Những tòa nhà chọc trời với các hình khối tuyệt đẹp, với đèn hoa rực rỡ dù có hấp dẫn đến đâu cũng không thể thay thế được những cảnh đồng quê bát ngát đầy hương vị sự sống: với những cánh cò, cánh vạc gợi lên bao cổ tích, những điệu hò, những vầng trăng tròn khuyết theo bao kỷ niệm… tất cả những cái đan dệt nên tâm hồn phong phú nên thơ có lẽ ngày càng đáng quý hơn cả đối với mỗi cuộc đời.
Đô thị thực chất là nơi tập trung những hoạt động chủ yếu của cộng đồng xã hội; là nơi hội tụ hầu hết tinh hoa vật chất cũng như tinh thần của từng vùng (thị xã, thị trấn), từng khu vực (thành phố), từng quốc gia (thủ đô)… Tầm cỡ tập trung càng cao ở những đô thị có quy mô lớn. Nhất là khi đạt tới hàng chục triệu người thì thực chất các đô thị chính là những “quốc gia” thu nhỏ lại với đủ các đặc tính, phong tục, tập quán, các nét riêng nghề nghiệp, các cá tính tâm lý, các khuynh hướng tư tưởng, các sắc thái và phong cách văn hóa…
Đời sống giao lưu buôn bán làm cho quan hệ người – người ngày càng rộng ra. Hoạt động giao tiếp làm cho đầu óc của con người nhạy bén, năng động, tư duy của họ ngày càng linh hoạt và uyển chuyển. Các sự kiện của nhịp sống dồn dập, thông tin dày đặc làm cho tri thức lớn lên từng ngày, tạo nên ở người dân đô thị bề dày kinh nghiệm sống, do đó tốc độ phát triển trí tuệ rất lớn. Sống trong môi trường đa quan hệ, đa phương tri thức, đa ngành nghề và luôn trong trạng thái “đơn nén”, đều kích thích và huy động cao độ tư duy năng động. Mỗi cá nhân từng ngày phải động não, suy nghĩ, tính toán, tự điều chỉnh bản thân và điều chỉnh chính mình giữa vô vàn các quan hệ, nhằm tạo nên sự cân bằng, điều độ, mực thước, hài hòa trong cuộc sống. Sinh hoạt, hoạt động náo nhiệt giữa muôn vàn phương án có thể lựa chọn của cuộc sống đô thị từng ngày từng giờ tạo nên nếp sống luôn luôn tìm tòi, phát hiện và sáng tạo. Nhất là trong môi trường xã hội công nghiệp và điều kiện của cơ chế thị trường sôi động, kinh doanh phát triển kích thích cuộc sống thi đua, cạnh tranh đã đặt con người vào các tình thế nỗ lực cao trí tuệ, tài năng và trình độ nghề nghiệp, làm cho mọi năng lực tiềm tàng trong mỗi cá nhân – còn đang “thiu ngủ” ở các môi trường bình lặng – bừng dậy, mở ra các hướng, đặt người ta vào tư thế tích cực, sẵn sàng sáng tạo.
Trong thời đại ngày nay, các thành tựu khoa học, công nghệ, thông tin hiện đại trước hết được vận dụng ở các đô thị. Khoa học hóa thân vào kỹ thuật, hình thành các quy trình công nghệ tăng thêm các khả năng của con người: kéo dài đôi tay, chắp thêm tầm nhìn, tầm nắm bắt thế giới và hiện thực hóa những tư tưởng, năng lực cá nhân với tư cách là những nhân cách tiến bộ. Những điều kiện và hình thức đó hình thành ở con người đô thị những đặc tính tư duy, tác phong khoa học chính xác, ngăn nắp, nguyên tắc… nói chung là những đặc tính nhân cách con người hiện đại.
Đô thị với tư cách là trung tâm chính trị là môi trường hình thành mỗi cá nhân với tư cách là một công dân. Đời sống chính trị được kết tụ đậm đặc ở đây hàng ngày tác động đến thế giới tinh thần, làm phát triển nhanh chóng ý thức chính trị, nâng cao trình độ chính trị và phát triển tư duy chính trị. Cùng với tri thức khoa học, trình độ ý thức chính trị cao là cơ sở cho sự phát triển thế giới quan, nhân sinh quan và xã hội quan cho từng người dân. Từ đó, người dân đô thị vượt xa dân cư sống ngoài đô thị về tính tổ chức, tính kỷ luật và ý thức pháp chế xã hội nói chung.
Đô thị với tư cách trung tâm văn hóa – khoa học là môi trường trực tiếp cho sự phát triển trí tuệ – văn hóa của cá nhân. Hệ thống trường học, hệ thống thông tin đại chúng, các nhà văn hóa, câu lạc bộ, các trung tâm thể dục thể thao… không ở đâu phong phú bằng ở đô thị, là công cụ sinh động nhất trí thức hóa, văn hóa hóa nhanh chóng nhiều lớp người đô thị. Hoạt động văn hóa với sự hỗ trợ hiệu quả của khoa học – công nghệ hiện đại, đặc biệt là tin học không chỉ làm phát triển mặt thể chất, các hoạt động kinh tế xã hội, mà điều quan trọng hơn là phát triển thế giới tinh thần của con người.
Mặt khác hết sức quan trọng và độc đáo khi nói tới sự phát triển nhân cách ở môi trường sống đô thị là không gian đô thị. Cấu trúc đô thị với những cao ốc, đèn hoa, với những mảng khối, hình dáng, đường nét, phong cách kiến trúc phong phú, đặc sắc… làm cho kích cỡ, tầm nhìn trở nên đa dạng, uyển chuyển, làm cho óc thẩm mỹ không ngừng trở nên tinh tế, nhạy bén. Cái lớn lao đồ sộ, nét kỳ vĩ huy hoàng của cảnh quan mang các cảm quan thẩm mỹ, đạo đức lên tầm nhân tính cao.
Thời gian đô thị được đặc trưng ở nhịp điệu sống rất nhanh, sự cô đặc thời gian trong mọi hơi thở, mọi hoạt động của đô thị. Nhịp điệu thời gian đó nâng cao nhịp sống con người: nó không chỉ tạo điều kiện để mọi thành viên rút ngắn được thời gian, được sống nhiều hơn về quá khứ của mình mà còn có hướng vươn tới tương lai. Phần nào dự đoán được tương lai; trên cơ sở đó người ta có thể dự phòng, hạn chế những bất lợi cho sự tiến thủ của mình.
Giao thông hiện đại với các phương thức cao tốc và thuận tiện là điều kiện cho người đô thị rút ngắn khoảng cách không gian. Cùng với việc nắm bắt thông tin khắp nơi trên thế giới bằng màn hình trong nháy mắt, người ta được giao lưu thực tế giữa nơi này với nơi khác, thành phố này với thành phố kia, quốc gia này với quốc gia nọ; qua đó giao lưu giữa các môi trường kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội – khoa học khắp nơi trên thế giới. Đó là điều kiện lý tưởng cho việc mở rộng tầm hiểu biết và tầm hoạt động kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội – khoa học của con người…
Có thể còn nêu ra rất nhiều điều kiện nơi môi trường đô thị có ưu thế hơn các môi trường ngoài đô thị như là các tác nhân phát triển các mặt, các yếu tố tích cực trong con người với tư cách là nhân cách phát triển. Đô thị với tư cách hạt nhân xã hội tập trung tất cả các loại kinh nghiệm và tri thức của quốc gia, của dân tộc, nhất là trong điều kiện thông tin hiện đại; nó lại càng là nơi tập trung kinh nghiệm tri thức loài người, những điều kiện “nhân đôi” con người lên nhanh chóng. Về nhiều mặt, bằng một nền văn hóa cao, môi trường và điều kiện sống đô thị rõ ràng là nơi phát triển tối ưu con người xã hội, đặc biệt là con người thao tác, con người hoạt động, con người hiệu quả.
Bên cạnh mặt tích cực của môi trường sống đô thị đối với sự phát triển nhân cách con người: thì mặt trái hay có thể nói mặt tiêu cực của nó cũng là điểm đáng quan tâm, lo ngại.
Hơn bất kỳ sự vật nào, đời sống con người biểu hiện tính hai mặt một cách rõ nét nhất. Điểm đặc biệt đối với đời sống con người là ở chỗ sự phát triển về lượng chỉ là một mặt: cái quan trọng hơn và khó khăn hơn song có ý nghĩa hơn đó là sự phát triển về chất. Mặt lượng của đời sống thường gắn với mức sống và điều kiện sống. Mặt chất bao giờ cũng gắn bó với những giá trị tinh thần, với chất nhân văn và chuẩn mực tiến bộ của loài người.
Nếu như sự giao lưu, thương mại – đặc trưng đầu tiên của môi trường đô thị phát huy cao độ tính năng động, nhạy bén, chất trí tuệ và độ khéo léo như là các tính cách và khả năng hoạt động của con người thì đồng thời cũng chính các tính cách đó, độ khéo léo và nhanh nhạy đó trong hoàn cảnh và mức độ nào đó, lại là cái tạo ra mặt trái phản lại tính nhân văn trong mỗi cá nhân. Sự phát triển trí tuệ của những con người luôn luôn phải chạy đua giành giật lợi thế cuộc sống: sự khôn ngoan trong cạnh tranh kinh tế (mà thực tế cho thấy ít khi có thể được gọi là lành mạnh)… càng cao ở người này bao nhiêu, thì lại càng tai hại, tổn thất ở người khác bấy nhiêu. Trong môi trường của sự chen đua thể hiện bản lĩnh, tài năng của những người tài hoa, bên cạnh mặt tích cực là đem lại lợi ích và những điều tốt đẹp cho người khác, cũng còn khía cạnh tàn bạo của nó. Những con người thuần khiết, trong sáng nhưng vì mong muốn thành đạt riêng tư mà dần dần trở nên lọc lõi, mánh khóe. Con người nếu như đang ở môi trường khác giản dị, hiền lành thì trong môi trường sôi động nhiều chiều dần dần trở thành những con người phức tạp. Nếu như ở các làng quê chẳng hạn, người với người sống tối lửa tắt đèn đùm bọc nương tựa bên nhau thì ở đây do đặt lợi nhuận và những lợi ích cá nhân lên trên hết mà tình nghĩa dễ bị đưa xuống hàng thứ yếu: thậm chí người ta sẵn sàng dùng đến các thủ đoạn, tìm cách triệt hạ lẫn nhau.
Nên ở chốn thôn giả, quan hệ xóm làng chằng chịt đời này sang đời khác, gắn bó với nhau như trong một nhà, thì ở đô thị quan hệ phần nhiều như người dưng nước lã, người ta không hề biết đến nhau có khi cùng chung một bức tường, một lối đi. Bản thân con người là có tình nhân ái thì do sự di chuyển thường xuyên chỗ ở, do công việc mỗi người mỗi nơi mà ở nơi đây người ta trở nên ghê lạnh. Cái bản chất nhân tính thường bị vo tròn vào thế giới cái tôi bên trong, lâu ngày nó trở nên hạn hẹp.
Bên cạnh các cảnh tượng phố xá nguy nga, âm thanh náo nhiệt nơi công cộng là những căn hộ khép kín chật hẹp giống hệt nhau của từng gia đình riêng lẻ. Điều kiện chật chội về địa lý, thiếu thốn về kinh tế càng dễ làm cho người ta trở nên lầm lũi, cáu bẩn, tấm lòng từ đó dường như hẹp lại: các quan hệ “làm ăn” càng mở ra thì dường như các quan hệ tình cảm càng khép lại, tính máu mủ, bạn bè, đồng hương dường như loãng dần ra.
Chuẩn mực giá trị xã hội ở đa số người “làm ăn” ở đô thị từ đó cũng có nhiều khác biệt với tiêu chuẩn tiến bộ nhìn từ góc nhìn nhân văn. Cách đánh giá nếu không công khai cũng ngấm ngầm ở số đông cho rằng, người có giá trị cao, được trọng vọng là người giàu sang với nhà cao, cửa rộng. Giàu có, tiền tài là thước đo giá trị xã hội đối với các cá nhân. Các giá trị tinh thần, các chuẩn mực đạo đức cũng từ đó mà sai biệt, lạc hướng trong quan niệm nhiều người. Quyền lợi, nghĩa vụ không có mấy ý nghĩa xã hội mà phần lớn mang ý nghĩa cá nhân. Tự do, độc lập thường chỉ còn mang tính hạn hẹp – những gì đáp ứng được yêu cầu làm giàu, vinh thân, mưu cầu lợi ích riêng tư và sinh hoạt của các cá nhân. Tình yêu, hôn nhân được tính toán “môn đăng, hộ đối” trên phương diện vật chất và các điều kiện sống khác. Cái tốt, cái đẹp được xác định ở sự ban ơn. Anh là người xấu bởi vì anh “cản trở” tôi, “vi phạm” làm hại đến lợi ích, sở thích cá nhân tôi. Một số phạm trù đạo đức hình như bị gạt ra ngoài hệ thống của nó hoặc không còn ý nghĩa của đạo đức: Nếu đạo đức hiểu đúng nghĩa của nó là những gì mang lại ý nghĩa nhân văn, tức nó thỏa mãn sự phát triển và tiến bộ của con người, thì ở đây nơi mặt trái của môi trường đô thị, chúng được hiểu là những gì đáp ứng cho các ý đồ, mục đích của cá nhân tôi.
Nếu các điều kiện công nghiệp hiện đại đáp ứng cao độ đời sống vật chất, làm tăng sức mạnh và các khả năng tiềm ẩn trong con người thì cũng chính cái công nghiệp đó đã nhốt con người vào trong các bức tường chật chội, cùm chân họ vào các cỗ máy nặng nề, ồn ào, hít thở các khí bụi và ô nhiễm. Nếu tránh được khỏi tình trạng đó thì đô thị cũng chính là môi trường của những con người công sở với những nhịp điệu công việc đều đều, lặng lẽ hết ngày này qua ngày khác, làm nghèo đi cái đa hình, đa dạng của cuộc sống vốn phong phú bên ngoài.
Những tòa nhà chọc trời với các hình khối tuyệt đẹp, với đèn hoa rực rỡ dù có hấp dẫn đến đâu cũng không thể thay thế được những cảnh đồng quê bát ngát đầy hương vị sự sống: với những cánh cò, cánh vạc gợi lên bao cổ tích, những điệu hò, những vầng trăng tròn khuyết theo bao kỷ niệm… tất cả những cái đan dệt nên tâm hồn phong phú nên thơ có lẽ ngày càng đáng quý hơn cả đối với mỗi cuộc đời.
Đó là chưa nói đến mặt trái của môi trường văn hóa. Bên cạnh cảnh làm ăn lành mạnh tạo ra bộ mặt mới của cả nước, thúc đẩy sự tiến bộ một quốc gia, nơi đây cũng gây nên bao stress cho đời sống. Môi trường hoạt động phức tạp tổng hợp nhiều tầng, nhiều lớp của biết bao nghề nghiệp, bao loại người với đủ thứ nhu cầu, ham muốn giữa thế giới thông tin, sự kiện dày đặc làm tinh thần con người luôn căng thẳng. Sự giao lưu văn hóa quốc tế đối với những đô thị văn minh chưa cao tất yếu làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, y tế, lối sống. Nhịp độ hội tụ văn hóa nơi đây càng cao, bụi bặm phản ánh văn hóa bám vào người dân càng nhiều. Sinh hoạt, lối sống ở đây cũng phong phú, do đó càng tinh tế bao nhiêu, những tệ nạn càng độc hại bấy nhiêu, thậm chí băng hoại cả những giá trị cao đẹp trong mỗi con người.
Khoa học, công nghệ, tin học, sự giàu sang… tất cả chỉ là phương tiện của cuộc sống. Cuộc sống đô hội dù đầy đủ đến đâu vẫn không đền bù được cái thiếu thốn của trạng thái thư thái nơi tâm hồn, cái mà có lẽ mục đích con người bao giờ cũng hằng mơ ước, hằng vươn tới. Sự thư thái tinh thần, con người được thỏa mãn mình ra vũ trụ, ra thiên nhiên, hòa con người vào Đất – Trời trong trạng thái thanh bình, có lẽ nhu cầu cao cả và cũng là mục đích cuối cùng của mỗi con người và cả loài người đó, đã bị không khí, nhịp sống đô thị cuốn lấp đi nhiều.
Cũng như mặt phải, còn có thể kể ra nhiều khía cạnh khác của mặt trái môi trường đô thị tác động đến từng cá nhân ở đó.
Để khắc phục sự phiến diện của môi trường sống đô thị như đã nêu trên trong sự phát triển nhân cách toàn diện, cần kết hợp nhiều loại môi trường. Ở đây, chủ yếu có thể là hai loại môi trường chính: đô thị và thôn quê.
Đô thị hóa thôn quê đang là xu thế lớn không chỉ ở Việt Nam mà là khắp nơi trên thế giới, đang trong dòng chảy chất công nhiệp, chất trí tuệ, chất chính xác từ thành thị về các miền quê. Nhưng mặt khác, nói có vẻ ngộ nghĩnh, nhưng ở khía cạnh như trên, có lẽ cũng cần tạo ra dòng đối lưu “thôn quê hóa” thành thị, tức là đưa các yếu tố ưu trội của môi trường thôn quê mang đầy chất thơ mộng tự nhiên vào cuộc sống đô thị.
Tạo ra không gian khoáng đãng với hệ thống quảng trường rộng lớn, công viên cây xanh, cầu cống có kiến trúc đẹp với những dòng sông chảy qua thành phố tạo điều kiện làm việc thư thái, với nơi làm việc thoải mái công việc ít có tính lặp đi lặp lại, đời sống vật chất được nâng cao để từ đó giải tỏa tâm lý thiếu thốn, chật chội… Chỉ từ đó mới có thể làm cho người ta giảm dần độ nghiêng về lợi ích vật chất, mở rộng giá trị tinh thần, khắc phục dần được sự méo mó, lệch chuẩn giá trị xã hội và các quan niệm đạo đức khá phổ biến trong lối sống đô thị hiện nay.
Nguyễn Cửu Loan
(Đô thị & Phát triển số 80-81/2020)