Tokyo có tên trong lịch sử là Edo. Edo được hình thành từ thế kỷ 15 và bắt đầu thịnh vượng từ cuối thể kỷ 16 với tư cách là thủ phủ của chế độ Shogunate của các Samurai tại Nhật bản. Năm 1672, dân số Edo đã lên tới 1,1 triệu người, hơn gấp đôi dân số của Luân đôn hay Pari thời đó. Thế nhưng trên phương diện quy hoạch đô thị Edo lại khá lạc hậu với mạng lưới đường xá chật chội, quanh co, uốn lượn rắc rối, được hình thành nhằm phục vụ mục đích phòng thủ của Tokugawa Ieyasu – tướng quân của các Samurai, người thực sự nắm quyền lực lúc bấy giờ. Đến thời kỳ Minh trị (1868 – 1912), chế độ Shogunate bị lật đổ, Edo được đổi tên thành Tokyo. Trong giai đoạn này Nhật bản bắt đầu tiếp thu những tư tưởng, văn hóa, công nghiệp và kỹ thuật từ Tây phương. Tokyo nhanh chóng trở thành một ‘showcase’ của sự Tây hóa. Công nghiệp và các hoạt động kinh doanh hiện đại ngày càng phát triển và tập trung tại đây khiến dân số Tokyo lên đến gần 3,69 triệu người năm 1920.
Năm 1923, trận động đất khủng khiếp Kanto đã san phẳng gần như toàn bộ thành phố và các vùng lân cận, cướp đi sinh mạng của hơn 70 ngàn người, phá hủy 312 ngàn ngôi nhà. Đây chính là cơ hội để kiến thiết lại Tokyo, mặc dù chương trình tái thiết chỉ thực hiện được một phần do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, những đường phố rộng rãi phục vụ các phương tiện cơ giới đã được quy hoạch, giao thông công cộng và các tiện ích đô thị đã được cải thiện. Năm 1925, một tuyến xe điện có tên Yamanote chạy khép kín bao quanh khu vực nội thành đã được mở.
Trong Đại chiến thế giới thứ II, một lần nữa Tokyo lại bị tàn phá nghiêm trọng bởi 102 cuộc tấn công bằng không lực. Năm 1945, chiến tranh kết thúc. Theo kinh nghiệm tái thiết sau động đất, công tác tái thiết Tokyo hậu chiến chủ yếu tập trung vào việc điều chỉnh mạng lưới đường và phân chia lại các lô đất cho phát triển. Quy hoạch tái thiết đô thị Tokyo hậu chiến – công bố năm 1946 đã đề xuất một hệ thống đường giao thông rộng 100m có dạng các đường vành đai kết hợp với các tuyến tia, các thành phố vệ tinh, các vùng không gian mở với tổng diện tích 19 ngàn hecta. Tổng diện tích đất đô thị dự kiến được điều chỉnh và phân lô lại là 20 ngàn hecta (vượt quá 16 ngàn hecta đã bị bom phá hủy). Tuy nhiên dân số Tokyo đã tăng nhanh quá mức dự báo của quy hoạch. Các nội dung quy hoạch cũng bị cắt giảm do ngân sách quốc gia hạn hẹp. Trên thực tế, chỉ có 1,5 ngàn hecta đất đô thị được điều chỉnh, chủ yếu nằm quanh các ga dọc theo các tuyến tàu điện Yamanote, Keihin Tohoku và Sobu.
Sự vực dậy của Tokyo chỉ thực sự bắt đầu vào đầu những năm 60, khởi đầu một giai đoạn phát triển kinh tế thịnh vượng và mở rộng đô thị chóng mặt trong suốt ba thập niên tiếp theo. Tokyo trở thành đầu não kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhật bản, nơi tập trung các cơ quan chính phủ, các trụ sở chính của các hãng, các cơ sở đầu não của doanh nghiệp và các ngân hàng, các công trình văn hóa giáo dục. 60% các công ty lớn của Nhật bản có headquater tại Tokyo, không kể các công ty nước ngoài. Riêng đô thị này chứa hơn một nửa tổng các hoạt động kinh tế và văn hóa của Nhật bản. Sự tập trung dân số và các chức năng đô thị đã khiến Tokyo mau chóng trở thành một vùng đô thị rộng lớn.
Đô thị & Phát triển xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc thước phim tư liệu do “Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng” thực hiện và cung cấp.