Home / QUY HOẠCH / Định hướng quy hoạch các trung tâm đô thị thành phố Đà Nẵng

Định hướng quy hoạch các trung tâm đô thị thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng nằm ở trung độ Việt Nam có vị trí trọng yếu cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngỏ chính ra biển Đông của các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông. Qua 20 năm xây dựng, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu trong quy hoạch và phát triển đô thị, hướng đến là đô thị quốc tế: Năm 2016 được chọn là nơi đăng cai đại hội thể thao bãi biển châu Á, năm 2017 được chọn là nơi tổ chức tuần lễ hội nghị cấp cao APEC…

Quá trình phát triển của Đà Nẵng qua 4 lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, qua thu hút dự án đầu tư mạnh mẽ cho thấy thành phố là một một cơ thể sống động thay đổi từng ngày dưới tác động của mối quan hệ cơ hữu tay 3: các chính sách quản lý, do nhu cầu của người dân, định hướng của nhà đầu tư và những thuộc tính địa lý tự nhiên của thành phố. Trung tâm đô thị và sự phân tích các trung tâm vệ tinh là quá trình tất yếu của sự phát triển chịu sự tác động của 3 nhân tố trên.

Nhìn lại quá trình phát triển của Đà Nẵng gắn với trung tâm Đà Nẵng như sau:

  • Giai đoạn chiến tranh đến trước giải phóng phục vụ cho hậu cần quân đội do vị trí địa chính trị, trung tâm đô thị là bờ Tây Sông Hàn.

Trong giai đoạn trước năm 1975, Đà Nẵng được Pháp xây dựng để trở thành một đô thị kiểu phương Tây, phát triển công nghiệp, chế biến xuất khẩu, sửa chữa tàu thuyền, thương mại dịch vụ, cảng, sân bay dân dụng, trở thành trung tâm thương mại quan trọng. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Đà Nẵng được Mỹ cho xây dựng căn cứ quân sự và hạ tầng phục vụ cho mục đích quân sự như kho bãi, cảng, thông tin liên lạc.

image001

Bản đồ thành phố Đà Nẵng (Tourane) năm 1908 (trừ bán đảo Sơn Trà không được thể hiển trong bản đồ). Nguồn Internet

image003

Bản đồ Đà Nẵng xưa 1920, trích từ http://forum.dng.vn/showthread.php?t=46278
Posted by Admin ĐN. Nguồn Internet

  • Giai đoạn sau giải phóng đến trước năm 1996: giai đoạn này không có thay đổi đáng kể, Đà Nẵng chủ yếu phát triển khu trung tâm hiện trạng, vùng ven là Khuê Trung, Thanh Khê và bờ Đông sông Hàn. Trung tâm thành phố vẫn là bờ Tây sông Hàn.
  • Giai đoạn năm 1996 đến năm 2010:

Ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa 9 kỳ họp thứ X phê chuẩn việc tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị trực thuộc trung ương: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Bộ máy hành chính bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/1997. Đà Nẵng chuẩn bị cho sự bức phá là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nổ lực cải thiện hình ảnh và vị thế, không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mình. Định hướng phát triển dựa trên sự liên kết có hiệu quả giữa thành phố với thành phố Huế, đô thị cổ Hội An, Quảng Nam, với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Bắt đầu từ đây Đà Nẵng phát triển với những nét đặc trưng rõ rệt mối quan hệ cơ hữu tay 3: Các chính sách quản lý, do nhu cầu của người dân, định hướng của nhà đầu tư và những thuộc tính địa lý tự nhiên của thành phố.

Theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020: Phạm vi ranh giới hành chính trên đất liền của thành phố Đà Nẵng với diện tích 94.261 ha (chưa kể huyện đảo Hoàng Sa) với định hướng không gian chỉnh trang đô thị để mở rộng thành phố về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam. Ưu tiên phát triển theo hướng Tây Bắc, khu vực giữa quốc lộ 1A và đường Liên Chiểu – Thuận Phước; mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, các thị trấn, trung tâm xã, cụm xã và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị Đà Nẵng.

Về định hướng phát triển kinh tế: theo quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội trong giai đoạn này thì trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng công nghiệp – du lịch – dịch vụ – thương  mại – nông nghiệp, phát triển theo hướng công nghiệp là chủ yếu, thu hút và phát triển các ngành: Hàng tiêu dùng, chế biến lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng, chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu. Công nghiệp, đây thực sự không phải là thế mạnh của Đà Nẵng vì diện tích thành phố nhỏ, hẹp, về cơ bản là khó có khả năng mở rộng ranh giới, dân số ít, xa nguồn nguyên liệu. Theo các đánh giá Đà Nẵng trong giai đoạn này phát triển nhanh nhưng nguyên do đa phần là đô thị hóa tự thân, chưa thu hút được nhiều lao động từ các tỉnh. Và thế mạnh về công nghiệp nặng thuộc về các địa bàn khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như: Khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, và sau này là Chân Mây,…;  thành phố Đà Nẵng chỉ thích hợp phát triển công nghiệp nhẹ, các ngành công nghệ cao.

Trên thực tế, thương mại, du lịch, tài chính, dịch vụ mới là tiềm năng lớn của thành phố. Các dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển mạnh, thành phố  trở thành nơi cung cấp và lưu chuyển vốn cho cả vùng. Sự liên kết ngành thương mại của Đà Nẵng với các ngành công nghiệp ở các tỉnh sẽ nâng cao sức cạnh tranh. Với vị trí trọng yếu trong vùng, Đà Nẵng sẽ là nơi phân phối hoặc trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh và trong khu vực. Về du lịch, Đà Nẵng không những nằm trên con đường di sản mà còn có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, với sự đa dạng về địa hình có sông núi biển, thành phố sẽ hình thành mô hình cụm du lịch – dịch vụ.

 Địa hình là một yếu tố quyết định để lựa chọn giải pháp không gian và định hướng phát triển của thành phố. Đà Nẵng có địa hình phức tạp, thêm vào đó là sự hiện diện của sân bay ngay trung tâm thành phố. Vị trí của sân bay và địa hình đồi núi hạn chế thành phố phát triển mạnh về hướng Tây Nam nên Đà Nẵng phát triền hầu như dọc hai bên bờ sông Hàn và đường bờ biển. Mà theo xu hướng phát triển thực tế cơ cấu ngành thiên về dịch vụ du lịch hơn. Với điều kiện và xu hướng thực tế đó, chiến lược xây dựng Đà Nẵng sau này thiên về trở thành một thành phố du lịch quan trọng để tận dụng ưu thế bờ biển. Việc phát triển các tuyến giao thông: Nguyễn Tất Thành, đường Sơn Trà – Điện Ngọc (tuyến đường du lịch ven biển), xây dựng thêm cầu bắc qua sông Hàn,… càng củng cố thêm định hướng phát triển của thành phố dọc sông và bờ biển.   

  • Giai đoạn 2010 – 2020: Các chiến lược phát triển và định hướng không gian ngày càng rõ ràng hơn, cụ thể trong “quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội đến năm 2020” và “quy hoạch Đà Nẵng đến 2030 và tầm nhìn đến 2050”. Vị trí trong mối quan hệ vùng với vùng kinh tế trọng điểm ở miền trung và sự hội nhập kinh tế quốc tế được khẳng định thành phố hướng đến thành phố đặc biệt cấp quốc gia, và trước tiên là một thành phố đáng sống đa dạng và hấp dẫn, dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp.

Mô hình phát triển không gian đô thị kế thừa mô hình của quy hoạch chung được duyệt năm 2002 theo các chuỗi đô thị tập trung theo trục giao thông chính gắn kết với khung cấu trúc thiên nhiên của đô thị:

  • Khu vực đô thị cũ thuộc quận Thanh Khê, quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ.
  • Khu vực ven biển Tây Bắc: Một phần quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu.
  • Khu vực ven Biển Đông thuộc quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn.
  • Khu vực phía Tây gồm phường Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (thuộc quận Cẩm Lệ và quận Liên Chiểu, một phần các xã hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Liên, và xã Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang.
  • Khu vực bán đảo Sơn Trà.
  • Khu vực phía Nam.
  • Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa: Bao gồm đất lâm nghiệp, rừng bảo tồn tự nhiên và hải đảo.

Về giao thông, phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông, xây mới cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng Tiên Sa, xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Đà Nẵng – Cam Lộ (Quảng Trị), nâng cấp quốc lộ 14B đoạn từ Túy Loan đến ranh giới Đà Nẵng – Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh qua Đà Nẵng.

image005

Hình sơ đồ phân vùng phát triển. Nguồn: internet

Việc phân định các phân khu và trung tâm chuyên ngành chưa thực sự định hướng các đô thị vệ tinh và trung tâm đô thị vệ tinh, giai đoạn đầu tư hầu như đã định hình rõ ràng các phân khúc: du lịch, công nghiệp, nhà ở, bảo tồn,… Giai đoạn từ nay đến 2050 chủ yếu là giai đoạn vận hành các dự án đã đầu tư, lấp đầy các khu vực thu hút đầu tư, xác định các vùng cấm và hạn chế đầu tư, còn các trung tâm cấp quận được đầu tư tương đối đồng bộ.

Giai đoạn phát triển 2010 đến nay bước đầu hình thành trung tâm vệ tinh là khu vực ven biển Đông (từ bờ Tây sông Hàn – ven biển Đông) với làn sóng đầu tư mạnh mẽ các khu du lịch, thu hút lao động đại phương và lao động từ ngoài vào, sự hình thành công viên Biển Đông, làng đại học, bệnh viện phụ sản nhi 600 giường. Với dân số ngày càng tăng, năm 2018 là hơn 1 triệu người, định hướng đến năm 2030 là 2,3 triệu người; Đà Nẵng không phát triển co cụm mà phát triển dàn trải với nhiều khu vực mang đặc điểm tương đồng, hình thành các đô thị vệ tinh thuận theo tự nhiên: cùng tính chất đầu tư, văn hóa bản địa, cùng định hướng phát triển, và cùng hình thái tự nhiên.

Vì vậy, chúng tôi có một số đề xuất như sau: Từ định hướng phân vùng phát triển không gian qua nghiên cứu sẽ đề xuất các đô thị vệ tinh từ đó định hướng các trung tâm đô thị như sau:

– Đô thị trung tâm: Khu vực đô thị cũ là trung tâm tổng hợp của thành phố Đà Nẵng và miền Trung – Tây Nguyên. Bao gồm quận Hải Châu, quận Thanh Khê và một phần quận Cẩm Lệ.

– Đô thị vệ tinh:

+ Đô thị biển Đông: Với chức năng an ninh quốc phòng, du lịch ven biển và bảo tồn các giá trị văn hóa và danh lam thắng cảnh và bán đảo Sơn Trà. Bao gồm: khu vực ven biển Đông và bán đảo Sơn Trà với  trung tâm là công viên biển Đông. Đối với công nghiệp, cảng biển: bảo tồn làng cá (âu thuyền Thọ Quang) và khu công nghiệp Thọ Quang chuyên về sản xuất thủy sản;  khu công nghiệp An Đồn tương lai sẽ giảm về diện tích và có thể chuyển đổi chức năng, tập trung các công ty chuyên về công nghệ thông tin do nằm trong khu vực đang phát triển về du lịch , du lịch nghỉ dưỡng, homestay; giáo dục (trường Đại học Kinh tế và làng đại học); bệnh viện cấp vùng bệnh viện phụ sản nhi; các khu du lịch và khu dân cư  mới.

image007

Sơ đồ các đô thị vệ tinh và trung tâm đô thị Đà Nẵng

+ Đô thị ven biển Tây Bắc: Với chức năng công nghiệp (khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghệ cao Hòa Liên, khu công nghiệp Liên Chiểu), cảng biển Liên Chiểu, du lịch, bảo tồn cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa (làng cá Nam Ô). Bao gồm khu vực ven biển Tây Bắc và khu vực phía Tây, trung tâm đô thị là trung tâm quận Liên Chiểu.

+ Đô thị phía Nam: Một phần quận Ngũ Hành Sơn và một phần huyện Hòa Vang: khu dân cư mật độ thấp, trung tâm là sân vận động Hòa Xuân nằm gần trục đường Mai Đăng Chơn lan tỏa đến đô thị trung tâm và đô thị biển Đông.

Đà Nẵng hiện nay việc phân định rõ ràng các đô thị vệ tinh và hoàn thiện các trung tâm đô thị vệ tinh là cần thiết và phù hợp với thời cơ: về nhân lực, đầu tư, rà soát đầu tư, không gian đô thị, hơn nữa thành phố sẽ bước vào giai đoạn “sản xuất” tạo nên thành phẩm dần bước ra khỏi giai đoạn tăng trưởng nhờ vào bất động sản; đô thị vệ tinh và các trung tâm sẽ giúp đô thị trung tâm đang dần quá tải về sản xuất, nhân lực, hệ thống dịch vụ xã hội…

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường

                                                                                       Ths. KTS Nguyễn Ngọc Lệ Quỳnh

ĐT&PT số 74 – 75/2018

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …