Home / QUY HOẠCH / Định hướng quy hoạch chung đến năm 2030 và những thách thức giao thông đô thị

Định hướng quy hoạch chung đến năm 2030 và những thách thức giao thông đô thị

Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang trình Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. So với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, Đồ án lần này có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất đô thị.

Về quy mô dân số, Đồ án xác định đến năm 2030 dân số Đà Nẵng là 2.5 triệu người. Diện tích đất xây dựng đô thị sẽ phát triển tương ứng là 37.500 ha. Như vậy, so với hiện nay, dân số và diện tích đất xây dựng đô thị sẽ tăng hơn 2.5 lần. ( dân số hiện tại khoảng 930 nghìn người, diện tích đất xây dựng đô thị theo quy hoạch khoảng 16.000 ha )

Trong khoảng thời gian chừng 18 năm kể từ nay đến năm 2030, quy mô phát triển đô thị như vậy là nhanh hay chậm? Để hình dung, ta có thể so sánh những chỉ số ấy với quãng thời gian đã qua. Theo số liệu báo cáo tại Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2020 thì diện tích đô thị năm 1999 là 5.600 ha. Trong khi đó, diện tích đất đô thị thực tế hiện nay vào khoảng 12.000 ha. Qua 14 năm, đô thị Đà Nẵng đã mở rộng gấp hơn 2 lần. Qua so sánh có thể thấy rằng để có thể đạt được con số 37.500 ha vào năm 2030 thì Đà Nẵng phải duy trì tốc độ phát triển phát triển hạ tầng rất cao như trong quãng thời gian hơn 10 năm qua.

Định hướng quy hoạch chung đến năm 2030 và những thách thức giao thông đô thị 1

(Kẹt xe trên quốc lộ 1A, quận Liên Chiểu)

 Sự phát triển bùng nổ về không gian đô thị đương nhiên sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống đô thị như môi trường, năng lượng, phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, trật tự đô thị… Một trong những vấn đề hết sức quan trọng là thách thức về giao thông.

Có ý kiến cho rằng nhìn vào giao thông đô thị có thể đánh giá trình độ phát triển đô thị. Điều đó quả là rất thực tế. Các thành phố được coi là đáng sống nhất thế giới đều có hệ thống giao thông thuận lợi kể từ các thành phố êm ả như Viên, Singapore…cho đến các thành phố sôi động như Sydney, Frankfurt…

Đà Nẵng được coi là một trong những đô thị có hệ thống giao thông tốt nhất Việt Nam. Tuy vậy, với sự gia tăng khá nhanh của lượng xe gia đình thì tình trạng tắc ngẽn giao thông trong tương lai gần sẽ xảy ra nếu không có những giải pháp cần thiết.

Tại các khu vực quy hoạch phát triển mới, hệ thống giao thông được đầu tư tốt, trong khi mật độ dân số còn thấp nên không có nạn ùn tắc. Tuy nhiên, khu vực đô thị cũ tại quận Hải Châu, Thanh Khê tình trạng ùn tắc nhẹ cũng đã khá phổ biến trong giờ cao điểm. Trong những năm qua, thành phố đã tích cực đầu tư cải tạo hệ thông giao thông trên hai quận này. Mặc dù vậy vẫn còn một số điểm nóng về giao thông như đoạn từ Ngã ba Huế đến Bến xe trung tâm, các nút giao Đống Đa – Hải Phòng, Lê Duẩn -Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn – Trần Phú …

Định hướng quy hoạch chung đến năm 2030 và những thách thức giao thông đô thị 2

(Một ngã tư của Singapore vào giờ cao điểm buổi sáng)

Nguyên nhân chính vẫn là do lượng xe máy tham gia quá nhiều. Đây là tình trạng chung tại Việt Nam, chưa thể sớm giải quyết được. Ngoài ra lượng xe ô tô gia đình trong những năm qua đã tăng khá nhanh. Cách đây chưa lâu người ta còn quen nhìn biển số xe với 3 chữ số nhưng nay đã là 5 chữ số. Tại nhiều trục đường trong đô thị, cảnh tượng từng dãy ô tô nối đuôi nhau dừng đỗ đã trở nên phổ biến. Điển hình như các đường Quang Trung, Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thụ và đặc biệt là đường Nguyễn Văn Linh.

Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành “thành phố môi trường” với mũi nhọn kinh tế là du lịch, dịch vụ. Do vậy sự tiện lợi về giao thông đô thị là yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần hướng tới một “nền giao thông” thông thoáng, hiện đại, văn minh với loại hình chủ đạo là giao thông công cộng.

Đồ án Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những nghiên cứu tích cực để phát triển hệ thống giao thông trong những năm tới. Dưới đây là một số nét chính về quy hoạch giao thông đô thị.

– Đường hàng không: Nâng cấp Sân bay Đà Nẵng và từng bước chuyển thành Sân bay dân dụng thuần túy (không có quân sự). Mở rộng Ga hàng không dân dụng đến 6 triệu khách/năm (2020) và 8 triệu khách/năm (2030). Qua thời hạn quy hoạch 2030 có thể xem xét di chuyển sân bay Đà Nẵng do yêu cầu phát triển đô thị thời điểm đó. Sân bay Nước Mặn được quy hoạch thành sân bay dịch vụ du lịch sử dụng phương tiện trực thăng, thủy phi cơ,…

– Đường bộ: Hình thành thêm các trục giao thông chính như đường vành đai phía Nam, đường vành đai phía Tây, các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, nâng cấp đường DT 604, đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua Đà Nẵng…

Về giao thông nội thị sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đã quy hoạch, trong đó đặc biệt quan tâm một số dự án trọng điểm như Nút giao Ngã ba Huế, Trục số 1 Tây Bắc, đường Nguyễn Tất Thành nối dài…Tiếp tục cải tạo nâng cấp các kiệt hẻm. Quy hoạch các điểm bố trí cầu vượt, phố đi bộ.

– Đường thủy: Khơi thông sông Cổ Cò nối thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An; dọc theo sông Cu Đê từ Nam Ô lên Hòa Bắc.

– Đường sắt: Chuyển ga đường sắt ra khu vực phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu theo quy hoạch đã được phê duyệt.

– Tàu điện ngầm: Xuất phát từ ga chính tại khu vực phía trước Nhà hát Trưng Vương, tổ chức một tuyến ngầm đến gã ba Huế, sau đó đi nổi theo 02 nhánh: 01 nhánh đi về phía quận Liên Chiểu và 01 nhánh đi về phía Nam thành phố, dự kiến chiều dài mỗi nhánh là 10km. Quy hoạch các trạm dừng, trong đó có 01 trạm tại Công viên 29-3.Tiếp tục nghiên cứu thêm một số tuyến khác, phục vụ cho giao thông đô thị đến năm 2050.

– Xe buýt nhanh: Tổ chức hướng chính từ khu vực Sơn Trà đi thành phố Hội An. Ngoài ra tổ chức thêm một số tuyến khác từ Sơn Trà nối Trung tâm thành phố và Khu du lịch Bà Nà, nối các Khu công nghiệp, làng Đại học, các Khu du lịch, resort ven biển,…

– Giao thông tĩnh: Xác định vị trí của các bãi đỗ xe ngầm và nổi.

– Hệ thống Cầu: Triển khai dự án Cầu đi bộ qua sông Hàn, nghiên cứu thêm một số vị trí cầu qua sông tại khu vực phía Tây cầu Đỏ.

Định hướng quy hoạch chung đến năm 2030 và những thách thức giao thông đô thị 3

(Ga tàu điện ngầm ở Nga đẹp như cung điện)

Với các định hướng trên, chúng ta có thể hy vọng đến thời điểm 2030, tình trạng giao thông đô thị tại Đà nẵng sẽ còn tốt hơn nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên có một nội dung mà Quy hoạch chung lần này chưa thể lồng ghép được, đó là quy hoạch không gian ngầm. Các đề xuất về các tuyến tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm mới chỉ là các giải pháp riêng lẻ.

Với quỹ đất hạn hẹp, lại được định hướng phát triển thành thành phố du lịch, môi trường, vậy nên Đà Nẵng nhất thiết phải khai thác mạnh về không gian ngầm. Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặc biệt chú trọng, bởi nó là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng không gian ngầm. Phải tính toán kỹ càng và có tầm nhìn xa cho việc liên kết hệ thống các công trình ngầm với hệ thống không gian trên mặt đất, đồng thời đảm bảo việc khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị. Không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu. Quy hoạch hệ thống giao thông ngầm sẽ mang lại cho đô thị một lượng quỹ đất không nhỏ.

Để quy hoạch không gian ngầm cần có thời gian, kiến thức và kinh nghiệm. Chúng ta cũng cần đến các chuyên gia quốc tế hàng đầu để hỗ trợ nghiên cứu. Đây là thời điểm chưa muộn nhưng cũng không sớm để đặt ra vấn đề này. Hy vọng trong thời gian tới Thành phố sẽ chỉ đạo triển khai nghiên cứu.

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *