Home / QUY HOẠCH / Phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững – góc nhìn từ quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị

Phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững – góc nhìn từ quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị

I. Đặt vấn đề

Thành phố Đà Nẵng là một trong những đô thị loại I của Việt Nam và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Diện tích đất liền: 979,88 km2 (chưa tính huyện đảo Hoàng Sa), dân số thành phố tính đến năm 2016 là 1.046.252 người, mật độ dân số 1067,7 người/km2, theo dự báo thì dân số khoảng 1,21 triệu người vào năm 2020 và đến năm 2030 đạt khoảng  2,5 triệu người. Thành phố Đà Nẵng gồm các khu đô thị tập trung với mật độ dân số    cao, khu vực nông thôn tương đối nhỏ, dân cư thưa và khu vực miền núi rộng lớn.  Khoảng 60% diện tích toàn thành phố là rừng, 28% là không gian xanh và không gian mở. Diện tích sử dụng đô thị (đất ở, kinh doanh/thương mại, công nghiệp, cơ quan…)  chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất tự nhiên.

Diện mạo đô thị Đà Nẵng từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997 cho đến nay đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Bên cạnh việc đầu tư các khu đô thị mới theo đúng quy hoạch đã được duyệt, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và cải tạo các khu đô thị cũ. Nhiều tuyến đường và các nút giao thông đã được cải tạo, mở rộng cùng với đầu tư xây dựng mới một số công trình giao thông trong khu vực nội đô đã góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị hiện trạng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại. Đồng thời, thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khác nhau cũng đã góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế khách quan là khu vực trung tâm thành phố đang chịu một áp lực ngày càng gia tăng về điều kiện hạ tầng do số lượng các tuyến đường làm mới không theo kịp với tốc độ tăng trưởng dân số. Số liệu thống kê cho thấy đến 2016, dân số Đà Nẵng đã là 1.046 nghìn người, trong đó gần 40% tập trung chủ yếu ở 2 quận Thanh Khê và Hải Châu (403.571 người). Mật độ đường cấp khu vực chỉ mới đạt từ 6,15-7,25 km/km2, còn thấp so với quy định (10,5 – 14,5 km/km2). Trong khi đó, nhu cầu đi lại trên địa bàn 2 địa phương này là rất lớn do đây là nơi tập trung nhiều hoạt động hành chính, thương mại – dịch vụ của thành phố.

Trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là khu vực trung tâm; tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính như các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh, 2 tháng 9, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Bạch Đằng,… xảy ra thường xuyên gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng cảnh quan đô  thị thành phố. Do vậy, nếu không có các chính sách nhằm cải thiện quy hoạch không   gian và sử dụng đất đô thị theo hướng tích hợp, hay các chính sách về quản lý giao  thông và nhu cầu giao thông phù hợp thì tình trạng ách tắc, an toàn giao thông của thành phố đang trở thành vấn đề nan giải và chính nó sẽ góp phần làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Theo dự báo, mạng lưới đường hiện trạng Đà Nẵng sẽ rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng trước năm 2020.

NBH

 II. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông và quy hoạch không gian ngầm thành phố Đà Nẵng

1. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng

Tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, phân bố không đều giữa các quận trung tâm và các quận ven. Tỷ lệ diện tích dành cho giao thông trung bình chỉ khoảng 4,2%, trong đó khu vực trung tâm là 10,3%. Mạng lưới đường phân bố không đều, chưa có hệ thống đường vành đai và xuyên tâm hoàn chỉnh để kết nối thuận lợi vùng ngoại ô với trung    tâm thành phố.

Tình trạng kỹ thuật của mạng lưới đường không đồng đều, một số tuyến có tiêu chuẩn hình học thấp và các chỉ tiêu khai thác chưa đạt yêu cầu. Quy mônhầu hết các tuyến đường trong nội đô còn nhỏ hẹp và chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại,  khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn nên ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ di chuyển  của các loại phương tiện giao thông.

Tỷ lệ đất dành cho đậu đỗ xe trong nội đô còn thấp, chỉ chiếm 0,2% diện tích đất đô thị và đáp ứng 2.6% nhu cầu; ô tô và xe máy đậu trên đường và vỉa hè đã lấn chiếm một phần làn đường và gây khó khăn cho người đi bộ.

2. Thực trạng quy hoạch, quản lý không gian đô thị và không gian ngầm

Trong những năm qua tốc độ đô thị hoá nhanh chóng tại thành phố Đà Nẵng đã và đang tạo ra áp lực lớn về hạ tầng, nhà ở, văn phòng, giao thông và không gian công cộng. Quỹ đất bề mặt của thành phố gần như cạn kiệt, không gian xanh, không gian    công cộng ngày một thu hẹp, do vậy việc phát triển đô thị phải hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả về chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị. Nhưng hiện nay, thành phố chưa thật sự quan tâm nhiều đến vấn đề không gian ngầm nên đã dẫn đến  nhiều bất cập trong việc phát triển không gian đô thị. Do chưa có quy hoạch tổng thể  cũng như các quy định về quản lý phát triển không gian ngầm nên khi triển khai nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình ngầm (ví dụ như các tuyến metro ngầm, bãi dỗ xe ngầm,…) đã và đang phát sinh hàng loạt các vấn đề về quy hoạch làm đau đầu các nhà tư vấn, các nhà quản lý đô thị cũng như các nhà đầu tư và khai thác.

Chúng ta cũng đều biết, quá trình xây dựng và phát triển các đô thị lớn trên thế giới đều liên quan đến sử dụng không gian ngầm và thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Quy hoạch xây dựng ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị, khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố để quy hoạch xây dựng ngầm. Việc chưa có quy hoạch không gian ngầm tức là thiếu một tầm nhìn tổng thể và vấn đề này đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý cũng như công tác đầu tư về không gian đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Do vậy, vấn đề đặt ra trước hết là không thể khai thác không gian ngầm một cách tùy tiện mà cần có quy hoạch, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu nhìn xa, trông rộng nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch xây dựng ngầm cho thành phố. Việc khai thác hợp lý không gian ngầm sẽ giúp sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nguồn vốn đầu tư và hướng đến việc phát triển đô thị bền vững.

III. Một số giải pháp phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững – góc nhìn từ quy hoạch không gian đô thị

1. Giải pháp về quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông đô thị

Sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa và dân số đô thị tăng nhanh chóng cùng với hiện trạng cơ sở hạ tầng, tình hình giao thông đô thị như hiện nay của thành phố sẽ không đáp ứng nhu cầu giao thông trong vài năm đến, ùn tắt nhất định sẽ xảy ra, điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội  của thành phố. Do vậy, để phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải thành phố,   cần tập trung nghiên cứu, xem xét một số giải pháp về quy hoạch như sau:

1.1 Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông, đảm bảo đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh phải đạt bình quân 15 – 20% đất đô thị.

1.2 Quy hoạch phát triển giao thông ngầm đồng bộ với quy hoạch phát triển không gian ngầm của thành phố nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất để xây dựng nhà ở, các công trình thương mại, dịch vụ và các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Lưu ý quy hoạch phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ tại khu vực các nhà ga của hệ thống VTCC khối lượng lớn (Metro, Tramway,…).

1.3 Áp dụng mô hình TOD (Transit – Oriented – Development: phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) trong quy hoạch phát triển đô thị, gắn kết với giao thông công cộng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ vận tải công cộng (GTCC), tăng cường phát triển các công trình thương mại, dịch vụ tại và quanh khu vực nhà ga nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, góp phần thu hút nhu cầu sử dụng, tăng lượng hành khách cho GTCC.

2. Giải pháp về quy hoạch, quản lý không gian đô thị và không gian ngầm

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, việc kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và công trình dưới mặt đất là để đô thị được phát triển hài hoà và bền vững. Có thể nói rằng, trong hoạt động xây dựng, cải tạo và phát triển đô thị, chúng ta luôn luôn cần có sự kết hợp giữa các công trình trên mặt đất và công trình được xây dựng dưới mặt đất. Việc sử dụng, khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai cũng như bố trí hợp lý các công trình dưới mặt đất sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống người dân và giúp sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất xây dựng đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công  trình phục vụ lợi ích công cộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình giao thông ngầm nhằm góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị. Xu hướng hiện nay là  quy hoạch và phát triển các không gian đô thị gắn liền với cơ sở hạ tầng và giao thông theo kiểu không gian ngầm hoặc trong lòng các công trình xây dựng quy mô lớn để sử dụng triệt để tiềm năng đất đai của một địa điểm nhằm tối đa hóa được không gian sử dụng, bảo đảm an toàn và thuận tiện hơn trong khai thác, sử dụng. Để khai thác và sử dụng hợp lý không gian đô thị, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất về công tác quy   hoạch và quản lý không gian ngầm và giao thông ngầm cho thành phố Đà Nẵng như    sau:

2.1 Trong quy hoạch xây dựng đô thị, các phương án về kết cấu đô thị và tổ chức phân khu chức năng cần phải kết hợp xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm và hướng sử dụng không gian ngầm theo các nguyên tắc ưu tiên tại trung tâm chính đô thị và các khu vực, các vùng dân cư tập trung và dọc các trục đường phố chính đô thị. Quy hoạch xây dựng ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa mạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và giá trị của công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.

2.2 Trong quá trình quy hoạch cũng như lập dự án đầu tư cần tính đến việc tạo ra một tính đa năng trong các dự án đầu tư công trình ngầm nhằm nâng cao giá trị công trình cũng như hiệu quả sử dụng. Ví dụ như khi quy hoạch các nhà ga của Metro trong tương lai nên là những công trình ngầm đa năng, kết hợp với trung tâm thương mại, nhà hàng, các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí. Hoặc như các công trình hầm ngầm đường bộ tại các nút giao thông hiện nay, nên đặt nó trong sự phối hợp với không gian trưng bày, văn hóa hay các siêu thị bán lẻ nhỏ dưới lòng đất.

2.3 Việc tạo ra sự kết nối, đấu nối giữa các khối công trình ngầm, các phân khu chức năng để tạo một không gian mở để tạo ra tính hệ thống, sự liên kết của không gian ngầm đô thị và tầm nhìn xa cho việc kết nối với các công trình ngầm trong tương lai cần đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển và trong công tác quy hoạch. Cần chú ý đến việc đấu nối về không gian giữa công trình dưới lòng đất với các công trình liên quan và hệ thống giao thông phía trên, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, đảm bảo khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị.

Trên đây là một số vấn đề về định hướng phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững cho thành phố Đà Nẵng – góc nhìn từ quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị mà chúng tôi xin được trao đổi cùng quý vị. Hy vọng rằng, những ý kiến của chúng tôi cùng với những ý kiến khác tại hội thảo sẽ sớm được đề xuất, trình bày với các cơ quan chức năng để góp phần đưa hoạt động quy hoạch, quản lý phát triển không gian, công trình ngầm đô thị của thành phố Đà Nẵng có thêm những bước tiến mới, hướng đến việc xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển hài hòa giữa không gian mặt đất với không gian ngầm, trở thành một đô thị thực sự văn minh, hiện đại.

Sở Giao thông – Vận tải Đà Nẵng

ĐT&PT số 74 – 75/2018

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …