Phát triển nông nghiệp đô thị đã và đang là xu thế của nhiều thành phố trên thế giới cũng như trong khu vực và Việt Nam. Nông nghiệp đô thị có vai trò quan trọng, vì có không những đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, giải quyết việc làm, thu nhập cho dân cư đô thị và ven đô, mà có còn tạo lập cảnh quan, cải thiện vi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Việc tổ chức không gian nông nghiệp trong cấu trúc đô thị mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải được nghiên cứu quy hoạch đi trước một bước, để hướng đến phát triển đô thị xanh – thông minh và bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và BĐKH hiện nay.
1. Nông nghiệp đô thị và tầm quan trọng
1.1. Khái niệm về nông nghiệp đô thị và không gian nông nghiệp đô thị
– Nông nghiệp đô thị (NNĐT):
+ Khái niệm của Jac Smit: năm 1990, Jac Smit đưa ra khái niệm về NNĐT, được xem là một trong những khái niệm đầu tiên của lĩnh vực này trên thế giới. Ông cho rằng: NNĐT là một ngành sản xuất, chế biến và bán thực phẩm và nhiên liệu, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong một thị trấn, thành phố, hay đô thị, dựa trên đất và nước có trên khắp đô thị và ven đô thị, áp dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị để trồng đa vụ và lam đa dạng chăn nuôi. Theo đó, NNĐT được xem là một ngành sản xuất, phân biệt theo vị trí địa lý (vùng ven, trung tâm), chú trọng vào sản phẩm và phương pháp canh tác nông nghiệp.
+ Theo UNDP (1996): Nông nghiệp đô thị hoạt động sản xuất các loại thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác, dựa trên quỹ đất và nguồn nước ở khu vực đô thị và các vùng ngoại vi, ứng dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng (hoặc tái sử dụng) các nguyên liệu tự nhiên và chất thải đô thị.
+ Theo FAO-COAG (1999): Nông nghiệp đô thị và ngoại vi đô thị đó là các hoạt động nông nghiệp xảy ra bên trong và xung quanh các thành phố, sử dụng toàn bộ các nguồn lực tự nhiên (đất, nước, năng lượng, lao động, …) cũng như từ các dịch vụ cung ứng cho các mục đích khác để đáp ứng cho nhu cầu của dân cư đô thị. Các yếu tố quan trọng của nông nghiệp đô thị và ngoại vi đô thị bao gồm: làm vườn, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
– Không gian NNĐT:
Là không gian đô thị chưa đựng tất cả hoạt động có liên quan đến NNĐT, được gọi là không gian đa chức năng trong hoạt động NNĐT. Không gian đô thị bao gồm yếu tố NNĐT, có thể hiểu là không gian bao gồm các vật thể kiến trúc, cây xanh, mặt nước và hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, thích hợp trong môi trường đô thị có tác động trực tiếp đến cảnh quan đô thị. Như vậy có thể xem không gian NNĐT bao gồm cảnh quan đô thị truyền thống và cảnh quan đô thị sản xuất.
1.2. Tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp đô thị ngoài việc cung cấp lượng thực, thực phẩm còn có cả tác động làm giảm tiêu cực của quá trình đô thị hóa khu vực vùng ven đô nhờ tác động cải thiện vi khí hậu, bảo tồn và làm giàu tính đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên …
– Nông nghiệp đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị
– Nông nghiệp đô thị tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư ở đô thị.
– Nông nghiệp đô thị dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị.
– Nông nghiệp đô thị góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.
– Nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng.
MÔ HÌNH NNĐT THEO PHƯƠNG ĐỨNG
2. Tổ chức không gian nông nghiệp đô thị trên thế giới
Trên thế giới tổ chức không gian nông nghiệp đô thị đã và đang được nhiều quốc gia, nhiều đô thị quan tâm. Nhiều mô hình không gian nông nghiệp và các chủ đề liên quan đến NNĐT ngày càng xuất hiện nhiều trong các nghiên cứu, bàn luận chuyên ngành như nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị đã và đang trở thành chương trình nghị sự chính thức trong các diễn đàn quốc tế, hướng dẫn chính sách và chương trình hành động cho các đô thị trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, NNĐT đã xuất hiện chính thức trong các tài liệu về quy hoạch như: quy hoạch cảnh quan sản xuất liên tục (CPULs), và quy hoạch hạ tầng xanh sản xuất với các dịch vụ sinh thái khác nhau.
Nhiều chương trình hành động và dự án NNĐT ở đô thị các nước phát triển như Chicago, New York (Hòa Kỳ), Toronto (Canada) hay Hà Lan, Nhật Bản đã thành công trong công việc tích hợp, lồng ghép hoạt động nông nghiệp vào từng không gian ô phố, không gian công trình hay không gian cộng đồng bằng các mô hình vườn NNĐT dạng thủy canh, hữu cơ và kết hợp truyền thống, dạng tòa nhà NNĐT, trang trại NNĐT, nông trại NNĐT, công viên NNĐT. Nhiều trường hợp nghiên cứu ứng dụng thành công đã thúc đẩy các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đô thị tranh thủ sự đồng thuận của cộng đồng cư dân đô thị để luật hóa các hoạt động NNĐT trong những chính sách đô thị, luật quy hoạch, quy định của địa phương nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động này được quy hoạch, phát triển và quản lý tốt hơn.
2.1. Mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị
– Mô hình không gian NNĐT theo phương diện ngang trong đô thị
– Mô hình không gian vườn cộng đồng: Khu vườn cộng đồng được tổ chức trên các khu đất thuộc khu phố, cụm dân cư hoặc những không gian trống trong đô thị và được quản lý và duy trì bởi một nhóm các cá nhân trồng các loại rau, trái cây, và hoa với cho mục đích sử dụng tại chỗ hoặc để tặng, để hỗ trợ cộng đồng, làm từ thiện.
– Mô hình không gian NN tại một số khu vực công cộng: Phát triển NN ở một số không gian công cộng có quy mô diện tích lơn như khu cây xanh cách li, vùng đệm, vành đai xanh và cảnh quan đường phố.
– Mô hình không gian trang trại, nông trại: Chính quyền thành phố và các cơ quan nhà nước thường là những chủ đất lơn nhất trong khu vực đô thị, đó là những không gian công cộng trong đô thị. Các thành phố ngày càng tìm cách thích nghi sử dụng đất ở khu vực công cộng để giải quyết nhu cầu về quy mô và mục tiêu đa dạng của NNĐT Trong đó, sự phát triển ở một số không gian công cộng có quy mô diện tích lớn như khu cây xanh cách li, vùng đệm, vành đai xanh và cảnh quan đường phố theo xu hướng NNĐT đang trở thành một công cụ của các nhà quy hoạch đô thị.
Trong khi tiếp cận cảnh quan sản xuất ở không gian công cộng có thể bổ sung ngân sách cho chi phí bảo trì cảnh quan công cộng, các thành phố ở các nước phát triển bắt đầu xem xét vấn đề giao khoán không gian công cộng trong đô thị cho hoạt động NNĐT như một hình thức để đảm bảo một nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ an toàn, phong phú và lành mạnh. Ở nhiều thành phố các nước phát triển như New York, London, hoạt động NNĐT được tổ chức ở dải phân cách giao thông, hoặc các khu vực vỉa hè công cộng, sân trường, ở những khu vực trồng cây cảnh quan của các công trình dân dụng và công cộng khác. Đặc biệt là không gian vành đai xanh đô thị rất thuận lợi cho mô hình NNĐT dạng trang trại ở quy mô lớn mang lại hiệu quả cao về kinh tế và dử dụng không gian trong đô thị.
Tuy nhiên, một thực tế là trong khi nhiều đô thị đã đạt được những lợi ích mô trường và thẩm mỹ đáng kể thông qua các chương trình trồng cây xanh tập trung theo mô hình NNĐT dạng trang trại thì vẫn còn nhiều thành phố nghiêm cấm việc trồng cây ăn quả và cây có hạt ở không gian công cộng, vì vấn đề bảo dưỡng, chăm sóc, thu hoạch các loại trái cây còn bất cập và gây ra ô nhiễm trong đô thị. Đến thời điểm hiện nay, những thập niên đầu của thế kỷ 21, hoạt động NNĐT dạng trang trại nói chung và bản đồ cây ăn trái đô thị nói riêng đang tìm đường vào không gian công cộng đô thị như động lực để tạo cảnh quan mới, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, xây dựng lại các hệ sinh thái, nuôi dưỡng và cải thiện khả năng phục hồi trước những rủi ro về môi trường cho đô thị.
– Mô hình không gian NNĐT theo phương diện đứng trong đô thị
– Mô hình không gian cao tầng chuyên canh: Mô hình không gian NNĐT cao tầng chuyên canh là những tòa nhà được tổ chức như một trang trại trong đô thị, dành riêng cho hoạt động NNĐT như sản xuất lương thực, trồng rau xanh và cây ăn trái, hoặc có thể kết hợp nuôi các loài động vật để lất thịt, chế biến các sản phẩm phụ và hoạt động thương mại buôn bán tại chỗ cũng như xuất khẩu. Cây trồng có thể được trồng trực tiếp trong đất, trong chậu, trong nhà kính hoặc nhà bạt, trong giá đỡ trong nhà theo chiều đứng, hoặc trên không gian khác của tòa nhà. Cách tiếp cận này có thể tổ chức không gian bên trong và cả bên ngoài tòa nhà phục vụ cho hoạt động canh tác, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm địa phương cho các thành phố theo cách an toàn và bền vững, đồng thời giảm đáng kể tác động môi trường đô thị như hiệu ứng nhà kính, khí thải CO2 và khói bụi.
Mô hình canh tác theo chiều đứng còn có thể giúp “làm mới” thành phố thông qua việc phát triển các tòa nhà bỏ hoang trong các khu phố thành khu vực sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho các hoạt động thương mại, trong lĩnh vực trao đổi sản phẩm nông nghiệp sạch. NNĐT thẳng đứng ngày càng trở nên khả thi trong không gian đô thị, do sử dụng công nghệ xây dựng hiện đại kết hợp công nghệ nông nghiệp tiên tiến. Không gian trang trại theo mô hình công trình cao tầng được tổ chức không gian sản xuất theo kiểu xếp lớp, chồng lên nhau, khai thác hiệu quả hệ số sử dụng đất. Đồng thời, sản phẩm nông nghiệp được bảo vệ tránh khỏi các điều kiện thời tiết bất lợi, được quản lý sâu bệnh và được bố trí ánh sáng nhân tạo thích hợp, kết hợp với các hệ thống nước tái chế nên trang trại thẳng đứng có thể trồng cây 24 giờ mỗi ngày, trong suốt cả năm. Vì vậy năng suất sản xuất của mô hình này thường cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác nông nghiệp truyền thống. Đặc biệt hơn là mô hình cao tầng chuyên canh NNĐT tận dụng được tất cả các mặt của không gian trong tòa nhà phục vụ cho hoạt động NNĐT.
– Mô hình không gian cao tầng kết hợp hoạt động NNĐT với chức năng khác: Với ý tưởng trở về với thiên nhiên cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ xây dựng mới, các loại công trình cao tầng trong đô thị đã thực hiện giải pháp cấu trúc đặc biệt kết hợp giữa không gian văn phòng, không gian ở … với không gian NNĐT ngày càng mang lại hiệu quả tích cực cho cả hai lĩnh vực. Đó là những cách thức sáng tạo để tái sử dụng những vật liệu rẻ tiền, có sẵn, như vỏ chai, thùng xốp để tạo ra các khu vườn trên ban công, trên tường, trên mái, góp phần đa dạng hóa không gian NNĐT.
Một báo cáo về sáng kiến loại hình này ở các nước đang phát triển cho thấy việc sử phương tiện trồng trọt có công nghệ thích hợp, chi phí thấp, chiếm ít không gian, có khả năng tận dụng không gian “chết”, ít sử dụng trong đô thị. Các thành phần khác của tòa nhà cao tầng như hệ thống nước thải và chất thải hữu cơ cũng có thể sử dụng cho mục đích NNĐT. Bằng cách này, hoạt động NNĐT có tác động trở lại đối với không gian khác, như xanh hóa không gian, linh hoạt không gian và gia tăng các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường.
3. Tổ chức không gian nông nghiệp đô thị ở Việt Nam
3.1. Các mô hình nông nghiệp chính quy
– Mô hình nông nghiệp truyền thống
Mô hình nông nghiệp truyền thống diễn ra chủ yếu ở 2 dạng hoạt động trong đô thị:
– Hoạt động nông nghiệp phân tán: tại các không gian nông nghiệp vùng ngoại ô đô thị, do có quỹ đất và nhu cầu sinh kế các hộ gia đình tổ chức chăn nuôi và trồng trọt tại chỗ mang tính chất tự cung tự cấp kết hợp nhu cầu thương mại ở mức độ nhỏ lẻ. Phương thức hoạt động nông nghiệp truyền thống tại hộ gia đình tuy có giải quyết được một số yêu cầu cần thiết cho người dân đô thị nhưng cũng để lại hệ lụy lớn cho môi trường sống. Vấn đề ô nhiễm chất thải từ hoạt động nông nghiệp truyền thống ngày càng trầm trọng hơn.
– Không gian sản xuất nông nghiệp tập trung: quỹ đất nông nghiệp vùng ngoại ô, ngoại vi khá lớn trong cấu trúc không gian đô thị, được các tập thể cũng như các cá nhân tổ chức hoạt động nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi theo phương thức cũng tương tự như ở hộ gia đình nhưng ở quy mô lớn hơn. Do đó, các vùng sản xuất nông nghiệp trong đô thị hiện nay không đảm bảo vệ sinh môi trường và ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến các không gian canh tác các không gian chức năng khác trong đô thị.
– Mô hình nông nghiệp chất lượng cao
Nhiều địa phương trong nước đang đẩy mạnh đã xây dựng nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi dạng công nghệ cao để có giá trị kinh tế cao và từng bước hình thành và mở rộng các vùng chuyên môn hóa nông nghiệp trong không gian đô thị như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ; phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao; phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; phát triển cây ăn quả đặc sản ở các đô thị tỉnh lỵ ; phát triển sản xuất hoa – cây cảnh có giá trị kinh tế cao; phát triển kinh tế trang trại ở các đô thị có vai trò trung tâm khu vực như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, và Cần Thơ. Việc xây dựng nền nông nghiệp trong đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao được xem là một định hướng phù hợp và tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh nguồn lực hiện có của địa phương, thành phố nên xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng mô hình NNCNC nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của thành phố ngang tầm với tiềm năng và vị thế của nó.
Từ đầu những năm 2000 đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 34 khu NNCNC đã và đang được xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế và ngày càng phát triển mạnh. Một số mô hình tiêu biểu như khu NNCNC 7,5 hecta ở Từ Liêm (Hà Nội), ở Đồ Sơn, (Hải Phòng), khu NNCNC diện tích 88 hecta ở Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) và ở một số đô thị khác như An Thái (Bình Dương), Suối Dầu (Khánh Hòa) [55].
– Mô hình nông nghiệp sinh thái hữu cơ
Bên cạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở một số đô thị Việt Nam còn hình thành mô hình nông nghiệp sinh thái hữu cơ, dạng trang trại, nông trường và làng nghề. Với bề dày của việc canh tác nông nghiệp truyền thống, các mô hình nông nghiệp sinh thái hữu cơ bước đầu gắn với môi trường đô thị khá thuận lợi. Có điều kiện về không gian đô thị mà chủ yếu là vùng ngoại thành, ngoại ô cộng với kinh nghiệm trong chăn nuôi trồng trọt của người dân do đó tổ chức sản xuất theo hướng sinh thái hữu cơ trong môi trường đô thị mang lại hiệu quả cho người dân và đô thị. Tuy nhiên mặt hạn chế của mô hình này khi mở rộng quy mô lại dẫn đến ô nhiễm môi trường vì không xử lý thỏa đáng về chất thải. Bên cạnh đó mô hình nông nghiệp sinh thái hữu cơ thường ở vị trí xa trung tâm cũng như hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều hạn chế… đây chính là những khó khăn chính của mô hình nông nghiệp sinh thái hữu cơ đối với các đô thị ở Việt Nam hiện nay.
3.2. Các mô hình nông nghiệp phi chính quy trong đô thị
– Mô hình trồng cây tự phát
Trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, trào lưu trồng rau sạch tại gia đang dần trở nên phổ biến ở các đô thị lớn, nhất là trong nội thành Hà Nội. Trong khi đó, việc để người dân trồng rau, giàn dây leo, cây cối trên tầng cao, nhà mặt phố. Không chỉ “làm nông nghiệp” trong gia đình, nhiều người dân còn tận dụng các khoảnh đất trống trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa, bờ sông làm chỗ canh tác.
3.3. Tổ chức không gian nông nghiệp đô thị ở Thành phố Hà Nội
Mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị tại Thành phố Hà Nội cũng bao gồm các mô hình chính quy và phi chính quy. Tuy nhiên, với điều kiện quỹ đất hẹp, lao động dư thừa, nguồn lực tự nhiên phong phú, thì khâu đột phá quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững chính là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tận dụng quỹ đất hợp lý.
Ngàu 24/12/2015, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020” và Kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, định hướng, phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng hiện đại và nông nghiệp đô thị sinh thái, góp phần tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, hài hòa và bền vững môi trường, từng bước thích nghi với biển đổi khí hậu; đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Kết luận
Nông nghiệp đô thị không những đảm bảo yêu cầu về giải quyết lao động, thu nhập cho lực lượng lớn dân cư đô thị và ven đô để sản xuất nông sản đáp ứng cả về số lượng với chất lượng ngày nâng cao theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, mà nó còn có vai trò quan trọng hơn đó là tạo lập cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đã và đang là xu thế của nhiều thành phố trên thế giới cũng như trong khu vực trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai.
Thông qua bức tranh của NNĐT trên thế giới hiện nay cho thấy NNĐT ngày càng khẳng định vai trò vị trí của mình trong không gian đô thị. Không gian nông nghiệp đô thị có thể làm mới không gian đô thị đã chứng minh các xu hướng phát triển của NNĐT diễn ra tất yếu trong phạm vi toàn cầu, trong đó có các đô thị ở Việt Nam. Vấn đề tổ chức không gian đô thị ở các thành phố đỏi hỏi phải được nghiên cứu đi trước một bước, mang tính cấp thiết hiện nay. Hiện trạng về nông nghiệp đô thị ở các thành phố ở Việt Nam từ góc độ quy hoạch phát triển đô thị, cho thấy sự cần thiết phải tổ chức NNĐT để hướng đến quy hoạch phát triển đô thị xanh – thông minh và bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và BĐKH hiện nay.
Vì vậy cần có những nghiên cứu từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh – thông minh cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
– Báo cáo Dự án: “ Tạo thu nhập tốt hơn cho những người nông dân và Thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng thông qua Mô hình hợp tác sản xuất Nông nghiệp” Quỹ GSRD, Quỹ Châu Á tào trợ – Đỗ Hậu và nhóm chuyên gia năm 2020.
– Luật án tiến sĩ: “Tổ chức không gian nông nghiệp đô thị hướng đến quy hoạch xây dựng đô thị phát triển bền vững mang bản sắc địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long”
Trương Quốc Sử năm 2019.
GS.TS. Đỗ Hậu
Số 42/2021 – tạp chí Quy hoạch đô thị