Home / QUY HOẠCH / Diện mạo đô thị trong xây dựng hiện đại

Diện mạo đô thị trong xây dựng hiện đại

Thành phố Điện Biên, Tuyên Quang, Hạ Long, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… và hầu như tất cả thành phố được xây dựng mới, đều có con đường lớn qua trung tâm thành phố, dài vài ba ngàn mét, rộng dăm sáu chục mét, hai chiều xuôi ngược, dải cây xanh ngăn cách ở giữa. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt, vài ba tầng, không ít những khoảng đất trống chưa có dự kiến xây dựng, xen vào đó là những cơ quan có hàng rào sắt, nhà 3-4 tầng, kiểu dáng sao chép cổ điển châu Âu. Có nhà lác đác công chức ra vào, có nơi đang là công trường… với đủ lệ bộ: Thường trực, để xe, bể nước, vườn cây, tượng vườn… Giống nhau ở cái “càng cua”, vòng cung phía trước nhà với cái mái hắt thật lớn, vươn thật xa để bảo vệ quan chức khỏi nắng, mưa khi xuống xe đi vào bàn giấy. Lại còn trông nhau: “Thằng A có cái cột đẹp thế, sao mình kém vậy”.

Nhà chức trách tự hào: Quy hoạch phải nhìn xa trông rộng, phải “đi trước đón đầu”.

Đường phố thoáng rộng thưa thớt xe máy, xe đạp, ô tô thì như của hiếm. Người đi bộ thảnh thơi, thong thả. Công thự rộng rãi, các sở, ban ngành mỗi vị một cơ ngơi “Giang sơn nhất khoảnh”.

Tỉnh Lai Châu vừa được thành lập lại chuyển thị xã đến thị trấn Cam Đường, thiết kế một trụ sở cơ quan quyền lực cao nhất tỉnh, kiểu dáng sao chép từ trụ sở Bộ Tài chính góc đường Trần Hưng Đạo – Phan Chu Trinh – Hà Nội. Chẳng biết rằng kiểu dáng này đang bị giới kiến trúc – văn hóa lên án “ô nhiễm văn hóa”.

Vốn xây dựng được chia cho các cơ quan, đất đai cũng chia theo. Mạnh ai nấy làm. Dù chỉ vài ba chục người. Cũng phải theo sở thích các ông bà. Áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc khôngthống nhất, nơi thừa, nơi thiếu. Có nơi sử dụng ít, bỏ hoang cho thuê giá rẻ (dễ thấy ở các thành phố lớn).

Nếu một tỉnh ít nhất có 300 sở, ban ngành, chính quyền, đoàn thể, Đảng, mỗi nơi chiếm khoảng 1.000m2 thì số đất làm văn phòng sẽ là 300.000m2, số tiền đất không sinh lợi lên đến ngàn tỷ đồng. Điều dễ nhận thấy ở các đô thị mới, đang vươn lên hiện đại:

–   Đường rộng thênh thang.

–   Nhà làm việc thấp tầng, đủ lệ bộ hoàn chỉnh.

Nhưng lãng phí ghê gớm:

–   Lãng phí vốn đầu tư.

–   Lãng phí đất.

–   Lãng phí công trình kỹ thuật hạ tầng.

–   Lãng phí thời gian giao dịch.

–   Tóm lại rất nhiều thứ lãng phí,…

Bây giờ thế kỷ 21, thế giới hiện đại, công nghệ thông tin phát triển, lối xây dựng đô thị ấy sao có thể phù hợp(?!).

Xin thử nêu đề nghị

Đường giao thông

 Xây dựng đô thị theo quy hoạch không chỉ phục vụ trước mắt mà còn trù tính cho phát triển tương lai. Luôn tồn tại mâu thuẫn trước mắt và lâu dài. Mặt chủ yếu của mâu thuẫn là phải giải quyết sao cho đáp ứng yêu cầu trước mắt.

Đường phải rộng, không thể mỗi lúc lại phá dỡ nhà 2 bên để mở rộng đường khi thành phố phát triển…

Tuy nhiên, cứ mở đường thật rộng như hiện nay ở các đô thị mới xây dựng mà lưu lượng giao thông còn quá ít thì là lãng phí ghê gớm. Nước ta lại đang ở trình độ phát triển, đang phải vay vốn đầu tư, đang phải dành dụm để trả nợ.

Giải pháp?

Cắm chỉ giới đường theo quy hoạch, cấm tuyệt đối, nghiêm lệnh xây dựng, vi phạm chỉ giới đường đỏ. Chiều rộng mặt đường là theo quy hoạch xây dựng, thi công nền đường theo quy hoạch nhưng kết cấu chịu lực, lớp phủ mặt đường chỉ làm đáp ứng yêu cầu giai đoạn đầu. Nghĩa là phân đợt xây dựng, phần nền còn lại là thảm cỏ, trồng cây tầm vóc không lớn, rễ nông. Dải cây ngăn cách hai chiều đường để rộng hơn theo thiết kế sau này khi cần thiết sẽ là đất để mở rộng đường. Có thể xây con lươn, rào sắt thấp ngăn cách. Trong quy trình cấp phép xây dựng thường có nhiều loại: lâu dài, có thời hạn, công văn thỏa thuận, tuyệt đối không xây dựng nhà ở. Có thể xây dựng hình loại không bền vững nhỏ, nhưng không phải là tạm, nhưng vẫn phải làm đẹp, tiện nghi. Tất nhiên kỷ cương, đô thị phải nghiêm khắc, có thể hợp đồng thuê đất ngắn hạn để sử dụng vào mục đích công ích gì đó,…

Công thự hành chính

Nguyên tắc là không cấp đất, không cấp kinh phí cho từng cơ quan để tự đứng ra làm chủ đầu tư tự tổ chức thiết kế, thi công, rồi lại tự bỏ ra một phần cho thuê lấy tiền “Cải thiện đời sống”, để rồi sau này hết đời thủ trưởng cũ, thủ trưởng mới lại tùy nghi thay đổi nâng cấp.

Xin kể chuyện cũ:

Năm 1960, 1961 tại khu đất 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) bây giờ gọi là lô D, đang dự kiến xây dựng nhà Quốc hội do kết quả khảo cổ phải tạm ngừng, đang xây móng cho nhà làm việc của 6 Bộ, vì lý do “bất khả kháng” phải tạm ngừng (nhà Quốc hội lúc ấy định dựng ven hồ Tây cũng tạm ngừng). Cũng thời gian đó trên khoảng đất trống, ao hồ làng Vân Hồ khởi công xây dựng “Liên cơ quan”, cho nhiều sở của thành phố Hà Nội. Vậy là từ gần 5 chục năm trước, Hà Nội đã chủ trương xây dựng công trình theo kiểu hợp khối, thành từng trung tâm hành chính.

Rất tiếc lối xây dựng này bị quên lãng ở hầu khắp các đô thị cả nước. Mỗi lần đi qua huyện Từ Liêm tôi cứ tiếc cho mấy dãy nhà lãnh đạo huyện, nếu hợp khối thành cao tầng  hoành tráng biết bao.

Hà Nội đang có những dự kiến lớn “Quy về một mối”. Xây dựng lại khu kiên cơ Vân Hồ thành cao tầng. Trung tâm hành chính này sẽ là nơi làm việc của nhiều sở, chấm dứt hiện tượng sau khối 6 tầng hiện nay là các nhà 1-2 tầng cứ “vẩy” thêm tùy tiện. Cũng đang lên phương án một trung tâm hành chính tại khu Mỹ Đình. Đưa hầu hết các sở, ban ngành về một mối “Cỗ máy hành chính” sẽ được vận hành như một dây chuyền liên hợp, liên thông một cửa từ A – Z. Số vốn sẽ là cả ngàn tỷ đồng. Có thể huy động vốn qua đấu giá các trụ sở, cơ quan hành chính hiện đang “hoành tráng” ở những biệt thự “đắc địa” trong 4 quận cũ thì chắc không thể thiếu.

Thành phố Đà Nẵng đang xây dựng trung tâm hành chính cao 33 tầng, diện tích sàn 57.000m2 (Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội có diện tích 60.000m2), đủ chỗ cho 1.000 công chức làm việc. Dự kiến công trình sẽ tập trung các sở, ban ngành, đoàn thể của thành phố làm việc tại đây. Hiệu quả tiết kiệm vô cùng lớn: thời gian giao dịch, giảm lưu lượng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giảm cái “mắc cửi” hàng trăm người dân, doanh nghiệp, cán bộ nhân viên chỉ để “xin” ý kiến, trình duyệt, “xin” chữ ký với 450 thủ tục hành chính khác nhau. Lãng phí vật chất thời gian, khó chịu bức xúc… đang tác động sâu tới phát triển kinh tế, xã hội. Vô cùng lớn không thể thống kê được.

Thành phố vươn lên theo chiều cao là xu thế tất yếu đô thị hiện đại.

Đô thị không thể banh ra theo chiều ngang. Kinh phí hạ tầng kỹ thuật lớn hơn nhiều lần. Hơn nữa, chúng ta biết rằng đất là tài nguyên quý hiếm, nhất là đất đô thị.   “Người đẻ, đất không đẻ” quy hoạch xây dựng đô thị quan trọng nhất là phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất. Luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm có hiệu lực đã cả năm trời. Ngành Tài nguyên – Môi trường cần phối hợp ngành xây dựng và các ngành liên quan kiểm tra, thanh tra sử dụng đất đô thị, đất xây dựng, cách sử dụng gây lãng phí khổng lồ biết chừng nào.

Nghị định 14 của Chính phủ ban hành từ năm 1988 về quản lý tài sản nhà nước đã quy định: Tài sản nhà, đất hành chính sự nghiệp được giao cho các cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, báo cáo định kỳ, bảo dưỡng sửa chữa, điều chuyển, thu hồi và xử lý tài sản không sử dụng. Tuy nhiên sau hơn 10 năm nghị định có hiệu lực, liệu đã có mấy cơ quan trực tiếp quản lý thực hiện đầy đủ các nội dung trên về quy chế quản lý nhà công sở!

Đã có Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Nghị định quản lý kiến trúc đô thị, cần được áp dụng trong xây dựng đô thị theo nguyên lý tập trung quản lý, xây rồi mới chia. Ở các đô thị lớn nước ta nhiều năm nay, nhà cao tầng làm văn phòng giao dịch để cho thuê đã là chuyện bình thường chưa kể còn có lợi về mặt trang thiết bị văn phòng hiện đại.

Ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaisya, Singapore,… tất cả các cơ quan, văn phòng chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… đều thuê văn phòng tại các nhà cao tầng, chọc trời. Nhà nước không cho phép bất cứ cơ quan chính quyền nào xây văn phòng riêng mà cũng không thể đủ kinh phí để mua đất xây dựng văn phòng tại trung tâm với giá rất cao. Xây dựng trung tâm hành chính, nhà cao tầng cho thuê văn phòng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế phát triển, hội nhập toàn cầu.

Có thể nói hầu hết các đô thị loại 1,2,3,4 là tỉnh lỵ của các tỉnh: Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thanh Hóa, Đà Lạt, Hạ Long, Quảng Ngãi, Lào Cai… hoàn toàn có thể xây dựng các khu hành chính cao tầng 1-2 ngàn m2 đất là đủ cả cho bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Thiết nghĩ đó là tư duy hiện đại trong xây dựng quản lý đô thị.

KTS. Ngô Huy Giao

ĐTPT Số 14/2008

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …