Nói đến tính chịu đựng, không than van, bình lặng, cố níu kéo thời gian đừng trôi, giữ lại hồn cốt con người…có lẽ chỉ có mái nhà cổ của Hội An làm được việc này.
Tôi chưa tìm ra được ngôi nhà cổ nào ở Hội An được xây dựng đầu tiên, nhưng có thể khẳng định, ngôi nhà cổ đầu tiên xây dựng đã có mái nhà cổ âm dương. Mấy trăm năm, mái nhà cổ âm dương không thay đổi cho dù đời người mấy lần lặn, nổi trong ngôi nhà cổ ấy. Cứ nhìn mái nhà cổ sẫm màu nâu khô trong mùa hạ, màu nâu sậm, ẩm trong mùa đông mà như nhìn rõ phận trôi nổi của một đời người vất vả. Lúc thư thái, thời tiết thuận, mưa rải đều không gay gắt, nhẹ phớt qua hàng ngói, chỉ non một tháng sau, kỳ lạ trên mái nhà cổ Hội An xuất hiện những hàng cây non nẩy lộc, đâm chồi. Những lá cây non mọc trên mái nhà cổ Hội An xanh trong, nép nhẹ vào nhau, đưa đẩy theo từng cơn gió, không khoe khoang, bình dị. Cung cách ấy giống như tính cách con người Hội An nơi đây, đi nhẹ nói khẽ. Cũng nhìn những hàng cây lá non mọc trên mái nhà cổ. tôi lại nghĩ, hình như bên trong mái nhà cổ vẫn có một nguồn nhựa sống đến bất tận, cố dâng hiến để nuôi cây, y như mảnh đất Hội An, dẫu khô rang của cát, dẫu gió quật, lụt dữ vẫn tích tụ ngầm những năng lượng văn hóa, nhân phẩm để con người sống ở đây phát tích.
Thời tiết của Hội An có hai mùa rõ rệt. Mùa hè nắng gay gắt, nắng như quạt lửa nướng từng viên gạch trên từng mái nhà. Ấy vậy, như một tấm lòng thơm thảo của nàng dâu hiền mới về nhà chồng, mái nhà cổ Hội An cố thu hết những cái bức bách của nóng, chịu thiệt thòi cho mình để bên trong nhà cổ, dưới mái cổ là không gian của mát cho con người cư ngụ. Đến mùa đông, ban đầu là những cơn mưa sầm sập, gay gắt, rồi đến những giọt nước quất thẳng vào mái nhà còn hơn những đòn roi dữ. Mái nhà cổ như tấm lưng của một người cha suốt đời tần tảo cố chịu đựng không một tiếng than van để che chở cho đàn con ở phía dưới. Chẳng thế, mưa có to đến đâu, nếu như ở trong ngôi nhà cổ Hội An, tiếng mưa như nhỏ đi, cái ầm ào của sấm chớp cũng không còn dữ dội mà chỉ thấy một sự vững chắc, tin tưởng, bình an.
Tôi thích mái nhà cổ Hội An đêm trăng, ánh trăng viên mãn thanh tao treo lơ lửng giữa bầu trời, rải đều sắc vàng nhẹ khắp mái nhà cổ. Những mái nhà cổ nằm dọc theo dãy phố lớp trước, lớp sau cùng những hàng gạch xếp đều, ngay ngắn, không chen lấn như muốn mái nhà nào, viên gạch nào cũng được tận hưởng sắc vàng nhẹ của ánh trăng viên mãn ấy. Mái nhà cổ lúc ấy sao trông hiền lành, gần gũi thân thương đến lạ. Mái nhà cổ Hội An chỉ cao hơn tầm với của con người một tý, cứ như nếu mái nhà cổ ấy thấp một chút nữa là có thể chạm vào người đi dưới đường, để như muốn nghe những lời tâm sự. Đã bao lần trong đêm khuya thanh vắng, chỉ còn những ánh đèn vàng vọt hắt trên mặt đường, mái nhà cổ đã chứng kiến chuyện nhỏ to của những người con gái, con trai mới yêu. Hay trưa hè, chắc mái nhà cổ đã nghe, đã thấy hình ảnh bác xích lô cùng chiếc xe nằm nghỉ dưới mái hiên trong giấc ngủ trưa cùng tiếng thở mệt nhọc. Rồi mùa lụt, nước lũ dâng cao, gần đến mái. Những con thuyền đi qua phố cổ, trong nhà có tiếng người nói vọng ra cầu cứu. Lấy cái gì để làm chỗ tựa bấu víu cứu người? Nếu không phải là mái nhà cổ. Mũi thuyền quay ngang, người lái đò chìa tay bám vào mái nhà cổ. Mái nhà cổ Hội An cũng như một “cánh tay” nhân đức, rắn chắc bám lấy tay người lái đò kéo con thuyền vào tận cửa để người trong nhà bước lên. Người cùng thuyền đi đến chỗ an toàn, còn mái nhà cổ kia trụ lại, giữ nhà, mấy viên ngói âm dương lợp sát hiên như ánh mắt buồn của người thương ngóng theo con thuyền chở người thân theo dòng nước đi xa…
Từ miền trung vào nam, nếu là ngôi nhà cổ, đại bộ phận đều lợp nói âm dương. Ai nghĩ ra cách lợp ngói kiểu này? Ở đâu tôi không biết, nhưng ở Hội An, mái ngói âm dương, tôi nghĩ, chắc phải do người phụ nữ nghĩ ra. Vì sao tôi nghĩ thế ? Cứ nhìn hai hàng gạch nắm úp vào nhau trên mái nhà, khăng khít đến tận cùng, không muốn rời. Khăng khít đến nỗi, những hàng gạch âm dương ấy nếu không may có một chỗ dột trong ngày mưa, dòng nước theo chỗ dột ấy xê xịch đi chỗ khác, rất khó tìm. Nhìn đâu đó trên mái nhà, tự nhiên có một chỗ rỉ nước, dòng nước nhẹ, bò chậm, vẽ ngoằn nghèo trên bức tường. Bên ngoài trời vẫn sấm chớp, mưa gió đùng đùng, nhìn giọt nước nhỏ đang chảy xuống như giọt nước mắt của người thương. Mái nhà cổ như con người hiểu mình, thương mình. Bên ngoài ngửa mặt cương cường mặc cho gió mưa quất táp, nhưng bên trong lại vô cùng yếu đuối, chỉ có khóc muốn san sẻ nhọc nhằn khi đứng bên cạnh người mình thương yêu. Nếu lấy biểu tượng chung thủy, theo tôi, hãy lấy biểu tượng mái ngói âm dương của mái nhà cổ Hội An. Trên mái nhà cổ, những hàng ngói âm, dương như nét mặt của hai người nam, nữ giáp nhau với những “nụ hôn” siết chặt, bất chấp thời gian, bất chấp năm tháng. Đến lúc vỡ không còn nguyên lành trở về với đất cát gần như chúng hòa vào làm một . Sống thủy chung, đến chết cũng chung thủy như thế chỉ có thể so sánh với tình nghĩa vợ chồng. Ở Hội An còn lưu truyền nhiều câu chuyện về tính thủy chung của những người vợ có chồng đi xa. Một câu chuyện có người kể với tôi, sở dĩ có Chùa Cầu ở Hội An là vì, ngày ấy lũ lên to quá, nước đổ cuồn cuộn, chồng đánh bắt cá ngoài xa, vợ ở nhà quá lo lắng, một mình, một ghe mà dám chèo ra sông mong tiếp sức cho chồng. Hai vợ chồng gặp nhau cũng là lúc con sóng lớn ập đến, hai người ôm chặt lấy nhau chết giữa sông… Chuyện ấy động đến trời đất, con sông tự động thu hai bên bờ nhỏ lại. Nhân dân dựng cầu có mái che để những đôi vợ chồng gặp nhau dễ dàng…Đã là truyền thuyết có thể đúng, có thể sai nhưng tính thủy chung của người phụ nữ Hội An, giống như hàng ngói âm dương trên mái nhà cổ kia, là một. Nên thế, những lò gạch ở Cẩm Hà hồi còn nhả khói, làm ngói âm dương, tôi vẫn thấy vai trò của người phụ nữ là chủ yếu. Những viên gạch lợp mái ngói nhà cổ đỏ hồng, sờ vào hơi ráp nhưng không cảm giác xa lạ, vẫn thấy hơi ấm của những người phụ nữ Hội An tần tảo.
Mái nhà cổ Hội An đến lúc thân, kể mãi không hết chuyện.
Trần Kỳ Trung