Nếu hỏi bất kỳ một công dân nào đó ở Đà Nẵng “ Quê hương của anh, chị đẹp nhất là gì”. Chắc chắn sẽ có câu trả lời chung rằng: Đà Nẵng quê tôi có những con người hiền hòa giản dị, có biển xanh bao bọc đêm nằm nghe sóng vỗ rì rào, có núi rừng bốn mùa hoa nở, có cả con sông lượn lờ, uốn khúc như dải lụa đào chảy qua giữa lòng phố.
1. Vâng, đẹp như dải lụa đào chảy qua lòng phố ấy phải trải qua và chứng kiến biết bao thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử với khát khao đổi đời.
Ngày thống nhất đất nước, Đà Nẵng bấy giờ như một đô thị quân sự được bó hẹp trong một phạm vi không hơn gì một thị tứ. Với vài chục con đường được mang tên nhưng cũng chỉ vài con đường làm nổi tên tuổi như: Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Trần Phú, Bạch Đằng bởi nó là cái lõi của trung tâm. Cái lõi ấy được kéo dài từ chợ Cồn đến chợ Vườn hoa rồi mới đến chợ Hàn và cuối cùng là dòng sông mênh mông con sóng vỗ hai bờ Đông – Tây. Tiếng còi phà hối hả đưa khách sang sông, tiếng gọi đò ơi ới khi đêm chùng xuống của những chàng trai, cô gái ở hai bến bờ theo tiếng gọi tình yêu. Tất cả hình ảnh ấy đã ghi vào biết bao tâm thức của từng thế hệ. Vì vậy, đối với dòng sông Hàn nó là cái gì đó thật nhẹ nhàng quyến luyến, nó là cái gì đó để chia sẻ những ưu tư, muộn phiền trong dòng đời trôi chảy để rồi đứng lên vượt qua những khó khăn đầy phong ba, bão tố. Và cuối cùng, nó là cái gì đó thật sự thiêng liêng vừa hữu hình, vừa vô hình trong tất cả của người dân Đà Nẵng.
2. Năm 1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Từ Lãnh đạo đến người dân không ai không bồi hồi nhức nhối khi đứng bên này sông nhìn bên kia sông là những xóm nhà xập xệ cùng những gia đình sống mưu sinh, chen chúc trên những con thuyền nhỏ từ bao đời. Để thay đổi được cảnh đời tối tăm tồi tệ ấy là đòi hỏi sự hy sinh rất lớn đầy tâm huyết của những người Lãnh đạo và sự đồng thuận chia sẻ của người dân. Đà Nẵng đã tạo dựng được sự kỳ diệu ấy, đã đánh thức vai trò sứ mệnh của mình qua bao thế kỷ ngủ vùi quên lãng – Đà Nẵng chào đón và hành trang bước vào kỷ nguyên mới – thế kỷ 21.
Cầu quay sông Hàn nhanh chóng xóa đi sự cách biệt giữa hai bờ Đông – Tây và cứ như vậy, lần lượt những cây cầu như Cẩm Lệ được xây dựng nối liền QL.1A đánh thức sự phát triển của cả một vùng đất phía Tây Nam thành phố. Tiếp đến cầu Hòa Xuân giữ vai trò mở rộng phát triển về phía Nam. Những con đường mới, những khu dân cư mới cứ vậy tiếp tục mọc lên.
Cầu Tuyên Sơn phục vụ vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa/năm từ Cảng biển Tiên Sa vào đất liền và ngược lại, cầu Thuận Phước cây cầu treo dây võng bắc qua eo biển Đà Nẵng được đưa vào sử dụng nối dài con đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa rồi Trường Sa, làm đòn bẩy cho sự phát triển của một đô thị trẻ đang vươn mình ra biển lớn. Rồi tiếp đến nữa là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý như một cánh buồm no gió trong khát vọng đi lên. Những con phố mới, những khu nhà mới hình thành lên từng ngày tháng dần xóa đi những nếp nhăn cằn cổi thay vào đó là phố xá thênh thang xinh đẹp mang đầy hương gió của sông – của núi – của biển. Đà Nẵng đã thật sự lột xác – Đà Nẵng đang hướng đến một đô thị tầm cỡ – một đô thị đáng sống.
3. Đô thị hóa nhanh “Nóng” nếu thiếu đi những định hướng, thiếu đi tầm nhìn với những quyết định quá vội vàng chắc chắn sẽ gieo họa vào con cháu mai sau.
Đà Nẵng đã không rơi vào trạng thái đó nhưng Đà Nẵng cũng còn đó những thiếu sót trong quá trình phát triển đô thị đó là những khu phố ổ chuột, tồi tàn, tạm bợ. Do đó, đối với nhà quản trị ngay bây giờ cần tỉnh táo để rà soát lại tổng thể quy hoạch của thành phố, đánh giá, phân loại từng cụm dân cư đô thị để rồi có chính sách chỉnh trang, quy hoạch nhằm tái tạo không gian sống cho người dân hướng tới mục tiêu là một đô thị văn minh, giàu tính nhân văn, hài hòa với môi trường.
4. Nói về dòng sông Hàn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng là một tài sản vô giá không một thành phố thứ hai nào có được. Do đó, bàn về Quy hoạch kiến trúc cảnh quan sông Hàn không chỉ là những nhà quy hoạch – kiến trúc mà cần phải có ý kiến của các nhà khoa học từ lịch sử – môi trường – thủy văn – xã hội… Hiện thành phố đang chỉ đạo việc quy hoạch cảnh quan lại hai bờ sông Hàn và giao cho Công ty JiNa (Hàn Quốc) thiết kế. Việc thiết kế của công ty này đã không được sự đồng tình của nhiều chuyên gia và các Hiệp hội chuyên ngành bởi đây là một đề án ở một vị trí khá nhạy cảm nên đề nghị thi tuyển trong nước và quốc tế. (Xem trên các diễn đàn báo chí. Từ khóa: JiNa đang định “bức tử” sông Hàn…) và cùng nhiều ý kiến nhận định khác. Do trang báo có hạn nên chỉ xin góp nhặt vài ý kiến sau:
– Trước hết việc quyết tâm thực thi đồ án thiết kế của Công ty JiNa (Hàn Quốc) nên tạm dừng. Cần tổ chức cuộc thi ý tưởng như đề nghị của các chuyên gia, các hiệp hội chuyên ngành, chắc chắn rằng chúng ta sẽ có nhiều đề án hay hơn, ý tưởng độc đáo hơn, phong phú hơn.
– Đà Nẵng đang đi tìm một nét đặc thù văn hóa riêng về bản sắc kiến trúc – quy hoạch nhưng lại thừa nhận một cách đáng xấu hổ khi phê duyệt một công trình như sao chép từ các biểu tượng Singapore hay con thuyền Bồ Đào Nha đứng sừng sững bên bờ Đông sông Hàn thật gay gắt phản cảm lại che lấp tầm nhìn và hạ thấp giá trị cầu Rồng. Liệu rằng mai đây khi nền kinh tế đất nước ta vững vàng, con cháu chúng ta được đi đây, đi đó mở rộng tầm mắt quay về đánh giá nhìn nhận thế hệ chúng ta như thế nào?
– Đô thị hiện đại, thông minh không có nghĩa là những tòa nhà bê tông cao tầng uy nghi lộng lẫy, không phải là những mảng xanh rậm rợp. Đô thị hiện đại, thông minh là có được cái nhìn thông thoáng, ngửi được hương vị của những gì thiên nhiên ban tặng như sông, đồi, núi, biển và cuối cùng chỉ để phục vụ cuộc sống của con người.
Vì vậy, để tôn tạo giữ gìn được cái bản sắc hai bờ sông Hàn điều tốt nhất là đừng biến nó thành làng thương mại hay chợ nổi trên sông. Việc nên làm là hãy xóa sổ các panô quảng cáo, giải phóng các công trình thương mại trên dòng sông thay vào đó là những con đường hoa, công viên vườn tượng, công viên đi bộ.
Chỉ cần điều đó thôi cũng là nét văn hóa người Đà Nẵng rồi.
Nguyễn Cửu Loan