Trên đời mấy ai ăn ở tách lìa. Sống co cụm vẫn hơn. Dù cho đất đai còn rộng. Dù cho chung đụng là sự đánh vật với bản năng trái ngược, – ta và đàn lũ.
Cộng cư sản sinh làng và phố.
Làng do nghiệp nông và chế độ phong kiến khuôn đúc nên. Thiên về sự co vào. Rụt rè về sự hướng ra. Tiến hóa theo chu trình sống, theo sơ đồ không gian hầu như khép kín. Nhà mở ra sân. Sân nhìn ra cổng. Cổng hé ra ngõ. Ngõ ngó ra cổng. Cổng hướng ra đường làng. Đường làng chững lại trước cổng làng. Nó trấn thủ nhà ta, trấn thủ làng mình.
Dân quê sống theo cái sự quen. Quen lâu thành nếp, thành lệ. Lệ làng chỉ bảo cách hành xử, làm thước đo phán xét sự đời. Ra phố, bưng nguyên những thói quen, những tục lệ. Mấy đời, vẫn chưa phai. Bởi thế, chốn kinh kỳ, phố này xóm nọ khang khác nhau. Không sao rút hẳn chân ra khỏi quê.
Phố mọc lên từ cái chợ ven đường. Dân quê ra đây mở tiệm dựng quán, lấy cái việc gom hàng chỗ này đem đến chỗ nọ, cộng thêm nước bọt, cộng thêm ganh đua và một chút mắn tay, làm kế sinh nhai. Co cụm, ăn ở sát kề, nhà dựng thành hàng thành dãy. Phố và chợ, hàng và họ, quện làm một. Khác làng, phố sống bởi cái sự giao thương. Khác làng, phố ưa cái sự mới lạ. Nhà phố thì tĩnh, đời phố thì chảy, lắm khi cuồn cuộn. Phố thành thị thành, dân phố thành thị dân. Thiếu cái để hãnh diện, lấy cái ấy lên mặt với dân quê.
Thành thị gồm những dãy phố và đường phố. Phố to và phố nhỏ. Phố chính và phố phụ. Thêm những con ngõ, cái ngách. Ngõ tạo nên bởi sự bỏ trống một lô đất trên dãy phố. Ngách tạo nên bởi con ngõ chừa ra cái khe. Ngõ-ngách nối kết các con phố, mở ra lối đi tắt. Ngõ-ngách tạo ra diện để xây thêm những dãy nhà như ngoài phố, lấp kín những khoảng trống là hậu, là lưng của những đường phố sinh lời, khoe mặt. Ngõ – ngách đem cơ may cho kẻ nghèo trú ngụ, cho kẻ phi thương có nơi ẩn dật. Ngõ – ngách là làng, là xóm ở nơi thành thị, chứa đựng chẳng những sự quen thân, mà còn cả sự tranh giành bền bỉ những không gian sống, eo hẹp đến cùng kiệt. Sự rộng và hẹp, sự thẳng và khấp khuỷu của ngõ ngách là vết tích, là chân dung của những sự tranh giành sở hữu. Ngõ ngách chẳng mấy khi giàu, sang và đẹp, song hễ ngắm kỹ và hiểu thấu, nhận ra ngõ ngách là hiện thân của nghệ thuật cộng cư, là điều kỳ diệu của tài nghệ kiến tạo tổ người. Nhận ra, trong sự đại bình dị, đại đời thường ấy ló ra những sự khôn ngoan, ló ra những khám phá.
Ngẫm về hình hài phố phường, chợt nảy sinh sự so sánh: Nó giống y hệt cái cây bị người ta đốn ngã ra đất. Ngõ ngách là những cành nhỏ, những nhánh. Muôn ngàn căn nhà là những cái lá. Chỉ khác, bề ngoài giông giống nhau, bên trong thì chẳng nhà nào giống nhà nào.
Hà Thành có biết bao con ngõ. Bề ngoài xem ra đơn điệu. Bước vào, bắt gặp sự duy nhất.
Cái duyên là ở đấy.
2
Ngõ Tạm Thương nằm trong số những con ngõ ấy. Xem bản đồ: Ngõ bắt đầu ở giữa phố Hàng Bông, số nhà 38 – 40, kết thúc ở phố Yên Thái, rộng hơn ngõ một chút. Ngõ rộng 3m, dài 140m. Tra từ điển Hà Nội: “Khoảng đầu thời nhà Nguyễn có tên là Tạm Thương, nơi này dựng một cái kho để chứa tạm thóc do dân nộp thuế, trước khi chuyển vào kho chính trong thành, gọi là kho Tạm Thương (kho tạm thời), nên sau đổi thành ngõ Tạm Thương. Đây nguyên là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc, sau đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ”.
Ở chỗ ngõ rẽ quặt sang phải, tọa lạc một ngôi đền nhỏ thờ bà Ỷ Lan, – Lý triều đệ tứ đế Hoàng thái hậu. Nó là di tích duy nhất ở con ngõ không còn gì là cổ trong khu phố cổ Hà Nội ít cái cổ. Ai từng đọc thơ Chế Lan Viên, hẳn bắt gặp những dòng:
Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm thương…
Người ta nhớ đến ngõ, chắc bởi cái tên gọi là lạ. Sao lại Tạm Thương? Thương mà sao tạm được?
Không biết từ khi dựng cái kho thóc tạm chứa, con ngõ đã trải qua những gì và còn lại những gì. Bộ nhớ của dân ngõ chỉ còn lưu lại kỷ niệm cách nay nửa thế kỷ: Gánh phở ông Đảo, quán cháo lòng bà Mục, xưởng mạ kền An Lợi, tiệm nhiếp ảnh Quang Trung, dãy nhà cuối ngõ nối vào phố Yên Thái, nơi lính Pháp giải trí thời tạm chiến….
Người chạc tuổi lục tuần hẳn nhớ gánh phở Đảo. Đặt nép vào vách tường trái đầu ngõ. Một chiếc hòm – chạn làm bằng gỗ mộc, đặt trên bốn bánh xe. Chia làm 3 phần, một phần để nồi phở lúc nào cũng đỏ lửa; 2 phần còn lại để bát và đồ lề. Một cái dóng ngang trên hai cái chống gỗ, dùng để treo những miếng thịt bò chín và sống, những bó hành. Ông Đảo luôn tay gõ sống dao phở xuống thớt, vừa để vời khách vừa cho dẻo tay. Khách tới từng người, gọi tái gàu tái nạm, chỉ chỏ lựa chọn từng miếng, sao cho vừa ý. Bát phở tỏa hương vị phở Đảo. Nhắp nước dùng trước, – vừa quánh vừa trong, chảy vào họng thánh thót như rượu cô-nhắc. Cho hương thơm gây gây bốc qua mũi cái đã, rồi mới thêm thắt nước dấm, lát ớt. Người đến, người đi, không ồn ào, không vội vã.
Ông Đảo bỏ gánh phở đã non nửa thế kỷ. Có người nay muốn mượn tên ông mở quán. Ông ngại, nhỡ người xưa đã quên. Ông sợ, nhỡ phở không ngon, mang tiếng.
Cháo lòng bà Mục tiếng tăm chẳng kém. Đôi quang gánh, một bên đặt lò than và nồi cháo, một bên chồng rổ, bày những bát tiết canh và những bộ lòng dồi. Thơm vị lòng tươi mới quảy từ quê ra , thơm vị rau húng Láng, dậy mùi mắm tôm. Không tài nào mà cưỡng lại cái sự thèm muốn ngồi xuống.
Vài ba chục năm trước, xuất hiện hai ba quán rượu ngâm. Nổi hơn cả là quán có tên Ông già. Quán rộng 4 -5 mét vuông. Vẫn đủ chỗ cho ngót chục bợm rượu ngồi áp tường, co chân thu tay trên những chiếc ghế cao chừng 2 tấc. Đồ nhắm là gân bò, ngẩu pín hầm và chả rắn, thả từ trên xuống trong chiếc quang như chiếc gầu sòng, mình cứ như ngồi đáy giếng. Hai chục năm, tuyệt đối không gì thay đổi. Chỉ có những mảnh tường không biết nước sơn, đen nhẻm. Tưởng như đó là lớp cáu ghét của cuộc đời. Huy động bàn chải máy và bột giặt ô-mô, mới hòng kỵ sạch.
Khoảng mươi năm nay ngõ Tạm Thương sôi động hẳn lên. Chỗ 2 dãy nhà vệ sinh của các nhà 40 và 38 phố Hàng Bông xưa kia, mọc lên những nhà – buồng nông choèn choèn, không quá 3 – 4 mét. Không rõ từ đâu đậu về đây cái món nem chua rán. Hệt như ngõ Phát Lộc, chật ních bởi những hàng đậu rán – bún – dưa chuột – rau kinh giới – mắm tôm, ngõ Tạm Thương chỉ toàn hàng nem chua rán. ăn mà không để no, ăn để chơi, để vui miệng, để nhìn người. Ngõ chật ních những xe máy, nườm nượp những người và người. Đa phần là trẻ, ăn bận thời trang. Cụ bà, nổi danh một thời bởi món bún riêu có tên Bà Nghĩa, ngồi thu mình tối đa trước cửa quán, luôn miệng: “Nào các con ơi, ngồi co chân vào, quay mặt ra cho người ta ngồi với”. Còn tôi, với thân hình khiêm nhường 75 ký cùng ba ông bạn không gọn hơn là mấy, từ tốn nhắp những chén rượu ngâm, quên hẳn cả cái việc chiếm dụng cả thảy chưa đầy 1 mét vuông. Ngõ lèn chặt người. Ngõ chuyển động rối mù. Ngõ cười, ngõ nói oang oang, mấy ai nghe ai.
Anh bạn tôi sống trên lầu 2 nhà số 38, cả đời làm nghề du lịch, đi ngót 30 nước, vẫn không sao rời bỏ con ngõ, rộng hơn 3m dài đúng 140 mét này. Quen rồi.
…Một gã hình như tên là Chiến, thỉnh thoảng về đêm lại nghiêng ngả trên con ngõ Tạm Thương vắng tanh, tay lúc chạm bức tường này, lúc vỗ bức tường kia, khó nhọc tuôn ra từ cái miệng bị rượu chằng giây chun: “Tạm Thương… Thương Tạm … ha ha … Đại lộ E-li- dê…. Uôn-sờ – tờ- rít … ha ha ……”. Gã bước siêu điêu, chẳng ai ngáng đường. Chỉ có cái đầu hồi đền bà Ỷ Lan là buộc anh ta chững lại. Ngõ trở thành cụt.
3
Ngõ phố phảng phất hồn quê ta.
Ngõ phố nay vẫn ươm đậm hồn phố xưa
Quên làm sao đây những ngõ phố, góc phố đời ta
Song:
Chớ để tư duy bà hàng xén phố xưa dẫn dắt tư duy người đương đại
Chớ để tư duy phân lô, chia mảnh chiếm cứ tư duy nhà hoạch định
Chớ để tư duy ngõ ngách chi phối tư duy nhà chiến lược
Đường phố hôm nay có thể trở thành ngõ phố ngày mai.
GS. TS. KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH
ĐTPT Số 18/2009
(ảnh sưu tầm)