Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Một số suy nghĩ về việc phát triển kinh tế dịch vụ ở thành phố Đà Nẵng

Một số suy nghĩ về việc phát triển kinh tế dịch vụ ở thành phố Đà Nẵng

Tại Hội thảo về định hướng phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất, trong bài “Đà Nẵng và chuỗi các đô thị, du lịch miền Trung” tôi đã bày tỏ một trăn trở lớn là tại sao người ta cứ phải đi Singapore để chữa bệnh; đi Mỹ, đi Úc để học, mà không phải đến Đà Nẵng? Đồng thời cũng bày tỏ mong ước về một  vùng đô thị và du lịch độc đáo như  một chuỗi ngọc xinh đẹp ven biển cũng như việc “xâu chuỗi” để có thể phát huy hết thế mạnh của Đà Nẵng và miền Trung. Mấy năm qua, bằng những bước đi có tính đột phá của thành phố Đà Nẵng, những mong ước đó đang bước đầu được thực hiện hóa. Tuy nhiên đi vào những công việc cụ thể, còn rất nhiều điều cần suy nghĩ và rất nhiều việc cần phải làm, trước hết là lĩnh vực dịch vụ.

Một số suy nghĩ về việc phát triển kinh tế dịch vụ ở thành phố Đà Nẵng

Dịch vụ đang là mũi nhọn phát triển của Đà Nẵng.

Dịch vụ cũng là động lực chủ yếu để phát triển đô thị Đà Nẵng. Một trong những vấn đề lớn của Đà Nẵng hiện nay là làm sao phát triển các lĩnh vực dịch vụ của thành phố ngang tầm quốc tế. Thị trường dịch vụ nói ở đây bao gồm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, công nghệ, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ sản xuất. Hiện nay mới chỉ có dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tương đối phát triển. Với định hướng phát triển Đà Nẵng thành một thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp, một thành phố hài hòa, thân thiện và an bình, chắc chắn các lĩnh vực du lịch, nhất là dịch vụ phục vụ trực tiếp cho con người của Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thành phố Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố tầm cỡ của ASEAN và Châu Á. Có hai cách tư duy tiếp cận mục tiêu này. Một là tư duy kế hoạch hóa, hai là tư duy thị trường.

– Theo cách tiếp cận thứ nhất, chúng ta cần xác định các chỉ tiêu của một thành phố tầm cỡ Châu Á là như thế nào? Có lẽ các chỉ tiêu này sẽ khác đôi chút so với các chỉ tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại đặc biệt hiện nay với việc nhấn mạnh thêm các yếu tố ảnh hưởng đến quốc tế của nó. Thành phố tầm cỡ quốc tế phải là thành phố lớn, có số dân đông nhiều triệu người, có giao thương rộng rãi với các nước, có những công trình lớn nổi tiếng. Ví dụ, phải có các công trình tầm cỡ như nhà hát con sò Sidney, tháp đôi trăm tầng Petronas của Kula Lampua, tháp truyền hình cao nhất thế giới ở Quảng Châu v.v… Hoặc thành phố đó phải có cảng biển sầm uất, có sân bay xuyên lục địa v.v… Sau đó lập kế hoạch để xây dựng các công trình kỳ vĩ, nhằm thực hiện các chỉ tiêu đó. Ta biết cách tiếp cận này nhiều khi duy ý chí, tốn kém nhưng khó đạt mục tiêu.

– Cách tiếp cận tư duy thị trường là hướng đến khả năng cạnh tranh đó nói lên sức mạnh của nền kinh tế đô thị, đồng thời nói lên tính chất hấp dẫn về môi trường sống của thành phố. Rất đáng mừng là thành phố Đà Nẵng đã tiếp cận theo cách thứ hai và đang phấn đấu để nâng cao sức cạnh tranh của mình. Chiến lược cạnh tranh cụ thể của “đại  doanh nghiệp” Đà Nẵng như thế nào có lẽ đang là chủ đề chính của các nhà hoạch định chính sách, của các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội…

Khả năng cạnh tranh của đô thị Đà Nẵng là khả năng cạnh tranh của các thị trường.

Dưới góc độ quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản, chúng tôi suy nghĩ nhiều thị trường dịch vụ, về những cơ sở gốc rễ để nâng sức cạnh tranh thị trường dịch vụ của thành phố. Nên kinh tế dịch vụ chỉ có thể phát triển được và có sức mạnh cạnh tranh trên cơ sở một đô thị lành mạnh. Muốn phát triển một đô thị lành mạnh, cần nghĩ về ba động lực tạo thị cơ bản của nó. Đó là: 1 – Điều kiện tự nhiên, 2 – Điều kiện thị trường, 3 – Điều kiện chính trị – xã hội. Về điều kiện tự nhiên rất thuận lợi của Đà Nẵng (nó vừa là động lực vừa là cơ hội để Đà Nẵng phát triển khả năng cạnh tranh của mình) đã được đề cập đến nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ bàn về điều kiện thị trường và đôi điều về điều kiện chính trị – xã hội.

Điều kiện tạo thị của thị trường là khả năng thị trường tác động làm phát triển đô thị. Đối với thị trường dịch vụ, nó là khả năng và cũng là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, từ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tới thị trường bất động sản. Cầu của thị trường bất động sản bắt nguồn từ cầu của thị trường dịch vụ. Ví dụ có cầu trong thị trường hàng hóa mạnh mới có cầu về xây dựng siêu thị, nhà hàng. Khu phức hợp Thiên Thanh plaza (vị trí tại sân vận động Chi Lăng) sẽ là nơi mua sắm lý tưởng nếu cầu về hàng hóa lớn. Nhiều người có tiền trên thế giới đã bay từ thành phố này đến thành phố kia chỉ để mua sắm. Cung của thị trường bất động sản tạo ra cung của thị trường dịch vụ. Thị trường bất động sản (BĐS) trở thành nền tảng của thị trường dịch vụ, nó là cơ sở gốc rễ của thị trường các dịch vụ. Khi cầu của thị trường dịch vụ yếu, đơn điệu thì khó tăng cầu trong thị trường BĐS. Các trung tâm mua sắm lớn và hiện đại mọc lên nhưng “vắng như chùa Bà Đanh”, doanh nghiệp bất động sản sẽ chết. cầu về bất động sản thấp cũng sẽ dẫn đến khó phát triển hạ tầng của thành phố, tức là khó phát triển thành phố. Để phát triển khả năng cạnh tranh của Đà Nẵng, bên cạnh việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cần tạo điều kiện bằng nhiều giải pháp kích cầu để nâng sức cạnh tranh trong thị trường dịch vụ.

Mặt khác, nói đến cạnh tranh là phải nói đến đối thủ. Cần xác định đối thủ trong nước và quốc tế của Đà Nẵng là các thành phố nào? Tại sao người ta chọn điểm đến (destination) là Đà Nẵng mà không phải là các thành phố khác? Đà Nẵng có những gì mà các thành phố khác không có, có những gì có thể phục vụ tốt hơn các thành phố khác và có những gì Đà Nẵng không thể làm được mà phải hợp tác để khắc phục chỗ yếu của mình? Chỉ khi phân tích từng ngành, từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể mới trả lời được các câu hỏi đó. Ví dụ về dịch vụ y tế, Đà Nẵng cần cạnh tranh với Singapore, cầu của dịch vụ này (ở đây muốn nói tới khả năng chi trả cho các dịch vụ cao cấp) không thiếu, vậy Đà Nẵng có khả năng cung ứng dịch vụ này với chất lượng cao và giá thành rẻ hơn ở Singapore không? Ai cũng biết bác sỹ Việt Nam có nhiều người rất giỏi, có khả năng tiếp thu nhanh và sử dụng tốt các thiết bị hiện đại, vốn đầu tư có thể huy động được, vậy điều gì đang là trở lực chính để phát triển dịch vụ này? Phải chăng một trong những yếu tố đó là điều kiện sinh sống và làm việc của các bác sỹ và gia đình họ. Nghĩa là trở lực của dịch vụ y tế không chỉ nằm trong lĩnh vực y tế mà còn nằm trong đô thị, đô thị có phải là nơi đáng sống cho đội ngũ y bác sỹ và gia đình họ không? Tất cả các yếu tố liên quan đến môi trường sống hạ tầng đô thị đến sinh thái, từ việc làm đến giải trí… đều tham gia vào quá trình cạnh tranh của thành phố.

Một ví dụ khác, thành phố Đà Nẵng với khát vọng là một thành phố quốc tế, nó phải là một thành phố mở, một điểm đến của thế giới. Để trở thành điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh được với các thành phố khác trong vùng, trước hết nó phải có điều kiện tốt nhất về giao thông đối ngoại. Sự kiên quyết của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giúp hoàn thành sớm Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Nhưng đến Đà Nẵng đâu phải chỉ bằng máy bay. Có mấy lần tôi (tự xác định là thành phần trung lưu) đi từ Quãng Ngãi ra Đà Nẵng bằng ô tô của hãng Mai Linh thì đều phải đặt vé trước và vài lần phải đi ngược đến Sông Vệ (phía Nam Quảng Ngãi 10km) mới có xe đón. Còn loại xe 15 chỗ đón khách dọc đường thì hễ có khách là đón. Một lần đi xe tôi đã đếm được đến 30 người “ép giò” trên xe 15 chỗ như vậy, sau đó tôi không dám đi loại xe này nữa. Tàu lửa là phương tiện an toàn và thuận lợi trong khoảng cách nửa ngày đường. Tàu tốc hành Sài Gòn – Đà Nẵng mất 17 giờ. Khi nâng cấp và cải tạo đường sắt thành đường đôi khổ 1,435, chắc thời gian này sẽ rút xuống dưới 12 giờ, “lên tàu ngủ một giấc, ngắm cảnh vài giờ là đến nơi”, đó là phương tiện lý tưởng cho tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp muốn đi du lịch. Nhiều đoàn du lịch (nhất là của các công đoàn) đã đi đến Đà Nẵng bằng tàu lửa. Trên tàu cũng có nhiều khách quốc tế. Nhưng tàu hỏa Việt Nam chưa có “quốc tế” chút nào, thậm chí chưa thoát được sự bệ Rạc. Nếu lên tàu từ các ga giữa đường thì phải dùng lại chăn gối của khách đi đoạn đường trước, phòng vệ sinh ít khi sạch. Các nhà ga đã có nhiều đổi mới nhưng tinh thần nội địa, bình dân vẫn là chính, ga Đà Nẵng cũng vậy.

Một mũi nhọn và cũng là trọng tâm phát triển dịch vụ của Đà Nẵng là du lịch và nghĩ dưỡng. Quy hoạch đô thị phục vụ mục tiêu này như thế nào?

Dải bờ biển từ Sơn Trà đến Non Nước, bao gồm cả sân bay Nước Mặn ngày xưa, trong tương lai có lẽ sẽ là một vùng đô thị nghỉ dưỡng, một thành phố bikini (một thành phố tắm biển được mặc đồ tắm đi trên phố) tuyệt vời. Sáng tắm biển, chiều và tối đi mua sắm và giải trí trong thành phố, hoặc theo các tour ngắn đến các điểm du lịch nổi tiếng quanh vùng và trong chuỗi ngọc miền Trung. Việc nghiên cứu “dòng nhu cầu” để thỏa mãn tối đa các nhu cầu đó của khách là rất cần thiết để nâng sức cạnh tranh về dịch vụ du lịch. Đà Nẵng vừa hoàn thành nhiều cầu lớn vượt qua sông Hàn để nối thành phố với khu đô thị biển có lẽ cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của khách. Nhưng hiện nay dọc biển có nhiều dự án nhỏ án ngữ bờ biển, liệu có cản trở sinh hoạt hàng ngày của khu đô thị du lịch và tắm biển tương lai cũng như của cả thành phố không? Bài toán quy hoạch đô thị phải phải như thế nào để có phương án tối ưu và khả thi nhằm tăng sức hấp dẫn của Đà Nẵng có lẽ bài toán không đơn giản, Bài học đầu tiên về sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh là chủ đầu tư ngay từ đầu đã coi trọng công tác quy hoạch, đã huy động được những nhà quy hoạch hàng đầu thế giới vào cuộc thi quy hoạch khu đô thị này.

Chính quyền thành phố chú trọng đến quy hoạch, quản lý tốt việc phát triển theo quy hoạch có nhiều giải pháp đột phá trong đầu tư phát triển là tác động của điều kiện tạo thị thứ ba, điều kiện về chính trị – xã hội. Tuy nhiên điều kiện cơ bản về chính trị – xã hội là chính sách và pháp luật của Nhà nước, sự hỗ trợ của các Bộ ngành Trung ương, sự hợp tác trong vùng. Đó là các điều kiện bên ngoài, có thể là cơ hội hay nguy cơ hạn chế sự phát triển. Trong điều kiện từ bên ngoài thuận lợi, chính thành phố Đà Nẵng sẽ đóng vai trò “xâu chuỗi”, tức là làm đầu tàu trong sự phối hợp vùng bằng chính năng lực cạnh tranh của mình. Phối hợp càng tốt, sức cạnh tranh càng tăng cao. Khát vọng về một Đà Nẵng tầm cỡ của Châu Á nhất định sẽ được thực hiện.

Võ Kim Cương – TS.Chuyên gia Xây dựng & Quản lý Đô thị

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *