Sự biến đổi khí hậu sẽ có nguy cơ phá vỡ những cấu trúc bền vững của đô thị hiện tại và tương lai. Đây là vấn đề ảnh hưởng có tính chất toàn cầu , đồng thời cũng là những nhiệm vụ trực tiếp của mỗi chúng ta trong mỗi giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho sự phát triển đô thị bền vững.
1. Diễn biến của biến đổi khí hậu
Diễn biến chung: Với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, ngoài nguyên nhân do sự thay đổi của chu kỳ tự nhiên, còn có nguyên nhân trực tiếp của các hoạt động kinh tế – xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính.
Theo báo cáo của IPCC năm 2007, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,740C trong thời kỳ 1906 – 2005 và tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gần gấp đôi so với 50năm trước đó. Trong 100 năm qua, lượng mưa có xu thế tăng ở khu vĩ độ cao hơn 300C. Tuy nhiên, lượng mưa lại có xu thế giảm ở khu vực nhiệt đối từ những năm 1970. Hiện tượng mưa lớn có dấu hiện tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Hai nguyên nhân chính làm tăng mực nước biển là sự giãn nở nhiệt của đại dương và sự tan băng. Số liệu quan trắc mực nước biển trong thời kỳ 1961- 2003 cho thấy tốc độ tăng của mực nước biển trung bình toàn cầu khoảng 1,8 ± 0,5mm/năm, trong đó đóng góp do giãn nở nhiệt khoảng 0,42 ± 0,12mm/năm và tan băng khoảng 0,70 ± 0,50mm/năm.Với Việt Nam: Trong 50 năm qua (1958 – 2007), nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng từ 0,50C đến 0,70C. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam. Năm 2007, nhiệt độ trung bình năm ở cả 3 vùng đều cao hơn trung bình của thập kỷ 1931 – 1940 là 0,8 – 1,30C và cao hơn thập kỷ 1991 – 2000 là 0,4 – 0,50C.
Lượng mưa: Lượng mưa năm giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam. Tính trung bình trong cả nước, lượng mưa năm trong 50 năm qua (1958 – 2007) đã giảm khoảng 2% ..
Không khí lạnh: Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam giảm đi rõ rệt trong hai thập kỷ qua.
Bão: Những năm gần đây, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn.
Mưa phùn: Số ngày mưa phùn trung bình năm ở Hà Nội giảm dần từ thập kỷ 1981 – 1990 và chỉ còn gần một nửa (15 ngày/năm) trong 10 năm gần đây.
Mực nước biển: Số liệu quan trắc tại các trạm hải văn dọc ven biển Việt Nam cho thấy, tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình ở Việt Nam hiện nay là khoảng 3mm/năm (giai đoạn 1993 – 2008), tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Trong khoảng 50 năm qua, mực nước biển tại Trạm hải văn Hòn Dáu (Hải Phòng) dâng lên khoảng 20cm.
2. Nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với phát triển đô thị Việt Nam
Tác động đến cơ cấu sử dụng đất
Các hiện tượng như xâm thực bờ biển, xói lở bờ biển, triều cường và ngập nước trong những năm gần đây đã xảy ra tại hệ thống ven bờ biển dài 3.200 km trên toàn vùng đới bờ biển và thềm lục địa ven biển tại Việt Nam.
Tại Huyện Kim Sơn, (Ninh Bình) là nơi có diện tích lấn biển nhiều nhất nước, hàng năm trung bình đất liền lấn biển từ 80-100m do phù sa của hai con sông Đáy và sông Vạc bồi đắp nhưng 5 năm gần đây, hiện tượng xâm thực biển khiến cho đất nhiễm mặn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng sản xuất rất nhiều. Hiện tượng xâm thực biển ngày càng lớn mỗi năm biển xâm thực từ 15 – 20km làm cho việc bồi lắng cũng trở nên khó khăn hơn.
Tại vùng ven biển huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang xảy ra hiện tượng biển xâm thực bất thường, cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân ven biển. Tình trạng này kéo dài từ tháng 5/2009 tới nay. Bình thường triều cường chỉ xảy ra vào tháng 10 âm lịch hàng năm, nhưng trong tháng 5, 6 nước biển lấn sâu vào đất liền khoảng 20m. Hai năm nay biển xâm thực mạnh, mỗi năm từ 20 đến 30m, cuốn trôi hàng ha rừng phi lao phòng hộ.
Năm 2009, một đoạn đất liền dài gần 1km dọc bờ biển Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị biển xâm thực gần 200m. Gần 300m đất liền dọc đường Sơn Trà – Điện Ngọc (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cũng bị biển xâm thực.
Trong năm 2009, do ảnh hưởng của triều cường, kết hợp với mưa, bão và dòng chảy sông Mã, bờ biển và đất rừng phòng hộ ở xã Quảng Cư, Sầm Sơn, (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể, đường bờ biển từ cửa lạch sông Mã xuống đến khu du lịch Vạn Chài bị nước biển tàn phá, chỗ sâu nhất khoảng 100 m, nơi nông cũng đến 40 m. Nước biển xâm thực cũng cuốn trôi gần 30 ha đất, trong đó, có khoảng 20 ha đất rừng phòng hộ, 10 ha đất nuôi trồng thuỷ sản của nhân dân. Năm 2009, hiện tượng triều cường và xâm thực bờ biển cũng xảy ra đối với Bình thuận và TràVinh đã làm 5 điểm sạt lở với chiều dài trên 6.400m bờ biển và đê bao ngăn mặn.
Tác động đến xã hội, di dân và tái định cư
Những tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã tác động tới đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực dân cư tập trung đông tại những đô thị ven biển. Hiện tượng nước biển dâng và bão lũ đã khiến nhiều người dân bị mất nhà và buộc phải di dời ra những vùng khác. Bên cạnh đó hàng ngàn người chết và mất tích trong những trận bão, lũ. Sức công phá của lũ đã phá hủy hàng ngàn căn nhà và những công trình đê biển. Trong những năm gần đây, thiên tai ở miền Trung xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, trầm trọng hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn.
Năm 2009 được đánh dấu là một năm lịch sử về hạn hán ở Bắc Bộ, lịch sử lặp lại cách đây 107 năm. Nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn trên diện rộng miền Bắc là do hiện tương ElNino. El-Nino khiến cho mùa lũ ở Bắc bộ kết thúc sớm (vào giữa tháng 8) hơn trung bình nhiều năm và lượng mưa cũng thiết hụt, tính chung cho cả mùa mưa, lũ lượng mưa chỉ đạt 70- 80% trung bình nhiều năm.
Đối với khu vực duyên hải Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng triều cường và nước biển dâng là nguy cơ lớn đến các hoạt động dân sinh trong khu vực. Điển hình là thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 – 2010, tần suất xuất hiện triều cường tăng nhanh so với những năm trước và đánh giá là có mức độ đột biến trong lịch sử hơn 43 năm qua (mức đỉnh lên tới 1,58m ngày 10/11/2010) đã gây ra những tác động xói lở bờ sông, thiệt hại về nhà cửa là rất lớn, gây ra những nguy hiểm cho dân cư sống ven sông Sài Gòn.
Tác động đến kinh tế và cơ sở hạ tầng đô thị
Hệ thống đô thị ven biển được xác định là nền kinh tế lớn, chiếm ưu thế là du lịch và cảng biển. Tuy nhiên, trước thực trạng của biến đổi khí hậu, việc phát triển du lịch, phát triển cảng biển cần được xem xét nghiêm túc.
Hiện cả nước có hơn 125 bãi tắm lớn và nhỏ, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ, rất thích hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển. Theo tổ chức Birdlife International, khi nước biển dâng 1m sẽ tác động làm suy giảm giá trị của 46 (chiếm 33%) các khu bảo tồn, 9 (23%) các khu đa dạng sinh học, 23 (21%) các khu vực có sự tồn tại đan xen giữa các khu bảo tồn đa dạng sinh học điển hình. Trong trường hợp nước biển dâng lên 5m, 52 khu bảo tồn (chiếm 37%) sẽ bị ảnh hưởng… Đây lại là những nguồn tài nguyên biển nhằm khai thác du lịch.
Cơ sở hạ tầng đô thị trong những năm gần đây đã xuất hiện tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Năm 2009, cơn bão số 9 đã khiến thành phố Đà Nẵng thiệt hại lớn, các tuyến đường trong thành phố hầu hết cây cối đã bị đánh đổ, ước tính 40% diện tích cây xanh của thành phố bị hỏng, hay đối với đường ven bờ biển Nguyễn Tất Thành sóng đã đánh sập và làm hư hỏng hầu như toàn bộ kè. Đoạn cầu Phú Lộc sóng đánh mất nửa mố cầu, có đoạn sóng đã ăn vàonửa con đường. Cũng trong năm 2009, trận bão số 9 đã làm cho đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua Thừa Thiên Huế bị sạt taluy khoảng 1.290m3. Hiện tượng xâm thực bờ biển và mặn hóa đất liền hiện là mối lo lớn đối với chất lượng nước ngầm. Đặc biệt vùng duyên hải Bắc bộ khả năng nước ngầm nhiễm mặn rất có thể diễn ra. Các công trình đầu mối như cấp nước thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các hệ thống đô thị ven biển cũng có nguy cơ ảnh hưởng.
Nhiệt độ tăng khiến cho dịch bệnh cũ và nhiều dịch bệnh mới phát triển. Trong báo cáo gần đây IPPC đã khẳng định, dưới tác động của nhiệt độ các căn bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, viêm phổi… đều tăng lên. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 150 nghìn người chết và 5,5 triệu người ốm mỗi năm.
Mực nước biển dâng và sự không ổn định của địa mạo ở vùng ven biển miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Mực nước biển dâng bao gồm: dâng do thủy triều, dâng do bão, lũ, dâng do biến đổi khí hậu. Vì vậy, những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn. Sự đe dọa của mực nước biển dâng lên các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển là thường xuyên hơn.
Điển hình trong nhiều năm qua, gần 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô (TP Đà Nẵng) luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển. 750ha đất sản xuất, đất sinh hoạt của người dân nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp bởi biển ngày càng “ăn” sâu vào đất liền. Trong các trận bão cuối năm 2007 và 2008, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa và ao tôm của 16 hộ chuyên nuôi tôm giống. Cạnh đó, một đoạn đê dài gần 2 km chạy dọc sông Cu Đê (đoạn cầu Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Nam Ô. Sóng biển xâm thựcđã đánh sập và hư hỏng hàng chục căn nhà. Sóng biển cũng đã ăn sâu 100m vào khu vực dân cư phía Bắc ghềnh Nam Ô. Xói sạt bờ biển là hiện tượng phổ biến ở ven biển Hải Phòng, kể cả ở bờ các đảo và nhiều đoạn bờ nằm sâu phía trong các cửa sông. Xói lở các đoạn bờ đảo Cát Hải đã trở thành điển hình cả nước. Tổng số chiều dài đường bờ biển Hải Phòng bị xói lở 16,1 km, tốc độ trung bình 5,4m/năm trên tổng số 125 km đường bờ biển, chiếm tổng số 23,0%. Cường độ xói sạt bờ biển Hải Phòng được chia làm 4 cấp: yếu (0 – 2,5m/năm); trung bình (2,5 – 5m/năm); mạnh (5 – 10m/năm) và rất mạnh (trên 10m/năm). Các đoạn bờ xói sạt rất mạnh là Cát Hải và Bàng La trước 1965, tốc độ cực đại đạt tới 25m/năm.
Dự báo nguồn cung cấp nước sẽ bị kéo giảm do thay đổi chế độ triều và dòng chảy. Các đầm lầy ven biển là khu vực sinh sống của nhiều loài cua cá và chim biển, sinh vật biển sẽ bị đe dọa do nước biển dâng. Nguồn nước ngọt sinh hoạt và tưới tiêu có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Dân cư sinh sống ven biển dễ bị tổn thương do ngập lụt sẽ phải di dời. Điều này làm tăng áp lực khai thác đất đai và sẽ làm gia tăng nạn phá rừng để làm nhà và trồng trọt. Kết quả của phá rừng là đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm, xói lở gia tăng và ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn.
Tác động đến các công trình kiến trúc và môi trường đô thị
Đối với hệ thống đô thị hiện nay đang có xu thế hướng ra biển, xây dựng những khu nghỉ dưỡng, resort sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn của nước biển dâng và bão lũ. Những đô thị như Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu đang có những hiện tượng xói lở bờ biển làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan cũng như các công trình ven biển.
Công tác bảo vệ và xử lý môi trường đô thị đang là một trong những vấn đề bức xúc. Hầu hết các đô thị thoát nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý, hệ thống xử lý chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh.Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong những tác động của Biến đổi khí hậu, của nước biển dâng. Môi trường vệ sinh của dân cư sau khi bão lũ sẽ gây ra những dịch bệnh. Hiện tượng gia súc gia cầm chết trôi dạt khắp nơi và phân hủy đã gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Với khu vực chịu tác động của triều cường thường xuyên như vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm môi trường khu dân cư đã xảy ra rất nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đô thị cũng lại là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu với hiện tượng hiệu ứng nhà kính, phát thải CO2 trong các hoạt động sản xuất.
TS. Đỗ Tú Lan
ThS. Lê Hồng Thủy
ĐTPT Số 33/2011
(ảnh minh họa)