Home / TIN HOẠT ĐỘNG / ĐÀ NẴNG: GIAO THÔNG THÔNG MINH DƯỚI MẮT MỘT CƯ DÂN

ĐÀ NẴNG: GIAO THÔNG THÔNG MINH DƯỚI MẮT MỘT CƯ DÂN

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, tôi từng buồn vui với những thành tựu, những biến động, đổi thay lớn nhỏ của thành phố. Tôi không phải nhà chuyên môn về giao thông, vận tải, tôi không phải quan chức có tham gia vào hoạch định, xây dựng hạ tầng giao thông. Tôi chỉ là người tham gia giao thông nhưng có nỗi ám ảnh về giao thông khi tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm trên đường, trong đó có người thân trong gia đình tôi, lâu lắm vẫn chưa làm tôi nguôi ngoai. Do đó Đà Nẵng – giao thông thông minh luôn là mong ước vươn đến hiện thực trong lòng tôi.

I. HIỂU VỀ GIAO THÔNG THÔNG MINH (GTTM)

Tôi chưa được đi nhiều nước ngoài để xem nét tiên tiến về giao thông vận tải của nước nước họ, tôi chỉ xem trên Youtube với thế giới đó đây để cập nhật kiến thức về GTTM. Cụ thể ở nước Nhật đủ để tôi hình dung về GTTM:

Hệ thống điều hướng ô tô ở Nhật Bản có thể nhanh chóng báo cho người lái xe đường nào đang bị tắc. Sử dụng một hệ thống phát thanh radio FM điều khiển bằng máy tính để thu thập và gửi thông tin từ hơn 18.000 đèn hiệu tia hồng ngoại và sóng radio cài đặt dọc theo đường phố, các hệ thống nói trên có thể tính toán được thời gian để vượt qua các vụ tắc nghẽn giao thông ở các thành phố rồi tìm ra đường đi nhanh nhất.

Tuy nhiên chỉ có khoảng một triệu xe trong số 70 triệu ô tô trên đường phố Nhật hiện nay có khả năng này. Nguyên nhân là do đa số các hệ thống điều hướng được bán ở Nhật chỉ mang lại cho người điều khiển xe một phần thông tin về tình hình giao thông hiện tại. Hơn nữa, thiết bị do người buôn bán cung cấp có chất lượng thấp và các hệ thống điều hướng cao cấp chưa được quảng cáo nhiều ở Nhật. Các sản phẩm chất lượng khá lại quá đắt. Giá mỗi hệ thống từ 950 đến 1.900 USD cộng với 240 USD cho khả năng thu thập thông tin kịp thời và các khoản khác.

Thế hệ kế tiếp của hệ thống định vị từ xa có thể kết nối ô tô với các phương tiện giao thông khác. Các ô tô kết nối không dây với nhau để lấy thông tin về các vụ tai nạn giao thông hoặc vị trí của xe cứu thương. Hình ảnh một xe cứu thương hoặc một chiếc ô tô bị đâm sẽ hiển thị trên màn hình khi các tín hiệu được nhận từ các phương tiện giao thông khác và thông tin sẽ được truyền từ ô tô này đến ô tô kia.

Thậm chí người đi bộ cũng dùng máy định vị từ xa. Nhật đã dùng công nghệ giọng nói kết hợp mắt kính và tai nghe cho người mù để thu nhận các tín hiệu tia hồng ngoại. Khi nhận được các tín hiệu giao thông, hệ thống sẽ phát ra âm thanh “đỏ, đỏ, đỏ” hoặc “xanh, xanh, xanh” để cảnh báo người sử dụng khi qua đường.

Nhìn ra xứ người đế thấy mình đang đứng ở đâu? Qua youtube này tôi được biết Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất áp dụng hệ thống vận tải thông minh trên đường phố. Tôi được biết GTTM đã được thế giới đề cập đến từ thập niên 90 của thế kỷ trước.  Riêng tại Việt Nam các nhà hoạch định chính sách đã thấy việc nghiên cứu và ứng dụng GTTM là cần thiết, và phải làm từng bước cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, để đến năm 2020 có cơ sở hạ tầng cho GTTM như một số nước trong khu vực hiện nay. Đà Nẵng cũng đã có áp dụng một vài thành tựu vào hoàn cảnh cụ thể của thành phố mình, tuy chưa bằng người nhưng bước đầu đã hình thành diện mạo của một thành phố GTTM.

II. THỰC TẠI GIAO THÔNG THÔNG MINH  CỦA ĐÀ NẴNG

Qua cập nhật thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, cũng như theo mắt thấy, tai nghe với quá trình sống cùng nhịp đập của thành phố, tôi nhận xét:

– Bất cập của Đà Nẵng hiện nay là không ưu tiên đất cho hạ tầng, sử dụng mô hình đô thị phân tán, dàn trải, sử dụng đất đai kém hiệu quả… Không chỉ vậy, sơ đồ giao thông thành phố theo hình bàn cờ, hầu hết là phố không có đường; đất đai kiểu hỗn hợp, lộn xộn đang đẩy đô thị Đà Nẵng vào những nguy cơ khó khắc phục.

Do vậy, thống kê của ngành giao thông vận tải của thành phố cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 22 vị trí tiềm ẩn TNGT. Trong đó quận Sơn Trà 5 vị trí, Thanh Khê 2 vị trí, Liên Chiểu 2 vị trí, Cẩm Lệ 5 vị trí và huyện Hòa Vang 8 vị trí. Cụ thể, trên địa bàn quận Sơn Trà, các nút giao thông Võ Văn Kiệt – Tô Hiến Thành, Hồ Nghinh – Dương Đình Nghệ, Hồ Thấu – Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ – Nguyễn Đăng Giai, Ngô Quyền – Võ Văn Kiệt… đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng xe lưu thông nhiều, các xe tải, xe container chạy nhanh, nút giao vòng xuyến rộng.

– Chính quyền thành phố rất mong mỏi giảm ùn tắc giao thông, luôn có bước đột phá trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị. Nhưng thực chất chỉ là: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vành đai, cầu vượt đường bộ, hầm chui, đồng thời tằng cường các phương tiện giao thông công cộng, như xe buýt, taxi. Trong khi đó điều mong mỏi giảm ùn tắc vẫn chưa được như ý. Các tuyến xe buýt thuận tiện nỗ lực hoạt động, tổ chức xe buýt đưa đón học sinh đi học theo khu vực; tuyên truyền trước hết với đối tượng là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, nhưng thực tế mấy ai chịu sử dụng phương tiện xe buýt. Vì thế để giảm tải lượng phương tiện cá nhân đi lại trong nội thành vẫn chưa hiệu quả.

– Hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng trong thời gian qua, thu hút nghìn hộ gia đình đến sinh sống, nhưng chủ đầu tư chỉ chăm chú vào việc xây dựng nhà cao tầng, biệt thự, nhà phân lô để bán kiếm lời, không quan tâm đến hạ tầng cơ sở, như đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước bên ngoài khu đô thị. Tình trạng cấp phép xây dựng tòa nhà văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê, nhà chung cư cao 20 đến 30 tầng trong các tuyến phố cũ tràn lan đang là mối lo gây ách tắc giao thông.

Nói là không cấp phép xây dựng các tòa nhà chung cư, văn phòng cho thuê cao tầng xây chen trong các tuyến phố chính, nhất là các phố có mật độ giao thông cao. Nhưng từ lý thuyết đến thực hành còn một đoạn khá xa. Tôi ví dụ cụ thể: Khu chung cư cao cấp cao tầng trên đường Lý Thường Kiệt lâu rồi vẫn kẹp giữa khu dân cư, đã một lần xảy ra cháy nổ. Chiều chiều chở cháu ngoại đi học về ngang qua đường Ông Ích Khiêm, tôi vất vả chen qua nhiều dãy ô tô lộn xộn trước khu đô thị mới – Compounnd Phú Gia với hàng trăm compound san sát đều tăm tắp xinh xắn như trong cổ tích đang được chào bán. Tôi băn khoăn tự hỏi, mai mốt đây hàng ngàn người vào ra, vậy rồi người ta để xe ở đâu, rồi nước thải sinh hoạt làm sao tải nổi nhỉ…

– Thiếu bãi đậu xe, ôtô của người dân lẫn du khách đậu tràn lan trên đường phố Đà Nẵng gây ách tắc giao thông, kẹt xe vào giờ cao điểm.  Tôi hay có dịp đi trên đường Võ Nguyên Giáp – một con đường lớn gần như là đại lộ nhưng thường thấy tắc nghẽn giao thông. Dù cơ quan chức năng có biển báo hạn chế tốc độ, cấm bấm còi nhưng ôtô vẫn bấm còi inh ỏi, dừng đỗ chật kín trước các nhà hàng, khách sạn, kẹt xe thường xuyên. Chính quyền Sơn Trà xử lý xe du lịch dừng đón trả khách tại các hàng quán ven đường Hoàng Sa nhưng khó cải thiện, vì thực tế tài xế không tìm được vị trí đỗ xe hợp lý. Người ta yêu cầu ô tô du lịch chạy lùi vào các tuyến đường nhỏ phía trong chỉ là giải pháp tình thế.

Tại nhiều tuyến đường giữa trung tâm, hiện Đà Nẵng dựng biển báo cấm đậu xe nhưng nhiều người vẫn để ôtô nối hàng dài trên đường Hải Phòng, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh… Do ô tô đỗ dày đặc hai bên nên đường phố bị thu hẹp gây phát sinh một số điểm kẹt xe mới trên địa bàn thành phố. Phương tiện đậu đỗ sai quy định còn ảnh hưởng việc kinh doanh, nhiều nơi người dân đã phải treo biểu “Xin đừng để xe” cản trở họ mưu sinh. Các tài xế taxi cho biết vào giờ cao điểm, hay giờ không cao điểm taxi đều khó tìm được bãi đỗ xe nên đành chọn giải pháp dừng hai bên đường chờ đón khách.

– Quản lý vỉa hè vẫn loay hoay, vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Nhìn lại để thấy, không riêng gì Đà Nẵng, rất buồn là dù có nhiều cuộc vận động, nhiều chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ (mà rầm rộ, quyết liệt nhất là chiến dịch do quận I, TP Hồ Chí Minh đi đầu năm 2017 với cái kết không vui là việc Phó Chủ tịch quận Đoàn Ngọc Hải xin từ chức), tình trạng vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Như vậy, vấn đề không còn chỉ thuộc chủ quan người dân, mà đã liên quan đến cả các cơ quan chức năng, các lực lượng thi hành công vụ.

Tại thành phố của mình, tôi vẫn thấy làm gì còn hè dành cho người đi bộ mà tuyên truyền đi bộ, hay là đi xuống lòng đường. Tôi chỉ nói trường hợp cụ thể khi tôi ngồi uống cà phê buổi sáng trên đường Lê Lợi, tôi đã thấy người đi tập thể dục vất vả tránh xe, tránh người như thế nào. Nếu tôi chụp hình, đưa lên facebook kiểu như thế này thì phải nói chụp sao cho hết, biết bao nhiêu lần “dẹp loạn” rồi đâu cũng vào đấy.

III. ĐÀ NẴNG – NHÌN VỀ THÀNH PHỐ GIAO THÔNG THÔNG MINH

Nhìn hiện trạng giao thông Đà Nẵng để nói chuyện GTTM, dưới mắt tôi, một cư dân yêu thành phố, tôi thấy hãy còn khó vươn tới mức độ bằng anh em trong khu vực. Theo tôi có một số bước cơ sở cần phải tiến hành, đó là:

– Xây dựng mô hình hệ thống GTTM trên cơ sở quản lý giao thông tích hợp: Vận hành chung; giao diện người dùng chung; liên kết giữa các hệ thống; cải thiện hiệu quả và nâng cao năng suất. Từ đó đem lại lợi ích cải thiện hiệu quả mạng lưới đường bộ; giám sát giao thông; quản lý sự cố; quản lý tắc nghẽn giao thông; chia sẻ thông tin và hiệu quả vận hành.

  -Xây dựng các bến xe buýt thông minh, cung cấp cho người sử dụng thời gian biểu xe buýt theo thời gian thực và bãi đỗ xe xác định sự chuyển động của xe ô tô thông qua các bộ cảm biến chuyển động và mạng không dây. Các bộ cảm biến được phân bố trong thành phố sẽ cung cấp dữ liệu thời gian thực về tham gia giao thông của người dân.

– Khu vực ngoại đô phải quy hoạch vành đai giao thông, nối với các tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam. Nhất là hoàn thiện nút giao thông khác mức; cấm đỗ xe vào ngày chẵn, ngày lẻ; tổ chức giao thông một chiều một số tuyến đường, phân luồng giao thông đối với xe khách trên 30 chỗ vào trung tâm thành phố; cấm xe đầu kéo vào giờ cao điểm.

– Nghiên cứu mạng lưới các trường mầm non, tiểu học để tổ chức xe buýt đưa đón học sinh đi học theo khu vực, giảm tải việc đưa đón của các phụ huynh; phát miễn phí vé đi xe buýt hoặc trợ giá vé đi xe buýt đối với học sinh, sinh viên; cấm xe thô sơ, chở hàng cồng kềnh đi vào các tuyến phố trong giờ cao điểm…

– Tôi đặt hy vọng vào tầm nhìn năm 2030 của thành phố: Rồi sẽ phải làm được 158 bãi đỗ xe, trong đó có 17 bãi xe đã và đang đầu tư. Thành phố đang siết chặt quản lý việc cấp phép đối với các dự án khách sạn 3-4 sao đảm bảo có bãi đỗ xe. Trước mắt tôi đã thấy hướng xử lý tích cực: Đã làm việc với một số nhà đầu tư tận dụng các lô đất trống để làm bãi đỗ xe tạm thời, phục vụ nhu cầu trước mắt của người dân, du khách. Đề xuất thí điểm bãi đậu xe nổi, thông minh, tính toán mua lại các khu đất, giải tỏa các khu nhà để làm bãi đậu xe, giảm tải xe đậu trên đường.

-Tăng phí đăng ký và thu phí lưu hành phương tiện. Trong đó đề nghị tăng lệ phí đăng ký phương tiện mới bằng từ 30 đến 50% giá trị của phương  tiện, đồng thời phương tiện lưu hành trong nội đô vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường có mật độ giao thông lớn sẽ phải nộp một khoản phí theo ngày hoặc tháng. Các khoản thu trên sẽ dùng để hỗ trợ lại cho việc cấp vé đi xe buýt miễn phí cho một số đối tượng như học sinh, sinh viên, cho người có thu nhập thấp.

 Các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, một thành phố thực sự coi là thông minh khi hội tụ được 3 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả; phát triển bền vững; môi trường sống thân thiện. Tại Đà Nẵng, những yếu tố trên phải được được cụ thể hóa 6 lĩnh vực cốt lõi: Nền kinh tế thông minh; di chuyển và giao thông thông minh; môi trường thông minh; quản lý đô thị hiện đại; con người thông minh; cuộc sống thông minh./.

                                                                                                           Nguyễn Phin

(Kỷ yếu Hội thảo “Giải pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng”)

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …