1. Làm rõ thêm các khái niệm
“Tài nguyên di sản”, cụm từ do tác giả đề xuất. Thông thường: di sản kiến trúc, di sản đô thị. Với Hội An, “tài nguyên đô thị” phù hợp hơn. Bởi những gì thuộc di sản có tỷ trọng lớn về không gian, về quỹ vật chất, cần được nhìn nhận như nhân tố chủ đạo cho phát triển. Tuy nhiên, tài nguyên này phải được khai thác khác biệt so với tài nguyên khác.
“Phát triển tiếp nối” ám chỉ sự phát triển có kế thừa, bảo tồn và phát triển không xung đột mà kết hợp khăn khít trong dòng chảy tự nhiên, không gián đoạn.
“Thiên nhiên nhân văn hóa”, cụm từ do tác giả bài viết đề xuất, ám chỉ những không gian trong và quanh đô thị, không xây dựng chiếm cứ, là những nhân tố được coi là cảnh quan hoặc vùng đệm, không tách rời khỏi không gian trong và quanh đô thị và góp phần tạo diện mạo riêng biệt cho nó.
2. Những giá trị chính của tài nguyên di sản Hội An
Giá trị lịch sử. Địa bàn dân cư lâu đời và địa điểm giao thương của Champa cổ xưa, là một trong số ít đô thị thương mại và thương cảng của Đại Việt thời trung đại, nơi diễn ra giao lưu và cộng sinh văn hóa giữa nhiều cộng đồng dân tộc. Một di sản khảo cổ học rộng lớn trên đất liền và dưới nước. Một kho dữ liệu lịch sử, đa dạng và phong phú, đặc biệt quý hiếm và không dễ cạn kiệt.
Giá trị kiến trúc. Một sưu tập kiến trúc thành thị sống độc nhất vô nhị trong di sản kiến trúc người Việt, – nhà ở, nhà – cửa hiệu, nhà thờ tộc, đình, hội quán, chùa, miếu, cầu, giếng, mộ,vv…Số lượng lớn, niên đại phổ biến trên dưới hai thế kỷ. Sự hiện diện phong cách và kiểu cách kiến trúc các thời kỳ lịch sử. Giá trị nổi trội: tổ chức không gian, cấu trúc gỗ và bài trí căn nhà mặt phố. Công năng ban đầu và chất lượng các nhà gỗ ít biến đổi.
Giá trị đô thị. Lưu giữu hình ảnh đô thị phố chợ và thương cảng xưa kia. Hiện hữu các thành phần: phố cảng, chợ, dãy phố – cửa hiệu; sự xen kẽ kiến trúc cư trú – thương mại – tín ngưỡng; chuyển hóa từ phố sang kiệt, nối kết thành không gian hòa quện. Diện mạo các con phố khá đồng nhất, nhà chủ yếu một, hai tầng, sự liền kề của các cửa hiệu tạo thành một thể thống nhất với những khác biệt không đối kháng. Khu phố cổ Hôi An là một cấu trúc đô thị còn nguyên vẹn hơn cả trong di sản đô thị Việt.
Giá trị văn hóa phi vật thể. Cơ thể vật chất và đời sống cộng đồng dân cư Hội An chứa đựng dấu ấn của đô thị thương cảng và trung tâm hành chính của một tỉnh nhỏ. Dân cư gồm tiểu thương, công chức, giáo học, nông dân, ngư dân và thợ thủ công. Đời sống văn hóa và tinh thần chi phối bởi sự hòa đồng văn hóa Việt – Hoa. Thành phần dân cư bất biến, sự di dân không đáng kể, nghề nghiệp và việc làm ít thay đổi, dòng tộc tồn tại lâu đời, nếp sống, giao thiệp, tiếng nói, lễ hội, tín ngưỡng…định hình và duy trì bền vững trong phạm vi không gian địa lý hẹp. Qua những biến đổi lớn, cộng đồng dân cư vẫn bảo lưu bền dai những nét riêng.
Giá trị nổi trội của đô thị cổ Hội An, – sự song tồn và tương ứng sâu sắc trong một cơ thể gắn quện hữu cơ, không tách lìa giữa kiến trúc đô thị (phần cứng) và đời sống của cộng đồng dân cư truyền thống (phần mềm). Ở các đô thị khác, sự song tồn như vậy đã tan vỡ từ lâu.
Hễ dân gốc chưa từ bỏ nếp sống xưa nay, cơ thể kiến trúc đô thị còn. Ngược lại, hễ dân gốc từ bỏ nếp sống cũ, cơ thể kiến trúc đô thị tan, hoặc lưu lại như những hình ảnh kiến trúc của dĩ vãng.
Về phương diện hình thái học đô thị, kiến trúc đô thị thành phố Hội An cho đến hôm nay vẫn là một cơ thể cân bằng và thống nhất: chuyển hóa mềm mại giữa các mảng kiến trúc các thời, chuyển hóa mềm mại giữa phố và làng, chuyển hóa mềm mại giữa không gian xây dựng và không gian tự do. Các công trình không đối kháng nhau về quy mô, về độ cao, về kiểu cách và hòa đồng theo dòng chảy thời gian.
Hội An trong số ít ỏi đô thị Việt Nam còn duy trì được cân bằng. Tuy nhiên, sự cân bằng quý hóa này bắt đầu rạn nứt.
Sự gắn kết, giữa nhân tố thiên nhiên và nhân tố đô thị – thôn quê, giữa tự nhiên và nhân tạo, cần phải coi là di sản vừa vật thể và vừa phi vật thể của Hội An. Sự cân bằng sinh thái lịch sử kiệt xuất. Phần vật chất con người tạo ra xen kẽ, lồng ghép vào hệ thống sông nước, cù lao, cánh đồng, bãi biển, cửa biển. Tài nguyên không hẳn giàu: địa hình bằng phẳng,thảm thực vật đơn điệu, đất thiếu màu mỡ. Ngự trị là không gian Nước. Thiên nhiên chịu sự can thiệp của con người nhiều thế kỷ, song không thấy hằn lên những dấu vết, ít nhận ra sự tàn tạ. Có thể, chưa từng có những nguồn lực đủ sức làm cho nó suy xuyển. Cho đến nay, thiên nhiên bởi vậy mà mang tính nhân văn sâu xa. Nay những nguồn lực ấy đã hiển hiện rồi.
3. Những gợi ý cho thành phố Hội An phát triển tiếp nối.
Từ những giá trị kiệt xuất của tài nguyên di sản mà Hội An đang sở hữu, chúng tôi thử tìm kiếm mô hình tương thích, duy nhất cho nó: Đó là thành phố cân bằng và hướng tới mô hình đô thị hậu công nghiệp hóa.
Thành phố cân bằng, nên hiểu là đảm bảo mối quan hệ cộng sinh, không đối kháng, giữa di sản và phát triển nay – mai. Nên hiểu đó là sự phát triển thành phố có điều tiết.
Cụ thể: Tránh để xảy ra sự thay máu từ bên trong cộng đồng dân cư, bảo tồn vốn liếng kết hợp với đảm bảo kế sinh nhai. Bảo tồn đi liền với cải tạo và hiện đại hóa tương thích. Duy trì sự hài hòa về hình thái học giữa các cấu trúc đô thị: xưa – cũ – mới, sự chuyển tiếp mềm từ phần đô thị sang phần nông thôn, từ các khu vực xây dựng sang thiên nhiên. Không đưa vào khu xây dựng cũ những công trình có quy mô lớn vượt trội và có chiều cao vượt trội. Không mở những con đường lớn vào lõi trung tâm cũ, gây xộc xệch không gian đã định hình. Không du nhập vào thành phố những lĩnh vực sản xuất và công nghệ gây tổn thương cho phần xác và phần hồn của nó. Du lịch – nghỉ dưỡng – trung tâm văn hóa và lễ hội mang tính dân tộc và dịch vụ phải là những động lực, chọn lọc cho phát triển Hội An.
Cân bằng trong sự điều tiết, vĩ mô và vi mô. Phát triển nhanh và giàu lên nhanh, hễ không nhìn xuống tận gốc rễ, dễ quay mặt lại với chính mình.
Thành phố hậu công nghiệp hóa, mô hình phát triển cho Hội An có thể không phải là đô thị của giai đoạn công nghiệp hóa đang trôi qua. Đến chậm trong phát triển, Hội An nên hướng tới mô hình phía trước, – đô thị hậu công nghiệp hóa.
Đi theo con đường mòn của mô hình đô thị thời công nghiệp hóa, Hội An chắc hẳn khó tránh khỏi những mâu thuẫn và những thách thức, thậm chí những hậu quả, mà các thành phố hiện đại đang gánh chịu. Cái nguy cơ mất mát sinh tử lớn nhất là sự cân bằng, một sản phẩm lịch sử mà, đánh mất nó, Hội An chắc chắn đánh mất mình.
Mô hình hậu hiện đại cho Hội An: Nhân văn và Sinh thái
Nhân văn: Đảm bảo cho con người sống hài hòa với chính đời mình và gia đình mình, với quá khứ và hiện tại, trong cộng đồng thân quen và thân thiện, hưởng thụ những tiện nghi cùng chất lượng sống hiện đại, làm chủ cỗ máy đô thị mà mình tạo ra, không để văn minh máy móc lấn át bản thân kẻ tạo ra nó. Với lối sống bình sinh của dân Hội An, có lẽ một đô thị nhân văn như thế phù hợp hơn cả.
Hội An phải là nơi sống nhàn.
Sinh thái: Xác định tính chất, quy mô và động lực phát triển phù hợp hơn cả cho Hội An. Những cái chuẩn: phát triển bền vững, không gây ô nhiễm theo nghĩa rộng, không dẫn đến những mâu thuẫn thách thức và sự tan vỡ cơ thể hiện hữu.
Cụ thể: Phát triển không gian đô thị giãn, tránh dồn nén. Cân đối sự chiếm dụng đất đai, sử dụng nó tằn tiện, duy trì độ nước sạch và sức sản sinh cho dòng nước, ngay từ đầu nguồn. Phục sinh và đa dạng hóa thảm thực vật, mở rộng tối đa diện tích phủ xanh. Tìm kiếm những phương tiện vận chuyển ít gây ô nhiễm. Giảm thiểu cường độ xoay vần của nhịp sống, không chỉ bằng việc thiết lập các tuyến đi bộ.
Sinh thái hóa không hạn chế trong phạm vi một căn nhà và một công trình, không chỉ bởi trồng thảm cỏ và cây cảnh. Sinh thái hóa toàn phần và xuyên suốt thành phố Hội An.
Hội An đang phát triển tốt và mở cửa nhiều hy vọng. Song đã ngấp nghé những nguy cơ.
Một đô thị có tài nguyên di sản kiệt xuất và sự hiện hữu chẳng mấy giống ai. Nên bình tĩnh chọn cho mình một lối đi phù hợp với chính mình. Biết đâu, đó lại chẳng là sự lựa chọn mang tính tiên phong tính thời đại.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính