Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Định hướng phát triển bền vững Đô thị xanh ở Việt Nam

Định hướng phát triển bền vững Đô thị xanh ở Việt Nam

Đô thị hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Tính đến tháng 12/2012, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với 765 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 32%, và dự báo đạt tỷ lệ cao hơn trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của cả nước. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Định hướng phát triển bền vững Đô thị xanh ở Việt NamSố lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch và kế hoạch. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng; hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra nhiều nơi; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải, nước thải chưa được xử lý. Quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường…

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thúc mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là những thách thức lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đô thị, điều kiện, môi trường sống của dân cư và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

Thực trạng phát triển đô thị xanh ở Việt Nam

Việc nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh trở thành xu hướng chung của các nước trên thế giới. Việt Nam đang trên con đường hướng đến xây dựng đô thị xanh nhưng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Đô thị xanh bao gồm có 7 tiêu chí: không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém; môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; dân số đông nên hạn chế quỹ đất xây dựng; đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao; tỷ lệ diện tích cây xanh còn quá ít so với yêu cầu của đô thị xanh. Theo “Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010- Tổng quan môi trường Việt Nam”, TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường, Bộ TN & MT đưa ra nhận định, hầu như chưa có đô thị nào của Việt Nam công nhận là đô thị xanh, sạch. Hệ thống cây xanh đô thị của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường và tạo cảnh quan đô thị. Diện tích đất cây xanh quá ít, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý. Trong tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra.

Tuy nhiên, cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt được tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về xây dựng một khu đô thị xanh, nhưng tiêu chí cho một khu đô thị xanh đang được xây dựng và dự kiến ra mắt trong năm nay.

Việc phát triển cây xanh tại các đô thị như bị xem nhẹ. Việc quản lý cây xanh lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây diễn ra thường ngày. Trong thời buổi “đất vàng, đất kim cương” nên nhiều nhà đầu tư sao nhãng việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian xanh cho đô thị. Nguyên nhân chính là thiếu nguồn cho sự phát triển. Hầu hết chi phí này chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân cùng tham gia phát triển đô thị xanh.

Nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, chúng ta hãy bắt đầu từ việc cụ thể như quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có. Phải phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ phát triển cây xanh trên địa bàn và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia phát triển đô thị xanh. Nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ấm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là có thể học tập, rút kinh nghiệm từ các nước phát triển, để áp dụng vào nước ta.

Để phát triển đô thị xanh, trong chiến  lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị cần quan tâm đến hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thành phố xanh không thể tồn tại nếu thiếu sự hỗ trợ của xã hội và chính quyền. Để có được đô thị “xanh”thì xã hội và chính quyền cũng phải nhận thức và hành động vì đô thị xanh. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, cần giảm phát thải khí nhà kính qua việc thiết kế, quy hoạch đô thị có tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Xu hướng hiện nay là phát triển đô thị và bền vững. Theo các nhà sinh thái phát triển đô thị bền vững cần đảm bảo 7 tiêu chí: (1) phát triển nhà ở theo chiều cao để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu vật liệu và mặt bằng; (2) Bảo tồn địa hình địa mạo tự nhiên; (3) Tránh xây dựng thành phố trong thung lũng vì đất ở đấy phì nhiêu và dễ lỡ; (4) Bảo về và phát triển cây xanh đô thị; (5) Khuyến khích tiết kiệm nước; (6) Hạn chế sử dụng phương tiện di chuyển có động cơ; (7) Tái sinh vật liệu phế thải.

Các nhà nghiên cứu và quản lý lại có quan điểm: (1) Lấy tiêu chí HDI để đánh giá đô thị chứ không dựa vào quy mô dân số, kinh tế hay xây dựng như trước đay; (2) Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị; (3) Sự phối hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và quản lý.

Có thể hiểu phát triển bền vững đô thị là sự phối hợp phát triển đa ngành, đa cấp và của toàn xã hội. Phát triển bền vững đô thị là tư duy mới về quá trình đô thị hóa được diễn giải trên cơ sở duy trì những hiểu biết về kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát triển đô thị  là nền tảng vững chắc để CNH – HĐH đất nước. Một cách hiểu đơn giản phát triển bền vững đô thị là sự can thiệp với cách thức có chiến lược của con người vào quá trình đô thị hóa phù hợp với xu thế, nguồn lực, qui luật phát triển chung và đặc trưng riêng của từng quốc gia.

Định hướng phát triển bền vững đô thị xanh

Để góp phần xây dựng thành công sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, công tác phát triển và quản lý phát triển đô thị đã được đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng và phân bố hợp lý các đô thị, tạo sự phát triển bền vững, cân bằng giữa các vùng lãnh thổ, có sức cạnh tranh cao giữa các đô thị, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho người dân, đảm bảo phát triển KT – XH với an ninh quốc gia… Phát triển đô thị bền vững đã trở thành một yêu cầu chiến lược tất yếu trong định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia.

Muốn thực hiện mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam nhanh và bền vững, cần tập trung giải quyết các vấn đề:

  • Phát triển kinh tế đô thị ổn định, tạo công ăn việc làm cho người dân đô thị, đặc biệt cho người có thu nhập thấp và người nghèo đô thị;
  • Đảm bảo đời sống vật chất văn hóa tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đảm bảo công bằng xã hội;
  • Tôn tạo, gìn giữ và bảo vệ môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp với đầy đủ ý nghĩa vật thể và phi vật thể đô thị…

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city).

Để thực hiện các chiến lược, chương trình mục tiêu Quốc gia có liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, đánh giá công trình, phân loại đô thị, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam. Hiện tại, Bộ đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, và đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên của ngành xây dựng. Bộ cũng đang hoàn thiện tiêu chí đánh giá công trình xanh; hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý khuyến khích việc phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững, Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các định hướng, chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Định hướng Phát triển hệ thống đô thị Quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển đô thị quốc gia đoạn 2012 – 2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020. Bộ cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Phát triển Đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực tế cho thấy sự phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, kết quả thực tế vẫn còn chưa như mong muốn, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn của các cấp, các ngành của xã hội và đặc biệt là vai trò của Bộ Xây dựng.

Để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh cần xây dựng một mô hình đô thị kiểu mẫu phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu theo hướng tăng trưởng xanh cần thực hiện một số định hướng như sau:

  • Thứ nhất, phát triển đô thị trước hết phải từ các quy hoạch, kế hoạch. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái… Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế – sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.
  • Thứ hai, cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị.
  • Thứ ba, ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch.
  • Thứ tư, tiếp cận, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học – công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh.
  • Thứ năm, tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường; có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh; có chính sách để phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là một hướng ưu tiên trong phát triển đô thị Việt Nam.

ThS. Lê Thu Giang

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *