Home / QUY HOẠCH / BẤT ĐỘNG SẢN / Bảo vệ sông Hàn là cần thiết, nhưng cũng phải nhìn các nhà đầu tư với tư cách là một lực lượng, một động lực để phát triển

Bảo vệ sông Hàn là cần thiết, nhưng cũng phải nhìn các nhà đầu tư với tư cách là một lực lượng, một động lực để phát triển

Tại hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức sáng 7/5 đối với 2 dự án Marina Complex, Olalani Riverside Tower ở bờ Đông sông Hàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phát biểu gây “sốc” nhưng nhận được nhiều sự đồng tình.

Phát triển là phải vượt qua cái cũ

Như tin đã đưa, sáng 7/5, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện đối với hai dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư; và dự án Olalani Riverside Tower do Công ty CP Mỹ Phúc làm chủ đầu tư.

hoi_nghi_phan_bien_anh3

PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng  tổ chức sáng 7/5

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), thành viên Tổ Tư vấn Thủ tướng Chính phủ, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế Ủy ban MTTQ Việt Nam, đã có những phát biểu gây “sốc” cho một số cử tọa, nhưng lại nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Là người từng tham gia ý kiến đóng góp cho sự phát triển Đà Nẵng hàng chục năm qua, PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ với các ý kiến tại hội nghị và nhấn mạnh, mục tiêu của Đà Nẵng là phải làm sao thật xuất sắc chứ không thể vì vài trở ngại trước mắt mà cản bước phát triển của TP.

“Muốn vậy, cách nhìn của chúng ta trong tất cả mọi vấn đề bàn về Đà Nẵng phải với tầm nhìn vượt lên. Nhiều khi, chỉ vì những cách nhìn nghe có vẻ như phù hợp, đúng với tâm lý, với những từ ngữ nghe oai lắm, nhưng có khi lại cản trở sự phát triển!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói. Và ông Thiên cho biết, ông tham gia hội nghị phản biện lần này của Đà Nẵng là để chia sẻ những ý kiến khách quan nhất có thể.

“Chúng ta ta phải thừa nhận rằng, phát triển tức là phải vượt qua cái cũ chứ không thể giữ nguyên như cũ được. Những cái hiện tồn là phải vượt qua, tức là phải phá cái cũ đi. Thời kỳ vừa rồi Đà Nẵng đã làm được việc rất tốt là vượt qua được nhiều cái cũ thì mới có được một TP phát triển như thế này!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Muốn vượt qua cái cũ thì phải trả giá!

Tuy nhiên, ông Thiên cũng thẳng thắn chỉ rõ, có một tâm lý hiện nay là nhiều khi không dám hành động; đụng đến cái gì thì việc đầu tiên là… phản đối, không dám vượt qua cái cũ. Như thế thì làm sao phát triển được? – PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi. Theo ông Thiên, để bàn đến khái niệm phát triển đúng, vượt qua cái cũ cho chuẩn thì phải xác định được chuẩn mức của cái đúng là gì?

“Ở đây bao giờ cũng có hai chuyện. Một là muốn vượt qua cái cũ thì phải trả giá, phát triển thì phải đánh đổi. Nhưng căn cứ vào đâu để đánh đổi thì phải bàn cẩn thận, chứ không thể không mất được. Nếu chúng ta chỉ bàn cái mất thôi, thì kết luận chắc chắn là không được làm cái gì cả. Muốn làm thì phải bàn đến cái đánh đổi, chỗ này phải công bằng.

Nãy giờ tôi thấy các ý kiến chủ yếu là bàn đến việc giữ cái cũ, sai dòng chảy là không được, tác động đến môi trường là không được… Nhưng cụ thể nó như thế nào, thì không nắm rõ ràng. Tôi thấy, nếu lãnh đạo Đà Nẵng muốn đưa ra được câu trả lời xác đáng, thì phải trả lời theo nghĩa sự đánh đổi này là để có được một sự phát triển tốt hơn cho TP!”.

Đáng chú ý, ông Thiên cũng đưa ra nhận định không dễ “được lòng” nhiều người: “Để có được sự phát triển tốt hơn cho Đà Nẵng thì phải có tầm nhìn rất xa mới được. Có tâm lý rằng, lợi ích nhà đầu tư ăn hết, còn dân chả được gì. Tâm lý này hiện nay khá nặng nề. Nếu chỉ nhìn như vậy, thì chưa công bằng!”.

Muốn phản biện thì phải có cơ sở khoa học

Vấn đề thứ hai được PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh tại hội nghị là, muốn phản biện thì phải có cơ sở khoa học, chứ không thể chỉ dùng những từ ngữ kêu cho to, đánh vào tình cảm con người để phản đối được. Theo ông Thiên, cái đó là cần thiết nhưng rất không đủ, đặc biệt là đối với tâm lý xã hội Việt Nam hiện nay.

“Trong tâm lý xã hội hiện nay thì tính bất bình rất cao. Tính không hài lòng rất cao, dùng từ ngữ để kích động cái đấy là rất dễ. Nếu chúng ta, những người có đầy tinh thần trách nhiệm, mà chỉ dùng những thuật ngữ, hoặc cố gắng dùng thuật ngữ để đánh vào tâm lý, nhiều khi sẽ làm cho suy nghĩ của xã hội bị thiên lệch!” – PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.

Do vậy, ông Thiên cho rằng, khái niệm khoa học phải rất minh định, khái niệm chuyên gia phải rõ ràng. Chuyên gia là chuyên gia nào? Chuyên gia lịch sử không thể bàn về kiến trúc được. “Chúng ta nói xin ý kiến của chuyên gia, nhưng xin ý kiến của ông Trần Đình Thiên làm kinh tế để nói về dòng chảy thì có phải chuyên gia đâu. Vậy mà nói tôi đã xin ý kiến chuyên gia rồi, thế là ra dư luận tin cái điều ấy, chứ người ta đâu có biết!” – PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.

Với yêu cầu khái niệm chuyên gia phải rất rõ ràng, ông Thiên cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị phản biện phải có lòng tin vào các nhà khoa học chuyên sâu ở từng lĩnh vực. Nói “tác động dòng chảy” thì phải tin vào kết quả nghiên cứu, thực nghiệm của các chuyên gia thủy lợi. Cứ nói “có tác động dòng chảy” rồi không dám làm, dù không biết thực hư tác động như thế nào, thì sẽ ngăn cản phát triển hơn là bảo vệ sự phát triển bền vững.

Khoa học cũng có thể bị lợi dụng!

Đặc biệt, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Khoa học cũng có thể bị lợi dụng. Đây là chỗ mà xã hội cần phải lên tiếng, và đòi hỏi tính công khai, minh bạch của các dự án. Tôi đồng ý với nhiều ý kiến rằng, quy trình làm dự án ở Việt Nam hiện nay, vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do về “lợi ích nhóm”, nên không đủ công khai, minh bạch, dẫn tới cách nhìn không đầy đủ, sâu sắc và dễ bị lợi dụng.

Khoa học bị lợi dụng khi người ta che một mặt đi mà chỉ nói nghiêng về một mặt thôi. Muốn tích cực thì nói mặt tích cực thật nhiều; muốn tiêu cực, muốn phản đối thì nói mặt tiêu cực nhiều hơn. Thế là khoa học bị lợi dụng. Bản thân khoa học là đúng, nhưng nó vẫn có khả năng bị lợi dụng. Vì vậy các ý kiến phản biện cần phải có luận cứ. Tuy nhiên, tôi thấy đa số các ý kiến hôm nay, về tình cảm thì rất quý, nhưng thiếu luận cứ.

Và khi những ý kiến như vậy đưa ra công luận thì câu chuyện khác hẳn, tác động cực kỳ khác. Từ đó dội đến tâm lý lãnh đạo thì lãnh đạo nhìn cũng…khiếp. Biết là chưa đủ luận cứ, nhưng vẫn sợ vì nó thành dư luận, thành ý kiến xã hội rồi. Vì vậy, cần phải bảo đảm tính công bằng về mặt khoa học cho một dự án phát triển, và khi chúng ta phát biểu thì phải có trách nhiệm!”.

Ông Thiên cũng lưu ý báo chí khi nói “hội nghị này đã lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, rồi dư luận xã hội…” thì cũng phải giải thích rất rõ. Chuyên gia là chuyên gia nào, ông ấy nói về vấn đề gì, nếu không sẽ lẫn lộn hết.

Lợi ích của người dân là thế nào?

Bàn về vấn đề lợi ích của các dự án, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng có nhiều điều để nói, nhưng có một từ rất chung, đó là “lợi ích phát triển”. Lợi ích phát triển thì có vô số những lợi ích đi cùng như lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội (ngắn hạn, dài hạn, bền vững, ko bền vững…), lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích người dân.

“Chúng ta bàn dự án này phải bảo đảm lợi ích phát triển bền vững, lợi ích của dân, tôi rất đồng ý. Nhưng hãy thử bàn xem lợi ích của người dân là thế nào? Nếu môi trường đầu tư dở đi, người ta không đầu tư, chậm đầu tư vào đây thì lợi ích của dân Đà Nẵng sẽ ra sao?

Nếu việc phản biện dẫn đến kết luận không cho các dự án triển khai thì có ảnh hưởng môi trường đầu tư không? Nếu ảnh hưởng môi trường đầu tư thì có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, của Đà Nẵng với tư cách là TP trọng điểm, đầu tàu miền Trung không?” – PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.

Ông Thiên nhắn nhủ, thương hiệu của Đà Nẵng mà quốc gia này cần là trở thành một tên gọi quốc tế. Không phải tình cờ mà Đà Nẵng được chọn xây dựng “đô thị thông minh” với nỗ lực chung của cả quốc gia dồn cho TP này.

Tuy nhiên, đáng quan ngại là thời gian gần đây, ông Thiên cho rằng “được mời phản biện cho một số dự án mà chính quyền Đà Nẵng thu hồi, thì thấy căn cứ thu hồi đối với các dự án đó rất yếu, làm hỏng môi trường đầu tư”.

“Không phải mình đứng trên lập trường nhà nước là mình chỉ ủng hộ cho “phe” của mình. Đây không phải chỗ của phe phái gì cả. Chúng ta phải nhìn lợi ích theo nghĩa tổng thể. Tôi là người mong muốn Đà Nẵng có nhiều nhà đầu tư lớn, có chất lượng về đây. Mỗi địa phương phải có các nhà đầu tư lớn để tạo nên chân dung cho địa phương mình. Nếu chỉ toàn doanh nghiệp nhỏ li ti thì không biết bao giờ phát triển được.

Chúng ta không coi thường doanh nghiệp nhỏ li ti, nhưng không có những nhà đầu tư lớn vào thì làm sao Đà Nẵng có “chân dung” như hiện nay được? Tôi luôn “khen” Đà Nẵng đã chọn được các nhà đầu tư định hình được “chân dung phát triển” cho TP. Vì có sự định hình đó mà đẳng cấp của Đà Nẵng cứ từ đó mà lên chứ không thể thấp hơn được. Cho nên, việc mời gọi được các nhà đầu tư chất lượng cao là rất quan trọng!” –  PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Khuyến cáo về tâm lý tiếp cận méo mó, nguy hiểm đối với nhà đầu tư

Ông Thiên cũng bày tỏ thông cảm về dư luận đối với tình trạng hiện nay ở Đà Nẵng (và nhiều nơi khác) là “không ai dám quyết định cả vì môi trường quá rủi ro”. Mà không ai dám quyết định thì các dự án ngưng trệ, mà các dự án ngưng trệ sẽ ảnh hưởng đến số phận của nhà đầu tư. Đối với các nhà đâu tư, chậm là chết chứ không phải chậm thì không có vấn đề gì như phát biểu của Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, chậm một tháng đối với nông dân không có vấn đề gì, với doanh nghiệp gia đình có thể không có vấn đề gì, nhưng với các dự án 1 – 2 nghìn tỷ đồng, chỉ cần chậm một tháng có thể là phá sản. Lãi suất ở đâu ra? Uy tín đâu ra? Giá cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam sụp xuống là rủi ro, tai họa lớn cho đất nước này.

Theo ông Thiên, tác động môi trường kinh doanh sẽ là tác động đặc biệt quan trọng đối với Đà Nẵng trong tương lai. Nếu những nhà đầu tư lớn không vào nữa hoặc rất ngại vào thì cơ may phát triển của Đà Nẵng sẽ rất khó. Vì vậy, chính quyền TP cần có thái độ xử sự nghiêm túc.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng kiến nghị: “Bảo vệ sông Hàn là cần thiết, nhưng cũng phải nhìn các nhà đầu tư với tư cách là một lực lượng, một động lực phát triển để bảo vệ môi trường đầu tư cho Đà Nẵng. Còn các vấn đề khác liên quan thì phải căn cứ các luận cứ khoa học, để kết luận và công khai, minh bạch ra càng sớm càng tốt!”.

Hải Châu (Theo Infonet)

Check Also

nha_o_xa_hoi_ylhy

Cần có mục tiêu phát triển nhà ở giá rẻ cho thuê tại Đô thị

Trải qua 10 năm hoạt động, “Thị trường nhà ở đô thị” nước ta đã …