Thành phố Đà Nẵng hiện nay vẫn tồn tại nhiều Làng xã ven đô. Trong giai đoạn hiện nay, bộ mặt các vùng ven này của thành phố đã có nhiều biến đổi, từ đường đi lối lại trong Làng đến từng ngôi nhà trong mỗi hộ gia đình. Thêm vào đó là sự phát triển của các ngành dịch vụ cũng như sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của cả thành phố và khu vực đã kéo con người ở những Làng xã này hướng ra xa hơn với những gì đang có trước đây. Sự chuyển đổi đó là tất yếu nhưng phần nào cũng đã ảnh hưởng đến không gian kiến trúc của làng xã truyền thống.
Miền Trung là một khu vực giàu truyền thống văn hoá – lịch sử và có những điều kiện địa lý tự nhiên đặc biệt. Thành phố Đà Nẵng tuy là thành phố trẻ trên mảnh đất này nhưng này lại được ưu đãi cho những thuận lợi tốt nhất về điều kiện tự nhiên khi nó có được sự kết hợp hài hòa của cả 3 yếu tố địa hình: Núi – Biển – Đồng bằng và còn chứa đựng trong đó một bề dày lịch sử thấm đẫm của mảnh đất miền Trung này bởi những “cái nôi” văn hóa từ những làng xã xung quanh nó… Con sông Hàn bao đời chảy giữa hai bờ Đông – Tây của thành phố êm đềm nối liền và đi qua những ngôi Làng cổ thấm đẫm bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa đất Quảng như: Túy Loan, Phong Lệ, Hòa Mỹ, Phước Mỹ,… mà các thế hệ Ông – Cha đi trước đã để lại cho những vùng đất này ngày hôm nay những di sản vô cùng quý báu. Trong đó có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được chắt lọc qua bao đời nay được thể hiện qua các tri thức bản địa về phương thức sản suất, văn hóa dân gian, tín ngưỡng, nếp sống cũng như cách thức tổ chức các không gian văn hóa, sinh hoạt Lễ hội, hình thức Kiến trúc… Trong đó, các loại hình kiến trúc nhà ở dân gian ở các Làng cổ ven thành phố này là một loại hình trong số các hình thức kiến trúc dân gian rất phong phú, đặc sắc về văn hóa và có tính bản địa cao.
Thành phố Đà Nẵng hiện nay vẫn tồn tại nhiều Làng xã ven đô. Trong giai đoạn hiện nay, bộ mặt các vùng ven này của thành phố đã có nhiều biến đổi, từ đường đi lối lại trong Làng đến từng ngôi nhà trong mỗi hộ gia đình. Thêm vào đó là sự phát triển của các ngành dịch vụ cũng như sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của cả thành phố và khu vực đã kéo con người ở những làng xã này đang hướng ra xa hơn với những gì đang có trước đây. Sự chuyển đổi đó là tất yếu nhưng phần nào cũng đã ảnh hưởng đến không gian kiến trúc của làng xã truyền thống. Các bất cập trong hình thức kiến trúc, công năng sử dụng, cách sử dụng vật liệu, bảo tồn lưu giữ những công trình cổ… trước những tác động của sự thay đổi cơ cấu kinh tế và các nhu cầu tự thân khác đã dần lộ rõ. Và nếu không được định hướng, những mặt tiêu cực của các tiến trình phát triển này đang ngày càng “xâm lấn” và làm xấu đi bộ mặt vốn có của Làng xã. Điều này chứng tỏ rằng, cần phải có một mô hình, một giải pháp để có thể bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống đang dần mất đi tại các Làng xã này, và cũng để làm sao chúng có thể kết hợp những ưu việt của bản sắc làng xã địa phương cổ truyền mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, các kiến trúc cổ có tuổi đời trên hàng trăm năm vẫn tồn tại khá nhiều ở các địa bàn vùng ven này. Nó có thể là các loại hình như Đình làng, Miếu thờ, Nhà ở,… Trong đó, đặc biệt là loại hình Nhà ở vẫn tồn tại khá nhiều với hình thức kiến trúc, vật liệu sử dụng,.. gần như nguyên vẹn. Và đây cũng là loại hình cho ta thấy rõ nhất tác động của sự biến đổi và dịch chuyển kinh tế – xã hội cũng như từ những nhu cầu tự thân khác trong quá trình phát triển. Có thể kể đến một vài công trình sau:
I/ Thôn Phong Lệ Nam – Huyện Hòa Vang – Đà Nẵng
1.1 – Nhà Bà Ngô Thị Nhạn:
Chủ nhà: Bà Ngô Thị Nhạn – 62 tuổi
Niên đại ngôi nhà: trên 100 năm; nhà được Bà Ngô Thị Nhạn và con thừa kế từ người cha. Nhà đã sửa lại phần ngói so với trước đây và thay lại hàng kèo hiên. Nhà do Thợ Kim Bồng – Hội An thực hiện.
Mặt chính…
…và không gian bên trong Nhà
1.2 – Nhà Ông Lê Đức Phúc:
Chủ nhà: Ông Lê Đức Phúc – 44 tuổi
Niên đại ngôi nhà: khoảng 120 năm; nhà được ông Lê Đức Phúc kế thừa từ đời Cố. Kiến trúc nhà gồm một nhà chính dùng để thờ – xoay hướng Nam và một Nhà ngang vuông góc với Nhà chính và được nối với Nhà chính bằng một Nhà – Cầu. Nay Nhà – Cầu đã bị phá bỏ, Nhà ngang cũng được xây mới.
Nhà chính có kiến trúc 3 Gian 2 Chái, 3 Gian chính dùng để thờ Ông – Bà, 2 Chái dùng để ở – sinh hoạt. Mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng vôi vữa, kiến trúc gỗ với vật liệu chủ yếu là gỗ mít, mặt chính có 2 trụ đá…
Mặt chính và không gian bên trong của Nhà chính
II/ Làng Túy Loan – Huyện Hòa Vang – Đà Nẵng
2.1 – Nhà Ông Đặng Công Nga
Chủ nhà: Ông Đặng Công Nga – 65 tuổi. Kế thừa từ 5 đời trước.
Niên đại ngôi nhà: khoảng 300 năm. Trước đây nhà cũng đã được mua về từ một ngôi cũ.
Một số các chi tiết kiến trúc và vật dụng trong nhà chính
2.2 – Nhà Ông Cửu Phong
Chủ nhà hiện nay: Ông Đặng Công – 70 tuổi.
Niên đại ngôi nhà: khoảng hơn 200 năm. Nhà xoay hướng Nam. Gồm 1 Nhà chính và một Nhà phụ xây xây nối (Bên hữu của Nhà chính). Nhà chính có kiến trúc 5 Gian – 2 Chái, 3 gian giữa để thờ, 2 gian còn lại để ở, sinh hoạt. Các Chái 2 bên đã bị phá bỏ. Nhà phụ được xây mới lại từ năm 1958 trên cơ sở sửa lại từ nhà cũ (Trước đây cũng có kiến trúc 5 gian). Trong gian chính của Nhà chính còn lưu giữ một số vật dụng quý như Gươm (Dùng như một vật Thờ – chức sắc. Hiện đã thỉnh ra Phái chính), Lồng đèn,…
Mặt chính và không gian bên trong của gian chính
2.3 – Nhà Ông Đặng Tao
Chủ nhà: Ông Đặng Tao
Niên đại ngôi nhà: khoảng gần 100 năm. Nhà xoay hướng Đông – Bắc. Gian chính dùng để thờ (Cha – Mẹ) với kiến trúc còn được giữ nguyên. Kiến trúc là kiến trúc 3 Gian 2 Chái, rộng khoảng 10m, cột hàng Hiên kiểu thuộc địa. Nhà mới được làm lại khoảng 2 năm từ việc phá bỏ kiến trúc cũ trước đây (Kiến trúc cũ xây nối với nhà chính).
Mặt chính và không gian bên trong của gian cũ
Có thể thấy, trước đây, phổ biến nhất trong kiến trúc nhà truyền thống ở các Làng xã này là dạng nhà 3 gian 2 chái với vật liệu tường là gạch hoặc bùn đất trộn rơm trên cốt nan tre. Hình thức mái dốc 4 phía, lợp rơm hoặc hình thức hai mái với lớp mái trên bằng mái rơm hoặc ngói âm dương rồi đến một lớp mái đất (lá mái). (Những ngôi nhà dạng lá mái này là một sáng tạo của người dân miền Trung bởi đây là vùng nắng nóng, mùa mưa kéo dài. Khoảng không khí giữa hai lớp mái và phần mái đất có khả năng chống nóng, chống dột, chống cháy rất hiệu quả).
Đặc điểm khá rõ nét của ngôi nhà ở các Làng xã này là phần mái trước thường được kéo dài với hàng cột đỡ tạo thành phần hiên trước nhà. Phần hiên này kéo dài suốt 5 gian hoặc 3 gian chính để che mưa che nắng. Hàng cột hiên thường làm bằng gỗ, sau đó được thay thế bằng cột gạch. Nối giữa các đầu cột bằng dầm gỗ hoặc tường gạch xây cuốn vòm (hình thức này xuất hiện khá phổ biến tại các ngôi nhà được xây dựng mới hoặc cải tạo trong giai đoạn thuộc Pháp).
Sau đó khoảng những năm 1950 phần mái che hiên được cải tạo biến đổi thành mái bằng, vật liệu bê tông cốt thép, xây tường chắn mái. Hình thức cột hiên dạng hai cột tròn trên phần đế vuông xuất hiện khá phổ biến trong giai đoạn này(1950 – 1960).
Từ năm 70 trở lại đây kiến trúc mặt đứng của các ngôi nhà ở những làng xã này có sự thay đổi khá lớn. Hình thức nhà 4 mái gần như không được người dân sử dụng vì bộ khung chính bằng kết cấu gỗ được thay thế bằng tường xây và đi cùng với nó là dạng nhà 2 mái. Phổ biến nhất là dạng nhà 3 gian với một gian ngoài kéo dài, phần hiên được thu ngắn trong khoảng hai gian còn lại…
Tuy nhiên hiện nay, có thể thấy, các mô hình nhà ở cổ truyền này đã dần có sự thay đổi: Ngoài hình thức kiến trúc và vật liệu sử dụng thường được lấy theo các mẫu nhà đã được xây ở các đô thị, thì với cách sinh hoạt cũng như cơ cấu trong gia đình thay đổi, nhu cầu về diện tích ngày càng cao nênkhông gian sinh hoạt theo đó của nhà cũng có xu hướng chia nhỏ và khép kín như nhà ở tại các đô thị và có xu hướng phát triển theo chiều cao. Sự thay đổi này bởi nhiều lý do: Không có tiền sửa chữa; Chưa có các biện pháp tuyên truyền của các cơ quan chức năng; Nhiều chủ nhà cổ quyết định bán ngôi nhà của mình để lấy tiền đầu tư xây dựng nhà bê tông để ở… Vì vậy, có thể thấy, các không gian nhà ở cổ truyền đó, dù với bộ khung gỗ, mái đất lợp rơm, lợp ngói vẫn còn nhưng một số đã được thay bằng các nhà khung bê tông cốt thép, mái bằng… Mặc dù những ngôi nhà kiên cố này có thể tạo cho người dân sự an toàn trong các mùa mưa bão nhưng các không gian ở mới còn chưa có sự kế thừa các yếu tố văn hóa truyền thống tích cực, phù hợp với môi trường và cảnh quan xung quanh, thể hiện được bản sắc riêng của mỗi vùng.
Một số hình ảnh về sự xuống cấp và thay đổi dần không gian kiến trúc tại các Nhà cổ này.
Và điều này cho thấy, song song với việc bảo tồn văn hóa làng xã truyền thống, các nếp sống sinh hoạt, di tích lịch sử… thì đối với lĩnh vực nhà ở ở những vùng ven này, cần có kế hoạch lập hồ sơ, đo vẽ, bảo tồn với các nhà cổ, nhà cũ có giá trị trên cơ sở đảm bảo hình thái kiến trúc của làng. Đồng thời, rộng hơn – là dựa trên cơ sở đó cùng với một số tiêu chí như: Số lượng các quỹ kiến trúc này, cảnh quan, giao thông, các nghành nghề cổ truyền, sự ảnh hưởng với các đô thị lớn về các mặt,… cũng cần có công tác quy hoạch hay phát triển một mô hình mới ở các làng xã vùng ven này như vai trò là hình mẫu, là hạt nhân, nhằm phục vụ cho công tác du lịch, phát triển xã hội. Tuy nhiên, công tác này nhất thiết phải được thực hiện bám sát vào tình hình kinh tế – xã hội phát triển trong suốt quá trình lịch sử cũng như các đòi hỏi trong thời điểm hiện tại của làng xã đó. Có như thế, các mô hình làng xã truyền thống này vừa có thể đứng vững trên mảnh đất của mình vừa đáp ứng được các nhu cầu phát triển mà vẫn giữ được “hồn” làng, xã – gốc rễ cho các giá trị văn hóa, gia đình, truyền thống… và là nền tảng của xã hội. Đây chính là những công việc rất cần thiết trước khi làn sóng đô thị hóa tự phát lan tới những điểm này – để qua đó – còn có thể chủ động về định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như quy hoạch xây dựng môi trường sống bền vững cho một đô thị tương lai.
*Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
– Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ:“Nghiên cứu đề xuất mô hình đô thị Làng Quê Quảng Nam”, 3-2009.
– Hồ Thế Vinh, “ Nhiệm vụ khảo sát, đánh giá quỹ kiến trúc truyền thống Làng cổ Quảng Nam”, Hội Kiến Trúc Sư Đà Nẵng, Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, 3-2013.
KTS HỒ THẾ VINH
(ĐT&PT số 78-79/2019)