Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / ĐÔ THỊ THỪA THIÊN HUẾ ĐẶC ĐIỂM LỊCH SỬ VÀ LUẬN CHỨNG PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ THỪA THIÊN HUẾ ĐẶC ĐIỂM LỊCH SỬ VÀ LUẬN CHỨNG PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ THỪA THIÊN HUẾ ĐẶC ĐIỂM LỊCH SỬ VÀ LUẬN CHỨNG PHÁT TRIỂN

Cuộc hội thảo đã được Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế chuẩn bị trong một thời gian khá dài, đủ để cho các bản tham luận, các đề xuất đạt được độ chín muồi, đạt được phần nào sự mong đợi của ủy ban nhân dân tỉnh và giới chuyên môn.

Các chuyên gia thuộc nhiều các lĩnh vực, các nhà quản lý đã gửi tới hội thảo 17 bài tham luận, tuy rất phong phú về nội dung, song có một điểm chung – chúng đều lấy văn hóa làm xuất phát điểm. Điều này thật dễ hiểu, Huế là đô thị của văn hóa và do vậy, ứng xử duy nhất phù hợp với Huế phải là ứng xử đặc biệt văn hóa.

Chủ đề hội thảo gồm 2 phần: Đặc điểm lịch sử và Luận chứng phát triển. Chúng gắn chặt hữu cơ với nhau, nội hàm sau đi ra tự nhiên từ nội hàm trước. Chúng gợi mở cho ta một chuỗi logic: Đô thị văn hóa Tiếp cận văn hóa – lịch sử Luận cứ cho sự hoạch định chiến lược phát triển Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển thành phố. Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển trân trọng giới thiệu những nhận định và tổng kết tại Hội thảo của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đến với bạn đọc.

Phần 1: Đặc điểm lịch sử

Đã có nhiều sinh hoạt khoa học đề cập đến cục diện này và nhiều vấn đề đã được soi rọi với độ sâu và nông khác nhau. Các tham luận ở hội thảo lần này góp phần củng cố thêm một số vấn đề mà sẽ hữu ích cho việc làm sâu sắc hơn tư duy chiến lược cho phát triển Huế.

Đó là:

– Bề dày lịch sử, qua các triều đại và giai đoạn Trần – Hồ – Lê – Mạc – Chúa Nguyễn – Tây Sơn – Nhà Nguyễn.

– Các địa danh lịch sử gắn liền với các giai đoạn định hình và phát triển các cấu trúc thành lũy – hành chính – cộng cư trên địa bàn Thừa Thiên – Huế ngày nay, như Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân, Bác Vọng …

 – Đặc biệt, dấu vết thành lũy Hóa Châu, chứa đựng các yếu tố Champa và Trần, được phát lộ và bước đầu mô tả bởi các nhà khảo cổ học trong nước và ngoài nước, được trình bày ở hội thảo này, sẽ góp phần kiện toàn bản đồ văn hóa vật thể của đất Thừa Thiên – Huế, mà cho đến nay hầu như thiếu khuyết các vết tích giai đoạn lịch sử dài lâu trước thế kỷ XIX.

– Lịch sử xây dựng, đặc điểm quy hoạch và kiến trúc của kinh thành, của kinh đô; các loại hình công trình kiến trúc cung đình, các làng cổ và cũ vùng ven.

– Ở hội thảo này có  một số tham luận đề cập tới vị thế của Huế, của di sản văn hóa – lịch sử Huế, của thành phố Huế hôm nay trong toàn bộ nền cảnh đô thị Việt Nam, nhấn mạnh tính kiệt xuất, tính tinh hoa, tính tổng thể, tính đồng bộ và sự phong phú của di sản đô thị.

Phần 2: Luận chứng phát triển

Ở nội dung đầu ra này, một phần lớn các tham luận đã đưa ra những quan điểm, những ý tưởng và đặc biệt, những luận cứ cho chiến lược phát triển mở rộng thành phố Huế, dựa vào thế mạnh của các tác giả về sự hiểu rõ tính chất hết sức đặc trưng  của đô thị này, sử dụng hiệu quả cách tiếp cận văn hóa lịch sử. Có thể tóm tắt một số nôi dung đã được xem xét và được sự thống nhất cao.

Đó là:

1. Huế là đô thị – di sản, chứ không phải đô thị sở hữu những di sản. Ở ta, Huế duy nhất là đô thị – di sản.

Đô thị – di sản Huế cấu thành bởi 3 thành tố: di sản thiên nhiên, di sản kiến trúc đô thị, di sản văn hóa – nhân văn.

– Di sản thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên của vùng đất Thừa Thiên – Huế đặc sắc và phong phú, một hình ảnh nước Việt Nam thu nhỏ và cô đọng, với núi, rừng – sông, hồ, đầm, vạc – bãi biển – ruộng đồng… đã có sự can thiệp của con người, đã là di sản không chỉ với nghĩa “ cái còn lại” mà còn với nghĩa từ sự hiện hữu của cảnh sắc riêng biệt nơi chốn – con người Thừa Thiên – Huế.

– Di sản kiến trúc đô thị của Huế không chỉ là quần thể kiến trúc cung đình nhà Nguyễn được quốc tế công nhận, mà là một quỹ tích lũy vật chất – văn hóa – đô thị đồ sộ, chưa hề được kiểm kê và đánh giá đầy đủ, bao gồm phức hợp di sản kiến trúc của một kinh đô thời phong kiến duy nhất còn lại ở nước ta, các làng cổ và cũ nội đô, các khu phố thị, khu phố xây dựng thời thuộc địa và thời chuyển tiếp, các không gian thiên nhiên mở thuộc đô thị mà lại đô thị hóa mềm mại theo cách riêng của Huế; Sự hiện hữu đầy đủ các loại kiến trúc đô thị và dân gian mà không một chốn thị thành nào ở ta có được; sự chuyển hóa mềm và hòa quyện của các thành phần kiến trúc – không gian có chức năng và hình thành ở các thời kỳ khác nhau – tựu chung đó là một thực thể gắn kết hữu cơ từ trong ra và từ ngoài vào trong một thể đô thị trọn vẹn, chưa tách lìa, duy nhất ở nước ta.

– Di sản văn hóa – nhân văn của Huế và vùng đất Thừa Thiên – Huế cần phải được hiểu rộng, không chỉ nhã nhạc và không chỉ những gì dễ dàng gọi tên ra, mà là nền văn hóa thành thị của đất kinh đô với vùng lãnh thổ mà nó lan tỏa. Đó là nguồn vốn liếng tích tụ bởi những điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt, với nhân tố con người và cộng đồng dân cư Huế. Nếu đi vào thật sâu và hiểu cho thật tường tận, thì chúng ta phải thừa nhận, ở mảnh đất cố đô và vùng cố đô cho đến nay còn tồn tại và quan trọng hơn còn sức sống đủ khỏe và đủ bền, một nền văn hóa thành thị – kinh kỳ chuyên biệt, hàm chứa những tinh hoa, những biểu hiện kinh điển, cả một hệ gian “cho sự kế thừa”. Chẳng những cho Huế mà cả cho việc gây dựng lại và phát triển tiếp nối văn hóa sống nơi thị thành ở ta khỏi hiện tại

2. Trong các tham luận, có thể lần đầu tiên đạt sự thống nhất cao, thể hiện sự nhận thức chung và đi từ bản chất đó là : Di sản văn hóa ( theo cách hiểu rộng) của Huế và vùng đất Thừa Thiên – Huế phải được coi là một trong những động lực cho phát triển thành phố, đồng thời là động lực hệ trọng bậc nhất cho con đường phát triển theo cách riêng của Huế và có vai trò quyết định trong sự tạo lập hình thái riêng của thành phố này. Di sản là động lực, là xuất phát điểm cơ bản, là yếu tố tạo thị trong bài toán vĩ mô của chiến lược phát triển sẽ đóng vai trò từ các phương diện như tính chất chủ đạo của đô thị, thế mạnh tiềm tàng và hướng đi của nó, hình thái đặc trưng cho cấu trúc không gian và diện mạo, sự khác biệt cùng sức cạnh tranh đô thị…

3. Từ chủ đề hội thảo, từ cách tiếp cận thiên về văn hóa – lịch sử và nhân văn, các nhà nghiên cứu đã trình bày những quan điểm, luận cứ và cả những ý tưởng cần được chú trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển thành phố.

– Tên gọi, Huế hay Thừa Thiên – Huế? Bộc lộ rõ suy nghĩ về sự níu kéo, giữ lại cho được cái tên “Huế”, không chỉ là cả một di sản – cơ ngơi độc nhất vô nhị, mà còn là cái cốt và cái nền cho sự phát triển, mà còn là “thương hiệu”.

– Tính chất nào cho thành phố Huế mở rộng trong tương lai gần và xa: văn hóa – sinh thái – du lịch… hay là sự tổng hợp vào một vài yếu tố – động lực, trong một sự cân đối duy nhất pha hợp. Chúng ta thống nhất cao đó ở chỗ, dù thế nào đi chăng nữa, thì văn hóa vẫn có vai trò bao trùm lên tất cả, quyết định tính chất cơ bản và nổi trội của thành phố Huế. Dĩ nhiên, văn hóa cần được hiểu theo nghĩa rộng và từ thái độ ứng xử?

– Chúng ta ít nhiều đã đề cập tới hình thái tương lai của thành phố trong chiều hướng mở rộng vượt bậc. đã có sự thống nhất về một cấu trúc đô thị vĩ mô – Huế hiện nay, cấu thành bởi đô thị hạt nhân là thành phố Huế hiện hữu và hệ thống các đô thị cùng các cấu trúc dạng đô thị vệ tinh.

– Chúng ta đặc biệt lưu ý về sự nhất thiết duy trì và củng cố vai trò cùng hình ảnh của đô thị – hạt nhân, mở rộng thành phố về phía Đông và phía Nam, coi trọng đặc biệt việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, diện tích ruộng đồng, căn cơ trong việc sử dụng đất, dành phần cho con cháu

– Các tham luận đề cập, ở các mức độ khác nhau, các hướng trong sự lựa chọn chiến lược phát triển thành phố như:

Phát triển tiếp nối, với tư cách là một nhận thức từ bản chất và với tư cách một cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Phát triển cân bằng, với sự nhấn mạnh đòi hỏi một sự tư duy cẩn trọng, thực tế và có bề dài trong sự lựa chọn hoặc kết hợp các động lực phát triển, đảm bảo tính hài hòa nhất thiết cho Huế vốn dĩ đang hài hòa, dù chưa phát triển

Phát triển cân đối, giữa chiều rộng và chiều sâu. Mở rộng lãnh thổ và tạo dựng cơ ngơi vật chất – kỹ thuật của thành phố mới, song không thể lãng quên việc duy trì bền lâu và kiện toàn đô thị cũ là hạt nhân

Cần có sự cân nhắc cẩn trọng và thường xuyên về khả năng thực tế của các nguồn lực đầu tư; chọn con đường phát triển chắc và gọn, không tạo nên những mâu thuẫn, những thách thức và những ứ tồn cho mai sau.

Một số tham luận đề cập đến sự cần thiết và khả năng thực tế của sự chuyển hóa không gian và hình thái từ đô thị cũ sang các khu đô thị mở rộng; sự cần thiết phải tham khảo các kinh nghiệm từ các đô thị – di sản ở nước ngoài như Kyoto, S. Peterburg, Venice…

4. Hội thảo đã góp phần soi rọi và làm rõ hơn nhiều cục diện trong chiến lược phát triển thành phố Huế mở rộng, tuy nhiên cũng lưu ý về sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu sâu và cụ thể hóa nữa nhiều vấn đề mấu chốt khác, như:

– Điều tra, khảo sát và nghiên cứu từ nhiều phương diện con người truyền thống văn hóa cộng đồng dân cư Huế, trong đó có các phương diện dòng họ và gia tộc, gốc gác truyền thống gia đình, nền nếp sống – gia phong, các truyền thống và giá trị trong các mối quan hệ cộng đồng, các lễ lạt, phong tục, tín ngưỡng và các biểu hiện đời sống tâm linh khác, kiến trúc cư trú – kiến trúc cộng đồng – tín ngưỡng, làng nội đô và làng ven…

– Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phối hợp với đô thị di sản trong điều kiện mở rộng thành phố gấp bội.

– Bằng cách nào có thể thực hiện chuyển tải những tài sản cũng như giá trị văn hóa – tinh thần vào chiến lược, vào quy hoạch và vào thực tiễn phát triển đô thị.

– Mô hình nào cho thành phố Huế với tầm nhìn phát triển đến năm 2030, năm 2050?

– Những định hướng nào mang tính chiến lược cần được chọn cho hướng phát triển lâu dài, vừa duy trì được tính chất cùng thương hiệu sẵn có, đảm bảo tính bền vững, mà vừa tạo ra những xung lực mới, thực chất, cho thành phố này phát triển vượt bậc.

– Làm thế nào để thành phố Huế tăng cường hơn nữa sức hút nhân tài vật lực, sức lan tỏa văn hóa và các thế mạnh khác, trong công việc phát triển quốc gia, đặc trưng một phần bởi sự bứt phá và cạnh tranh của các đô thị và các miền đất.

Hội thảo chúng ta ghi nhận sự chuẩn bị dày công của Ban tổ chức, của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế, đánh giá tích cực tính chất và hiệu quả khoa học – tư vấn của hoạt động rất hệ trọng và nhất thiết này. Chúng ta tha thiết mong mỏi các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, các cơ quan tham mưu và quản lý nhà nước, các tổ chức đó vẫn sẽ tiếp tục tổ chức tham khảo và lắng nghe những ý kiến, những đề xuất của giới khoa học xã hội và nhân văn, của giới tri thức và dân Huế.

Chúng ta chung hoài bão về một thành phố Huế tương lai, đẹp và giàu xứng tầm với nó.

GS.TS. KTS. HOÀNG ĐẠO KÍNH

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *