Home / QUY HOẠCH / Các khu sinh quyển thế giới – “Tư duy hệ thống, qui hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng”

Các khu sinh quyển thế giới – “Tư duy hệ thống, qui hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng”

Các khu sinh quyển thế giới – “Tư duy hệ thống, qui hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng”

GIỚI THIỆU

Sinh quyển là phần của trái đất có các sinh vật sống (biota) kể cả con người. Từ những loài sinh vật sống dưới đáy biển sâu đến những loài sinh vật trong không khí hoặc sâu trong lòng đất đều thuộc về sinh quyển. Giới hạn của sinh quyển bao gồm phần dưới của khí quyển, hầu hết thủy quyển (toàn bộ nước mặt và nước ngầm) và phần trên của địa quyển (toàn bộ đất và bề mặt lớp đá, lớp trầm tích trên nền đại dương và các hồ ao, sông, suối…). Sự vận động của các thành phần trong sinh quyển theo cơ chế “hệ thống” và “tự điều chỉnh” như một cơ thể sống. Khái niệm sinh quyển như một hệ thống sống trên trái đất ra đời vào những năm 1920 nhưng cho mãi tới vài thập kỷ gần đây mới được chấp nhận rộng rãi. Trái đất không chỉ như một ngôi nhà chung mà nó còn vận động thông qua các mối tương tác hữu cơ giữa tất cả loài thực vật và động vật với nhau, với môi trường và với con người.

Con người là thành phần quan trọng của sinh quyển, tiến hóa của loài người gắn liền với tiến hóa của sinh quyển. Tác động của con người lên sinh quyển có thể thấy rõ như ô nhiễm môi trường, chuyển đổi hoặc gây ra đảo lộn nơi sống, thay đổi cấu trúc và phân bố lớp phủ thực vật và đất. Khai thác quá mức nguồn lợi không tái tạo, thay đổi thành phần loại trong tự nhiên của một vùng (nông nghiệp), nhập nội loài mới gây đảo lộn sinh thái, thay thế đa dạng loài bằng đơn loại (nông nghiệp, nuôi thủy sản), sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, diệt cỏ, xả chất thải bừa bãi, mất cân bằng các hệ thống môi trường…

Nếu như trước đây khu bảo tồn thường được xem như một cái “chai nút kín”, đó là sự tách biệt một khu vực tự nhiên ra khỏi thế giới loài người. Cách tiếp cận như vậy sớm hay muộn có thể dẫn đến thất bại do những áp lực xã hội và sinh thái cả trong và ngoài khu bảo tồn. Những cách làm không hợp lý đó về bảo tồn cần được thay đổi. Thực tế cho thấy các khu bảo tồn vẫn cần có một số khu vực không có hoặc chịu rất ít tác động của con người với những quy định kiểm soát chặt chẽ, được gọi là vùng lõi. Bên cạnh đó cần thúc đẩy phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng xung quanh được gọi là các vùng đệm và chuyển tiếp trong đó người dân điạ phương đóng vai trò chủ chốt thì công tác bảo tồn mới đạt được hiệu quả lâu dài và bền vững.

TƯ DUY HỆ THỐNG

Ngày nay, sự thay đổi dường như nhanh hơn, sâu sắc hơn do tác động của các cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông. Nếu chúng ta không chịu thích ứng với những thay đổi này thì đến một lúc nào đó chính sự thay đổi sẽ đưa chúng ta vào guồng xoáy của nó. Bản chất của tồn tại là sự vận động không ngừng. Thay đổi là thuộc tính của mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới. Sự vận động và thay đổi tưởng như riêng lẻ nhưng thực chất đều nằm trong những hệ thống nhất định.Tư duy hệ thống là nghệ thuật nhìn thế giới vận động một cách tổng thể,thông qua các mối quan hệ giữa các phần trong một hệ thống thay vì nhận xét từng phần riêng rẽ. Bằng cách nhìn thực tế thông qua lăng kính tư duy hệ thống, chúng ta sẽ có được những giải pháp để giải quyết vấn đề trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Khi chúng ta chấp nhận rằng mọi hành vi xung quanh chúng ta đều mang tính hệ thống thì mọi vấn đề được giải quyết cũng mang tính hệ thống.

Theo quan điểm hệ thống, các khu sinh quyển thế giới đều là các hệ thống bao gồm nhiều thành phần và thể hiện rõ các mối quan hệ đa dạng phức tạp, kết nối các thành phần tự nhiên với kinh tế xã hội, cấu trúc và kiến trúc vật chất với các giá trị nhân văn, không gian văn hóa và cảnh quan tự nhiên, sinh thái học chính trị và sinh thái học sáng tạo… Tư duy hệ thống là cách tiếp cận toàn cảnh trước khi đi sâu phân tích các mối liên hệ giữa các thành phần. Tư duy hệ thống là công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách có những giải pháp thích hợp trước các vấn đề thực tế vốn luôn luôn vận động, phức tạp và thay đổi theo không gian và thời gian.

Nếu không được trang bị tư duy hệ thống, chúng ta sẽ không thể lý giải những lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp về mặt kinh tế, môi trường và các giá trị tồn tại mà các danh hiệu thế giới mang lại. Một số vấn đề trong thực tế đặt ra như tại sao trong những năm đầu lượng khách du lịch thăm quan các khu sinh quyển thế giới tăng nhanh sau đó chậm dần và đôi khi gặp khó khăn rất lớn. Một số khu sinh quyển thế giới không phát huy mà thậm chí còn bị xuống cấp nghiêm trọng, hoặc ngay cả khi được thế giới công nhận rồi mà các cán bộ quản lý còn thờ ơ không thấy hết giá trị của chúng.

QUI HOẠCH CẢNH QUAN

Qui hoạch cảnh quan có cơ sở lý luận và phương pháp luận sinh thái học cảnh quan. Sinh thái học cảnh quan nghiên cứu mối tác động giữa các kiểu phân bố không gian (spatial patterns) và các quá trình sinh thái. Đó là các lĩnh vực nghiên cứu về những nguyên nhân, hậu quả của đa dạng không gian với các cấp độ khác nhau trong các môi liên quan với cấu trúc , chức năng của các hệ thái (LOICZ. 1996,1997,1998). Nó đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và thiết kế các qui hoạch tổng thể trong các mối liên hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn. Thực chất đây là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành kể cả bảo tồn thiên nhiên, xây dựng, kiến trúc, phát triển cơ sở hạ tầng…

Về mặt không gian, mỗi khu dự trữ sinh quyển phải quy hoạch thành ba vùng rõ rệt: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Mỗi khu dự trữ sinh quyển có thể có một hoặc nhiều vùng lõi, đó là các khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, các hoạt động giám sát, nghiên cứu, giáo dục tác động tối thiểu tới các hệ sinh thái. Các vùng đệm thường bao quanh vùng lõi, phát triển kinh tế trên cơ sở bền vững sinh thái như du lịch môi trường, giáo dục môi trường, vùng chuyển tiếp phía ngoài cùng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nông nghiệp bền vững, nơi gặp gỡ và cùng làm việc của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, các thành phần kinh doanh, hoạt động văn hóa… nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi.  Mặc dù được cấu trúc theo vòng đồng tâm nhưng kích thước và bố cục rất mềm dẻo và đa dạng tùy thuộc vào tình hình địa phương. Đó chính là điểm cốt lõi của khái niệm khu dự trữ sinh quyển (UNESCO. 1996; UNESCO. 1994 và Bioret F. C. Cibien. J.C Genot. J. Lecomte. 1998)

Thực ra, qui hoạch cảnh quan có lịch sử lâu đời ở châu Âu từ thế kỷ 19 với việc nghiên cứu và thiết kế phát triển không gian, kế hoạch hóa sử dụng đất và kiến trúc đô thị, khu dân cư. Dấu ấn của việc áp dụng qui hoạch cảnh quan còn giữ lại sau nhiều biến cố lịch sử, còn  được giữ lại cho tới ngày nay. Những làng mạc, trang trại còn được giữ nguyên vị trí sau nhiều thế kỷ, chúng rất hài hòa và tôn trọng cảnh quan tự nhiên.

Trong những năm gần đây, qui hoạch cảnh quan được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là liên quan đến sử dụng đất và mô hình hóa, dự báo sự biến đổi cảnh quan, môi trường trong tương lai. Một lĩnh vực được các nhà nghiên cứu sinh thái cảnh quan rất quan tâm là tác động của việc chia cắt lãnh thổ do phát triển công, nông nghiệp đến bảo tồn đa dạng sinh học. Việc chia cắt lãnh thổ do các hoạt động của con người thể hiện trên 2 yếu tố: diện tích nơi ở của sinh vật hoang dã (môi trường tự nhiên trong cảnh quan) bị suy giảm và những mảnh còn sót lại bị cô lập. Việc nối kết các mảnh còn sót lại như thế nào rất cần đến những nghiên cứu về sinh thái cảnh quan. Việc duy trì đa dạng sinh học (độ nhiều, vốn gen, thành phần loài…) rất cần những nghiên cứu về sinh thái cảnh quan. Một ví dụ điển hình về giải pháp vùng hành lang Hải Hậu nằm giữa hai vùng đệm Nghĩa Hưng (Nam Định) và Kim Sơn (Ninh Bình) của khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển đồng bằng sông Hồng sẽ tạo điều kiện cho các loài chim di cư được bảo tồn một cách hiệu quả.

ĐIỀU PHỐI LIÊN NGÀNH

Khu dự trữ sinh quyển mang lại một tư duy mới về khoa học bảo tồn, nó không chỉ cho thấy mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên bên trong và xung quanh những khu vực đó mà còn thể hiện cách làm sao cho hài hòa, đáp ứng những nhu cầu xã hội tiến tới một tương lai bền vững. Trong chiến lược Seville 1995, hai cách tiếp cận mới đã được thông qua đó là rà soát lại những bài học kinh nghiệmtong quá khứ trong việc thực hiện những tư duy mới về khu dự trữ sinh quyển (bảo tồn, phát triển và cung cấp dịch vụ). Hội nghị Seville đã đề ra 10 điểm xác định phương hướng cơ bản trong việc phát triển các khu dự trữ sinh quyển trong những năm tới (German MAB National Committee. 1996; UNESCO (Ed.). 2002.

Một số nước đã đưa các khu dự trữ sinh quyển vào hệ thống quản lý có tính luật pháp của nhà nước, một số quốc gia khác thì chỉ quản lý vùng lõi theo hệ thống văn bản luật pháp áp dụng cho các khu bảo vệ. Các khu dự trữ sinh quyển thường có diện tích lớn bao trùm lên các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ, một số đồng thời là khu Ramsar, khu di sản thiên nhiên thế giới… Như vậy, trong một khu dự trữ sinh quyển sẽ có rất nhiều các văn bản, pháp qui của cả quốc gia và quốc tế và địa phương. Điều này cho thấy công việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thực chất là điều phối và tận dụng tối đa các văn bản, nguồn nhân lực và tài chính hiện có tại địa phương.

Khu dự trữ sinh quyển không phải là “ hòn đảo” trơ trọi giữa những tác động nhiều mặt của con người mà đó là “ nhà hát” thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, mang kiển thức của quá khứ phục vụ cho tương lai, tạo ra những giải pháp vượt qua những tranh chấp, khủng hoảng. Khu dự trữ sinh quyển thể hiện rất nhiều chức năng so với khu bảo vệ, khu bảo tồn thiên nhiên thông thường. Thực chất của điều phối liên ngành và việc chia sẻ lợi ích và tránh nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Những lợi ích từ khu DTSQ có thể phân tích như sau:

  • Những nhười làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp: được hưởng lợi từ các dự án trình diễn và đào tạo về cách thức quản lý và sử dụng đất và tài nguyên bền vững trong các khu DTSQ.
  • Các nhà khoa học: Hầu hết các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành cũng như giám sát lâu dài về các quá trình sinh thái và đa dạng sinh học đều được triển khai trong các khu DTSQ. Đây là “ Phòng thí nghiệm sống trong tự nhiên” cung cấp dự liệu để các nhà khoa học có thể dựa vào đó xây dựng các giả thuyết mới về các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng như xác định xu hướng biến đổi khí hậu và môi trường trong tương lai.
  • Cộng đồng địa phương (Người dân điạ phương, các hiệp hội, đoàn thể và chủ trang trại.v.v.): các lợi ích được bảo đảm như bảo vệ được nguồn lợi đất và nước, tạo cơ sở kinh tế ổn định và phong phú hơn, bình ổn giá cả các sản phẩm địa phương, tạo công ăn việc làm, có tiếng nói trong việc ra quyết định về sử dụng đất, giảm mâu thuẫn, có cơ hội tiếp tục duy trì các truyền thống và lối sống có từ lâu đời, có môi trường trong sạch và lành mạnh hơn cho các cộng đồng địa phương và con cháu của họ.
  • Các cán bộ lãnh đạo và cơ quan nhà nước: Khu DTSQ cung cấp cho họ các thông tin, nâng cao năng lực, sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân, những mô hình thực tế về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là một công cụ để các quốc gia đáp ứng nghĩa vụ của mình trong các công ước quốc tế như công ước về Đa dạng sinh học, Sa mạc hóa và Chương trình nghị sự 21.
  • Cộng đồng thế giới: Khu DTSQ là những mô hình trên thực tế giải quyết các mâu thuẫn trong sử dụng đất và bảo tồn đa dạng sinh học, tạo ra những cơ hội trong giáo dục, giá trị và du lịch, ý thức đoàn kết giữa tất cả nhân dân trên toàn thế giới để quản lý bền vững Sinh quyển, trái đất ngôi nhà chung của chúng ta.

KINH TẾ CHẤT LƯỢNG

Càng nhiều danh hiệu càng nhiều sơ hội đầu tư cho bảo tồn và phát triển: Khu Sinh quyển Shang Kou (Trung Quốc) có những danh hiệu: Vườn quốc gia, Khu Ramsar, Khu bảo tồn biển, Khu sinh quyển va trạm nghiêm cứu khoa học… Khu Mao Lan (sinh quyển, di sản thiên nhiên, vườn quốc gia). Các danh hiệu này được đưa vào các kế hoạch đầu tư hàng năm mà khi so sánh với những điạ phương khác không có các danh hiệu này họ luôn chiếm phần thắng thế. Ở Việt Nam có các điển hình như Cát Tiên, Xuân Thủy (Vườn quốc gia, khu sinh quyển, khu Ramsar), Cát Bà (Vườn quốc gia, khu sinh quyển, khu bảo tồn biển). Đặc biệt, khu sinh quyển Cát Bà đã được UNESCO/MAB chọn để triển khai dự án thí điểm cho khu vực Đông Nam Á và thế giới “sử dụng khu sinh quyển như những phòng thí nghiệm học tập cho PTBV” với sự tham gia của các cơ quan ban ngành, hiệp hội, các thành phần kinh tế tư nhân như Tổng Công ty Thép Việt Nhật, quĩ hổ trợ sáng kiến PTBV khu Sinh quyển Cát Bà dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố.

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn điạ lý: Tại khu sinh quyển Noosa, Australia sự nổi tiếng về địa danh với những di sản thiên nhiên cảnh đẹp độc đáo đã được nâng cao bởi các nghệ sỹ thiếp ảnh và các họa sỹ của các trường phái hội họa khác nhau bên cạnh các sản vật địa phương. Tại CHLB Đức các mô hình phát triển kinh tế dựa trên danh hiệu rất phát triển, đặc biệt hàng hóa với hình ảnh biểu tượng (logo) loại voọc Cát Bà cho các sản phẩm và dịch vụ của địa phương như: nhà hàng, khách sạn, nước mắm Cát Hải, mật ong, gà Liên Minh…

Kiểm soát ô nhiễm và khống chế số lượng du khách: Một số khu sinh quyển ở Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới kiểm soát số lượng du khách (các sensors). Tuy nhiên, cũng một số ý kiến cho rằng điều này gây phản cảm cho du khách. Các nhà khoa học ở đây tập trung khai thác các đề tài nghiêm cứu cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành sức chứa như không gian, cơ sở hạ tầng, tiện nghi… Việc kiểm soát ô nhiễm được tổ chức rất chặt chẽ, các hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm cũng được nâng cấp để duy trì độ bền của các công trình kiến trúc cũng như hạn chế du khách khi cần thiết.

Mô hình bốn nhà: khoa học, quản lý, doanh nghiệp và người dân địa phương: Đây là mô hình rất thành công ở các khu sinh quyển Donana, Udaibai ( Tây Ban Nha) hay Lac Saint-Pierre (canada) các kết quả nghiên cứu về các giống cây trồng, cây ăn trái, sản phẩm rượu nho, phomat được chuyển giao cho các doanh nghiệp và đưa vào kinh doanh sau khi dán nhãn mác khu sinh quyển với sự tham gia tự nguyện của các chủ trang trại, cộng đồng địa phương…

Sức chứa và “thảm họa sinh thái”: Một số di sản đã xuống cấp nghiêm trọng do thời gian, các bức tượng bị xói mòn, tượng đá, đồng, các bức họa bị Nox và Sox ăn mòn do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên sự xuống cấp do ý thức của con người còn nghiêm trọng hơn. Số lượng du khách quá cao và xả rác, khói thuốc gây ô nhiễm nghiêm trọng đã buộc một số khu vực trong khu si sản tạm thời đóng cửa trong một số thời gian nhất định… Đối với các khu sinh quyển, các du khách từ mọi nơi đến mang theo nhiều nầm bệnh dịch, một số loài sinh vật lạ được mang đến gây thảm họa sinh thái cho một vùng rộng lớn của khu sinh quyển…

Nguyên lý “tảng băng ngầm” và sự thất bại do thiếu hiểu biết: Hầu hết các giải pháp mà các nhà quản lý ứng phó khi bảo tồn các khu di sản và sinh quyển hiện nay đều mang tính “chữa cháy”, có nghĩa là khi sự việc xảy ra rồi người ta mới ra tay cứu chữa. Việc di chuyển đàn voi được bảo tồn sang một cánh rừng khac mà người ta cho là phù hợp đã gây ra tai họa khủng khiếp cho con người dân địa phương. Đàn voi không thể kiếm ăn trên những cánh rừng khô hạn mà môi trường cũ chúng thích hợp phải là rừng mưa ẩm, chúng ra sức tàn phá hoa màu và gây chết chóc cho người dân địa phương. Mâu thuẫn đá trở nên đỉnh điểm, toàn bộ chúng bị đánh bả độc trước khi lực lượng bảo tồn kéo đến. Thất bại này cảnh báo hậu quả khôn lường của sự thiếu hiểu biết trong quản lý.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG QUẢN LÝ

Các khu dự trữ sinh quyển thường có diện tích lớn bao trùm lên các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ… một số đồng thời là khu Ramsar, khu di sản thiên nhiên thế giới… Như vậy, trong một khu dự trữ sinh quyển sẽ có rất nhiều các văn bản, pháp qui của cả quốc gia, quốc tế và địa phương. Điều này cho thấy công việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thực chất là điều phối và tận dụng tối đa các văn bản, nguồn nhân lực và tài chính hiện có tại địa phương. Cách tiếp cận quản lý các khu DTSQ là “đồng quản lý ” với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nếu hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn… được quản lý theo ngành thi khu DTSQ lại nhấn mạnh hiệu quả quản lý của cấp tỉnh. Đây là cấp điều phối cao nhất, có hiệu quả nhất trong các mô hình thành công của các khu DTSQ trên thế giới và ở Việt Nam.

Khu DTSQ đảo Jeju Hàn Quốc có một Ban Quản lý mà các thành viên đều kiêm nhiệm, đứng đầu là người lãnh đạo cao nhất cấp tỉnh. Các hoạt động của khu DTSQ được lồng ghép trong các hoạt động phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên của địa phương. Mọi tranh chấp đất đai, giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng thương hiệu “Quýt Sinh quyển”, bảo tồn di sản “làng Hàn cổ”… đều được giải quyết hài hòa và từ khi tuyên bố trở thành khu DTSQ thì ngành công nghiệp, du lịch sinh thái phát triển rất nhanh. Khu DTSQ Shang Kou (Trung Quốc) đồng thời lại là Vườn quốc gia và khu Ramsar (Khu bảo tồn chim nước có tầm quan trọng quốc tế) nên có nhiều cơ hội thu hút các nguồn đầu tư, trợ giúp của các tổ chức quốc tế.

Ở nước ta, các DTSQ đang thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, người dân địa phương tự hào và nhận thức được nâng cao về trách nhiệm gìn giữ di sản cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, để quá trình hội nhập mang lại hiệu quả không chỉ có giá trị quốc gia, quốc tế mà phải mang lại lợi ích cho từng người dân địa phương, chúng ta phải vượt qua các khó khăn và thách thức cả về nhận thức và hành động cụ thể của cả các cán bộ lãnh đạo và người dân.

Khu DTSQ Cát Bà đã có những văn bản qui chế hướng dẫn cụ thể trong công tác quản lý và đạt được những thành công bước đầu trong việc điều phối các hoạt động phát triển kinh tế chất lượng, du lịch sinh thái và qui hoạch tổng thể DTSQ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Quản lý, đứng đầu là đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng, đồng thời là Trưởng ban quản lý khu DTSQ. Khu DTSQ Cần Giờ dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT đã có rất nhiều thành công trong nghiên cứu quả lý rừng, phát triển lâm nghiệp… nhưng việc tạo ra một cơ chế điều phối với sự tham gia tích cực của các ban ngành khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, tài chính… rất cần có sự chỉ đạo trực tiếp của Thành phố.

Các ý tưởng bảo tồn thiên nhiên liên tỉnh, liên quốc gia, liên biên giới… đều có ý nghĩa khoa học hết sức tốt đẹp cho biên giới, ranh giới do con người tạo ra đều là rào cản cho các nổ lực bảo tồn các loài sinh vật, giảm thiểu lan truyền ô nhiễm… Các khu DTSQ Cát Tiên nằm trong địa phận của 4 tỉnh (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắc Lắc) và khu DTSQ Châu thổ sông Hồng nằm trong địa phận 3 tỉnh (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình) sẽ thể hiện rất tốt ý tưởng quản lý dựa trên cách tiếp cận cảnh quan và đồng quản lý liên tỉnh nhưng trước mắt đang gặp phải những khó khăn rất lớn. Đó là việc làm thế nào tạo ra được cơ chế quản lý dựa trên sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Song song với việc nâng cao nhận thức cho người dân, chúng ta phải vượt qua những rào cản trong tư duy và chỉ đạo thực hiện vượt ra khỏi ranh giới địa phương đảm bảo cho sự nghiệp phát triển bền vững cho cả vùng, cả đất nước.

Tại Hội nghị tổng kết kinh nghiệm của mạng lưới các khu DTSQ Thế giới năm 2002 ở Tây Ban Nha, các báo cáo tổng kết cho thấy các mô hình thành công đều nằm ở các nước phát triển, các bài học thất bại hầu hết ở các nước đang và kém phát triển. Sự ỷ lại vào những nguồn tại trợ về tài chính quốc tế, sự quản lý bó hẹp trong một ngành mà không kết hợp hài hòa với địa phương, các ngành khác, đặc biệt là văn hóa và giáo dục và cuối cùng là trình độ nhận thức và hiểu biết của cả cán bộ lãnh đạo và người dân là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thất bại. Cũng tại hội nghị này, khu DTSQ được xem là mô hình phát triển bền vững trong tương lai. Trong quá trình hội nhập các khu DTSQ chúng ta cần học hỏi cả kinh nghiệm thành công cũng như thất bại để có những giải pháp hợp lý nhất trong hoàn cảnh của ta nhằm đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

KẾT LUẬN

Để thực hiện phương chấm phát triển các khu sinh quyển “ Tư duy hệ thống, Qui hoạch cảnh quan, Điều phối liên ngành, Kinh tế chất lượng” cần có những công cụ hữu hiệu. Một trong các công cụ là văn hóa. Việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ mang lại những giá trị bảo tồn mà nó còn có giá trị gắn kết trong tư duy, qui hoạch và phát triển kinh tế xã hội. Chất văn hóa “ hương quê” của Hội An là một trong những minh chứng như vậy:

“ Hội An chẳng là quê

   Mà là hương khổ thế

   Quên quê, ai có thể

   Hương ư, ôi dễ gì”

( Trích tập thơ Hương chùa – Hương tóc, Chế Lan Viên)

Danh hiệu di sản, sinh quyển nói riêng và các hình thức tôn vinh nói chung đều mang lại những giá trị kinh tế hay còn gọi là tổng giá trị kinh tế. Tuy nhiên, các loại danh hiệu này chỉ trở thành công cụ hữu hiệu làm động lực cho phát triển kinh têa của địa phương, như trường hợp di sản văn hóa Hội An khi các bộ quản lý và người dân địa phương nhận thức và hiểu rõ giá trị và biết cách làm cho giá trị này thành các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, việc xả thải rác không nơi qui định, khói thuốc lá, qui hoạch không gian và cảnh quan không hợp lý là những mầm mống của sự đổ vỡ trong tương lai không xa. Tư duy hệ thống đóng vai trò quan trọng trong các quá trình xây dựng kế hoạch quản lý, điều hành và vận động quần chúng tham gia. Từ một hoạt động thúc đẩy du lịch hay đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hay chỉ dẫn địa lý thông qua danh hiệu đã được thế giới công nhận sẽ kéo theo các thành phần khác của toàn bộ hệ thống vận động theo như nâng cấp cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, điện, giáo dục… Một chuyên gia UNESCO đã kết luận rằng “chỉ có những con người lười suy nghĩ, ít hành động thì mới bị chết đói trên những di sản mà cha ông để lại cho họ và họ cũng chẳng có gì để lại cho con cháu lai sau”.

Tài liệu tham khảo

  1. Socialist Republic of Vietnam, 2004: Decision of PM on issuing the Vietnam’s Strategy for Sustainable Development (Vietnam Agenda 21) No. 153/2004/QD-TTg, on17/8/2004.
  2. Socialist Republic of Vietnam, 2006: The plan of socio-economic development for 5 year 2006-2010, Hanoi, November 2006
  3. UNESCO, 2005. Promotic of a global partnership for the UN Decade of Education for Sustainable Developmemt (2002-2014)
  4. UNESCO, 1996. The Seville Strategy and Statutory Framework of the World Network, UNESCO, Paris,1996

Gs. Ts. Nguyễn Hoàng Trí

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *