Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Môi trường văn hóa đô thị với văn hóa giao thông

Môi trường văn hóa đô thị với văn hóa giao thông

  Các nhà lý luận và thực tiễn quản lý đô thị đã đưa ra nhiều khái niệm và định nghĩa về văn hóa đô thị song đều có một điểm chung là văn hóa đô thị biểu hiện ở lối sống, nếp sống của cư dân đô thị, ở quan hệ ứng xử của cá nhân với cộng đồng. Môi trường văn hóa đô thị chính là sự tổng hòa của lối sống. Nếu khái niệm môi trường văn hóa đô thị được đặc trưng bởi lối sống đô thị thì khái niệm văn hóa giao thông được hiểu là ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội khi tham gia giao thông.

     Sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù là thành phố lớn thứ hai của miền Nam nhưng vùng đô thị của Đà Nẵng vẫn tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu, Trung tâm Hành chính của thành phố hiện nay. Thanh Khê, Sơn Trà vẫn là vùng ngoại ô, Hòa Vang là huyện thuần nông rộng lớn mà khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộcTrung ương đã chia tách hình thành nên các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ. Người nông dân sau một đêm ngủ dậy đã trở thành thị dân. Chính vì vậy trình độ văn hóa đô thị ở Đà Nẵng không đồng đều trên các địa bàn; cư dân vùng đô thị lâu đời có nếp nghĩ, lối sống khác với cư dân vùng mới đô thị hóa, nơi mà văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn đang có sự giao thoa, nơi mà văn hóa đô thị mới hình thành trong phần lớn bộ phận thị dân mà mới hôm qua đây là nông dân với nếp nghĩ, lối sống của văn hóa nông thôn. Sau hai mươi năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, xây dựng văn hóa đô thị, văn minh đô thị trong cán bộ và nhân dân thành phố là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng con người Đà Nẵng mới. Đặc biệt, liên tiếp trong 2 năm 2015 và 2016, với chủ đề là “Năm văn hóa văn minh đô thị”, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành chỉ thị số 43-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị” đã tỏ rõ quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố trong thực hiện mục tiêu này.

    Bất cứ đô thị nào cũng có những đặc trưng của riêng mình nhưng có 2 đặc trưng quan trọng nhất của đô thị hiện đại là .giao thông và truyền thông. Trong đó giao thông đã trở nên một đặc trưng cực kỳ quan trọng. Văn hóa giao thông là một thành tố quan trọng của văn hóa đô thị, nếu không muốn nói là thành tố then chốt. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà văn phương Tây nói rằng cứ nhìn cách đi lại của người dân trên đường phố thì ta sẽ biết được trình độ văn hóa của cư dân thành phố ấy. Theo cách nghĩ này, để đánh giá văn hóa đô thị của một thành phố thì có thể đánh giá qua văn hóa giao thông của cư dân thành phố ấy. Câu nói của nhà văn phương Tây có thể không hoàn toàn đúng khi đánh giá về văn hóa đô thị của một địa phương nhưng có thể khẳng định một điều là văn hóa giao thông là thành tố quan trọng của văn hóa đô thị, là tiêu chí, là thước đo khẳng định trình độ văn hóa đô thị, là bộ mặt của văn hóa đô thị.

IMG_5700_c

IMG_5681_c
Các nhà lý luận và thực tiễn quản lý đô thị đã đưa ra nhiều khái niệm và định nghĩa về văn hóa đô thị song đều có một điểm chung là văn hóa đô thị biểu hiện ở lối sống, nếp sống của cư dân đô thị, ở quan hệ ứng xử của cá nhân với cộng đồng. Môi trường văn hóa đô thị chính là sự tổng hòa của lối sống. Nếu khái niệm môi trường văn hóa đô thị được đặc trưng bởi lối sống đô thị thì khái niệm văn hóa giao thông được hiểu là sự ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông để lập nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh thân thiện và hiệu quả, như định nghĩa của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Văn hóa giao thông là biểu hiện bằng hành vi ứng xử đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông”. Mối quan hệ giữa môi trường văn hóa đô thị với văn hóa giao thông là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại. Văn hóa giao thông đạt được tiêu chí đúng, đẹp, thiện khi và chỉ khi môi trường văn hóa đô thị đề cao và tuân theo cái đúng, cái thiện và cái đẹp (chân, thiện, mỹ) trong lối sống của thị dân và trở thành nếp sống.

    Sau nhiều năm thực hiện chủ trương xây dựng văn hóa và văn minh đô thị, diện mạo của Đà Nẵng đã dần mang dáng dấp của một thành phố văn minh, hiện đại song so với yêu cầu thì: “Công trình thiết chế văn hóa còn thiếu…Văn minh đô thị chuyển biến chậm, có mặt còn bức xúc…Tình hình trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp” (1).

     Để khắc phục những mặt còn hạn chế của văn hóa đô thị hiện nay và để văn hóa giao thông trở thành bộ mặt của văn hóa đô thị thì phải xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh theo một số hướng chủ yếu sau đây:

  1.  Nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm xây dựng văn hóa đô thị trong đó có văn hóa giao thông; hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông (ATGT) của công dân thành phố.

    Thông qua công tác giáo dục và truyền thông, làm cho mọi công dân thành phố có hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ATGT. Sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức sẽ hình thành ý thức tự giác và trách nhiệm chấp hành đúng pháp luật về ATXH, ATGT. Một khi ý thức luôn hiện hữu thì sẽ chi phối và quyết định hành vi tham gia giao thông đúng đắn trong mọi tình huống, hình thành nét đẹp của văn hóa giao thông, văn hóa đô thị.

    Vai trò của giáo dục trong hình thành nét nhân cách này là rất quan trọng. Cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc giáo dục pháp luật về ATGT thông qua bộ môn giáo dục công dân trong trường học ở tất cả các bậc học. Thật thú vị khi các bậc phụ huynh có hành vi vi phạm luật ATGT (vượt đèn đỏ) khi tham gia giao thông mà người nhắc nhở lại là chính con em mình chứ  không phải là CSGT. Nội dung giáo dục về ATGT để hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT cũng cần được biên soạn phù hợp và tổ chức bài dạy hấp dẫn với các lứa tuổi của các bậc học từ mầm non đến đại học, không phổ biến một cách xơ cứng các điều khoản khoản của Luật Giao thông. Cần kết hợp khéo léo giữa hình thức nêu gương và xử phạt trong nhà trường trong đó chú trọng, đề cao biện pháp nêu gương, tuyên dương, động viên những học sinh sinh viên có hành vi ứng xử và chấp hành tốt luật ATGT. Thực tiễn công tác giáo dục về ATGT ở các trường học cho thấy hiệu quả cao của biện pháp này. Việc kiên trì dành cả 12 năm bậc phổ thông giáo dục về

(1): Trích Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP khóa XX tại Đại hội ĐB Đảng bộ TP lần thứ XXI, NK 2015-2020

    ATGT, về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông ở nhiều nước trên thế giới đã mang lại hiệu quả rõ rệt là bài học để chúng ta tin tưởng rằng việc triển khai chương trình giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên về nội dung quan trọng này một cách sáng tạo và nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả.

     Việc giáo dục pháp luật về ATGT cho người lớn cần được thực hiện thông qua các chuyên đề giáo dục tại các Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã phường, thông qua các phương tiện truyền thông. Theo quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, xây dựng cả nước và từng địa phương trở thành xã hội học tập được đẩy mạnh. Năm 2015 và 2016, UBND thành phố đã ban hành các quyết định 9840/QĐ-UBND và 1178/QĐ-UBND để triển khai nhân rộng các mô hình học tập ở cơ sở và đây là cơ hội để đưa nội dung quan trọng này vào nội dung học tập của toàn dân.

    Truyền thông cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục, định hướng trong quản lý giao thông và văn hóa giao thông, xây dựng môi trường văn hóa đô thị. Các kênh truyền thông cần dành thời lượng phát sóng và trang báo thích đáng cho tuyên truyền phổ biến pháp luật, thực thi pháp luật, văn hóa văn minh đô thị; thực hiện cả hai biện pháp nêu gương và phê phán, không chỉ đối với người tham gia giao thông mà cả cơ quan quản lý Nhà nước và giám sát việc thực thi pháp luật về giao thông.

    Một điều cũng cần lưu ý là cho dù luật pháp về an toàn giao thông và văn minh đô thị có bao quát đến đâu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội đô thị song cũng không thể điều chỉnh hết các hành vi ứng xử sai trái phát sinh trong quan hệ giữa người dân với nhau khi tham gia giao thông. Một bà cụ đang đi bộ trên lề đường, sát lòng đường vì lề đường phía trong bị lấn chiếm thì bị một thanh niên đi xe máy lạng lách va phải vai té ngã trên lề đường, đã buông lời trách thanh niên ấy. Thay vì nhận được lời xin lỗi thì bà lặng người đi vì tiếng chửi thề và câu nói: “Không chết là may!”. Ai sẽ xử lý hành vi ứng xử sai trái này và chắc là sẽ không đủ nhân lực cho xử lý hành vi này trên khắp địa bàn thành phố. Truyền thống đạo đức tôn trọng người cao tuổi không tha thứ cho hành vi ứng xử ấy. Chính giáo dục và truyền thông có sứ mệnh cao cả trong tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử này, trong giáo dục đạo đức công dân đô thị.

  1. Xây dựng nếp sống “thượng tôn pháp luật” của người Đà Nẵng trong đó có việc thượng tôn pháp luật về an toàn giao thông, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.

     Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển thành phố sau khi đất nước thống nhất và đặc biệt sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành quả. Thành tựu lớn nhất theo nhận định của Lãnh đạo thành phố và cũng là đánh giá của Lãnh đạo Trung ương là “được lòng dân”(2). Sự đồng thuận của nhân dân đã trở thành nét văn hóa và “chính sự đồng thuận ấy là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố” (3).

    (2): “Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và phát biểu của đồng chí Nguyễn Bá Thanh,  Bí thư Thành ủy tại Lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/2010):  Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”.

    (3): Phát biểu của đồng chí Nguyễn Bá Thanh,  Bí thư Thành ủy Đà Nẵng  tại Lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng

    Đã có hơn 100.000 hộ dân, chiếm ¼ số hộ dân thành phố đã đồng thuận với chủ trương di dời giải tỏa để chỉnh trang đô thị và thực hiện các dự án xây dựng phát triển đô thị. Cơ sở để tạo được sự đồng thuận của nhân dân chính là nhờ có những chính sách đúng đắn của thành phố liên quan đến quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”… Bài học về sự đồng thuận là sự minh bạch, công khai, công bằng, công tâm trong thực thi chính sách, là sự khéo kết hợp giữa mệnh lệnh hành chính với công tác dân vận, là kết quả của kiên trì thuyết phục và kiên quyết thực thi pháp luật, là thành quả của phát huy dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện kỷ cương pháp luật. Đây là thuận lợi lớn để xây dựng nếp sống “thượng tôn pháp luật” của người Đà Nẵng trong đó có việc thượng tôn pháp luật về an toàn giao thông.

    Kinh nghiệm quản lý các đô thị hiện đại trên thế giới cho thấy quản lý bằng pháp luật một cách nghiêm minh là một yêu cầu tất yếu để phát triển đô thị. Trong một xã hội phương Đông nặng “duy tình” thì cần phải đổi mới tư duy và phong cách quản lý theo hướng phải quản lý đô thị bằng pháp luật và thực thi pháp luật nghiêm minh cả trong nhân dân và cán bộ, khắc phục bệnh cả nể, duy tình trong xử lý vi phạm đồng thời cũng lưu ý rằng xử phạt cũng nhằm mục đích răn đe, giáo dục.Quản lý đô thị là sự kết hợp giữa cái đúng, cái đẹp và cái thiện trong đó cái đúng của pháp luật là cơ sở trung tâm trong quản lý đô thị.

  1. Gắn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch phát triển giao thông đô thị trên cơ sở dự báo khoa học về sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông

      Văn hóa giao thông có quan hệ mật thiết đến các yếu tố: hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, quản lý giao thông, nhận thức của người tham gia giao thông, nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách, nhịp sống đô thị, tập quán đô thị, mức sống đô thị…. và đặc biệt quan hệ đến dân số đô thị.

    Đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng được người Pháp xây dựng thành một đô thị theo kiểu phương Tây. Nhiều năm liền trong thập niên 40 của thế kỷ 20, dân số Đà Nẵng ổn định ở con số 25.000 dân, tăng lên 30.000 vào năm 1950; 6 năm sau, tăng gấp 3 lần, lên con số 96.000 dân vào năm 1956. Chiến tranh lan rộng, người dân vùng nông thôn của Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã đổ dồn về cư trú tại Đà Nẵng đã làm gia tăng dân số Đà Nẵng lên 190.000 dân vào năm 1966. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, dân số Đà Nẵng tăng lên 363.000 dân vào năm Mậu Thân 1968. Cùng thời điểm này dân số huyện Hòa Vang là 142.000 dân. Như vậy, tổng dân số cư trú trên địa- bàn- Đà -Nẵng -hiện -nay ở thời điểm năm 1968 là trên 500.000 dân, bằng ½ dân số hiện nay (chưa kể dân số vãng lai là công nhân tại các khu công nghiệp và sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng đến học tập và làm việc từ các địa phương khác). Sự biến động tăng cơ học dân số Đà Nẵng là vấn đề cần được nghiên cứu song một khả năng chắc chắn là Đà Nẵng sẽ tiếp tục gia tăng dân số trong những năm tới bởi sự thu hút của một thành phố được mệnh danh là thành phố an bình và đáng sống.

      Mặc dù hạ tầng giao thông Đà Nẵng đã có sự phát triển ngoạn mục với hệ thống cầu, đường giao thông phủ khắp các địa bàn và nhất là qua sông Hàn (làm nên tên gọi Đà Nẵng, thành phố của những cây cầu) song cùng với sự gia tăng dân số là sự gia tăng bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân (xe máy, ô tô) trong bối cảnh phương tiện giao thông công cộng còn nhiều yếu kém đã làm xuất hiện tình trạng tắc đường cục bộ giờ cao điểm ở một số điểm, nút giao thông. Thực tiễn tham gia giao thông ở các thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy một khi giao thông hỗn loạn thì văn hóa giao thông sa sút (gây gỗ khi va chạm, chạy xe như cướp đường, bóp còi xe inh ỏi, khạc nhổ vứt rác xuống đường, chạy xe trên lề đường giành lấn phần đường của người đi bộ…)

IMG_3306_c

xehay-antgt-2803201702_c    Đã đến lúc phải tập trung nghiên cứu khả thi xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ để phát triển các loại hình giao thông công cộng phù hợp cho phát triển KT-XH thành phố (giao thông ngầm, trên cao; cầu vượt, bãi đậu xe..), có lộ trình giảm dần phương tiện giao thông cá nhân nhất là xe máy trong nội thành, ở một số tuyến đường đông đúc. Phải gắn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch phát triển giao thông đô thị trên cơ sở dự báo khoa học về sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông.

    Một điểm cũng cần lưu ý là phải đảm bảo tính nhân văn trong xây dựng các công trình giao thông và phương tiện giao thông công cộng: phục vụ cho mọi công dân một cách bình đẳng trong đó có lưu ý phục vụ người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai (vạch đi cho người khiếm thị trên lề đường, lối lên xuống xe, chỗ ngồi ưu tiên trên xe…). Dành sự ưu tiên khi tham gia giao thông cho người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai là nét văn hóa giao thông cần được xây dựng thành nền nếp.

  1. Nâng cao năng lực quản lý đô thị và năng lực quản lý văn hóa đô thị

     Chủ thể quản lý đô thị và quản lý văn hóa đô thị là các cơ quan Nhà nước. Nâng cao năng lực quản lý đô thị và năng lực quản lý văn hóa đô thị chính là nâng cao năng lực của đội ngũ Lãnh đạo và quản lý đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, văn bản quy phạm pháp luật được cụ thể hóa trên địa bàn, phương pháp và tác phong quản lý… trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất.

    Một đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, hết lòng vì công việc phục vụ nhân dân chắc chắn sẽ quản lý tốt đô thị. Văn hóa quản lý đô thị là nội dung cần được bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phát huy môi trường văn hóa lành mạnh tạo điều kiện cho văn hóa giao thông ăn sâu, cắm rễ bền vững trong mọi công dân thành phố. Một đội ngũ có tâm, có tầm sẽ sớm phát hiện những bất cập trong những quy định về quản lý đô thị, quản lý giao thông và góp phần đề xuất hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp về quản lý đô thị, quản lý giao thông.

    Cần ứng dụng tiến bộ KHKT vào quản lý giao thông đô thị. Thực tiễn quản lý giao thông ở các nước phát triển cho thấy chính phương tiện quản lý hiện đại đã góp phần nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về giao thông. Qua các đường giao nhau ở các thành phố châu Âu, ta thấy lái xe luôn tuân thủ dừng xe nghiêm túc khi đèn đỏ cho dù đường phố vắng không một bóng người qua lại. Ý thức chấp hành luật giao thông đã thành nếp văn hóa nhưng cũng có việc sợ bị phạt vì có camera ghi hình. Đà Nẵng đang tiến hành lắp đặt camera trên khắp các tuyến đường thành phố để quản lý giao thông là hướng đi đúng trong xây dựng văn hóa văn minh đô thị.

     Hiện nay, cùng với cả nước, thành phố chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Quá trình đô thị hóa đã và đang làm chuyển biến sâu sắc môi trường sống đô thị, tác động đến cuộc sống từng gia đình nhất là nhân dân vùng quy hoạch chỉnh trang đô thị. Hôm qua là người nông dân gắn bó công việc với đồng áng, với vườn rau, ao cá trước nhà, với con heo, đàn gà sau nhà nhưng hôm nay, sau chỉnh trang quy hoạch, là thị dân, không còn là nông dân nữa mà làm công việc dịch vụ thì sẽ phải thích ứng với một lối sống khác, sẽ phải thay đổi không chỉ tập quán sản xuất mà cả tình cảm, tư tưởng, lối sống, nếp sống theo hướng văn minh đô thị. Chúng ta đang xây dựng môi trường văn hóa đô thị cho nhân dân vùng đô thị hóa để dần thay thế những điểm không còn phù hợp của văn hóa nông thôn trong mỗi người dân ở đó; trong đó có văn hóa giao thông đô thị. Tất nhiên, việc xây dựng môi trường văn hóa đô thị phải trên cơ sở kế thừa lối sống, nếp sống tốt đẹp của văn hóa truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc lối sống văn minh nhân loại. Xây dựng Đà Nẵng- “thành phố 4 an” trong đó có an toàn giao thông là chủ đề công tác năm 2017, chính là tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh để Đà Nẵng thực sự xứng danh là thành phố an bình, đáng sống. Hy vọng rằng, trình độ văn hóa giao thông cũng chuyển biến theo thành quả của “thành phố 4 an” và tiệm cận với tiêu chí chân, thiện, mỹ (cái đúng, cái thiện, cái đẹp).

Trần Đình Liễn

ĐTPT số 67/2017

 

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …