Home / QUY HOẠCH / CƠ HỘI MỞ RỘNG PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐÁP ỨNG QUY MÔ TỪ 2,5 ĐẾN 3 TRIỆU NGƯỜI TRONG TƯƠNG LAI

CƠ HỘI MỞ RỘNG PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐÁP ỨNG QUY MÔ TỪ 2,5 ĐẾN 3 TRIỆU NGƯỜI TRONG TƯƠNG LAI

Đặt vấn đề

         Thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam một dải duyên hải từ Bắc vào Nam, với khoảng > 3500 km đường bờ biển, với các vịnh, bãi biển đẹp nổi tiếng và kỳ thú trong nước và quốc tế không những tiềm ẩn, hứa hẹn nhiều cho phát triển cảng, công nghiệp, dịch vụ du lịch, thể thao… mà còn cho các mối giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế. Không phải tình cờ hoặc ngẫu nhiên mà hệ thống đô thị ven biển được phân bố trải dài dường như đều khắp từ Bắc vào Nam cũng một phần do ý chí con người tạo dựng, nhưng phần cơ bản là do lợi thế thiên nhiên ban tặng. Bao đời nay cha ông ta đã dày công xây dựng tạo nên trên mảnh đất Việt hệ thống các đô thị, điểm dân cư nông thôn mà ở đó toát lên dấu ấn đầy ắp văn hóa, tinh thần và tâm hồn đất Việt. Và cũng theo đó, hệ thống đô thị ven biển của Việt Nam như: Trà Cổ/Móng Cái; Cẩm Phả, Hạ Long; Đồ Sơn/Hải Phòng; Sầm Sơn/Thanh Hóa; Cửa Lò/Nghệ An; Đồng Hới/Quảng Bình; Đông Hà/Quảng Trị; Thuận An, Chân Mây, Lăng Cô/Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng, Hội An; Vạn Tường/Quảng Ngãi; Quy Nhơn; Tuy Hoà; Nha Trang; Phan Rang – Tháp Chàm; Phan Thiết; Vũng Tàu; Phú Quốc; Côn Đảo v.v… gắn với hệ thống cảng biển từ lâu đã tạo nên những điểm tiền tiêu, mở ra những cửa sổ hướng biển quan trọng trong mối giao lưu quốc gia, khu vực và quốc tế.. và trong đó nhiều đô thị không những đã trở thành biểu tượng văn hóa Việt Nam mà còn là di sản văn hóa thế giới như: Huế, Hội An…

Vai trò vị thế trong mối quan hệ vùng

        Đà Nẵng là một thành phố thuộc Trung ương từ năm 1997, nằm trong vùng Nam Trung Bộ, Việt Nam. Đây là thành phố có dân số đông thứ 5 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đà Nẵng hiện là một trong 15 đô thị loại 1 đồng thời là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam.

        Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây với điểm kết thúc là cụm cảng Tiên Sa – Liên Chiểu. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

       Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa – thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước; một động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên; tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

TP. Đà Nẵng – Sơ đồ định hướng phát triển không gian (VIUP)
TP. Đà Nẵng – Sơ đồ định hướng phát triển không gian (VIUP)
Kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hàn TP. Đà Nẵng
Kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hàn TP. Đà Nẵng

Kết quả đạt được

       Đà Nẵng là đô thị điểm nhấn trong phát triển KT-XH, quản lý phát triển đô thị. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn năm 2012 là 46.368,6 tỷ đồng. Trong ba năm liền từ 2008 – 2010, Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu cả nước. Tuy nhiên năm 2012, PCI của Đà Nẵng tụt xuống thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2013, 2014, 2015 Đà Nẵng đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng CPI. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội, tích cực xây dựng thương hiệu và được coi là “thành phố đáng sống” của Việt Nam.

Một số vấn đề cần trao đổi

        Để đạt được mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2050. Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính – viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

       Thúc đẩy công tác quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, theo hướng thành phố công nghiệp, du lịch, dịch vụ, văn minh, hiện đại. Phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, tập trung nguồn lực phát triển thành phố tương xứng với tầm vóc là trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung, có tác động lan toả đối với sự phát triển của các tỉnh lân cận, Tây Nguyên và với cả hành lang kinh tế Đông – Tây, tiểu vùng Mê Kông.

      Ở giai đoạn trước mắt, Đà Nẵng cần rà soát các dự án phát triển đô thị, du lịch…chậm triển khai trên cơ sở tái cấu trúc lại quy hoạch vùng phía Đông ven biển, đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD). Kiên quyết không sử dụng giải pháp lấn biển để phát triển du lịch, đô thị…Đồng thời tiến hành phát triển hệ thống giao thông công cộng đô thị theo hướng đô thị du lịch, hiện đại có bản sắc…

       Đà Nẵng cần tiếp cận phương pháp Quy hoạch cấu trúc chiến lược trên cơ sở kết hợp các lý luận về quy hoạch chiến lược và quy hoạch cấu trúc để giải quyết các vấn đề văn hóa, thể chế và công nghệ, kết hợp với các vấn đề mang tính kinh tế – xã hội, sinh thái và không gian. Đây là một quá trình mang tính xã hội với mục tiêu định dạng không gian cho một tầm nhìn, bên cạnh các công việc cần giải quyết (mang tính hành động) ngắn và trung hạn. Phương pháp này bao gồm cả các yếu tố cộng đồng và sự hợp nhất, phối hợp đa ngành để giải quyết các vấn đề chung hoặc chuyên ngành của đô thị… nhất thiết phải xác định được các chiến l­ược phát triển không gian gắn với tầm nhìn. Cần phải đảm bảo rằng các chiến lược và việc thực hiện chúng là công cụ, phương tiện thực hiện thành công khát vọng về tầm nhìn, ý tưởng, cấu trúc tổng thể đô thị… Theo đó, các chiến lược chính có thể lựa chọn bao gồm:

      (1) Bảo tồn, coi trọng “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên”/trụ cột của phát triển môi trường bền vững”;

      (2) Bảo vệ tối đa, khai thác có hiệu quả vùng cảnh quan, mặt nư­ớc các con sông, mặt nư­ớc ven biển/nhất là diện tích mặt nước ven biển; vùng sinh thái nông, lâm nghiệp phía Bắc, Tây thành phố/là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị/tạo dựng hình ảnh đô thị nước;

     (3) Ưu tiên dành quỹ đất để phát triển các khu chức năng, các đầu mối hạ tầng kỹ thuật mang tính vùng, quốc gia, quốc tế; các khu chức năng đô thị đặc sắc, sinh động, hấp dẫn, các trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, du lịch… (là các nhân tố tạo dựng đô thị trung tâm cấp vùng, cửa ngõ hướng biển) trong cấu trúc đô thị;

     (4) Xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ­ưu, phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng với quy mô dân số 2,53 triệu người; Mở rộng, khai thác hiệu quả quỹ đất; dự trữ nguồn tài nguyên đất đai dành để phát triển trong tư­ơng lai;

    (5) Tăng cường hệ thống, phương tiện giao thông công cộng đô thị thân thiện với môi trường; các kết nối nhanh, thuận tiện, an toàn (đường bộ, đường thủy, đường hàng không) gắn kết Đà Nẵng với vùng phụ cận, khu vực và quốc tế…

Một số giải pháp mở rộng phát triển TP. Đà Nẵng

  1. Về tổ chức không gian

      Lấy yếu tố mặt nước/sông, biển, các đặc điểm của địa hình tự nhiên/điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng làm tư tưởng chính để tổ chức không gian… Một “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” bao gồm lưu vực các con sông, suối, ao, hồ, mặt nước biển (ven bờ), đồi, núi, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cơ bản… cần được duy trì, bảo tồn và phải được xác định rõ, chính danh trong cấu trúc đô thị. Đây là môi trường sinh thái/hệ sinh thái mền để liên kết các khu chức năng đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững. Mặt khác, trong cấu trúc đô thị cần tăng cường khai thác yếu tố “Nước” (nước ven biển, các con sông, hồ…) để phát huy lợi thế và tạo ra bản sắc cho đô thị.

     Theo đó, với “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” cơ bản được bảo tồn, yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo, đô thị Đà Nẵng được phát triển mở rộng về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam, sông Hàn là trục cảnh quan mặt nước chủ đạo với vịnh Đà Nẵng, bờ biển cảnh quan phía Tây (Sơn Trà – Mỹ Khê – Non Nước…), không bỏ qua cảnh quan các con sông Cu Đê, Cổ Cò, các hồ hiện có trong đô thị… làm nền tảng căn bản cho phát triển cấu trúc một đô thị nước ven biển, với việc khai thác thêm quỹ đất (có tính đặc thù) phía Tây Bắc và Đông Bắc (sườn đèo Hải Vân, một phần bán đảo Sơn Trà và gò đồi phía núi Bà Nà).

      Cấu trúc đô thị gồm khu vực đô thị lõi lịch sử; trục cảnh quan sông Hàn – trục hành chính, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, lịch sử, đào tạo, thể dục thể thao; Các khu trung tâm dịch vụ, tài chính, du lịch, nghỉ ngơi giải trí chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế tại quận Ba, một phần vòng cung vịnh Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà…(Trong đó nhấn mạnh các trục không gian ven biển phía Đông, vịnh Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân; trục không gian hai bờ sông Hàn…); Tạo dựng các trục cảnh quan theo lưu vực các con sông Cu Đê, Cổ Cò…; Hoàn thiện, mở rộng quy mô, tăng cường chất lượng hoặc xây dựng mới để nâng cao hiệu quả các khu có chức năng là đầu mối vùng như (công nghiệp, TTCN, cảng hàng không, cảng biển quốc tế, lozistic…). Thiết lập nhiều không gian mở, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước trong lòng đô thị, tạo dựng nhiều nêm xanh hướng biển (khu vực phía Đông/quận Ba, Đông Bắc/Vòng cung vịnh Đà Nẵng/Trên cơ sở rà soát lại một số dự án phát triển du lịch ven biển). Bên cạnh đó, cần lưu ý việc tạo dựng bản sắc riêng cho từng khu chức năng đô thị (thậm chí từng góc phố, từng con đường…) như khu vực đô thị lõi lịch sử, các khu vực phát triển đô thị, du lịch mới… Tạo dựng các tuyến cảnh quan, dịch vụ, văn hóa kết hợp đi bộ, các công trình, tổ hợp công trình điểm nhấn tại các vị trí phù hợp (nên có một đồ án thiết kế đô thị tổng thể cho toàn thành phố để định hướng cho công việc này). Với cấu trúc này cần xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ưu, phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng.

       Bên cạnh đó, các giải pháp về kiến trúc đô thị cũng phải được đặc biệt quan tâm. Các công trình, tổ hợp công trình giữ vai trò là điểm nhấn hoặc có vị trí đặc biệt trong cấu trúc đô thị cần tổ chức thi tuyển. Các tuyến phố chính nhất thiết phải có thiết kế đô thị để triển khai…

2. Về phát triển các khu chức năng, các cơ sở đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng

       Hoàn thiện, mở rộng quy mô, tăng cường chất lượng hoặc xây dựng mới để nâng cao hiệu quả các khu có chức năng quan trọng, là đầu mối vùng như: cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ cao tốc, tạo sự kết nối nhanh với các tỉnh trong cả nước, khu vực và quốc tế.

       + Hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng không gian, cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí chất lượng cao, có thương hiệu, có đẳng cấp đủ sức cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Các không gian, cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí chính, quan trọng được quy hoạch bố trí tại các khu vực ven biển phía Đông thành phố/bám dọc đường Hoàng sa (từ Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam), vùng đèo Hải Vân, Bà Nà…cần được tổ chức nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế đô thị lại để bổ sung những ý tưởng mới, những giải pháp mới có tính sáng tạo, giàu giá trị thẩm mỹ hơn… Đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững cho thành phố. Trục cảnh quan sông Hàn, cảnh quan quanh vịnh Đà Nẵng cũng cần được đặc biệt quan tâm. Cần lập đồ án thiết kế đô thị riêng làm công cụ quản lý kiểm soát phát triển. Bản thân TP. Đà Nẵng đã là một đô thị du lịch biển, sinh thái, LSVH…có thương hiệu, bởi vậy không nhất thiết phải có các khu du lịch với danh hiệu Quốc gia như bán đảo Sơn Trà, Bà Nà…nữa. (Vì sẽ rất dễ bị biến tướng và không cần thiết).

      + Quy hoạch xây dựng phát triển khu trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, đô thị chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tăng cường các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, y tế giáo dục chất lượng cao gắn với các hoạt động du lịch. Kết hợp mô hình du lịch mua sắm, chữa bệnh, nghỉ dưỡng, dịch vụ, đào tạo…tạo sự kết nối hoàn hảo giữa các chuỗi dịch vụ có chất lượng với nhau để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu. Cần so sánh lợi ích phát triển kinh tế – xã hội lâu dài khi di dời cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (sau năm 2030) tới vị trí mới, dành quỹ đất sân bay hiện có (815 ha) để quy hoạch xây dựng phát triển khu trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, đô thị chất lương cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây là cơ hội để mở rộng phát triển TP. Đà Nẵng đáp ứng quy mô dân số từ 2,5 đến 3 triệu trong tương lai.

Sơ đồ 1: (Gợi ý vị trí cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới)
Sơ đồ 1: (Gợi ý vị trí cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới)

        + Quy hoạch xây dựng phát triển cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới. Khi di dời cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (sau năm 2030), để đảm bảo Đà Nẵng vẫn giữ vai trò là đầu mối giao thông quan trọng quốc gia, quốc tế thì cần thiết phải tìm các giải pháp quy hoạch thích hợp, vừa mang tính chiến lược, đột phá, vừa đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững. Đề xuất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới có hai phương án để xem xét lựa chọn. Phương án 1: Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới sẽ được xây dựng phía Đông bán đảo Sơn Trà (xem sơ đồ 1); Phương án 2: Sử dụng sân bay Chu Lai (cách TP. Đà Nẵng 100 km)/sau khi được cải tạo, nâng cấp, được kết nối nhanh bằng đường bộ, đường sắt đô thị tốc độ cao (xem sơ đồ 2).

Việc di dời sân bay, xây dựng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới dành qũy đất sân bay hiện có để quy hoạch xây dựng phát triển khu trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ, đô thị chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế… cần được xác định là tư duy chiến lược có tính đột đột phá để thay đổi căn bản cấu trúc đô thị, mở ra nhiều cơ hội cho Đà Nẵng phát triển năng động, hiệu quả hơn.

 

Sơ đồ 2 (Mạng kết nối nhanh bằng đường bộ, đường sắt đô thị tốc độ cao...từ sân bay QT Chu Lai về TP. Đà Nẵng và ngược lại.
Sơ đồ 2 (Mạng kết nối nhanh bằng đường bộ, đường sắt đô thị tốc độ cao…từ sân bay QT Chu Lai về TP. Đà Nẵng và ngược lại.

         + Quy hoạch phát triển cảng Đà Nẵng thành cảng tổng hợp đảm bảo vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế  ở khu vực miền Trung. Phát triển cảng Đà Nẵng thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), tương lai phát triển cảng Đà Nẵng đảm bảo vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Gồm các khu bến chức năng: (1) Tiên Sa, Sơn Trà là khu bến chính làm hàng tổng hợp cho tàu 3-5 vạn DWT và tàu chở container 4000 TEU; có bến cho tàu du lịch quốc tế đến 10 vạn GRT; (2) Liên Chiểu trước mắt là khu bến chuyên dùng cho tàu 1-3 vạn DWT, sau đó từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính cảng cửa ngõ quốc tế Đà Nẵng cho tàu 5-8 vạn DWT, 4000-6000 TEU…

Hình tham khảo - Sân bay Quốc tế Kansai là công trình của KTS.Renzo Piano nằm gữa Vịnh Osaka với tổng diện tích 511 ha. Đây thực chất là một hòn đảo nhân tạo có chiều dài 3.500 m.
Hình tham khảo – Sân bay Quốc tế Kansai là công trình của KTS.Renzo Piano nằm gữa Vịnh Osaka với tổng diện tích 511 ha. Đây thực chất là một hòn đảo nhân tạo có chiều dài 3.500 m.
Hình minh họa - Đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối Đà Nẵng - Chu Lai - Nha Trang
Hình minh họa – Đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối Đà Nẵng – Chu Lai – Nha Trang

Thay cho lời kết

         Đà Nẵng có đủ điều kiện, cơ hội để trở thành một đô thị cửa ngõ hướng biển quan trọng, có đẳng cấp của Việt Nam, ngang tầm khu vực và quốc tế. Đóng vai trò là đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cửa ngõ hướng biển của hành lang Đông Tây. Không gian đô thị Đà Nẵng có nhiều cơ hội mở rộng để phát triển. Đà Nẵng nhất thiết phải gắn với các mối quan hệ vùng, chia sẻ chức năng, tạo động lực để cùng phát triển. Điều quan trọng là Đà Nẵng phải xác định được một tầm nhìn, xác định được các chiến lược trọng tâm mang tính đột phá để phát triển một cách bền vững.

Tài liệu tham khảo:

– Quyết định số 1085/QĐ-TTg, ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2025.

– Quyết định số 21/QĐ-TTg, ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

– Quyết định số 2190/QĐ-TTg, ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

– Đề tài NCKH Hướng dẫn Quy hoạch Xây dựng đô thị ven biển theo hướng phát triển bền vững (Mã số RD 23-08)/VIUP.

 

                                                               TS.KTS. Trương Văn Quảng

 Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA)

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …