Jules Ferry, Rue de Musée (Trần Phú), Francis Garnier, Marc Pourpe (Lê Lợi, Phan Châu Trinh).
Dường như ngày ấy tôi sao mà giống chàng trai Tế Hanh: “Những ngày nghỉ học tôi hay đón những chuyến tàu đi đến sân ga/ Tôi đứng bâng khuâng nghe tiễn biệt, lòng buồn đau nặng nỗi chia xa”. Những năm tôi học đệ thất (lớp sáu bây giờ, năm 1969) tôi vẫn còn thấy đường rail hỏa xa và Ga phụ chạy dọc sông Hàn. Tàu hỏa chuyển hàng hóa và khởi hành tại đây, tàu chạy bằng than, phun khói mù mịt, thỉnh thoảng có kèm theo tro lửa, hèn chi người ta gọi “tàu lửa”. Ga Chợ Hàn (Gare de Tourane Marché) được xây dựng trong những năm 1940 nhằm thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng hóa đi các nơi trong nước. Sau này không còn hoạt động biến thành chợ, tôi có đến uống cà phê ở đây vài lần.
***
Nhiều bạn bè phê bình tôi hay hoài niệm, nhớ tiếc quá khứ. Tôi công nhận nhớ tiếc cũng chẳng được gì khi người ta đã mạnh mẽ, quyết tâm bước vào xu thế thời thượng. Tôi lấy làm buồn nhưng phải chấp nhận sự chuyển mình trong quá trình đô thị hóa. Khu dân cư và các công trình công thự mới đã được mọc lên, các ngôi biệt thự cổ dần biến mất. Tôi thấy ái ngại cho sự tồn tại của những công trình Pháp cổ còn sót hiếm hoi trên thành phố. Nhiều người xem chúng là những công trình lỗi thời, không quan tâm về giá trị lịch sử và giá trị di sản của chúng, rất ít người sử dụng các giá trị này phục vụ nhu cầu du lịch.
Tôi thấy một số nhà Pháp cổ nay không còn, lúc xưa đi học nhiều lúc tôi trầm trồ trước cảnh đẹp hài hòa giữa xưa và nay của nó, thầm mong nó được bảo quản lâu dài. Hiện nay quá nhiều công trình mới được xây dựng trong một cơ cấu đô thị hoàn toàn khác biệt, vì thế những công trình Pháp cổ đã dần biến mất, thay vào đó là những công trình, những dự án với lối kiến trúc hoành tráng, khá xa lạ so với phong cách đã từng có trước đó.
Dù sao tôi cũng lấy làm vui mừng vì Đà Nẵng còn giữ gìn một số tòa nhà Pháp cổ, sử dụng cẩn thận và hầu như chưa có sự thay đổi lớn nào. Vẫn còn đó công trình có giá trị nổi trội, có khả năng trở thành những công trình nghệ thuật như: Bảo tàng điêu khắc Chăm, Tòa nhà Hội đồng nhân dân thành phố nay là Bảo tàng mới.
Nguyễn Phin
Chuyên đề Đô thị