Home / QUY HOẠCH / Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05 tháng 6 năm 2018 Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam”, nhằm đánh giá thực trạng phát triển đô thị, tìm kiếm giải pháp và đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện khuyến khích thu hút đầu tư, định hướng quản lý đồng bộ, nhất quán và khoa học nhằm kiểm soát hữu hiệu quá trình phát triển đô thị.

Hội thảo đã được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Đức Chung – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đại điện Bộ Xây dựng, các cơ quan ban ngành Trung ương, đại diện của các thành phố: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, các Hội nghề nghiệp, các quốc gia và vùng lãnh thổ (Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Úc, Canada, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc), các cơ quan thông tấn báo chí. Tổng số đại biểu tham dự hơn 250 người.

Sau đây, tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển xin được đăng tải toàn bộ nội dung báo cáo kết quả Hội thảo của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đến với bạn đọc.

hoithaovupda

I. Đánh giá thực trạng xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và tổ chức không gian kiến trúc

1. Thành tựu

Các đô thị lớn tại Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt là 02 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Không gian đô thị ngày càng được mở rộng, chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao, bộ mặt kiến trúc cảnh quan đang thay đổi nhanh chóng theo hướng Xanh – Sạch – Đẹp – Hiện đại và Bản sắc. Chính quyền đô thị đã tập trung nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở giáo dục, y tế, công trình thương mại dịch vụ, văn phòng, các khu vui chơi giải trí, vệ sinh môi trường; ưu tiên xây dựng mới các trục giao thông đối ngoại, trục giao thông hướng tâm, các cửa ô, các đường vành đai, tuyến tránh, cầu vượt trong đô thị, nâng cấp cải tạo mở rộng một số đường giao thông hiện có kết hợp với xây dựng hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng, trồng cây xanh, nhờ đó chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện theo hướng đồng bộ. Thực hiện các chương trình nạo vét khơi thông dòng chảy, làm sạch hệ thống sông, hồ, kênh mương thoát nước; xây dựng vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, đặc biệt TP.Hà Nội đang thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh với nhiều chủng loại cây mới đã và đang tạo được giá trị lớn về cảnh quan môi trường; các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang từng bước được di dời để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội đem lại diện mạo mới cho đô thị.

Tại các đô thị lớn đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới chất lượng cao được đầu tư bài bản, dịch vụ cơ sở hạ tầng đồng bộ với đầy đủ các công trình: trung tâm thương mại, y tế, trường học, vườn hoa, khu vui chơi, khu thể thao, bể bơi, hồ nước, quảng trường, đường giao thông đô thị, chiếu sáng công cộng… đã mang lại nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đô thị, điển hình là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Riva Park, Khu đô thị dọc bờ Tây sông Sài Gòn, dọc Xa lộ Hà Nội (tại TP.Hồ Chí Minh), Khu đô thị Times City, Vinhomes Riverside, Việt Hưng, Mỹ Đình, Ciputra hay các khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Rice City Linh Đàm (tại TP.Hà Nội) v.v. Nhiều khu chung cư cao tầng chất lượng cao đã tạo được những điểm nhấn mới về kiến trúc cảnh quan trong không gian đô thị, là đỉnh cao của trí tuệ, công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu mới theo hướng Xanh – Tiết kiệm năng lượng, biểu tượng của thẩm mỹ, văn minh, làm thay đổi chất lượng hình ảnh kiến trúc đô thị; các khu chung cư cao tầng được xây dựng những năm gần đây đã cung cấp hàng triệu m2 sàn nhà ở cho các đối tượng thu nhập khác nhau, nhờ đó hàng triệu người dân đô thị đã chạm đến gần hơn với ước mơ có một mái ấm của riêng mình; đồng thời việc tích hợp nhiều chức năng trong một khu vực đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, tiết kiệm đất đai, làm giảm sự đi lại, giảm phát thải khí nhà kính… Sự phát triển các khu nhà ở chung cư tại các thành phố lớn của Việt Nam đang là hướng đi phù hợp với xu thế của các nước phát triển trong quá trình đô thị hóa là sự lựa chọn duy nhất của các đô thị lớn đông dân như: Tokyo (Nhật Bản), NewYork (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Thượng Hải, Trùng Khánh và Bắc Kinh (Trung Quốc)… đây cũng sẽ là lựa chọn tất yếu khách quan đối với các thành phố lớn của Việt Nam nơi mà đất chật người đông.

Song song với việc xây dựng mới các khu nhà ở chung cư chính quyền các đô thị cũng đang đẩy mạnh quá trình tái thiết, cải tạo chỉnh trang khu vực nội đô và mở rộng các khu vực phát triển mới theo quy hoạch. Các thành phố lớn đã thực sự trở thành trung tâm kinh tế khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của đất nước.

2. Hạn chế – Thách thức

Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh dân số đô thị tại thành phố lớn vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và tốc độ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới đã tạo ra nhiều hệ lụy đáng quan ngại như hệ thống giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, thiếu nhà ở, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, ô nhiễm môi trường, hình thành các khu dân cư nghèo thiếu điều kiện vệ sinh, chăm sóc y tế và giáo dục; các không gian sinh hoạt văn hóa – tinh thần cho người dân như công viên cây xanh, nơi vui chơi cho cộng đồng chưa được đầu tư đầy đủ, tỷ lệ đất cây xanh đô thị rất thấp so với tiêu chuẩn quy định; tình trạng nhiều khu chung cư riêng lẻ xây dựng với mật độ cao trong các khu vực trung tâm do tận dụng quá mức đất đai và không gian cho mục đích kinh doanh bất động sản đã làm hạn chế sự thông thoáng và tầm nhìn; phát triển chưa gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông, khiến cho hạ tầng một số nơi bị quá tải, gây sức ép lớn đến môi trường và cảnh quan; ngập úng vẫn đang là mối lo ngại hằng ngày của các đô thị lớn nhất là ở TP.Hồ Chí Minh, nguyên nhân một phần do ao, hồ, các khu đất trũng (đất ngập nước) bị san lấp, cống hóa nhiều dòng sông, kênh, mương, rạch thoát nước để xây dựng đô thị, bên cạnh đó còn do tác động của biến đổi khí hậu – nước biển dâng, gây nên tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng.

Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên vẫn là thách thức lớn cần được giải quyết. Các khu chung cư cũ trong trung tâm đô thị hiện đang xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng, tòa nhà chung cư, căn hộ bị đục phá, cơi nới, lắp đặt thêm bể nước, “chồng cọp” làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… Việc cải tạo, nâng cấp, xây dụng mới các khu chung cư cũ đã được đặt ra từ lâu trong các quy hoạch, tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tái phát triển, thỏa thuận đền bù, cơ chế tái định cư, lợi ích của chủ đầu tư và người dân, do vậy cho đến nay chỉ có khoảng 1% số chung cư cũ được cải tạo (trường hợp của TP.Hà Nội).

Nguồn tài chính đầu tư phát triển đô thị rất hạn hẹp so với nhu cầu, trong khi đó đất đai đô thị chưa được khai thác hiệu quả để tạo nguồn tài chính cho sự phát triển; đô thị đang mất dần cảnh quan thiên nhiên vốn là đặc trưng là bản sắc…

DSC_1054

II. Đề xuất các giải pháp

1. Giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng vùng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị kết nối thuận tiện, hiệu quả với cơ sở hạ tầng xã hội đô thị

Đối với hệ thống hạ tầng vùng

Cần ưu tiên đi trước một bước với tốc độ nhanh nhưng bền vững việc cải tạo, phát triển các trục đường giao thông, các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô và vùng TP.Hồ Chí Minh. Xây dựng khép kín các tuyến cao tốc vành đai, các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt nội vùng để hình thành hệ thống vận tải hành khách đa phương tiện; đẩy nhanh việc hoàn thiện kết nối hệ thống giao thông đường bộ quốc gia với đường hàng không, đường thủy, đường sắt theo các quy hoạch vùng đã lập, đảm bảo hiệu quả cao nhất, phù hợp với quá trình phát triển; ưu tiên xây dựng phát triển các đô thị vệ tinh.

Nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức, điều phối cấp vùng về việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành các công trình đầu mối hạ tầng vùng như hệ thống giao thông, khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, năng lượng, nguồn cấp nước… đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của các bên liên quan cũng như hiệu quả hoạt động về kinh tế – xã hội.

Đối với khu vực đô thị trung tâm

Ngoài việc thực hiện các giải pháp về tổ chức phát triển hệ thống giao thông của mỗi thành phố như: xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, hệ thống cầu qua sông, phát triển giao thông công cộng đa phương thức; giao thông thông minh; tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông còn cần tổ chức tốt các đầu mối giao thông công cộng như nhà ga đường sắt đô thị, tuyến BRT, bến xe buýt gắn với các trung tâm thương mại, tổ hợp công trình chức năng tập trung đông người, khu nhà ở chung cư…

Cần tổ chức đánh giá tác động đến giao thông khi triển khai xây dựng các dự án đầu tư công trình có quy mô lớn, tập trung đông người như khu nhà cao tầng bao gồm văn phòng, nhà ở hỗn hợp, khách sạn và khu chung cư cao tầng không để phát sinh ùn tắc giao thông trong nội đô và dọc tuyến đường trục chính… nhằm điều chỉnh phương án giao thông kết nối hoặc xem xét điều chỉnh chức năng hoạt động của các dự án này cho phù hợp để đảm bảo các hoạt động của giao thông; các biện pháp giảm thiểu tác động, các dự án mới phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định mới được triển khai xây dựng.

Đánh giá tác động giao thông cần trọng tâm vào các vấn đề: Tính chất và quy mô của dự án; phân tích tổng hợp hiện trạng về giao thông trong khu vực dự án, giao thông khu vực xung quanh và giao thông kết nối; dự án nhu cầu giao thông; phân tích tác động giao thông trước khi có dự án, trong khi xây dựng dự án và dự báo khi đưa dự án vào hoạt động; có tính đến phương án hạn chế tối đa xe máy trong khu vực nội đô.

2. Công tác quản lý Nhà nước về phát triển không gian và sử dụng đất đô thị

Về định hướng chiến lược tổ chức không gian cảnh quan khu trung tâm đô thị

Định hướng phát triển đô thị phải lấy yếu tố “bền vững” là mục tiêu hướng đến, vì vậy trong quy hoạch xây dựng chính quyền đô thị cần có giải pháp hữu hiệu khống chế mật độ xây dựng khu trung tâm lịch sử và khuyến khích phát triển khu trung tâm mới để bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, giảm tải đối với cơ sở hạ tầng đô thị trong khu vực nội đô.

Định hướng quy hoạch tổ chức không gian cảnh quan và sử dụng đất đô thị cần theo quan điểm tích hợp đa chức năng, linh hoạt, dễ thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu phát triển; sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng đa phương thức kết hợp với phát triển đô thị nén; ưu tiên nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tạo bộ khung cho đô thị phát triển, tạo tiền đề cho các dự án đầu tư đủ điều kiện thực hiện.

Quá trình phát triển đô thị cần quan tâm đến đặc điểm địa hình, điều kiện địa lý, địa chất thủy văn, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để định hướng xây dựng các khu chức năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, cần bảo tồn, duy trì vùng không gian lớn dành cho chứa nước như hệ thống hồ, vùng cây xanh lớn tại chỗ kết hợp với hạ tầng thoát nước để chống úng ngập hiệu quả.

Đối với vấn đề phát triển các khu chung cư cao tầng trong khu trung tâm đô thị

Việc xây dựng các khu chung cư cao tầng tại đô thị lớn là tất yếu của quá trình đô thị hóa, sẽ là loại hình nhà ở chủ yếu của các đô thị lớn trên thế giới để đáp ứng nhu cầu ở của hàng triệu người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thay đổi diện mạo và hình ảnh của đô thị theo hướng văn minh hiện đại, do đó cần có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện phát triển.

Để đảm bảo không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là không gây ách tắc giao thông, tại mỗi dự án cần tính toán và quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu: mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất và phải tuân thủ tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành về đảm bảo độ thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên, an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các chỉ tiêu về giao thông tĩnh, kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu như cấp thoát nước, cấp điện, cơ sở giáo dục, y tế, không gian cây xanh, mặt nước, vườn hoa, sân chơi, các tiện ích công cộng phục vụ cư dân sinh sống tại khu vực; khối tích công trình, hình thức kiến trúc, màu sắc, vật liệu xây dựng phải phù hợp với đặc điểm khí hậu từng địa phương, hài hòa với khu vực xung quanh, phải là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, là hình ảnh tiêu biểu của đô thị.

Việc phát triển nhà cao tầng trong khu đô thị trung tâm phải tuân thủ quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về quy định quản lý quy hoạch xây dựng phải có các tiêu chí về vị trí khu đất, diện tích, kích thước khu đất phải đủ điều kiện bố trí khoảng lùi tối thiểu để đảm bảo an toàn khi tiếp cận giao thông đô thị, đáp ứng quy định về phòng cháy, chữa cháy; hạn chế xây dựng công trình tầng cao trên các tuyến đường có lộ giới nhỏ.

Phát triển nhanh các loại hình giao thông công cộng đa phương thức, kết nối trực tiếp với các khu nhà chung cư; tổ chức hợp lý và quản lý tốt vỉa hè, đường dành cho người đi bộ để người dân tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng thuận lợi, an toàn.

Thực hiện các biện pháp đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất, trường đại học, bệnh viện, một số cơ quan ra khỏi khu vực nội thành theo quy hoạch chung đã được phê duyệt để xây dựng công trình dịch vụ công cộng, các tổ hợp công trình cao tầng hiện đại, mật độ xây dựng thấp dành nhiều diện tích đất xây dựng đường giao thông nội bộ, không gian xanh, khu vui chơi giải trí, khu thể thao và tiện ích công cộng phục vụ người dân, tạo độ thông thoáng, chiếu sáng và quan trọng nhất là mở rộng các tuyến đường giao thông cho đô thị.

Nên tạo cơ chế khuyến khích (quy chế điểm thưởng – thêm tầng cao cho các dự án công trình cao tầng) khi giảm mật độ xây dựng dưới 30% và cam kết đầu tư tốt giao thông khu vực dự án và giao thông ngoài dự án đảm bảo không gây ách tắc giao thông đô thị;

Có cơ chế khuyến khích đối với các dự án đầu tư bền vững để các doanh nghiệp đủ năng lực có thể tham gia xây dựng các dự án nhà ở đồng bộ, chất lượng cao, vận hành an toàn, đảm bảo an ninh, tăng giá trị bất động sản thay vì dựa vào nguồn vốn của nhà nước.

Đối với vấn đề tái phát triển các khu chung cư cũ

Các dự án cải tạo, tái phát triển chung cư cũ phải được lập quy hoạch 1/500 cho toàn khu, tuân thủ quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phân khu (có tính linh hoạt ở các dự án cụ thể) với các tiêu chí chính cần quan tâm là Quy mô dân số, mật độ xây dựng, tỷ lệ đất công viên cây xanh, đường giao thông, tầng cao công trình (cho phép xây dựng nhà cao tầng để giảm mật độ xây dựng, tạo quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, và giao thông kết nối khu nhà ở với trục giao thông của đô thị). Áp dụng linh hoạt các quy định của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc nhà cao tầng trong khu vực nội đô, đảm bảo sự hài hòa về không gian, kiến trúc cảnh quan với các công trình hiện hữu trong khu vực thực hiện dự án.

Về cơ chế chính sách: Cần nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến giải tỏa đền bù, tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, huy động vốn và lợi ích của các bên liên quan theo hướng rõ ràng, đồng bộ. Cần sửa đổi một số quy định của “Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 về Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc như hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch và dân số của dự án tại khu vực trung tâm; ranh giới, quy mô, sử dụng đất, đặc biệt là phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đối với các khu đô thị mới

Xây dựng và phát triển các khu đô thị mới là hướng đi tất yếu trong quá trình mở rộng không gian đô thị, việc xây dựng phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt về cơ cấu sử dụng đất, tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình dịch vụ khác, đầu tư cơ sở hạ tầng phải đáp ứng quy mô dân số sinh sống tại khu đô thị.

Các khu đô thị mới phải là mô hình kiểu mẫu về môi trường sống hiện đại, tiện nghi, có cảnh quan đẹp vì vậy phải đảm bảo chỉ tiêu mật độ xây dựng thấp; tỷ lệ cây xanh mặt nước – đường giao thông, bãi đỗ xe phải cao; cho phép hệ số sử dụng đất cao để tăng hiệu quả sử dụng đất; xây dựng đầy đủ trường học, nhà trẻ, công trình y tế, khu vui chơi, chợ dân sinh, trung tâm thương mại… đáp ứng cho cư dân của khu đô thị và hỗ trợ cho khu dân cư lân cận.

Kết nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của thành phố và khu vực hiện trạng xung quanh, phải đảm bảo không gây bất lợi như ách tắc giao thông, ngập úng cục bộ.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để quản lý vận hành tốt khu đô thị mới như: Phân cấp quản lý, quy định trách nhiệm, nguyên tắc vận hành, chế tài và biện pháp để ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho cư dân trong khu đô thị.

Xây dựng quy định về “Mô hình chuẩn của khu đô thị mới” để đáp ứng những yêu cầu về một đô thị hiện đại, có bản sắc và phát triển bền vững.

Đối với vấn đề phát triển không gian công cộng phục vụ cộng đồng

Không gian công cộng ngoài trời của các đô thị là một trong những yếu tố quan trọng của một đô thị sống tốt, tuy nhiên đang có sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc phát triển không gian công cộng, vì vậy chính quyền đô thị cần xây dựng chương trình quy hoạch và chuyển đổi các khu chức năng không phù hợp thành các không gian công cộng phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Không gian công cộng là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng thiên nhiên, thực hiện các hoạt động thể chất ngoài trời như đi bộ, tập thể dục, thể thao gặp gỡ bạn bè, giao tiếp cộng đồng vì vậy vị trí phải dễ tiếp cận, an toàn giao thông, an toàn khi sử dụng trong mọi thời điểm, có môi trường trong lành, có chiếu sáng, có tính thẩm mỹ cao, hoạt động đa dạng phong phú, thân thiện thu hút lôi cuốn được mọi người dân.

Về hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2010/NQ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Hiện nay mới có Thông tư 19/2010/TT-BXD Hướng dẫn lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và Thông tư 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 về hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị. Bộ Xây dựng cần có thêm văn bản hướng dẫn về giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng công trình, thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình để đảm bảo kiểm soát quy hoạch, kiến trúc, đơn giản hóa thủ tục trong lập dự án đầu tư xây dựng.

Bộ Xây dựng cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật (hoặc tiêu chuẩn quốc gia) về nhà cao tầng (áp dụng cho nhà chung cư và nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp). Các yêu cầu thiết kế, xây dựng đề cập trong quy chuẩn (tiêu chuẩn) này nên phân định rõ cho các trường hợp: xây mới, cải tạo nâng cấp hoặc khu vực tái phát triển. Các tiêu chí chính cần quan tâm là: diện tích khu đất, mật độ xây dựng tối đa, tầng cao, chiều cao, tỷ lệ tối thiểu dành cho cây xanh, không gian công cộng, khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà, khoảng lùi tối thiểu của các công trình so với chỉ giới đỏ, khả năng kết nối, tiếp cận về giao thông, chịu tải của hạ tầng và các quy định về phòng cháy, chữa cháy; trong đó cần đưa quy định về hệ số sử dụng đất vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn (việc áp dụng hệ số sử dụng đất sẽ cho phép giảm mật độ xây dựng để dành thêm diện tích cho chức năng không gian xanh, bãi đỗ xe và các tiện ích công cộng khác)… Cần quy định chiều dài tối đa của tổ hợp kiến trúc, nhóm công trình để đảm bảo yêu cầu thông gió tự nhiên, thuận tiện giao thông và công tác phòng cháy, chữa cháy. Cần tham chiếu với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD).

3. Về bảo tồn, khai thác cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa – lịch sử đặc trưng để tạo hình ảnh và bản sắc tăng giá trị thương hiệu cho đô thị.

Hầu hết các đô thị của Việt Nam đều được xây dựng gắn với dòng sông, bờ biển và vùng thiên nhiên đẹp, lịch sử hình thành đã tạo nên những quần thể kiến trúc đô thị có giá trị, vì vậy trong các quy hoạch cần bảo tồn cơ bản đặc trưng của thiên nhiên (địa hình tự nhiên, cảnh quan núi, sông…), giá trị vật chất, văn hóa lịch sử là những di sản của quá khứ để tích hợp một cách khéo léo, khoa học vào không gian của đô thị; mặt khác quá trình đô thị hóa của đô thị lớn có tác động đến không gian kiến trúc cảnh quan hạ tầng của các làng xóm ven đô, vì vậy cũng cần phải tuân thủ việc tạo lập hình ảnh, gìn giữ giá trị cảnh quan thiên nhiên trong quá trình phát triển.

Khi lập quy hoạch, việc nghiên cứu sự chuyển hóa cảnh quan là yêu cầu bắt buộc mà các đô thị phải thực hiện để gìn giữ cho tương lai, tạo sự bền vững, tạo bản sắc và đặc trưng riêng làm tăng giá trị thương hiệu đô thị.

24077802826_be248a736d_o

III. Một số kiến nghị của hội thảo

Đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi quy định của Luật Nhà ở 2014 về chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo hướng bổ sung cho phép UBND cấp tỉnh được lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án bằng vốn do doanh nghiệp huy động (ngoài các hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc BT đã được quy định) trong trường hợp hết thời hạng 3 tháng mà chủ sở hữu không thực hiện lựa chọn, đề xuất chủ đầu tư dự án.

Để chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thành công cần nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giải tỏa đền bù, tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, huy động vốn và lợi ích của các bên liên quan theo hướng rõ ràng, đồng bộ. Cụ thể cần sửa đổi một số quy định của “Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 về Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch và dân số của dự án tại các khu vực trung tâm, ranh giới, quy mô sử dụng đất, đặc biệt là phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cho phép thực hiện xây dựng lại đơn lẻ đối với chung cư nguy hiểm.

Đối với nhà chung cư cũ độc lập, cần thiết xem xét phân cấp cho UBND cấp quận lập kế hoạch và tổ chức thực hiện cải tạo, xây dựng mới; theo dõi, giám sát việc chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ dự án theo quy hoạch, đảm bảo kết nối và khả năng tiếp cận.

Thành phố Hà Nội cần phải đẩy nhanh tiến độ lập và sớm công bố quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, các cơ chế chính sách khung để người dân và nhà đầu tư biết và lựa chọn các phương án phù hợp. Nghiên cứu thí điểm quy chế “điểm thưởng đối với dự án nhà cao tầng” để có những đánh giá tính hiệu quả và thực tiễn.

Giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng văn bản hướng dẫn về quy định đánh giá tác động giao thông đối với các dự án xây dựng công trình có quy mô lớn, tập trung đông người.

Đề nghị Chính phủ giao các Bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển nhà ở và cơ sở hạ tầng đô thị.

Trên đây là nội dung cơ bản của hội thảo “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam” với mong muốn được đóng góp cho các thành phố lớn tại Việt Nam và các Bộ ngành liên quan một số ý kiến để xây dựng hoàn thiện các Văn bản pháp quy, cơ chế chính sách nhằm quản lý hữu hiệu sự phát triển đô thị, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực trong xã hội chung tay phát triển đô thị.

Trần Ngọc Chính

Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam

ĐT&PT số 74 – 75/2018

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …