1. Nhìn về quá khứ
Người Pháp đến Đà Nẵng từ thế kỷ thứ XVII. Đó là các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa và buôn bán. Rồi căn cứ vào các bản tường trình của các thừa sai nói về sự thuận lợi của cửa biển Đà Nẵng (Gibraltar của Đông Nam Á) và sản vật nội địa xin mở thương điếm (comptoir) ở Đà Nẵng. Cuối thế kỷ XVIII Nguyễn Ánh tranh chấp quyền bính với Tây Sơn, cầu viện Pháp bằng hiệp ước Versailles ký ngày 28.11.1787 giữa Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh với đại diện triều Louis XVI, theo đó cửa Đà Nẵng và đất Hàn được nhượng cho Pháp nhưng không được thực thi dưới triều Gia Long, Minh Mạng. Trải qua nhiều thập niên với những yêu sách không đạt được. Ngày 1.9.1858, Rigault de Genouilly chỉ huy hạm đội liên quân Pháp – Tây Ban Nha thực sự khai hỏa xâm chiếm Đà Nẵng.
Bằng điều ước ký kết tại Sài Gòn ngày 5.6.1862, cửa khẩu Đà Nẵng được chính thức, trên văn bản, mở ra cho người Pháp đến buôn bán. Ngày 1.1.1886, cây gỗ gác ngang đường nước cửa vào Đà Nẵng được phá bỏ và người Pháp bắt đầu thiết lập một bến tàu, các thương điếm. Ngày 3.10.1888, Đồng Khánh ký dụ nhường Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa, đồng thời với thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Mảnh đất nhượng địa được mở rộng với sắc dụ của Thành Thái đề ngày 15.1.1901 tổng số có 19 xã thôn như sau: Phước Ninh, Nam Dương, Xuân Đán, Hà Khê, An Khê, Cổ Mân, Hải Châu, Phước Tường, Liên Trì, Thạc Gián, Thạch Thang, Nại Hiên, Thanh Khê Đông, Bình Thuận, Hóa Quê, Mân Quang, An Hải, Phú Lộc. Người Pháp bắt đầu đuổi mồ mả, dân cư để thiết lập các cơ sở hành chánh, thương mại.
Do sắc dụ của Đồng Khánh ngày 3.10.1888 và sắc dụ của Thành Thái ngày 15.1.1901 ký Đà Nẵng làm nhượng địa, ngày 7.12.1911 toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định để hình thành một đô thị. Nghị định đã gộp 19 xã thôn cắt từ các tổng Bình Thới, Thanh Châu, An Hòa thuộc huyện Hòa Vang và hai tổng An Lưu, Thanh Quýt thuộc phủ Điện Bàn nhập thành một tổng duy nhất gọi là Tổng Đà Nẵng (Canton de Danang). Đứng đầu Tổng Đà Nẵng là một Chánh tổng do Đốc lý (Résident – Maire) bổ nhiệm.
Năm 1997, Hồng Kông đã trả lại cho Trung Quốc. Điều này làm nhớ lại nước Anh đã muốn chọn Đà Nẵng và Cù Lao Chàm trước Hồng Kông khá lâu. Người Anh của công ty Đông Ấn đến Hội An năm 1613. Sự giao thiệp thất bại. Sau đó ra Bắc, người Anh vẫn chưa thành công và trở lại xứ Đàng Trong 1695. Người mãi biên là Bowyer điều tra về các điều kiện thương mại và đưa một số yêu cầu trong đó xin đất lập phố buôn và một đảo để sửa chữa tàu thuyền, nếu hai bên thỏa thuận các điều khoản hợp tác bao gồm đủ các phương diện từ xây dựng đô thị đến phát triển kinh tế và công nghệ có thể bộ mặt Việt Nam có nhiều thay đổi về mặt biển, vì bấy giờ người Anh đã thay Hà Lan làm chúa tể năm châu. Nhưng cuộc hợp thương thất bại.
Theo bản tường trình của phái bộ sứ đoàn của Macartnay thì gần như chứng cứ đầu tiên là họ gọi ngay Đà Nẵng bằng tên Tân – Gilbraltar. Gilbraltar là một eo biển giữa Y Pha Nho và Maroc, nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương bị Anh chiếm từ 1704, trở thành căn cứ hải quân lừng lẫy của Anh. Ngoài cứ điểm quân sự, người Anh còn muốn dùng nơi này để sửa chữa tàu thuyền và là nơi quá cảnh (Singapore vào tay Anh 1819 nghĩa là sau vụ này đến mấy chục năm).
Cũng cần nói thêm người Anh đã thấy rõ tầm quan trọng của vị trí Đà Nẵng đối với khắp khu vực biển Đông bao gồm từ Nhật Bản tới Đông Nam Á ngày nay.
Ba lần Anh đặt vấn đề Đà Nẵng – Cù Lao Chàm trước Hồng Kông và đều không thành. Ngày nay ta thử đặt câu hỏi giá như các vua nhà Nguyễn chấp nhận các đề nghị của người Anh để biến khu vực này thành cơ sở thương mại vào những năm 1804 hoặc 1821 – 1822 thì liệu đất nước ta có một số mệnh khác như thế nào?
2. Đà Nẵng – Một trong những thành phố lớn toàn xứ Đông Dương
Qua phần tóm lược một giai đoạn của lịch sử chúng ta có thể thấy rằng:
– Từ thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn đã sớm nhìn nhận Đà Nẵng là đơn vị “trực thuộc Trung ương” khi giao trách nhiệm trấn nhậm Đà Nẵng cho những thế tử chuẩn bị thừa kế nghiệp Chúa.
– Bộ máy cai trị của Pháp cũng công nhận Đà Nẵng (Tourane) là một trong những thành phố lớn toàn xứ Đông Dương năm 1888 và ngay từ buổi đầu Đà Nẵng đã “trực thuộc Trung ương” khi Pháp giao Phủ Toàn quyền Đông Dương quản lý trực tiếp thành phố này.
– Cách mạng tháng Tám thành công, trong hệ thống hành chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là hai đơn vị cùng đẳng cấp, cùng “trực thuộc Trung ương” thông qua Ủy ban hành chính Trung bộ.
– Trong kháng chiến chống Mỹ, Đà Nẵng “trực thuộc Trung ương” của chính quyền Sài Gòn.
Cả Ta lẫn Tây, từ năm 1888 đến 1975, trải qua bao thăng trầm với chính trị xã hội, Đà Nẵng vẫn được nhìn nhận là một đô thị quan trọng, là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Điều đó không ngẫu nhiên, không ngẫu hứng, mà là tất yếu khách quan của quy luật đô thị hóa, là khoa học. Chính vì vậy, ngày 3.8.1995 làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt vấn đề nâng cấp cho thành phố Đà Nẵng. Và ngày 17.8.1995, trong thông báo kết luận, Thủ tướng xác định: “Nếu Đà Nẵng được chấp nhận là thành phố loại I, thì sẽ làm hạt nhân cho vùng kinh tế trọng điểm Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của bản thân thành phố, của vùng và của cả nước. Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội để có quyết định cuối cùng”.
Đây là một trong những nhìn nhận lớn nhất cho Đà Nẵng để bước vào thế kỷ 21. Dẫu nhiều việc cần phải làm, phải phấn đấu để Đà Nẵng vươn lên thành phố loại I, thành phố hạt nhân khu vực miền Trung. Rồi phải có cơ sở hạ tầng loại I, thị dân loại I và tất nhiên phải có cán bộ quản lý đô thị loại I. Nhìn vào thật đầy gian khó. Nhưng điều quan trọng hơn lúc nào hết là Đà Nẵng được đặt vận mệnh của mình trong tháng 8 là: Đà Nẵng đã được nhìn nhận đúng tầm vóc, được giao sứ mệnh cao cả, được đặt trên con tàu hướng về tương lai, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng đổi mới của đất nước. Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng được chia tách và chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương.
Cảng Đà Nẵng
3. Sự hấp dẫn là cứ điểm
Đà Nẵng với những thuận lợi về địa lý, nhân văn, giao thông, vận tải, phát triển kinh tế – xã hội. Đó là nơi đất liền và núi giáp với biển đã để lại đó một vũng sâu, khá kín, tạo cảng biển thuận lợi bậc nhất nhì của cả nước nếu tính trên mặt bằng tự nhiên và nhất nước nếu tính trên mặt bằng hậu xứ.
Điểm giữa ấy lại còn là mối nối giữa đường bộ, đường sắt với đường biển (biển ở đây mang tính “mặt tiền” về tiếp xúc quốc tế), rồi với đường bay trong và ngoài nước. Tất cả những gì mang tính thương mại, trao đổi, giao lưu từ miền Bắc vào, đa số thông qua đó, rồi cũng từ đó vào Nam sau khi đã chạy dọc suốt miền Trung.
Với Tây Nguyên, chỉ có Đà Nẵng mới có một nội lực chuyển tất cả những nhu cầu của miền núi ra biển, thông qua một bàn đạp tiện lợi nhiều bề, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang không có cảng lớn, Quy Nhơn vẫn là một cảng nhỏ, Dung Quất, cảng biển từ Huế đến Vinh đều không đạt yêu cầu kinh tế – thương mại quốc tế. Dù mai sau có cảng mới tầm cỡ nào đi nữa (như Dung Quất, Văn Phong, Chu Lai, Chân Mây) thì Đà Nẵng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất của mình mà cả nước giao cho.
Đà Nẵng là điểm cuối của cả một khu vực bát ngát. Không phải chỉ có Tây Nguyên đằng sau lưng, mà còn có cả Đông Dương theo nghĩa hẹp (thuộc 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam) và theo cả nghĩa rộng (bao trùm cả phần Bắc Thái Lan và Miến Điện). Trong các xu thế phát triển liên vùng, Bắc và Trung Đông Dương là một miệng phễu rất to lớn, đưa mọi tài nguyên, sản phẩm dịch vụ, về cái đáy (đang phát triển) là Đà Nẵng. Xu hướng phát triển đó không phải chỉ một chiều. Mà chiều ngược lại cũng không nhỏ: cả biển Đông và quốc gia bao lơn của nó, Philippines, Indonesia, Đông Malaysia, Brunei, Úc, New Zealand… cũng nằm ở thế miệng phễu để rót về cái đáy Đà Nẵng. Những miệng phễu to lớn khác, những đòn bẩy mạnh mẽ khác, vẫn còn đi tìm cái đáy, cái điểm tựa này. Đó là cái phễu Viễn Đông, với Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga đều vào đây, kể cả Canada, Hoa Kỳ… Họ dừng lại ở đây rồi đi tiếp về Nam, tự nhiên Đà Nẵng lại là một gạch nối giữa Nam Á với biển Đông.
Tiềm năng đa dạng của Đà Nẵng và hậu xứ to rộng chung quanh, từ biển cả đến cao nguyên, từ bao lơn Thái Bình Dương đến đất liền Đông Á. Điều kiện tự nhiên, yếu tố xã hội cũng như sự khẳng định của lịch sử từ lâu đã đặt thành phố Đà Nẵng vào vị trí quan trọng. Chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên sự nhận định trong báo cáo của ông Itaru Mae, trưởng đoàn nghiên cứu của JICA tại Việt Nam đã đưa ra 5 mục tiêu mà Đà Nẵng cần phải đạt được trong các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật góp phần kiến giải trong việc rút ngắn những khoảng cách để phát triển kinh tế giữa các vùng và các miền như sau:
Mục tiêu thứ nhất là phối hợp khả năng phát triển của các tỉnh, tạo mối liên kết giữa các vùng nông thôn và thành thị để thực hiện tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội gồm các vấn đề: Hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tuyến đường cao tốc số 1 chạy dọc các tỉnh duyên hải miền Trung và các đường quốc lộ khác như đường 9, đường 49, đường 14B, và đường 24, xây dựng đường hầm Tunel xuyên qua đèo Hải Vân. Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, tạo một trục phát triển công nghiệp Đà Nẵng – Quảng Ngãi và tuyến hành lang thương mại Đông Hà – Huế.
Mục tiêu thứ hai là thiết lập một tuyến hành lang thương mại quốc tế nối liền miền Trung với các nước láng giềng như Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Bắc Campuchia và biến miền Trung thành một đầu mối giao thông, một trung tâm chế biến thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…
Mục tiêu thứ ba là tăng tốc phát triển kinh tế vùng bằng cách chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đặc biệt chú ý hơn nữa đến cơ cấu ngành trong khi phải cố gắng nâng cao năng suất ngành nông nghiệp, điều đó giúp thực hiện phát triển cân đối hợp lý giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Trước tiên là hình thành các khu công nghiệp từ Đà Nẵng đến Dung Quất theo hướng sản xuất sản phẩm xuất khẩu có khả năng cạnh tranh quốc tế, khuyến khích phát triển công nghiệp du lịch ở hành lang Huế – Đà Nẵng nhằm sử dụng tốt nhất các di tích văn hóa lịch sử và tự nhiên.
Mục tiêu thứ tư là mở rộng hệ thống thể chế và hành chính hiện hành, trước hết là tăng cường năng lực cho chính quyền trong việc điều hành và thực hiện các chương trình và dự án phát triển thông qua toàn bộ các chu trình từ kế hoạch thực hiện, bảo hành và hoàn thiện chức năng phối hợp với Chính phủ và hợp tác liên cơ quan, kết hợp, hợp tác liên tỉnh. Tạo môi trường thu hút vốn đầu tư bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và vốn đầu tư địa phương, vào các ngành khác nhau ở miền Trung, đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển cơ sở này, thiết lập cơ chế tài chính hợp lý cùng với chính phủ tiến hành phân bổ trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương, quan tâm nhiều hơn nữa tới những quy chế và hướng dẫn của các cơ quan tài trợ đa phương và song phương trong trường hợp các cơ quan này cùng viện trợ.
Mục tiêu cuối cùng là tiến hành công cuộc phục hồi các khu vực đô thị: Để thực hiện mục tiêu này, trước hết phải tiến hành các phương án như kìm chế lũ ở các lưu vực, các con sông đổ vào, xây dựng các đập đa dụng, cải tạo hệ thống thoát nước cho các khu đô thị. Kế đến là cải thiện môi trường cho dân cư khu vực đô thị bằng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị như đường sá, cấp thoát nước, rác thải, nhà ở,… để khu vực đô thị có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa các hoạt động kinh tế cùng các khu vực ven đô có khả năng thu hút vốn đầu tư, hoàn thiện các dịch vụ y tế và giáo dục, nâng cao mức sống mọi mặt cho nhân dân.
Vì vậy, khi Đảng và Chính phủ quyết định chọn Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu số một và số hai là một quyết định táo bạo, sáng suốt, đặt viên gạch nền cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên Chiểu (Đà Nẵng) – Dung Quất (Quảng Ngãi) – Chu Lai (Quảng Nam) đều nằm trong tổng thể phát triển của cả nước.
4. Đô thị của những hy vọng lớn cho chuỗi phát triển vùng
Năm 1997 sau khi chia tách đơn vị hành chính, Đà Nẵng có diện tích đất khu vực nội thành từ khoảng 5.600 ha tăng lên đến hơn 21.000 ha năm 2016. Dân số từ 672.468 người vào năm 1997 đã lên đến 1.007.000 người vào năm 2016. Là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước đạt 87,4% nhưng thực chất là kết quả của quá trình xác lập địa giới hành chính, không phải là của luồng di cư nông thôn.
Với tổng diện tích 128.543 ha, bao gồm 6 quận nội thành và 2 huyện Hòa Vang, Hoàng Sa (trong đó diện tích đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha). Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 7 phân khu: Khu vực đô thị cũ có diện tích khoảng 3.263,92 ha; khu ven biển Tây Bắc diện tích khoảng 3.647,12 ha; khu vực ven biển phía Đông diện tích khoảng 3.330,81 ha; khu vực phía Tây diện tích khoảng 13.605,89 ha; khu vực Bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.383,39 ha; khu vực phía Nam diện tích khoảng 9.075,76 ha và khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa diện tích khoảng 91.181 ha.
Đà Nẵng là một trong những địa phương có kinh tế phát triển lớn tại khu vực. GDP tăng trưởng trung bình 10%/năm. Quy mô GRDP năm 2016 theo giá 2010 là 53.900 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần so với năm 1997; GRDP bình quân/người xấp xỉ 3.000 USD, đây là mức thu nhập xếp hạng thứ 07 trong cả nước. Giải quyết việc làm bình quân 27.630 lao động/năm; mức thu ngân sách hiện nay vào khoảng 25,9 nghìn tỷ đồng, cao nhất toàn vùng duyên hải miền Trung và được xếp hạng 09 trong cả nước.
Hiện nay, tỷ trọng GRDP của Đà Nẵng so với cả nước chiếm 1,55% (trong khi của Quảng Nam đã là 1,62% và Quảng Ngãi 1,3%). Nếu xếp thứ tự trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm thì Đà Nẵng chỉ xếp thứ 02 và trong 14 tỉnh duyên hải miền Trung thì xếp thứ 04.
Đà Nẵng có trục đường Bắc Nam quốc lộ 1A (đường xe lửa xuyên Việt) nay có thêm đường Trường Sơn ở phía Tây, Tuyến đường ven biển phía Đông. Sân bay quy mô quốc tế được nâng cấp, dự tính đến năm 2020 đón 13 triệu lượt khách/năm, năm 2030 là 28 triệu lượt khách/năm, tạo thành những tuyến giao thông hàng đầu theo chiều dọc. Với 72 cây cầu bắc qua các sông có chiều rộng trung bình 8m và 2.171 tuyến đường trong đó có đường 14 tiến sâu về phía Tây nối kết đường Trường Sơn tạo thành những trục giao thông theo chiều ngang… Hoàn thiện cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với 1.770m cầu bến có khả năng tiếp nhận hàng tổng hợp với trọng tải đến 70.000 DWT, tàu container 4.000 Teus, tàu khách loại lớn đến 150.000 GRT đảm bảo năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng lên đến 12 triệu tấn/năm và mới đây Chính phủ cũng đã đồng ý giao cho chính quyền Đà Nẵng tăng cường thêm cảng Liên Chiểu. Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Cảng biển Đà Nẵng phù hợp với Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014; là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), có khả năng đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung; gồm một số khu bến chính như khu bến Tiên Sa, khu bến Liên Chiểu”. Như vậy, việc vận chuyển qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây sẽ rút ngắn được hành trình vận chuyển, giảm chi phí giao dịch đồng thời nâng cao được năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sang các vùng và các nước trong khu vực. Mở rộng các khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, Khu Công nghệ cao, hầm Hải Vân (rút ngắn khoảng cách với Huế), khu nghỉ mát Bà Nà ở vùng núi phía Tây, dần hình thành phức hợp công viên tự nhiên Ngũ Hành Sơn, dải bờ biển du lịch phía Đông… Lõi kinh doanh trung tâm đang hình thành với sự phát triển của nhà cao tầng, trung tâm thương mại – dịch vụ, sinh hoạt văn hóa – xã hội đã tạo cho Đà Nẵng dáng dấp một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung, một siêu đô thị – đa trung tâm và không ít học giả nước ngoài đã chọn nghiên cứu Đà Nẵng như một thành phố tiêu biểu, mạnh dạn tự lực phát triển sau đổi mới.
Cảng Chân Mây – Thừa Thiên Huế
5. Những tồn tại hạn chế
Bà Kathrin Moore (từng là trưởng nhóm quy hoạch SOM (Mỹ) thiết kế khu đô thị mới Nam Sài Gòn vào những năm 1990) và TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn qua những hội thảo đã cùng trao đổi kinh nghiệm xây dựng đô thị, trình bày các kinh nghiệm xây dựng trên thế giới, tìm ra giải pháp để gắn kết công tác quy hoạch, xây dựng đô thị hiện đại phù hợp với điều kiện khí hậu, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam. Họ thực sự e ngại về nạn giao đất nằm sát biển cho tư nhân khai thác xây dựng “resort” khách sạn, nhà hàng. Bãi biển là không gian vui chơi giải trí mà toàn cộng đồng phải được ưu tiên sử dụng… Vấn đề thứ hai là Đà Nẵng với những di sản kiến trúc không đồ sộ và không cổ xưa là mấy. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa Đà Nẵng ít nhiều vung tay xóa dần những dấu ấn trên chặng đường kiến thị. Vấn đề thứ ba, Đà Nẵng như thuần túy việc phân lô bán nền, chưa có giải pháp trong công tác yểm trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là trung chuyển hàng hóa và nhất là du lịch, thành phố Đà Nẵng chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng.
Trước thời đại công nghệ 4.0 đang được coi là nền tảng để xây dựng lên những thành phố kết nối, nơi có các tòa nhà thông minh, mọi quy trình sẽ được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người. Khu kinh tế tự do Songdo, Incheon của Hàn Quốc, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Shah Alam (Malaysia), Florida và New York (Mỹ) là các ví dụ điển hình về thành phố thông minh với khả năng áp dụng công nghệ vào quản lý và sinh hoạt. Đáng ra các chuyên gia kinh tế, quy hoạch, kiến trúc và môi trường phải sớm mạnh dạn tham mưu lãnh đạo thành phố về các mặt này.
6. Kết luận
Nhìn chung, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Đà Nẵng đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai. Tuy còn nhiều hạn chế song cũng phải thừa nhận Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đô thị đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước. Đà Nẵng cần sự bức phá.
Để tạo đòn bẩy cho Đà Nẵng có một cơ chế bức phá cho giai đoạn mới. Ngày 24/1/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 43NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, đô thị biển quốc tế,… là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc.
Giai đoạn 2021 – 2030: tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045 thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) – Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An – Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng.
Những nội dung của Nghị quyết quan trọng này được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho bước phát triển của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo:
– Nguyễn Văn Xuân – Đà Nẵng trong mắt người Anh trang 396-399 (Nguyễn Văn Xuân – Sức sống văn hóa xứ Quảng, Sưu tập, biên soạn Nguyễn Cửu Loan – Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Ấn bản 11/2011.
– Năm mục tiêu cần phải đạt được (trích báo cáo tham luận của ông Itaru Mae, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA tại Việt Nam tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế 4 tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi” do Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đầu tháng 7/1996.
– Christiab Taillard, Từ đô thị hóa tuyến tính ở vùng ven đến siêu đô thị đa trung tâm với các khu đô thị mới, trường hợp thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Hội thảo quốc tế “Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á”, TP.HCM, 12/2008.
Nguyễn Cửu Loan
Tổng Thư ký Hội QHPTĐT. Đà Nẵng
(ĐT&PT số 78-79/2019)