Home / QUY HOẠCH / CHỐNG THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

CHỐNG THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

      Trong những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nợ công cao, … nhưng Chính phủ và các địa phương đã ưu tiên dành nguồn vốn rất lớn hàng năm và trung hạn để đầu tư xây dựng các dự án, công trình, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án trong thời gian qua còn nhiều hạn chế và bất cập, dẫn đến gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng. Hiện tượng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng xảy ra ở nhiều khâu như: từ quy hoạch, chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, … Thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong toàn xã hội và đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

     Có thể khái quát điển hình một số dạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản như sau:

     Chủ trương đầu tư sai dẫn đến công trình sử dụng kém hiệu quả

     Đây là thủ phạm gây lãng phí và thất thoát nghiêm trọng nhất. Chủ trương đầu tư sai thể hiện trong việc đầu tư sai quy hoạch, không phù hợp với địa điểm, thời điểm và yêu cầu sử dụng. Cụ thể trong thời gian qua, có nhiều nhà máy do xác định sai chủ trương đầu tư dẫn tới khi đưa vào hoạt động không có nguyên liệu, … Để khắc phục tình trạng này phải di chuyển hoặc bỏ nhà máy dẫn đến thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.

     Chất lượng hồ sơ thiết kế không đảm bảo

     Qua thực tế hiện nay, năng lực của một số nhà thầu tư vấn còn nhiều hạn chế từ khâu khảo sát cho đến khâu lập hồ sơ thiết kế – dự toán không đảm bảo chất lượng. Mặc dù hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhưng trong quá trình triển khai thi công, do hồ sơ có nhiều bất cập, thiếu sót nên phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh thiết kế, phương án thi công nhiều lần, kéo theo là làm thay đổi dự toán, làm chậm tiến độ thi công,… gây lãng phí thời gian, kinh phí. Ngoài ra, việc chọn hệ số an toàn quá cao trong tính toán kết cấu công trình cũng gây lãng phí rất lớn.

     Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng không đảm bảo tiến độ

    Đền bù, giải phóng mặt bằng chậm là hiện tượng phổ biến hiện nay trong đầu tư xây dựng. Việc này dẫn đến phải kéo dài tiến độ thi công, trượt giá, giải ngân vốn không hết kế hoạch năm, … gây lãng phí tiền đầu tư dự án.

     Công tác lựa chọn nhà thầu

    Công tác đấu thầu rộng rãi hiện nay theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, với cách đấu thầu truyền thống này, đâu đó vẫn còn có sự bất cập là thông thầu để thắng thầu gây thất thoát kinh phí đầu tư, …  nên cần phải được xem xét thêm.

     Thất thoát, lãng phí trong thi công xây lắp công trình

    Thi công không đảm bảo khối lượng theo thiết kế được phê duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế dẫn đến phải phá đi làm lại; sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng; …

     Tình trạng thất thoát, lãng phí đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua rất đa dạng, khó kiểm soát. Từ các phân tích đánh giá một số nguyên nhân gây ra như trên, cần thực hiện một số giải pháp chống thất thoát, lãng phí đầu tư xây dựng các các công trình như sau:

      a. Hoàn thiện mô hình quản lý đầu tư xây dựng

      Tiếp tục đẩy nhanh và kiện toàn sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án đảm bảo năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 59/2015 NĐ-CP, chỉ cho phép hoạt động các Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp theo mô hình tư vấn quản lý dự án. Hạn chế tình trạng các Chủ đầu tư không có chuyên môn quản lý dự án thực hiện trực tiếp việc quản lý dự án

     b. Nâng cao hiệu quả trong công tác lập dự án khả thi

      Phải đặc biệt chú trọng đối với công tác lập dự án khả thi. Trong quá trình lập cần cân nhắc tính toán so sánh nhiều phương án để tìm được phương án có hiệu quả, mang tính chất tối ưu nhất.

_DSC1634_c      Việc lập dự án khả thi phải căn cứ quy hoạch chiến lược, quy hoạch tổng thể của từng địa phương, từng vùng, điều kiện kinh tế – xã hội ở nơi sẽ xây dựng công trình. Nội dung dự án khả thi phải nêu được sự cần thiết, những căn cứ để xác định phải đầu tư xây dựng, hình thức đầu tư, các phương án lựa chọn địa điểm cụ thể, phương án lựa chọn công nghệ, giải pháp xây dựng, những khó khăn thuận lợi khi xây dựng công trình, nguồn cung cấp nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, nhân lực trong quá trình khai thác, vận hành sau này, giá thành sản phẩm công trình khi đi vào khai thác ổn định, khả năng tiêu thụ sản phẩm, dự báo phát triển tương lai gần.

     c. Đổi mới công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế – dự toán

     Tăng cường trách nhiệm cá nhân trong việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế – dự toán. Cần đổi mới cách xác định chi phí tư vấn thiết kế theo hướng không xác định theo tỷ lệ dự toán để tránh việc các đơn vị Tư vấn thiết kế nâng giá thành công trình quá mức để được hưởng chi phí thiết kế nhiều gây lãng phí vốn đầu tư.

     d. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu

Để khắc phục tình trạng thông thầu, cần đẩy mạnh hơn nữa phương án đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, chính xác thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch. Hoạt động thanh tra, kiểm soát, giám sát phải được tiến hành thường xuyên hơn.

    e. Nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ quản lý dự án, tư vấn giám sát

      Đổi mới cơ chế quản lý chất lượng công trình theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân của người giám sát thi công. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra.

       Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức quản lý dự án, tư vấn giám sát có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có tính kỷ luật cao, chuyên nghiệp.

      f. Tăng cường, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội

       Phải có cơ chế thu thập ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội qua các kênh, các hình thức khác nhau; phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền kinh nghiệm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng lãng phí. Tăng cường vai trò giám sát, tư vấn phản biện của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

       Chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng tiếp tục là cuộc chiến phức tạp nên được Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Để khắc phục những tồn tại, bất cập như đã nêu thì đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhận diện rõ các nguyên nhân gây ra và quyết liệt sửa đổi Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn (nếu cần), …, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để từng bước khắc phục. Khi đó, việc chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng sẽ ngày càng tạo nên sự đồng thuận, tin tưởng hơn trong xã hội./.

 

                                                                     Ths.Ngô Hoàng Nhân

ĐTPT số 67/2017

 

Check Also

images1717334_Dai_hoi_5_3_copy

Đồng hành xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, từ trái sang) …