Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Đào tạo kiến trúc trong tình hình hội nhập tích cực vào khu vực và thế giới

Đào tạo kiến trúc trong tình hình hội nhập tích cực vào khu vực và thế giới

Đối với chúng tôi đa phần làm nghề dịch vụ thuộc các lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật thì việc hội nhập ASEAN với những cam kết mậu dịch tự do AFTA (Asia Free Trade Agreement), Thương mại thế giới WTO (Word Trade Organization), rồi hướng tới hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pasific Partnership)…  đang đặt ra thật nhiều vấn đề nan giải. Cái lo lắng nhất là nhìn thấy anh em trong các ngành nghề lẫn cơ sở đào tạo nghề trong nước cứ “bình chân như vại”, không thấy ai mấy quan tâm! Vậy mà vào mốc thời gian 2015, theo như cam kết, Việt Nam chúng ta bó buộc phải để chuyên gia đồng nghiệp các nước, trước mắt là từ các nước tiên tiến trong khối Asean, vào hoạt động tự do ở nước ta.

Đào tạo kiến trúc trong tình hình hội nhập tích cực vào khu vực và thế giới

Hiện ta đang cam kết gì với ASEAN?

Từ ngày 20.11.2007, tại Singapore đại diện chính phủ các nước Asean đã ký kết “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong Asean” (Mutual Recognition Arrangement – MAR) trong đó có dịch vụ kiến trúc, với nội dung tạo thuận lợi cho việc di chuyển kiến trúc sư, thông tin nhau về tiêu chuẩn đào tạo và hành nghề kiến trúc, chuyển giao công nghệ…

Hội đồng Kiến trúc sư Asean (Asean Architect Council – AAC) đã ra đời và tính đến tháng 2.2014, toàn bộ 10 nước Asean đã tham gia AAC. Thời điểm hội nhập môi trường hành nghề kiến trúc đang đến rất gần. AAC quan tâm đến môi trường đào tạo kiến trúc sư, xem như cơ sở quan trọng tiến tới thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong Asean. AAC đã đề xuất thành lập Nhóm Giáo dục Kiến trúc (Architect Education Group) vào năm 2012.

Hiện nay, trong khối Asean chỉ có Philippin và Việt Nam là có số lượng cao về cơ sở đào tạo kiến trúc. Nhưng Singapore là nước được đánh giá đào tạo kiến trúc uy tín nhất khu vực.

Ở Việt Nam, nay đã có trên 22 cơ sở đào tạo kiến trúc (gồm công lập, bán công và dân lập), vào hạng nhiều trường kiến trúc nhất Asean, song việc đào tạo còn nhiều bất cập (thiếu tính thống nhất, cơ sở vật chất yếu kém, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo).

Hiện Đại học Quốc gia đang triển khai một “Hệ thống tiêu chí đánh giá của khu vực” (AUN) theo chuẩn giáo dục Asean, nhằm rà soát lại các cơ sở đào tạo, đảm bảo điều kiện tuyển sinh và thực hiện chương trình đào tạo phù hợp.

Riêng trong ngành kiến trúc, các thỏa thuận Asean lưu ý ta các vấn đề sau đây:

– Bảo đảm cho KTS tương lai kỹ năng đối mặt với những thách thức khu vực, như hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, bối cảnh tự nhiên và kinh tế – xã hội khu vực Asean.

– Tăng cường hợp tác và trao đổi chương trình đào tạo, sinh viên và giảng viên. Uỷ ban giáo dục kiến trúc AAC khuyến nghị tạo điều kiện cho môi trường cho phép công nhận lẫn nhau, qua các chương trình workshops, nghiên cứu chung…

– Tích cực nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên và cả đội ngũ giảng dạy, nhất là khả năng sử dụng tiếng Anh (nghe, nói, đọc , viết).

Cần chuẩn bị gì cho việc hội nhập tích cực?

Nhìn ra các nước Đông Nam Á, phải nói là hầu hết đã ổn định việc đào tạo kiến trúc theo kiểu Âu-Mỹ và tổ chức nghề nghiệp phổ biến dưới dạng “Đoàn nghề nghiệp KTS” theo thông lệ quốc tế. Chỉ ở nước ta lâu nay vẫn còn tình trạng nhập nhằng giữa kinh tế hoạch định và kinh tế thị trường. Muốn hội nhập với thế giới, nghề kiến trúc phải sớm giải quyết các vấn đề sau:

Trước mắt, cần phải soạn thảo lại nội dung giáo trình và phương cách đào tạo để bằng cấp của ta phải được thế giới công nhận. Như vậy, ta mới có khả năng bàn đến việc các tác phẩm kiến trúc của KTS Việt Nam được công nhận, mới có thể tham gia các cuộc thi thiết kế quốc tế. Trên nguyên tắc khi nước mình cho phép KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam thì họ phải cho phép ngược lại. Nếu không, thì ngay từ vòng loại (xem xét về năng lực thiết kết) mình đã bị loại rồi!

Kế đó, là phải tạo khung pháp lý cho nghề kiến trúc (qua luật Kiến trúc sư), xác định lại vai trò thiết kế của KTS, tập hợp lực lượng, tổ chức lại nghề nghiệp chuyên môn của mình. Đặc biệt, phải tạo được nội lực để giới kiến trúc trong nước hội nhập ngang ngửa với đồng nghiệp thế giới.

Nghề thiết kế kiến trúc Việt Nam hiện có trên 16.000 KTS và hàng năm ra trường cả nghìn người, vậy mà hoạt động nghề nghiệp còn rất manh mún, thiếu tổ chức, mạnh ai nấy lo. Chúng ta chưa tận dụng được lực lượng chung có tổ chức.

Trong hành nghề, ta vẫn còn mò mẫm, tự tìm cho mình lối đi riêng, phải rất vất vả cạnh tranh với tập thể KTS nước ngoài có tổ chức, được hỗ trợ khá mạnh về tài chính thì chắc chắn ta bị thua thiệt mà thôi. Hậu quả là KTS ta không có khả năng tham gia thiết kế những công trình quy mô lớn ngay tại đất nước mình, cuối cùng phải đi làm thuê cho các công ty nước ngoài với giá rẻ mạt hoặc phải chuyển ngành.

Phải chăng trước mắt là phải tạo được một đội ngũ KTS lành nghề và thực sự có nội lực, bằng cách:

– Cần nhanh chóng nâng cấp đào tạo KTS của ta ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, chuyển đổi theo các tiêu chuẩn quốc tế và phải được thế giới công nhận.

– Thường xuyên nâng cao tay nghề (qua đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới). Tích cực tạo việc chuyển giao công nghệ (từ nguồn KTS Việt kiều, bạn bè quốc tế, quan hệ vùng Đông Nam Á, Đông Bắc Á).

– Đoàn kết nhau, tập họp lại đa dạng hóa ngành nghề để tạo nội lực (quy tụ trong các công ty kiến trúc – xây dựng quy mô lớn nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh quốc tế).

Kiến trúc là nghề dịch vụ kỹ thuật

Ta phải sớm nhận thức rằng, nghề thiết kế kiến trúc đang trở thành một dịch vụ kỹ thuật, sẽ phải tham gia vào một môi trường hành nghề cạnh tranh theo cơ chế thị trường thế giới. Việt Nam đã đến lúc phải mở cửa cho các tổ chức thiết kế xây dựng quốc tế và khu vực vào hành nghề tự do theo thỏa thuận. Và tôi nghĩ rằng, chẳng riêng gì nghề kiến trúc, mà các ngành nghề dịch vụ kỹ thuật khác chắc cũng ở trong tình trạng tương tự. Nhưng anh em chúng ta rõ ràng lại rất thiếu chuẩn bị!

Phải chấn chỉnh hoạt động của lực lượng KTS, hình thành cho bằng được tổ chức hoạt động nghề nghiệp KTS (Đoàn KTS Việt Nam) bảo đảm KTS hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, có đủ sức cạnh tranh với KTS nước ngoài, ít nhất trên đất nước mình.

Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, nếu không khai thông bế tắc hiện nay, không theo chuẩn mực chung của thế giới, mà vẫn duy trì các quy định có tính cách kìm hãm tính sáng tạo, phát triển tay nghề trong lĩnh vực kiến trúc, không những chúng ta tự ngăn cản mình không làm gì được tại nước ngoài mà ngay cả trên đất nước của mình!

Tôi dám khẳng định, nếu có được điều kiện hành nghề như KTS các nước bạn (ít nhất là các nước trong khối ASEAN), chắc chắn KTS Việt Nam sẽ làm tốt hơn đồng nghiệp nước ngoài. Điều này đã được minh chứng qua các công trình xây dựng tại Sài Gòn trước đây, mà KTS Việt Nam đã làm được, trong hoàn cảnh phải cạnh tranh với kiến trúc sư, kỹ sư nước ngoài có nhiều tiền, thế lực hơn…

Như vậy, công việc trước mặt của chúng ta so với đồng nghiệp thế giới sẽ khó gấp đôi, vừa cùng lúc tổ chức lại nghề nghiệp vừa tạo nội lực cạnh tranh với đồng nghiệp bên ngoài. Vấn đề là chúng ta không nên thụ động ngồi chờ mà phải biết chủ động thích ứng với thay đổi, chuẩn bị tốt hơn, sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm để sáng tạo trong môi trường xây dựng mới, thiết thực phục vụ các nhu cầu của nhân dân vào thế kỷ 21.

KTS Nguyễn Hữu Thái

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *