Home / QUY HOẠCH / BẢN SẮC ĐÔ THỊ VỚI VIỆC TRỒNG CÂY XANH ĐƯỜNG PHỐ THEO CHỦ ĐỀ

BẢN SẮC ĐÔ THỊ VỚI VIỆC TRỒNG CÂY XANH ĐƯỜNG PHỐ THEO CHỦ ĐỀ

  1. Một vài nét khái quát chung

          Cây xanh, mặt nước là một trong các yếu tố tạo nên diện mạo, bản sắc và đời sống đô thị. Trong nhiều trường hợp, niềm tự hào của công dân về thành phố không phải là tăng trưởng kinh tế, công trình cao tầng mà lại là cây xanh, mặt nước. (Họ tự hào vì có một công viên, một tuyến phố có cây xanh tuyệt đẹp…). Càng ngày người ta càng khám phá ra các giá trị khác của cây xanh, mặt nước… Nhất là cây xanh công viên, cây xanh trên các tuyến phố trong đô thị trên tất cả các phương diện sinh học, kỹ thuật, kinh tế và văn hoá xã hội. Ngoài các giá trị đã được biết đến như cung cấp oxy, ngăn và lọc bụi, giảm tiếng ồn, tạo ra vi khí hậu, còn rất nhiều giá trị khác mà người ta không thể ngờ tới. Chẳng hạn, công viên cây xanh, vỉa hè các tuyến phố làm cho quan hệ cộng đồng gắn bó hơn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các công viên cây xanh, cây xanh trên các tuyến phố chính là một môi trường mở, tạo điều kiện cho dân cư khác nhau về dân tộc, tôn giáo, đẳng cấp gặp gỡ nhau, trò chuyện, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn. Một khu dân cư không thể được coi là “đáng sống” nếu không có công viên cây xanh, mặt nước. Một tuyến phố nếu không có cây xanh không thể coi là một tuyết phố “thân thiện”, “lãng mạn”… Nếu cây xanh đường phố được trồng theo chủ đề sẽ tạo cho mỗi con đường, mỗi góc phố, cho cả đô thị có những đặc tính riêng, bản sắc riêng.

1

Hình ảnh đường Rua Gonçalo de Carvalho ở thành phố Porto Alegre của Brazil
Hình ảnh đường Rua Gonçalo de Carvalho ở thành phố Porto Alegre của Brazil

        Chẳng hạn, con đường Rua Gonçalo de Carvalho ở thành phố Porto Alegre của Brazil là con đường tuyệt đẹp, với không gian xanh yên bình đã nhận được sự ngưỡng mộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Con phố rợp bóng cây tipuana này thật xứng với danh hiệu “con đường đẹp nhất trên thế giới”. Có hơn 100 cây tipuana được trồng từ khoảng 70 năm trước, trải dài dọc theo 500 mét của con đường. Nhìn từ trên cao, Rua Gonçalo de Carvalho là một dải cây xanh mát giữa thành phố hiện đại. Ngày 5/6/2006, thị trưởng thành phố khi đó là ông Jose Fogaca đã ký một sắc lệnh công nhận Gonçalo de Carvalho là con đường “lịch sử, văn hóa và phát triển môi trường của thành phố”.

Đường Rua Gonçalo de Carvalho là “con đường đẹp nhất trên thế giới”
Đường Rua Gonçalo de Carvalho là “con đường đẹp nhất trên thế giới”
Đường hoa anh đào ở Đức
Đường hoa anh đào ở Đức

        Không chỉ đất nước Nhật Bản mới nổi tiếng với những con đường ngập sắc hồng, trắng của hoa anh đào. Cứ mỗi độ xuân sang, con phố yên bình ở thành phố Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức lại biến thành một đường ngập sắc hoa anh đào đầy mê hoặc. Là một loài cây mộc mạc, bình dị, hoa anh đào đẹp đến mê hồn, khi nở rộ tựa như cả một đám mây hoa. Con đường ngập tràn sắc hồng này còn được gọi là “xa lộ anh đào” bởi vẻ đẹp lãng mạn đầy chất thơ của nó…

Đường hoa phượng tím ở Nam Phi
Đường hoa phượng tím ở Nam Phi

          Thành phố Johannesburg (Nam Phi) được mệnh danh là khu rừng nhân tạo lớn nhất thế giới. Đã có hơn 10 triệu cây được trồng để giữ màu xanh cho thành phố lớn nhất Nam Phi này. Có ít nhất 49 loài phượng tím, hầu hết có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Những ai yêu phượng tím sẽ choáng ngợp trước khung trời hoa nhuộm màu tím biếc, phủ khắp các thành phố ở Nam Phi.

         Các công viên và cây xanh đường phố của Moreland là những tài sản quan trọng của cộng đồng, đem lại nhiều lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Hội đồng thành phố Moreland có trách nhiệm duy trì và nâng cao chất lượng của các công viên, khu bảo tồn, sân thể thao và 100.000 cây xanh trên đường và trong công viên tại Moreland.

         Hiện nay, các nhà khoa học còn mạnh dạn nghĩ tới việc cho lá cây phát sáng thay thế cho đèn đường. Việc các nhà phát minh đến từ Viện Sinica và Đại học Quốc gia Cheng Kung của Đài Loan đã cấy thành công các hạt nano sinh học siêu nhỏ có khả năng phát sáng vào lá cây đã minh chứng cho ý tưởng này. Những hạt nano mới có thể thay thế đèn đường một cách hoàn hảo bằng ánh sáng của chúng, ngoài ra việc có thêm cây sẽ giúp giảm lượng khí CO2 trong không khí, đem tới cho con người môi trường xanh sạch hơn.

         Ở Việt Nam nhiều đô thị, nhiều đường phố đã có thương hiệu riêng gắn với những nét đặc trưng mang tính văn hóa của cây xanh đô thị, cây xanh đường phố… Ví như, nhắc đến Hải Phòng phải nhắc tới thành phố hoa phượng đỏ, nhắc đến Huế, phải là thành phố vườn, còn Đà Lạt, phải là thành phố của ngàn thông, của hoa mimôza, hoa dạ quỳ… Riêng cây xanh và mặt nước được coi là đặc trưng của Hà Nội vì chúng đã tạo ra nhiều dấu ấn vật chất cũng như tinh thần trong đời sống, trong lịch sử phát triển đô thị Hà Nội. Ngoài số lượng, số loài nhiều hơn các đô thị lớn khác trong nước, cây xanh cùng với mặt nước đã đi vào tâm tưởng người Hà Nội bởi nó không những đứng cùng kiến trúc, cùng các di tích, lịch sử một cách hài hoà, tô điểm cho kiến trúc thêm đẹp, thêm ấn tượng mà còn đi vào thơ ca, vào tâm khảm con người đầy cảm xúc.

Phố Hoàng Diệu với hàng cây xanh đẹp có một không hai của Thủ đô Hà Nội...
Phố Hoàng Diệu với hàng cây xanh đẹp có một không hai của Thủ đô Hà Nội…

        Đường Nguyễn Du với nồng nàn hoa sữa đã đi vào thi ca, phố Lò Đúc được nhiều người biết đến vì nơi phố nhỏ xưa êm đềm có những hàng cây sao cao vút, tán lá giao nhau, là nơi trú ngụ lý tưởng của những đàn cò… Trên đường Hoàng Diệu, con đường trải dài với những bóng cây cổ thụ xanh mát đổ bóng xuống từng ngôi nhà góc phố, một phần Hà Nội xưa đang tồn tại như những dấu tích minh chứng cho chiều sâu văn hóa của đất kinh kỳ. Dường như đường Hoàng Diệu đã trở thành nơi lưu giữ hồn xưa thành cổ với di tích Hoàng thành Thăng Long…

2. Một vài ý trao đổi với TP. Đà Nẵng

        Năm 2011, TP. Đà Nẵng vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”; năm 2012 với danh hiệu “Thành phố có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất thế giới 2012” và mới đây là danh hiệu “Thành phố phong cảnh Châu Á”.

           Để xứng đáng hơn với các danh hiệu trên, TP. Đà Nẵng cần nhanh chóng tìm ra giải pháp phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững – Một trong những tiêu chí quan trọng của “thành phố văn minh, hiện đại”, “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường” chính là cây xanh đô thị. Mặc dù được biết đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc phát triển cây xanh đô thị đã được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành, chỉ đạo thực hiện (Cụ thể như các đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015, đề án xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015, Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…) và đã đạt được những kết quả không nhỏ, góp phần tạo nên hình ảnh Đà Nẵng mới trong quá trình hội nhập và phát triển.

         Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng hệ thống cây xanh đô thị của TP. Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường cảnh quan, tỷ lệ diện tích cây xanh, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý và vẫn còn thiếu chiến lược, giải pháp chưa đồng bộ cho việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Công tác quản lý cây xanh còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, tỉa cành… còn tùy tiện làm giảm mật độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh múm, thiếu quy hoạch, lựa chọn, bố trí loại cây trồng chưa thật phù hợp ở từng công trình, địa điểm. Đặc biệt chưa tạo ra những dấu ấn riêng, có bản sắc trên từng tuyến phố. Ví dụ như trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, 30 tháng 4 có vỉa hè rộng lại quy hoạch trồng cây sao đen, chẹo, viết…là những loại cây có tán hẹp, sinh trưởng chậm nên không tạo ra được tán rộng, có bóng mát…Ngược lại, đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ (có đường dây trung và hạ thế chạy qua) lại trồng cây đại mộc như xà cừ, muồng tím có khả năng sinh trưởng nhanh…có nguy cơ ảnh hướng đến tuyến điện…

Cây xanh dọc tuyến Bạch Đằng/sông Hàn…chưa tạo được dấu ấn riêng cho TP. Đà Nẵng.
Cây xanh dọc tuyến Bạch Đằng/sông Hàn…chưa tạo được dấu ấn riêng cho TP. Đà Nẵng.

          Được biết TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên địa bàn thành phố (QĐ số 3852/QĐ-UBND ngày 14/6/2011). Hiện nay, một số loại cây đã khẳng định được vị trí ở Đà Nẵng, như cây bàng Đài Loan, muồng Kim Phượng (Lim Xẹt), giáng hương (Sưa trắng)… Tuy nhiên, thời gian tới, TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển cây xanh, công viên mang tính tổng thể, với một tầm nhìn đột phá hơn. Chiến lược này cần: (1) Bảo tồn, coi trọng “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên”/trụ cột của phát triển môi trường bền vững; (2). Bảo vệ tối đa, khai thác có hiệu quả vùng cảnh quan, mặt nư­ớc các con sông, mặt nư­ớc ven biển/nhất là diện tích mặt nước ven biển; vùng sinh thái nông, lâm nghiệp phía Bắc, Tây thành phố/là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị/tạo dựng hình ảnh đô thị nước; (3) Hệ thống cây xanh trên các tuyến phố của TP. Đà Nẵng cần được nghiên cứu kỹ, có tính đột phá, trồng theo chủ đề để tạo cho mỗi con đường, mỗi góc phố, cho cả đô thị có những đặc tính riêng, bản sắc riêng…

        Về tổng thể, một “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” bao gồm lưu vực các con sông, suối, ao, hồ, mặt nước biển (ven bờ), đồi, núi, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cơ bản… cần được duy trì, bảo tồn và phải được xác định rõ, chính danh trong cấu trúc đô thị. Đây là môi trường sinh thái/hệ sinh thái miền để liên kết các khu chức năng đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững. Mặt khác, trong cấu trúc đô thị cần tăng cường khai thác yếu tố “Nước” (nước ven biển, các con sông, hồ…) để phát huy lợi thế và tạo ra bản sắc cho đô thị.

          Theo đó, với “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” cơ bản được bảo tồn, yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo, TP. Đà Nẵng được phát triển mở rộng về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam, sông Hàn là trục cảnh quan mặt nước chủ đạo với vịnh Đà Nẵng, bờ biển cảnh quan phía Tây (Sơn Trà – Mỹ Khê – Non Nước…), không bỏ qua cảnh quan các con sông Cu Đê, Cổ Cò, các hồ hiện có trong đô thị… làm nền tảng căn bản cho phát triển cấu trúc một đô thị du lịch biển, với việc khai thác thêm quỹ đất (có tính đặc thù) phía Tây Bắc và Đông Bắc (sườn đèo Hải Vân, một phần bán đảo Sơn Trà và gò đồi phía núi Bà Nà). “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” là nền tảng cho phát triển cấu trúc tổng thể không gian TP. Đà Nẵng, trong đó có việc kết nối với các trục không gian lưu thông là các tuyến phố (Với việc trồng cây xanh theo chủ đề trên các tuyến phố chính) và điểm nhấn là các vườn hoa, công viên có trong đô thị.

         Như vậy, về cơ bản theo chiến lược này có thể coi cả TP. Đà Nẵng là một công viên lớn, được quy hoạch phát triển dựa vào hệ khung thiên nhiên, có ý tưởng, với các tuyến phố trồng cây theo chủ đề, các vườn hoa, công viên là điểm nhấn…đẹp, sinh thái, độc đáo, có bản sắc…nằm dưới dải Trường Sơn hùng vĩ và ngay bên vịnh Đà Nẵng xinh đẹp.

             Tài liệu tham khảo:

– Cổng thông tin điện tử UBND TP. Đà Nẵng;Wikipedia;

– Tuyến tập Hội thảo cây xanh, công viên (Hiệp hội cây xanh, công viên Việt Nam)

– Model City Environment; Greestructre and Urban Planning.

TS.KTS Trương Văn Quảng

                                                  Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA)

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …