Home / QUY HOẠCH / CÔNG VIÊN CÂY XANH ĐÀ NẴNG THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

CÔNG VIÊN CÂY XANH ĐÀ NẴNG THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

I. HIỆN TRẠNG CÂY XANH, CÔNG VIÊN TP ĐÀ NẴNG

       Trong thời gian qua mặc dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, công tác quản lý và phát triển của hệ thống cây xanh đô thị của thành phố Đà Nẵng giai đoạn (2011 – 2015) đã được những kết quả quan trọng đáng khích lệ. Trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật cây xanh đô thị (Green Law), quy phạm, tiêu chuẩn về thiết kế, thi công cây xanh đô thị còn bất cập, hạn chế; trong thời gian qua thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm tăng cường công tác hướng dẫn giám sát, kiểm tra các chủ thể, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố, góp phần đưa công tác quản lý phát triển cây xanh ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả cao hơn.

       Về quy hoạch chủng loài cây xanh, thành phố đã ban hành “Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, cây xanh hạn chế trồng và cây xanh cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng” với những khuyến cáo cụ thể về sự phù hợp của từng chủng loài với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan và hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị làm cơ sở cho công tác quy hoạch, thiết kế và thẩm định phê duyệt đối với các dự án phát triển cây xanh đồng thời hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia phát triển cây xanh đô thị. Ngoài ra để nâng cao chất lượng, an toàn hệ thống cây xanh công cộng, Sở Xây dựng đã nghiên cứu ban hành “Quy định tạm thời về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh công cộng”.

       Hệ thống công viên, vườn hoa, vườn dạo, thiết chế văn hóa trong khu dân cư tại các quận, huyện theo quy hoạch đã được triển khai đầu tư xây dựng. Đã cơ bản tạo nên các tuyến đường cảnh quan ven sông, ven biển như: hệ thống cây xanh hai bên bờ sông Hàn (tuyến đường Như Nguyệt – Bạch Đằng – Thăng Long; dải công viên Bạch Đằng Đông – Trần Hưng Đạo – Chương Dương…), cây xanh cảnh quan ven biển (Công viên Biển Đông, cây xanh trên vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành), cảnh quan ven sông Phú Lộc, hành lang xanh hai bên kênh mương trên địa bàn quận Liên Chiểu…) thực hiện tốt chức năng phòng hộ, vừa tạo thành các tuyến xanh cho đô thị. Các vệt kẹp, khu đất hai đầu của các cầu qua sông đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng mảng xanh lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những điểm nhấn cảnh quan xanh ấn tượng trong bộ mặt đô thị như nút phía Tây cầu Thuận Phước, hai đầu cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…

         Đã quy hoạch vành đai xanh phòng hộ ven biển từ khu vực Kim Liên – Nam Ô kéo dài dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành đến cầu Thuận Phước và khu vực bãi biển Thọ Quang – Mân Thái. Vệt cây xanh đã được trồng có tác dụng tích cực trong việc hạn chế ảnh hưởng của gió, cát biển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của hệ thống cây xanh công cộng tại các tuyến đường ven biển. Hiện nay thành phố đang tổ chức triển khai lập quy hoạch hệ thống cây xanh – công viên đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch chung thành phố.

       Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn liên quan, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, cây xanh hạn chế trồng và cây xanh cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng với nhiều loài cây xanh bóng mát phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, bề rộng vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật của từng tuyến đường, từng khu vực. Trong đó, yếu tố được quan tâm hàng đầu là đặc điểm, khả năng chống chịu của cây xanh đối với tác động của mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó hiệu quả với tác động biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Một số loài cây xanh được triển khai trồng bằng trên vỉa hè các tuyến đường ven biển như Dừa, Bàng biển, Phi lao, Tra, Mù u… bước đầu cho thấy sự phù hợp, thích nghi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ven biển. Phần lớn các tuyến đường đầu tư mới được thiết kế trồng không quá 3 loài, một số trục đường chính như Nguyễn Văn Linh – Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Xô Viết Nghệ Tĩnh – Hồ Xuân Hương, Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa… được trồng đồng bộ góp phần quan trọng trong việc hình thành hệ thống cây xanh đảm bảo mỹ quan đô thị. Cây bụi có hoa trên dải phân cách, đảo giao thông các tuyến đường được thiết kế trồng và duy trì thường xuyên theo hướng đơn giản, gọn gàng, đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông. Nhiều vườn dạo, khu vui chơi giải trí, thiết chế văn hóa đã đầu tư xây dựng được thiết kế theo hướng tạo ra những không gian xanh công cộng gồm cây xanh bóng mát, thảm cỏ, dụng cụ tập thể dục thể thao, ghế đá, lối đi dạo… dễ tiếp cận góp phần tạo nên những mảng xanh trong lành làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân trong các khu dân cư. Nhiều cơ quan đơn vị, hộ dân đã tận dụng những khoảng không gian trong sân nhà, phần đất sát tường rào trên vỉa hè trước nhà… để trồng thêm cây xanh bóng mát, cây bụi, bồn hoa, cây leo hàng rào, bám tường… góp phần tăng thêm mảng xanh và vẻ đẹp của công trình công sở, nhà ở.

         Công tác chỉnh trang cây xanh đường phố đã được triển khai góp phần tăng thêm mỹ quan của diện mạo đô thị. Cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Thọ có hiện tượng bị sâu bệnh, còi cọc… đã được thay thế đồng bộ bằng cây Giáng hương, Muồng tím. Thay thế, bổ sung những cây xanh bị chết khô trên vỉa hè các tuyến đường ven biển như: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa bằng chủng loài phù hợp. Cây xanh trên tuyến đường Bạch Đằng được chỉnh trang theo hướng sắp xếp, bố trí cây xanh tập trung theo từng đoạn đường với các loài cây có hoa phù hợp với cảnh quan ven sông như: Lộc vừng, Bằng lăng, Giáng hương… góp phần tạo nên một tuyến phố đẹp giữa trung tâm thành phố. Cùng với việc cải tạo, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, cây xanh trên vỉa hè đường Lê Duẩn được chỉnh trang bước đầu cho thấy tác dụng tạo cảnh quan ấn tượng, thông thoáng cho tuyến phố chuyên doanh. Xung quanh tường rào các khu đất tại trung tâm thành phố được đầu tư trồng thảm cỏ, thảm hoa cũng góp phần đáng kể trong việc gia tăng mảng xanh, cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị. Do ảnh hưởng thường xuyên của mưa bão, trong thời gian qua hệ thống cây xanh công cộng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Thành phố đã kịp thời tập trung cho công tác cắt tỉa cành nhánh, chống dựng cây xanh bóng mát trước mùa mưa bão với mức độ lớn hơn định mức quy định, góp phần giảm thiểu thiệt hại của cây xanh trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

    Về đầu tư xây dựng các công viên, vườn dạo, thành phố đã hoàn thành thi công nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3, góp phần tôn tạo cảnh quan cho khu công viên, đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn của nhân dân, du khách. Công trình Cảnh quan công viên tại đường Hùng Vương – Yên Bái – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Chí Thanh. Đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Công viên Thanh niên với quy mô gần 21ha. Công viên bảo tồn di tích lịch sử K20 đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1. Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành các bước quy hoạch, chuẩn bị đầu tư. Công viên Châu Á (tại khu vực Đông Nam Đài Tưởng niệm) đã được Công ty TNHH Công viên Châu Á triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 1; đã đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong và ngoài thành phố trong dịp Tết Nguyên đán năm Bính Thân – 2016. Việc doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng Công viên Bách thảo với việc mở rộng quy mô lên 300 ha đang được thành phố xem xét. Đối với vườn dạo, thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, thành phố đã hoàn thành việc thi công xây dựng 12 vườn dạo tại các khu dân cư tập trung với tổng diện tích 2,4 ha góp phần quan trọng trong việc tăng cường mảng xanh, cải thiện môi trường sống trong các khu dân cư.

      Bên cạnh đó, một số khu vườn dạo được người dân tự huy động, đóng góp xây dựng cũng góp phần tích cực cải thiện môi trường sống và mỹ quan đô thị. Mặc dù số lượng vườn dạo được đầu tư xây dựng chưa đạt so với kế hoạch, nhưng thành phố cũng đã kịp thời tập trung rà soát và đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng các khu vui chơi hoạt động không hiệu quả để chuyển đổi công năng thành khu vườn dạo, thiết chế văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao… góp phần tăng thêm mảng xanh và nơi thư giãn, nghỉ ngơi cho người dân trong các khu dân cư. Hệ thống vườn ươm cây xanh đã được mở rộng, nâng tổng diện tích đất dành cho vườn ươm lên 40,5 ha, chưa kể vườn ươm do các cơ sở kinh doanh hoa, cây cảnh đầu tư xây dựng. Vườn ươm Hòa Ninh hiện nay là vườn ươm (cây bóng mát) chủ lực của thành phố. Cùng với vườn ươm Hòa Ninh, vườn ươm Hòa Thọ góp phần gieo ươm, chuẩn bị nguồn giống đảm bảo chất lượng cho công tác duy trì thường xuyên cây xanh bóng mát trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng bố trí một số khu đất để giao cho các đơn vị chuyên ngành cây xanh sử dụng làm vườn ươm tạm, vừa đảm bảo tình hình vệ sinh môi trường tại các khu đất trống vừa góp phần tạo mảng xanh đô thị và cung cấp cây giống cho người dân tại các khu vực lân cận. Thành phố đã đầu tư xây dựng Khu trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở KHCN) kết hợp cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật tại phường Hòa Thọ Tây và Hòa Phát với diện tích 50.000 m2. Để đa dạng hóa chủng loài cho cây xanh của thành phố, Trung tâm ứng dụng Công nghệ sinh học đã triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống cây lá đỏ (Lim lá thắm) tại khu BTTN Bà Nà – Núi Chúa, nhân giống các loài cây Thái diệp thảo lá xoăn và Thái Diệp thảo lá đỏ và chuyển trồng thử nghiệm tại Công viên 29/3. Đối với cây xanh phòng hộ, cách ly, tiếp tục trồng mới khoảng 3,0 ha cây Phi lao và Dừa phòng hộ ven biển đường Nguyễn Tất Thành trên địa bàn các phường Hòa Minh và Hòa Khánh Bắc. Cùng với khoảng 04 ha cây Phi lao còn lại trong giai đoạn trước đây trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành và vệt cây phòng hộ trên tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa đã góp phần nhất định trong việc hạn chế ảnh hưởng của gió, cát biển, tạo điều kiện cho cây xanh cảnh quan trên vỉa hè và dải phân cách sinh trưởng, phát triển ổn định. Cây xanh cách ly xung quanh các Trạm xử lý nước thải đã được trồng với tổng diện tích khoảng 7 ha, góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu mùi hôi phát tán đến các khu đô thị lân cận.

        Về xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị, thông qua các phong trào “Tết trồng cây”, “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp”, Cuộc thi “Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh”… nhiều tuyến đường đã được trồng cây xanh, nhiều khu đất trống không đảm bảo vệ sinh môi trường đã được thay thế bằng những khu vườn dạo xanh mát, sạch đẹp. Các tổ chức đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn Đà Nẵng, Liên hiệp Hội Phụ nữ thành phố, Hội Nông dân thành phố… đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện nhiều nội dung, công việc liên quan phát triển mảng xanh bảo vệ môi trường. Ngành Giáo dục thành phố đã thực hiện tốt mô hình Trường học xanh – sạch – đẹp góp phần đáng kể tăng không gian xanh, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. Nhân dân tại một số địa phương đã tham gia tích cực công tác XHH phát triển cây xanh với nhiều hình thức, cụ thể như: trồng nhiều cây xanh bóng mát có giá trị (Lộc vừng, Giáng hương, Muồng hoàng yến, Bằng lăng, Hoàng hậu, Osaka…) trên vỉa hè trước nhà tại nhiều tuyến đường trong khu dân cư; bố trí cây xanh trong các bồn hoa sát tường nhà với thiết kế phù hợp, thẩm mỹ và đảm bảo trật tự trên vỉa hè đường phố. Triển khai thực hiện phong trào “Tết trồng cây” hàng năm, thông qua đó, vận động các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn các quận tổ chức trồng cây xanh, hình thành các khu đất vườn dạo, cây xanh tập trung tại các khu dân cư. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập “Quỹ Đà Nẵng Xanh” để kêu gọi sự tham gia ngày càng rộng rãi hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với việc phát triển cây xanh của thành phố Đà Nẵng.

       Theo số liệu rà soát, thống kê cho thấy, hiện nay diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người của thành phố Đà Nẵng là: 7,3 m2/người (trong đó: Cây xanh công cộng bình quân đầu người: 3,07 m2/người; Cây xanh chuyên dụng bình quân đầu người: 0,72 m2/người; Cây xanh sử dụng hạn chế bình quân đầu người: 3,53 m2/người).

       Tuy đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng công tác quản lý phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Về quy hoạch, đầu tư xây dựng các công viên, vườn dạo, nhìn chung việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng các công viên, vườn dạo trong thời gian qua thành phố đã quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến. Công viên Thanh niên, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Công viên Bách thảo – Bách thú chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Về thực hiện các giải pháp kỹ thuật, công tác chỉnh trang cây xanh đường phố chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra. Ngoài nguyên nhân nguồn kinh phí hạn chế, còn do công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, hạ tầng kỹ thuật (nổi, ngầm) chưa đồng bộ. Công tác duy trì thường xuyên hệ thống cây xanh công cộng đảm bảo an toàn gió bão, mỹ quan đô thị vẫn còn bất cập, hạn chế về mô hình quản lý, phương tiện, thiết bị. Chưa triển khai các mô hình trồng cây dây leo trên giàn thép trên các đường phố có vỉa hè hẹp; xanh hóa các hành lang đường sắt, đường dẫn đầu cầu, taluy các tuyến đường; cải tạo cảnh quan xung quanh các hồ điều tiết, hồ nước trong đô thị…Công tác nghiên cứu lai tạo, di thực giống để đa dạng hóa chủng loài cho cây xanh của thành phố đã được triển khai nhưng hiệu quả và khả năng nhân rộng chưa cao. Về quản lý cây xanh đô thị, đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật về cây xanh đô thị còn thiếu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ quản lý, công nhân lành nghề còn hạn chế. Tuy có nhiều cố gắng nhưng thực tế cho thấy công tác lập kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai đầu tư công viên, vườn dạo, chỉnh trang cây xanh đường phố, mua sắm trang thiết bị, phòng chống bão đối với cây xanh công cộng vẫn còn bất cập, hạn chế dẫn đến một số hạng mục công việc không triển khai đúng theo kế hoạch đề ra; công tác phòng chống bão gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ sở dữ liệu của hệ thống cây xanh chủ yếu được cập nhật từ các dự án bàn giao đưa vào sử dụng, chưa có công cụ quản lý hiện đại để khai thác nhanh chóng, tiện lợi cơ sở dữ liệu cây xanh đã có. Việc quản lý cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng chưa được theo dõi chặt chẽ và đánh giá thường xuyên. Việc rà soát, quản lý cây cổ thụ, cây có giá trị về lịch sử, văn hóa để xây dựng kế hoạch bảo tồn còn hạn chế. Vườn ươm Hòa Ninh được đầu tư mở rộng đã đáp ứng một phần cho công tác duy trì thường xuyên nhưng số chủng loài cây vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển cây xanh của thành phố. Nguyên nhân là do mô hình quản lý, hoạt động chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

     Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển cây xanh cũng như nâng cao số lượng và chất lượng hệ thống cây xanh, công viên trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, thành phố cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung sau:

  1. Hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch chuyên ngành phát triển cây xanh, công viên đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  2. Xây dựng kế hoạch quản lý, phát triển cây xanh hàng năm phù hợp với đặc điểm khí hậu của thành phố, ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra.
  3. Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến công tác quản lý cây xanh đô thị, đặc biệt là quản lý chất lượng an toàn cây xanh đô thị.
  4. Xây dựng Đề án phân cấp quản lý, sắp xếp các tổ chức, đơn vị liên quan trong lĩnh vực cây xanh đô thị và xã hội hóa công tác dịch vụ chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây xanh công cộng.
  5. Rà soát và triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật…
  6. Tăng cường việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý cây xanh đô thị.
  7. Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng và quản lý hiệu quả các công viên, vườn hoa, vườn dạo, cây xanh trường học, khu đất quy hoạch cây xanh tập trung trên địa bàn thành phố.
  8. Nâng cấp, khai thác hiệu quả hệ thống vườn ươm.
  9. Rà soát, thực hiện chỉnh trang cây xanh đường phố (dải phân cách, vỉa hè) trên địa bàn thành phố, đặc biệt ưu tiên đối với các tuyến đường phố chính, các tuyến cảnh quan.
  10. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý và phát triển cây xanh. Tăng cường công tác tuyên truyền xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị.

* Trong đó cần đặc biệt quan tâm một số nội dung sau:

– Chỉnh trang cây xanh đường phố phục vụ Hội nghị APEC 2017;

– Triển khai xây dựng các vườn hoa, vườn dạo, cảnh quan xung quanh các hồ điều tiết, thiết chế văn hóa trên địa bàn các quận, huyện;

– Kêu gọi đầu tư xây dựng các công viên dự án Vườn thú Vinpearl Safari tại khu vực hồ Đồng Nghệ; tiếp tục đầu tư xây dựng các công viên trên địa bàn thành phố (công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, công viên Châu Á, công viên Bách Thảo, công viên Đồng Nò, công viên Đại dương Sơn Trà);

– Cải tạo, xây dựng bãi rác Khánh Sơn sau khi đóng cửa thành công viên, vườn ươm theo hướng xã hội hóa;

– Nâng cao chất lượng nhân lực liên quan công tác quản lý, thực hiện dịch vụ công ích đô thị trong lĩnh vực cây xanh. Trong đó cần quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kiến thức chuyên môn về Lâm nghiệp đô thị, một ngành mới xuất hiện trong nước vài năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu cao đối với cây xanh đô thị về mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… phù hợp với cảnh quan, môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị (với quan điểm cây xanh đô thị cần được quan tâm đặc biệt, cách trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị khác xa với cây xanh nông thôn, cây trên rừng);

– Triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ GIS lập cơ sở dữ liệu quản lý cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”;

– Tuyên truyền công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị, triển khai tập huấn cho các địa phương; Nhân rộng các mô hình tiêu biểu “Trường học Xanh”, “Công trình Xanh”, “Phố Xanh”…

Phòng Quản lý Hạ tầng

Sở Xây dựng

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …