Home / QUY HOẠCH / Hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh – phát triển bền vững

Hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh – phát triển bền vững

QHC xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã  xác định “Xây dựng và phát triển thành phố thành thành phố đặc biệt, trung tâm cấp quốc gia hướng tới đô thị quốc tế, trở thành thành phố môi trường, phát triển bền vững, theo xu hướng hiện đại và có bản sắc riêng.

Thành phố Đà Nẵng nhiều năm gần đây đã trở thành điểm đến của rất nhiều sự kiện quan trọng về chính trị, văn hóa, kinh tế của quốc gia và quốc tế, đặc biệt thành công của APEC 2017 đã đưa Đà Nẵng thành một trong những thành phố mến khách, thân thiện và có không gian cảnh quan tuyệt vời ở Việt Nam và cả trên thế giới. Đà Nẵng trở thành đô thị loại I cấp quốc gia đến nay đã được 15 năm (Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 15/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ), trong thời gian đó thành phố đã phát triển vượt bậc để trở thành một đô thị lớn văn minh và tương đối hiện đại. Để Đà Nẵng thực sự  trở thành thành phố đặc biệt, trung tâm cấp quốc gia hướng tới đô thị quốc tế, thành phố môi trường, phát triển bền vững, theo xu hướng hiện đại và có bản sắc riêng thì việc phấn đấu để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh – phát triển bền vững, có nghĩa là hài hòa giữa xã hội với phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường bền vững, cần có các giải pháp khoa học, hiệu quả và gắn liền với thực tiễn phát triển của đô thị Đà Nẵng.

 Để phát triển đô thị tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày20/03/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 nhằm triển khai đồng bộ và phù hợp các nội dung, hành động tăng trưởng xanh trên toàn quốc về nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương, doanh nghiệp và đổi mới công nghệ. Đồng thời đưa ra 3 nhiệm vụ chiến lược là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Bộ Xây dựng ban hành thông tư số 01/2018/TT-BXD  “Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh”.

tang truong xanh

Năm yếu tố tăng trưởng xanh (Nguồn: Global Green Growth Institute, 2014).

Đối với thành phố Đà Nẵng: Chính quyền thành phố Đà Nẵng phối hợp với UN-Habitat và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã xây dựng Định hướng tăng trưởng xanh cho Chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng nhằm mục đích xác định các cơ hội và thách thức về tăng trưởng xanh với các tiêu chí tăng trưởng xanh phù hợp với các chương trình trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (SEDP) của thành phố và Đề án phát triển thành phố sinh thái. Trong đó định hướng tới việc thay đổi tư duy phát triển thể hiện trong công tác lồng ghép các yếu tố tăng trưởng xanh trong quy hoạch đô thị. GGO nhằm mục đích giúp thành phố Đà Nẵng được công nhận là thành phố đầu tiên ở Việt Nam lồng ghép các nguyên tắc tăng trưởng vào quy hoạch phát triển tổng thể. Ở cấp độ quốc tế, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố sinh thái kiểu mẫu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu đặt ra đối với thành phố là đạt được các mục tiêu chiến lược đô thị tăng trưởng xanh đó là thay đổi cấu trúc phát triển, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường được nâng cao. Thành phố đã xác định các cơ cấu kinh tế cần được thay đổi về cấu trúc như công nghiệp, nông nghiệp và du lịch hướng tới yếu tố xanh, chất lượng môi trường phải hài hòa với xã hội và khả năng đáp ứng của thể chế. Đà Nẵng có cảnh quan đa dạng nên cần tạo dựng một hình ảnh đặc trưng riêng trong đó đặc biệt gắn kết chúng với các khu di sản thiên nhiên, văn hóa… gần cận và đồng thời tạo các điểm nhấn không gian sao cho thu hút được cả khách và người dân bản địa.

Một số giải pháp xây dựng đô thị tăng trưởng xanh để tăng sức hấp dẫn của Đà Nẵng trong tương lai.

Giải pháp xây dựng đô thị tập trung (compact city)

Giải pháp đô thị tập trung hay đô thị nén (compact city) hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bao hàm sự hợp lý về mối liên hệ giữa các thành tố của đô thị có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng tiện nghi đô thị và môi trường sống mà vẫn tiết kiệm được nguồn đầu tư và năng lượng cung cấp cho mạng lưới hạ tầng kỹ thuật vận hành phục vụ đô thị là giải pháp số một để thành phố tăng trưởng xanh. Nên phát triển khu vực đô thị cũ của thành phố theo hướng đô thị nén sẽ đạt được mục tiêu về chi phí xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp các dịch vụ hạ tầng kĩ thuật, giảm chi phí năng lượng.

Trong chiến lược phát triển tương lai gần, Đà Nẵng đặt mục tiêu thành phố môi trường, thành phố đáng sống và phát triển bền vững để tạo động lực thu hút mạnh các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến làm ăn tại thành phố Đà Nẵng. Nguyên tắc giữ lại tối đa và sử dụng hiệu quả những vùng tự nhiên trong khu vực phát triển đô thị là yêu cầu đối với mọi lựa chọn về hình thái tổ chức không gian đô thị. Đà Nẵng cần khuyến khích cải tạo đô thị tại khu vực trung tâm, tái phục hồi các khu vực tự nhiên như bờ sông, hồ, sông qua đô thị đã bị che phủ bằng các hệ thống bê tông hóa.

Một đô thị nén phải thỏa mãn về điều kiện kinh tế để người dân có thể có niềm tin về một cuộc sống của thành phố sống tốt. Phát triển các khu dân cư trong khu vực đô thị cũ luôn có sự kết hợp của phát triển công cộng và tư nhân với đầy đủ các cơ sở vật chất với công ăn việc làm đầy đủ cho mọi người dân. Tổ chức đô thị nén để phát huy triệt để tiềm năng của không gian công cộng bằng cách kết hợp hiệu quả giữa các hoạt động thương mại và giải trí để mang lại sự hài lòng cho người dân sống trong khu vực đô thị đặc biệt là khu trung tâm cũ của Đà Nẵng. Quy hoạch kiến trúc cảnh quan, tạo ra sự kết hợp giữa các tòa nhà cao tầng với các tòa nhà thấp tầng, tạo ra một dải chân trời nhấp nhô nhưng không lộn xộn để tạo cảm giác bớt đông đúc trong một không gian chật hẹp. Tạo cảm giác an toàn và an ninh là yếu tố làm nên chất lượng của cuộc sống. Ứng dụng thiết kế đô thị tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và an ninh đô thị để người dân có cảm giác bình an và không phải lo lắng ngay cả khi “đi sớm về hôm”. Quy hoạch đô thị nén cho khu trung  tâm đô thị cũ đông dân và mật độ xây dựng cao luôn phải phải đối mặt với khó khăn về tài nguyên, do đó trong tương lai cần tính đến những ứng dụng trong công nghệ, để đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân.

image002

Kiến trúc khu đô thị cũ (Nguồn: Điều chỉnh QHC Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 -Viện QH Đà Nẵng).

Giải pháp mật độ đô thị hợp lí trong sử dụng đất đô thị

Mô hình xây dựng mật độ cao kết hợp với giải pháp phát triển hỗn hợp sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm đất đai xây dựng. Khu vực mật độ cao nên được bố trí tại khu vực có tiềm năng về thương mại, giao lưu so với các khu vực xung quanh để vừa khai thác hiệu quả vị trí và hệ thống giao thông vừa để nâng cao giá trị sử dụng đất tại những khu vực như khu trung tâm thương mại đô thị, trung tâm khu ở, dọc các trục thương mại, khu vực cửa ngõ đô thị, đầu mối giao thông,… Tuy nhiên cần lưu ý, đối với Đà Nẵng các khu vực mật độ cao cũng không phát triển nhà cao tầng với tần suất cao, nếu có cũng chỉ có tính chất như tạo điểm nhấn khu vực nội đô mà thôi.

Các giải pháp tạo điều kiện để khu vực có mật độ xây dựng cao nhưng điều kiện vi khí hậu vẫn được duy trì đặc biệt với các đô thị như Đà Nẵng. Khu vực đô thị cũ có mật độ dân số cao cần phải tính toán kỹ lưỡng sao cho sử dụng hiệu quả cao nhất của từng tấc đất khan hiếm để có một quy hoạch tốt nhất. Đó chính là sự kết hợp của quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai phù hợp, toàn bộ quỹ đất chưa sử dụng sẽ được vào sử dụng tối đa phục vụ cho các mục đích công cộng. Việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm đất, chuyển đổi hợp lý đất đai đem lại hiệu quả kinh tế cao là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đất đai khu vực đô thị cũ, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế xã hội một cách ổn định và bền vững. Khu vực đô thị cũ của Đà Nẵng cần có sự kiểm soát trong phát triển và thiết kế thông minh, phát huy tối ưu tính năng đô thị hóa trong khi vẫn mang tính thẩm mỹ và bảo tồn. Do mật độ dân cư cao, sự phát triển của khu vực trung tâm có thể sẽ ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, điều đó cần có sự kết nối giữa các khu vực để tìm ra giải pháp hài hòa không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các bên liên quan. Khuyến khích sự đa dạng, phát triển toàn diện, đó chính là yếu tố đặc biệt tạo nên sự khác biệt và phong phú của một đô thị trọng điểm Miền Trung – Tây Nguyên như Đà Nẵng, chính sự đa dạng làm nên đặc trưng riêng của đô thị và làm cho mọi người sống gần gũi và tương tác lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong vài chục năm gần đây Đà Nẵng phát triển đô thị theo chiều rộng, lãng phí nguồn tài nguyên cũng như nguồn lực đô thị, đặc biệt các khu đô thị mới của Đà Nẵng với mật độ xây dựng thấp sẽ không là sự lựa chọn tối ưu cho đô thị tăng trưởng xanh.

Giải pháp hạ tầng kĩ thuật và giao thông theo hướng xanh, phát triển giao thông công cộng hạn chế phát thải khí Cacbonic

Các giải pháp tổ chức không gian giao thông cho đô thị tăng trưởng xanh cần được thiết kế dựa trên đặc điểm địa hình, tạo trục cảnh quan, hướng chiếu sáng thuận lợi và đồng thời tạo các trục lưu thông không khí cho đô thị.

Phát triển giao thông công cộng nhằm hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, tránh tình trạng gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời góp phần tạo nếp sống văn minh đô thị, tạo điều kiện cho mọi người có thể đi lại nhanh chóng, thuận tiện và an toàn kể cả người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, người già, người tàn tật.

Mật độ lưới đường phù hợp với sử dụng đất, tổ chức không gian để tăng hiệu quả đất đai. Quy mô đường và không gian lưu thông đủ điều kiện để tổ chức giao thông công cộng, không gian để đi bộ hoặc xe đạp, giải pháp cây xanh đường phố, mặt lát đường,… góp phần cải tạo vi khí hậu và đóng góp bảo vệ các không gian đô thị. Đà Nẵng cần khuyến khích người dân sử dụng xe đạp trong các hoạt động giao thông của mình.

Các mô hình tổ chức giao thông hiệu quả phổ biến hiện nay là: Các khu vực trung tâm thương mại, khu văn phòng, công viên giải trí,… phát triển dựa trên tuyến GTCC (TOD) có thể được bố trí tại khu vực có mật độ dân cư cao để khai thác tối đa công suất của hệ thống GTCC, chất lượng dịch vụ cao và giá rẻ có vai trò quan trọng để thu hút người dân sử dụng GTCC.

Với bán kính từ 800 – 1200m từ điểm đỗ (khoảng 30 ha đất), khu vực phát triển hỗn hợp có hệ thống lối đi bộ, bãi đỗ xe,… hoàn chỉnh và thuận tiện từ các nơi tới điểm đỗ, bến GTCC. Hình thành các khu dân cư với hạt nhân là các công trình dịch vụ khu vực gắn bến GTCC, với bán kính tới nơi ở nhỏ hơn 800m, 5 – 10 phút đi bộ (Walking Neighborhood).

image003

Cầu trong đô thị (Nguồn: Website Đà Nẵng).

Giải pháp tổ chức không gian xanh, không gian mở đô thị

Một trong các tiêu chí rất quan trọng của Đà Nẵng trong thời gian tới là tổ chức các không gian xanh cho mục đích giảm chi phí năng lượng, cải thiện vi khí hậu. Lựa chọn bố trí không gian mở có chức năng phục vụ đô thị như các công viên, mặt nước cảnh quan, thảm cây xanh đô thị, khu thể thao, công viên giải trí, công viên văn hóa, khu du lịch, vườn thực vật, vườn ươm, khu bảo tồn thiên nhiên.

 Sử dụng các yếu tố xanh tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị kết hợp cải thiện vi khí hậu và có thể làm giảm khối lượng thoát nước mặt, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Các hồ đào (khai thác quỹ đất để san nền và xây dựng hồ điều hòa), thảm thực vật vườn ươm… bố trí tại đầu hướng gió chủ đạo, khu vực cửa ngõ đô thị.

Trong các khu ở tạo các không gian xanh ở khoảng trống giữa các khối xây dựng, không gian đó tạo được hướng nắng và hướng gió tốt, trồng cây xanh trong khuôn viên khu ở sẽ tham gia che mát trực tiếp cho công trình, đặc biệt giảm nhu cầu năng lượng làm mát và chiếu sáng cho các khu vực cao tầng, mật độ cao.

Sử dụng một số khu đất nông nghiệp đặc biệt trong phạm vi phát triển đô thị như các khu vườn ươm, vườn cây trái hoặc những thảm thực vật nông nghiệp giá trị đặc biệt. Tổ chức không gian xanh trong đô thị thường mang lại hiệu quả cải thiện điều kiện vi khi hậu cho đô thị, với đô thị có tỷ lệ cây xanh tối thiểu 10 – 20% diện tích đô thị có thể giảm 3,3 – 3,90C. Đô thị có tỷ lệ cây xanh đạt 20 – 50% diện tích đô thị có thể giảm 5 – 5,60C. Đô thị có 25% diện tích lớp phủ thực vật sẽ làm giảm tới 17 – 57% năng lượng làm mát do hiệu quả che bóng mát và làm ẩm.

Trong quy hoạch chung Đà Nẵng đã xác định “Đưa thiên nhiên gần gũi với con người”, áp dụng một loạt các chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”…. Đến năm 2020, chú trọng tăng diện tích cây xanh, không gian xanh đô thị, hợp lý về tỷ lệ và chủng loại cây và hoàn thiện hệ thống công viên theo định hướng quy hoạch, cải tạo chỉnh trang công viên hiện hữu. Phấn đấu đạt 9 – 10 m2/người vào năm 2020”. Để đạt được các tiêu chí trên, Đà Nẵng cần có những chính sách khuyến khích, trong thời gian từ nay đến 2020 cần có các quy định để Đà nẵng có thể tập trung phát triển cây xanh trong khu vực trung tâm đô thị, khuyến khích trồng cây trên mái nhà giảm cường độ bức xạ nhiệt đô thị.

image004

Phân vùng kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng (Nguồn: Viện QH Đà Nẵng).

Đô thị có môi trường sống tốt, thành phố bảo vệ môi trường và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu

 Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố sống tốt với các tiêu chí là người dân đô thị có điều kiện nhà ở, điều kiện sống tốt. Mạng lưới xã hội hình thành trong các cộng đồng hiện nay an ninh, an toàn, thân thiện, đồng thời tạo dựng các mối quan hệ mới trong các cộng đồng mới một cách thân thiện. Các dự án phát triển trong thành phố phải đảm bảo bảo vệ môi trường tự nhiên, đánh giá tính phù hợp cho phát triển của khu vực đó một cách khoa học, ngoài ra thành phố cần có nhiều nỗ lực để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với biến  đổi khí hậu.

Thành phố Đà Nẵng, đóng vai trò động lực của trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội  theo hướng phát triển bền vững, hiện đại, trong những năm tiếp theo, cần sớm chuyển hướng để phát triển đô thị theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thân thiện với môi trường; đô thị tiết kiệm năng lượng và đô thị sống tốt cho tất cả mọi người, trong đó có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo, sử dụng tài nguyên, đất đai có hiệu quả, kết nối cộng đồng tốt và thỏa mãn nhu cầu của người dân sống tại thành phố. Đồng thời cần tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị tăng trưởng xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường cũng như có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng tăng trưởng xanh – phát triển bền vững.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận 

Viện phó Viện NCĐT&PTHT – Tổng Hội XDVN

ĐT&PT số 74 – 75/2018

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …