Home / QUY HOẠCH / Đà Nẵng cần quan tâm nhiều về vai trò kiểm soát để định hướng tầm nhìn tương lai

Đà Nẵng cần quan tâm nhiều về vai trò kiểm soát để định hướng tầm nhìn tương lai

Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Hiện nay, Đà Nẵng đang được xây dựng và phát triển hướng đến các mục tiêu là: Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; Một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

tp

I. Những thành tựu đạt được

Trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hình ảnh chung của Đà Nẵng lúc bấy giờ là một đô thị nhỏ bên sông Hàn được vây quanh bởi những làng quê nghèo khó, những làng chài xơ xác bên sông, quay lưng về với biển. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 5.600 ha. Hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày ấy rất kém, đặc biệt về giao thông. Kết nối hai khu vực Đông, Tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ), Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh. Phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà. Khả năng cấp nước rất hạn chế, phần lớn các khu vực dân cư dùng nước giếng. Công tác vệ sinh môi trường còn ít được quan tâm, bãi rác tự phát xen lẫn với khu vực dân cư.

Sau ngày 01/01/1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên, đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển bùng nổ ở thời điểm đầu những năm 2000 khi có thêm những cơ sở pháp lý và khoa học từ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020 cũng như Nghị quyết số 33/QĐ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với định hướng mở rộng đô thị theo hướng “kéo dài dòng sông, nối dài bờ biển”, hướng đến các vùng nông thôn và đồi núi, khai thác hợp lý các tiềm năng thiên nhiên, Đà Nẵng được ví như một đại công trường khổng lồ, sôi động. Với khí thế ấy, sau hơn 20 năm, Đà Nẵng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trên lĩnh vực phát triển đô thị.

Có thể khẳng định đô thị Đà Nẵng ngày nay đã tiến một bước dài cả về quy mô lẫn chất lượng. Ranh giới đô thị không ngừng được mở rộng, kiến trúc đô thị ngày càng khang trang, hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, đời sống nhân dân được ổn định và nâng cao. Mô hình phát triển của Đà Nẵng cũng đã tạo được ấn tượng tốt, được nhiều địa phương tham khảo, học tập.

Nhìn lại quá trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển, có thể khái quát một số thành tựu nổi bật và những bài học kinh nghiệm trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị như sau:

1. Phát triển đô thị dựa trên sự kết nối giữa mới và cũ:

Đà Nẵng vốn có sông, có núi, có biển nhưng trước đây các tiềm năng đó chưa định hình khai thác. Ngày nay bờ biển Đà Nẵng có đến hơn 40 km và đã trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, khu vực này đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước với các loại hình khách sạn, resort, biệt thự cao cấp, các khu vui chơi giải trí biển và được du khách biết đến như là tuyến đường 5 sao đã được định hình trên bản đồ du lịch.

Sông Hàn trước đây chỉ là sự cách trở của hai khu vực Đông Tây với những xóm nhà chồ tiêu điều xơ xác thì nay đã được quy hoạch cảnh quan tạo điểm nhấn đô thị, phát triển dịch vụ thương mại, du lịch, giải trí, du lịch đường sông, và được ví như một công viên lớn giữa lòng đô thị đầy sinh động với những cây cầu hiện đại và nổi tiếng nối tiếp nhau hình thành. Những xóm nhà chồ đã được thay thế bằng những khu phố mới khang trang, những công trình cao tầng soi bóng. Sông Hàn ngày nay cũng được nhân dân cả nước biết đến như là địa điểm của Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế.

Các khu vực cảnh quan đẹp như Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn,… các di tích lịch sử như Hải Vân Quan, Thành Điện Hải, bảo tàng điêu khắc Chăm,… cũng được quan tâm phát triển đúng mực gắn với việc bảo tồn, tôn tạo đã tạo nên một Đà Nẵng rất riêng trong niềm tự hào của cộng đồng đô thị và du khách.

2. Đô thị mới được quy hoạch và đầu tư đồng bộ:

So với quy mô đô thị khoảng 5.600 ha vào năm 1997, thì đến nay diện tích đô thị đã được mở rộng lên tới hơn 20.000 ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ; đã thực hiện giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư cho hơn 100 nghìn hộ dân trong trật tự và có kiểm soát. Các khu đô thị mới phát triển về phía Tây – Bắc, Đông – Nam thành phố với quy mô hàng nghìn hec-ta, hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ. Toàn bộ hai dải ven biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các khu dân cư. Hàng trăm hec-ta đất quốc phòng tại Hải Vân, Sơn Trà và nhiều vị trí khác trong đô thị cũng được đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng. Các khu vực nông thôn cận đô thị được hình thành các khu đô thị mới, khu tái định cư ổn định an cư lập nghiệp cho các cư dân đô thị.

3. Chỉnh trang đô thị cũ, quy hoạch phát triển vùng ven đô và nông thôn mới:

Khu vực đô thị cũ tập trung ở các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà, Cẩm Lệ được cải tạo chỉnh trang, nâng cấp. Các cơ sở kho tàng trong đô thị cũng lần lượt được đưa ra vùng ngoại vi; Những nghĩa trang lớn, nhỏ đan xen trong lòng đô thị với hàng trăm nghìn ngôi mộ cũng được quy tập về các nghĩa trang mới nhường chỗ cho việc phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Hệ thống đường nội thị hầu hết được nâng cấp, có vỉa hè, có mương thoát nước, cây xanh. Một số tuyến đường trọng điểm đã được ngầm hóa các đường dây điện, thông tin… Hệ thống kiệt hẻm toàn thành phố được quản lý, quy hoạch, xác định lộ giới cụ thể, công bố cho nhân dân được biết và thực hiện. Các khu vực ngập úng cục bộ đều được khảo sát và có giải pháp khắc phục triệt để.

Ngoài việc đô thị hóa một phần các xã lân cận đô thị, thành phố đã triển khai quy hoạch chung cho toàn bộ 11 xã, trong đó quy hoạch chi tiết cho các điểm dân cư nông thôn gắn với các trung tâm hành chính xã. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đáng kể, các xã đều có đường liên thôn, tạo điều kiện đi lại và nâng cao đời sống.

4. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và khả năng thích ứng lâu dài:

Hệ thống giao thông chính đô thị tại Đà Nẵng cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh, đường thông hè thoáng. Đây là một trong những đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố, đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Đối với nhà ga và tuyến đường sắt mới tuy đến nay chưa có dự án nhưng vị trí nhà ga và hành lang tuyến đường sắt tương lai vẫn được quản lý theo đúng quy hoạch chung.

Hệ thống cấp nước đã và đang được đầu tư với tổng công suất 214.000 m3/ngđ, hiện tiếp tục phấn đấu cho những năm tiếp theo với mục tiêu phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho thị dân đô thị. Chỉ tiêu sử dụng điện sinh hoạt và chiếu sáng đô thị của Đà Nẵng cũng thuộc hàng cao nhất nước. Các khu xử lý nước thải đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý cho toàn thành phố. Rác thải được thu gom hàng ngày và tập kết tại bãi rác Khánh Sơn với công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày, nhu cầu thực tế hiện nay của thành phố khoảng 1.000 tấn/ngày đang được xử lý đảm bảo. Thành phố đã đầu tư khu nghĩa trang tập trung Hòa Sơn, Hòa Ninh rộng vài trăm ha nhằm di dời, quy tập phần lớn mồ mả trong đô thị, có khu hỏa táng, vận động nhân dân thay đổi tập quán trong việc chôn cất.

Trước đây Đà Nẵng vẫn thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão do chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Những năm qua, thiết kế chiều cao và thoát nước cho các khu đô thị được đặc biệt chú trọng; các vùng đất dự trữ chống ngập ven sông được xác lập và gìn giữ; đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ bản các tuyến thoát nước chính thành phố nên đến nay Đà Nẵng có thể kiểm soát tốt vấn đề này.

5. Hạ tầng xã hội được chú trọng:

Song song với việc hình thành các khu dân cư là việc xác định địa điểm, quy hoạch mạng lưới các hệ thống công trình hạ tầng xã hội thuộc mọi lĩnh vực hành chính, sự nghiệp, giáo dục, y tế, thương mại, an ninh quốc phòng,… Trong các khu dân cư cơ bản đều bố trí đảm bảo quy mô, bán kính phục vụ của các công trình thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học các cấp, chợ, nhà họp tổ dân phố,… và phân kỳ đầu tư hợp lý. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng cũng được xem xét bố trí phù hợp với thực tế. Đến nay, không giống các thành phố lớn khác, Đà Nẵng đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng xã hội cho đô thị, không có tình trạng thiếu trường lớp, thiếu cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân.

6. Kiến trúc đô thị khang trang, cảnh quan đô thị được xem xét thận trọng:

Công tác quản lý kiến trúc đô thị tại Đà Nẵng trong những năm qua cũng góp phần đáng kể trong việc định hình một môi trường kiến trúc thuần nhất với phong cách kiến trúc đương đại mang dấu ấn đô thị biển. Các địa điểm nhạy cảm trong đô thị đều được cân nhắc để chọn lựa loại hình công trình phù hợp kèm theo các chỉ tiêu khống chế. Các trục đường chính, các trục đường có cảnh quan đẹp đều được tổ chức thiết kế cảnh quan. Các trục không gian cảnh quan chính ven sông, ven biển, các không gian mở của thành phố đều được xem xét thận trọng.

cau-song-han-quay

II. Những tồn tại, bất cập cho phát triển định hướng tầm nhìn tương lai

Quá trình phát triển Đà Nẵng cũng  đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập như sau:

1. Trong hoạt động kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng sau khi được tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đó là quy hoạch chung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 145/2003/QĐ-TTg ngày 15/7/2003. Theo đó, các thành phần chức năng cơ bản như công nghiệp, dân cư, hệ thống trung tâm (bao gồm trung tâm thành phố và các trung tâm khu vực), mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị,… đã được xác định tương đối phù hợp và khả thi cho thời kỳ quy hoạch. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt năm 2013 cũng cơ bản giữ nguyên các định hướng chính của quy hoạch được duyệt năm 2003 (sau đây gọi là quy hoạch 2003). Như vậy, theo trình tự Quy định thì sau khi quy hoạch chung được duyệt, cần phải lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng (nay gọi là quy hoạch phân khu) mà mãi đến đầu năm 2017, quy hoạch phân khu của 7 khu đô thị mới được lập và phê duyệt. Trong khi đó, do chủ trương của chính quyền thành phố cần nhanh chóng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mở rộng không gian đô thị, hàng loạt các đồ án xây dựng (nay gọi là quy hoạch chi tiết) và dự án đầu tư đã được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện. Trong số đó, nhiều đồ án đã không tuân thủ các định hướng của quy hoạch 2003 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điển hình là: Thay đổi chức năng, thậm chí có thể nói là làm mất đi một không gian chức năng hết sức quan trọng là công viên Trung tâm thành phố; xâm lấn vào một không gian sinh thái tự nhiên ở khu vực nhạy cảm về môi trường là khu vực Hòa Xuân, Hòa Quý,… Trung tâm thành phố và các trung tâm khu vực cho đến nay, tức là sau khi các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, vẫn chưa có một hoạch định nào về phạm vi, quy mô và định hướng về hình thái, cấu trúc không gian, các chỉ tiêu khống chế,… Hơn thế nữa, các quy hoạch chi tiết mà chủ yếu là áp dụng giải pháp chia lô nhà phố liền kề (có kích thước phổ biến là 5x20m) và bán cho các nhà đầu tư, người dân, trong nhiều trường hợp đã lấn vào các khu vực trung tâm theo định hướng quy hoạch chung. Hậu quả của việc không kiểm soát tốt công tác quy hoạch như đã nêu là mất kiểm soát trong sử dụng đất xây dựng đô thị, trong việc hình thành và phát triển các không gian chức năng, các không gian kiến trúc, cảnh quan,… Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình tái cấu trúc và phát triển đô thị trong tương lai.

2. Trong kiểm soát phát triển dân số

Quy hoạch năm 2003, dự báo dân số Đà Nẵng đến năm 2020 là 1,2 triệu người. Đến điều chỉnh quy hoạch chung năm 2013 thì xác định dân số thành phố đến năm 2020 là 1,6 triệu người và đến 2030 là 2,5 triệu người. Và theo số liệu nêu trong đề cương nghiên cứu Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội thành phố thì dân số Đà Nẵng tính đến năm 2018 là 1,04 triệu người. Nhìn vào các số liệu trên, có thể nhận xét là tỉ lệ tăng dân số cơ học dường như không đạt được như dự báo của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung năm 2013. Trong khi đó thì dự báo của quy hoạch chung 2003 lại khá phù hợp. Điều này liên quan đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp của thành phố trong giai đoạn 20 năm qua. Dường như đã không có một đột phá nào đủ để nâng cao tỷ lệ tăng dân số cơ học cho thành phố. Như vậy, có thể nói là việc kiểm soát phát triển, gia tăng dân số đã không được như mong muốn.

Trong các đồ án quy hoạch chung đều có nội dung quy định về mật độ cư trú cho từng khu vực. Điều này đảm bảo sự phát triển cân đối các khu vực khác của đô thị và đặc biệt là đảm bảo cân đối, hài hòa trong việc cung cấp các dịch vụ, các tiện ích đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, yếu tố này dường như ít được quan tâm kiểm soát không phải chỉ ở Đà Nẵng mà ở hầu khắp các đô thị Việt Nam. Trong bối cảnh xã hội hóa đầu tư phát triển như hiện nay, mật độ cư trú dường như bị cuốn theo mục tiêu của các nhà đầu tư mà vượt khỏi bàn tay kiểm soát của chính quyền đô thị. Đối với thành phố Đà Nẵng, quy hoạch chung 2003 đã đề xuất về việc dãn dân, giảm mật độ dân số tại 2 quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Tuy nhiên từ đó tới nay, mật độ tại 2 quận này không những không giảm mà còn liên tục tăng lên. Hiện tại mật độ dân số tại Hải Châu đã là trên 16.000 người/km2 và Thanh Khê là trên 21.000 người/km2, quá cao so với con số 8.000 người/km2 đã là mất an toàn, mất kiểm soát mà những nghiên cứu về lý thuyết đám đông nêu ra. Nếu tình trạng trên không được quan tâm điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ, đó là gây quá tải hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng trầm trọng hơn. Gần đây, tại một số khu vực của Đà Nẵng, điển hình là khu vực ven biển dọc đường Võ Nguyên Giáp (từ Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Thoại) tập trung quá nhiều các khách sạn, condotel làm cho mật độ cư trú tại đây đã tăng lên quá cao, làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực (ùn tắc giao thông, thoát nước thải, thiếu nước sinh hoạt, các khu tiện ích). Tình trạng này cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ để tránh những hậu quả xấu hơn có thể xảy ra.

3. Trong kiểm soát sử dụng đất xây dựng đô thị

Vấn đề kiểm soát sử dụng đất xây dựng đô thị với một vài số liệu khái quát và đã đưa ra nhận xét là việc kiểm soát sử dụng đất xây dựng đô thị tại thành phố Đà Nẵng chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả và đúng định hướng của quy hoạch chung năm 2003 dẫn đến tình trạng cạn kiệt quỹ đất dành cho phát triển đô thị trong giai đoạn tới và trong tương lai. Điều này đã được nhìn nhận và đánh giá trong báo cáo của đoàn giám sát HĐND thành phố cuối năm 2016. Đến nay (2018), theo số liệu nêu ra trong đề cương nghiên cứu quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng thì đất xây dựng đô thị chỉ còn lại trên 600 ha (do sự cần vốn nên đã khai thác những quỹ đất công trong trung tâm đô thị và hiện nay vẫn tái diễn chưa dừng lại dẫn đến khi cần thì không còn). Vậy đất ở đâu để có thể dung nạp dân số tăng lên ≈ 2,5 lần vào năm 2030 (như tính toán tại điều chỉnh quy hoạch chung năm 2013)? Một thực tế nữa về kiểm soát sử dụng đất được đề cập, đó là: Đất tại các vị trí được định hướng là các trung tâm khu vực trong quy hoạch chung 2003 và không có thay đổi gì lớn trong điều chỉnh quy hoạch chung 2013 đến nay đã không còn nữa. Hầu hết đã được chia lô bán và chủ yếu là theo hình thức nhà phố liền kề diện tích nhỏ. Có chăng là còn một số lô diện tích lớn tại các nút giao thông. Mặc dù trên thực tế còn nhiều đất trống chưa xây dựng nhưng tất cả đều đã có chủ. Đây chính là “kết quả của các quy hoạch chi tiết” đã được lập và phê duyệt.

4. Trong việc kiểm soát về không gian kiến trúc, cảnh quan

Một là: Đối với các công trình, các địa chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, truyền thống, hoặc có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, trong thời gian qua nếu chưa được đánh giá đúng hoặc chưa được ứng xử phù hợp thì nay nên được nhìn nhận lại và quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo để giữ lại ký ức cho những người đi xa trở về, giữ lại những dấu ấn cho các thế hệ mai sau.

Hai là: Về công viên trung tâm thành phố (công viên châu Á). Có thể nói chưa bao giờ chúng tôi hết trăn trở về sự “biến mất” của không gian chức năng vô cùng quan trọng này trong quy hoạch thành phố mà Hội đã có tham gia lựa chọn vị trí, xác định quy mô, đề xuất và đã được chấp thuận, phê duyệt trong quy hoạch chung 2003. Chúng tôi đã hết sức tâm đắc với lựa chọn và đề xuất này, bởi vì đây là vị trí hết sức phù hợp và hài hòa trong tổng thể thành phố với Sơn Trà ở phía Bắc, Ngũ Hành Sơn ở phía Nam. Nếu hình dung thành phố Đà Nẵng là một cơ thể người thì đây chính là vị trí của lá phổi. Vậy mà sau khi quy hoạch được duyệt, khu vực này (với diện tích ≈ 300 ha, kể cả mặt nước) ngoài một vài vị trí được dành cho công trình công cộng (trung tâm TDTT, bể bơi thành tích cao, nhà biểu diễn đa năng, thư viện) còn lại dần được chia nhỏ và giao cho các nhà đầu tư tư nhân.

III. Xu hướng phát triển hiện nay đối với Đà Nẵng

Hiện nay, Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh với một số định hướng:

– Kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên của thành phố làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên trong lòng đô thị là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng (núi, đồi, sông, suối, biển, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cần được gìn giữ như là trụ cột phát triển môi trường sinh thái, đô thị bền vững).

– Xác định khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng cùng với việc phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng (không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, khai thác hết quỹ đất để phát triển nóng mà điều quan trọng là chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và dự trữ nguồn tài nguyên đất đai phát triển bền vững trong tương lai).

– Xác định vai trò “mặt tiền biển” của vịnh Đà Nẵng đối với đô thị Đà Nẵng để tìm kiếm ý tưởng phát triển xứng tầm, cần có điều chỉnh chi tiết, tăng cường kiểm soát.

– Phát triển phía Tây thành phố theo mô hình sinh thái, đô thị hóa có kiểm soát các khu vực nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cần cẩn trọng với vùng đất này.

– Tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn. Chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm.

– Chú trọng nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để áp dụng vào quy hoạch đô thị, đặc biệt là việc xác định công trình các khu vực đô thị và các vùng đệm thoát lũ.

– Xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao.

5

IV. Những đề xuất kiến nghị

Để hướng tới phát triển bền vững theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao, Đà Nẵng cần trọng tâm với những đề xuất sau:

1. Đà Nẵng cần đặt trọng tâm vai trò kiểm soát trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

2. Thời gian qua đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở, trong bối cảnh Đà Nẵng hạn chế về quỹ đất tự nhiên nên cần có chiến lược phát triển không gian đô thị tốt hơn nữa để đảm bảo sử dụng đất lâu dài, hiệu quả nhất. Do vậy, cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng. Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo.

3. Sự phát triển quá nhanh về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có nhiều thay đổi. Các khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt,… nay bị bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới. Yêu cầu đặt ra là Đà Nẵng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại và điều chỉnh cấu trúc, đồng thời điều chỉnh các chỉ tiêu đô thị cơ bản liên quan đến quy mô dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cư dân thành phố cũng như lượng dân số không chính thức đang ngày càng gia tăng mà chủ yếu là khách du lịch.

4. Bản sắc của thành phố Đà Nẵng phát triển với đặc trưng của Đô thị Biển – Sông, Núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới. Vì vậy, thành phố cần phát triển đồng bộ đô thị xanh trong tương lai gắn liền với cảnh sông hồ, núi đồi, biển khơi, và với bản sắc văn minh hiện đại, đặc trưng cho đô thị Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21. Trong đó, tận dụng các lợi thế về biển Đông (bãi biển đẹp hàng đầu thế giới, với 2 trục ven biển: Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn và Nguyễn Tất Thành gắn với vịnh Đà Nẵng), sông Hàn (đóng vai trò trục giao thông và cảnh quan với bản sắc đô thị sông nước), sông Cu Đê và các ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng bao gồm cụm núi Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà, Phước Tường. Và điều quan trọng nhất là cần quan tâm bảo vệ cánh rừng đặc dụng Sơn Trà, bởi nơi đây là lá phổi xanh của thành phố. Nếu phát triển kinh tế cần phải cân nhắc, thận trọng. Vấn đề thứ hai biển và vịnh Đà Nẵng được đánh giá là đẹp nhất với địa hình, địa thế và là mặt tiền hướng ra biển Đông. Vì vậy, không chấp nhận những đề xuất lấp biển để xây dựng khu đô thị hay bất cứ hình thức nào.

5. Đà Nẵng nên hướng tới đô thị tăng trưởng xanh, kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian đô thị. Từ đó hình thành một cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị có bản sắc.

Hiện nay, thành phố không có công viên, chỉ tiêu cây xanh/ người là rất thấp. Vì vậy, thành phố cần định hướng (chí ít là trong tầm nhìn đến 2050) cần nghiên cứu lại toàn bộ khu vực giới hạn từ đường 2/9 đến bờ sông Hàn và từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến cầu Tuyên Sơn để xây dựng công viên trung tâm thành phố.

6. Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị: Trong quá trình nghiên cứu, lập các quy hoạch chi tiết sau khi quy hoạch chung 2003 được duyệt đã không có sự tham gia của chuyên gia về tổ chức giao thông đô thị. Mạng lưới giao thông từ đường chính khu vực đến các đường phố, đường nội bộ đều được xác định một cách chủ quan, thiếu cơ sở. Đặc biệt là không hề có nghiên cứu, đề xuất nào về giao thông công cộng. Chính vì vậy, đến nay việc triển khai thực hiện các dự án về giao thông công cộng gặp không ít khó khăn, trở ngại, tốc độ phát triển loại hình này là quá chậm và một tất yếu không thể tránh khỏi là ùn tắc giao thông. Để đối phó với tình trạng này, thành phố đã và sẽ đầu tư xây dựng các hầm chui tại các nút giao cắt. Giải pháp này, chỉ là giải pháp tình thế, không phù hợp về lâu dài và không bền vững. Nguyên nhân chính của tình trạng ùn tắc chính là do phương tiện cá nhân (bao gồm cả ô tô) liên tục gia tăng một cách thiếu kiểm soát và giao thông công cộng là giải pháp tất yếu của các đô thị phát triển. Để đạt tới mục tiêu này, đề nghị thành phố Đà Nẵng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ càng sớm càng tốt với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao độ.

7. Đà Nẵng đang hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên nhưng đồng thời đang bị thách thức bởi các nguy cơ: Biến đổi khí hậu không còn là câu nói cảnh báo nữa, nó đã và đang đến ngày càng gay gắt. Nước biển dâng cao, nước mặn thâm nhập ngày càng sâu vào nội địa. Nước ngọt ngày càng khan hiếm, do hạn hán và xây dựng thủy điện. Thiếu nước ngọt không còn là nguy cơ mà đã hiện diện trước mắt. Đà Nẵng còn bị tác động thường xuyên của mùa bão lũ, cản trở không nhỏ cho sản xuất và tác động đến tâm lý đầu tư phát triển. Nên chăng, Đà Nẵng cần nghĩ đến giải pháp hồ chứa nước đủ lớn, vừa lo nước ngọt trong mùa khô, nóng vừa điều tiết nước mưa mùa lũ đồng thời cải thiện khí hậu nóng bức.

8. Chú trọng dành quỹ đất phát triển các công trình y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, phục vụ đề án có nhà ở của thành phố, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí và bảo đảm an ninh xã hội. Có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, tạo điều kiện cho các loại hình công nghiệp sạch và giá trị cao phát triển. Tiếp tục di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư về các khu công nghiệp tập trung, bảo đảm môi trường đô thị. Tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nhất là khu vực ven sông, ven viển, xây dựng các trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Liên Chiểu, từng bước thu gom nước thải đến từng cụm dân cư, đồng thời tách hệ thống nước thải và nước mưa riêng. Phát triển giao thông công cộng như xe bus chất lượng cao, xe bus nhanh, xe điện ngầm…, hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, tránh ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hiện nay thành phố đang nghiên cứu lập dự án triển khai hệ thống xe bus nhanh thuộc “Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng” và sớm triển khai xây dựng để phục vụ nhu cầu người dân, từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân.

9. Mô hình phát triển không gian thành phố Đà Nẵng bao gồm: đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh… bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian. Phát triển không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới; Các phương án phân khu chức năng: khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên,… phải bảo đảm đô thị gắn kết với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm đô thị; xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng trong không gian đô thị như các trung tâm, các cửa ngõ vào thành phố, các tuyến phố trục không gian chính, các hành lang ven sông và dọc bờ biển, các khu vực quảng trường, cây xanh… để có giải pháp tổ chức không gian phù hợp và tạo các điểm nhấn trong đô thị.

10. Về Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: đề xuất Thành phố nên xác định mục tiêu với tầm nhìn là “Thành phố Thịnh vượng – Thông minh – Tiện ích – Có bản sắc và Bền vững”.

ph

V. Kết luận

Nhìn chung, qua hơn 20 năm phát triển, đô thị Đà nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng đô thị, đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị có nội lực đáng kể. Sự kiện tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC là minh chứng về một đô thị có sự phát triển khá toàn diện về mọi mặt. Trong thời gian đến, Đà Nẵng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tận dụng mọi thời cơ, vận hội trong quá trình xây dựng và hội nhập, đồng thời với việc khắc phục những hạn chế yếu kém về phát triển đô thị để có một tầm nhìn chiến lược dài hạn và bền vững nhằm nâng cao vị thế, nâng tầm đẳng cấp của đô thị.

Tài liệu tham khảo:

– Hội thảo 20 năm Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng

– Hội thảo Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng

– Quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

– Hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng năm 2030 tầm nhìn 2045

KTS. Phan Đức Hải

Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT TP. Đà Nẵng

(ĐT&PT số 78-79/2019)

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …