Đà Nẵng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương – là hạt nhân tăng trưởng phát triển vùng miền Trung – Tây Nguyên. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng ra đời cùng với hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ. Đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, bộ mặt đô thị ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng trong thời gian qua của thành phố cũng để lại nhiều hệ lụy như: áp lực gia tăng dân số kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao đột biến; hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đã dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng khi mưa, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép và sai phép, ô nhiễm môi trường…; việc khai thác đất phát triển nóng về phía Đông, xem nhẹ phía Tây dẫn đến nguồn đất đai xây dựng dần cạn kiệt; đặc biệt là chủ trương phát triển nhà ở đô thị theo hình thức phân lô, bán nền, làm cho không gian đô thị chưa tạo được dấu ấn cảnh quan đô thị đặc trưng. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng theo kiểu phong trào, nhất là các khu cảnh quan tự nhiên và dọc các bãi biển thiếu quy hoạch tổng thể chung dẫn đến việc mất đi các không gian sinh hoạt cộng đồng, phá vỡ cảnh quan, di sản tự nhiên bị xâm hại,… Việc khai thác quá mức các dự án nghỉ dưỡng trải dài dọc bãi biển dẫn đến nguy cơ sụt lún do mực nước ngầm bị hạ thấp dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bền vững… Thêm vào đó, mục tiêu phát triển đô thị Đà Nẵng đến năm 2030 dự báo khoảng 2,5 triệu dân gần gấp đôi so với dân số hiện nay, trong vòng 10 năm tới là những thách thức lớn mà Đà Nẵng phải đối mặt.
– Hội thảo lần này với chủ đề: “Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng” là một việc làm mang tính thời sự và cấp bách. Năm 2013 tại Quyết định số 2357/TTG của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sau 5 năm thực hiện, đã tới lúc Đà Nẵng cần ra soát lại các mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển không gian đô thị cho tương lai. Trên cơ sở những tổng kết rút kinh nghiệm từ những việc đã và chưa làm được nêu trên, kịp thời bổ sung điều chỉnh cho kế hoạch những năm tới đúng hướng, phát triển bền vững, khẳng định được vai trò, vị trí của thành phố tốp đầu của quốc gia, động lực tăng trưởng phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên như quyết định phê duyệt quy hoạch chung của Đà Nẵng đã nêu.
– Muốn vậy, Đà Nẵng cần tập trung vào các giải pháp từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên. Chuẩn bị đất đai, cơ sở hạ tầng phát triển cho hơn 1 triệu dân trong vòng 10 năm tới. Chọn hướng phát triển đô thị đúng hướng, quy hoạch và khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây thành phố. Đây là hướng còn khả năng khai thác để phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong tương lại, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng khai thác quỹ đất gò đồi cho phát triển đô thị.
– Trong 7 phân vùng phát triển theo định hướng quy hoạch Đà Nẵng, các hướng Bắc – Đông – Nam đều bị hạn chế phát triển (phía Bắc là Hải Vân, phía Đông là biển, phía Nam là đất Quảng Nam), quỹ đất chủ động phát triển chỉ còn lại phía Tây. Đây là bài toán cần tìm ra lời giải sớm để phát triển đô thị cho Đà Nẵng.
– Theo Luật quy hoạch đô thị 2010 và Nghị định 11/CP (2013) quy định các đô thị từ loại IV trở lên đều phải lập quy hoạch phân khu trên cơ sở quy hoạch chung được duyệt (trừ đô thị loại V). Đây là bước triển khai vô cùng quan trọng vì: quy hoạch phân khu là bước triển khai sau quy hoạch chung, cụ thể hóa 1 bước của quy hoạch chung để triển khai vào cuộc sống. Quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở để hình thành các dự án đầu tư phát triển đô thị (Điều 29 Luật quy hoạch đô thị). Khắc phục tình trạng lâu nay các địa phương đều hình thành dự án trên cơ sở quy hoạch chung được duyệt (vết loang đô thị đến đâu đánh dấu chéo đến đó) dẫn đến việc đầu tư dàn trải, tràn lan, theo kiểu phong trào làm lãng phí đất đai, thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ, đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh các địa phương đều thiếu nguồn lực (vốn) để xây dựng đô thị, thiếu quy hoạch phân khu đồng nghĩa với việc thiếu kết nối hạ tầng đô thị và thiếu đầu bài cho các quy hoạch chi tiết 1/500 và đương nhiên thiếu cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Năm 2013, NĐ 11/CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị ra đời giúp các địa phương chấm dứt việc cấp đất tràn lan xây dựng đô thị với yêu cầu dựa trên cơ sở quy hoạch chung. Các đô thị được duyệt phải xây dựng chương trình phát triển đô thị – TT12/ BXD đã hướng dẫn chi tiết việc lập chương trình phát triển đô thị cho các địa phương đó chính là việc xác định lộ trình từng bước thực hiện quy hoạch chung đô thị bởi lẽ: Quy hoạch chung chỉ là những định hướng mang tính nguyên tắc cho quản lý và phát triển đô thị trong thời hạn 15 – 20 năm thực chất là dự báo dài hạn cho phát triển đô thị. Muốn triển khai được quy hoạch bắt buộc phải xây dựng lộ trình triển khai quy hoạch chung cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm, nhằm chuyển hướng đầu tư từ chỗ dàn hàng ngang thành đầu tư theo hàng dọc, lúc đó mới xác định được chương trình ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khu vực được xác định ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới cũng chính là khu vực phát triển đô thị được lựa chọn trên cơ sở nằm trong kế hoạch ưu tiên của quy hoạch chung và nhu cầu phát triển của đô thị. Đây cũng chính là phương pháp để hạn chế tối đa quy hoạch treo như các địa phương đã mắc phải. Đồng thời đây là khu vực phải lập ngay quy hoạch phân khu làm cơ sở hình thành các dự án đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy định pháp luật. Nên chăng Đà Nẵng cần chuẩn bị quỹ đất mới để phát triển trong 10 năm tới về hướng Tây theo cách này. Đương nhiên việc xác định chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện sẽ có các dự án đã và đang triển khai trên cả 6 khu vực khác của thành phố Đà Nẵng.
– Việc tuân thủ các quy định pháp luật là yêu cầu bắt buộc và triển khai có bài bản đúng hướng nhất là NĐ 11/CP và TT 12/BXD.
Trong định hướng quy hoạch Đà Nẵng cũng cần phải làm rõ vai trò của du lịch, dịch vụ trong việc phát triển kinh tế để khai thác hết tiềm năng, lợi thế mà Đà Nẵng có được như: Du lịch biển, du lịch núi, dịch vụ đô thị…
Cần chú trọng việc bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan du lịch và nhất là tạo ra nhiều khoảng không gian sinh hoạt cộng đồng. Các công viên vui chơi giải trí, các bãi tắm công cộng và lối ra vào hợp lý cho các bãi biển.
Với mục tiêu đến năm 2030: Đà Nẵng đón khoảng 10 – 15 triệu khách du lịch; việc tập trung mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng là cần thiết; việc chuyển đổi chức năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch cũng là việc cần tính đến khi lượng khách du lịch tăng lên; cùng với hệ thống nhà nghỉ và dịch vụ, việc di dời ga đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố là việc làm cần thiết để hạn chế ách tắc giao thông, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, các vị trí làm ngầm cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi quy mô dân số đô thị tương lai (gần 2,5 triệu đến năm 2030) có tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà đô thị học, lịch sử, xã hội học. Việc xử lý hệ thống nước thải sinh hoạt theo hệ thống riêng là rất cần thiết đối với đô thị trên 2 triệu dân, đảm bảo cảnh quan, sinh thái, môi trường là 1 trong 3 trụ cột để phát triển bền vững. Vì một thành phố Đà Nẵng phát triển trong tương lai: Xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và là điểm đến của khách du lịch trong nước, khu vực và quốc tế, là thành phố đáng sống và hướng đến vị trí đô thị đặc biệt của quốc gia trong tương lai.
Đỗ Viết Chiến
Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam