Ngày 01.01.1997, Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Thị xã Tam Kỳ được chọn là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Đầu năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2005/NĐ-CP về chia tách thị xã Tam Kỳ thành hai đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, và sau đó được công nhận là đô thị loại III. Ngày 29.9.2006, được chính phủ ban hành Nghị định số 113/NĐ-CP về thành lập thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam, bao gồm 9 phường, 4 xã với diện tích gần 100km2, dân số khoảng 12 vạn người. Trong lòng thành phố có năm dãy núi đất và bốn con sông: Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch và sông Đầm. Có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam đi qua và hình thành các khu công nghiệp: Thuận Yên – Trường Xuân (250 ha), Tam Thăng (300 ha) … Sự ra đời của thành phố Tam Kỳ là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với các thế hệ người Tam Kỳ cũng như đối với người Quảng Nam; đánh dấu bước phát triển mới về chất, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của vùng đất và con người Hà Đông xưa và mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng của thành phố Tam Kỳ trong tương lai.
Qua 15 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban hành của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tam Kỳ đã khai thác mọi tiềm năng, lợi thế và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức độ khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt hơn 15,12%; tỷ trọng ngành TM-DV chiếm 58,15%; công nghiệp chiếm 37,77%; nông nghiệp chiếm 4,07%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm trên 20%, đến năm 2011 đạt trên 630 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đến năm 2011 đạt trên 1.320 USD. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị đạt được nhiều kết quả, hạ tầng về điện, cấp thoát nước, giao thông, cây xanh đô thị, hồ điều hòa cùng với các cơ sở dịch vụ – thương mại, giáo dục, y tế,… góp phần tăng cường hạ tầng và cảnh quan đô thị. Đặc biệt là tập trung xây dựng các công trình đường giao thông, kè sông, kè biển Tam Thanh và Trung tâm thương mại Tam Kỳ.
Công tác văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, giải quyết việc làm bình quân hằng năm gần 4.000 lao động/ năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2011 khoảng 48% so với tổng số lao động; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 giảm còn 6,78%. Có 12/13 trạm Y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia. Có 08 xã, phường hoàn thành công tác PCGD bậc trung học và 21/37 trường đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền ngày càng được đổi mới về nội dung và hình thức đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những tồn tại như kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự vững chắc, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của thành phố tỉnh lỵ; chưa thu hút và hình thành được các doanh nghiệp có quy mô lớn tạo chuyển biến đột phá cho phát triển kinh tế. Hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, vấn đề thoát nước, vệ sinh môi trường, cảnh quan và trật tự đô thị. Đội ngũ cán bộ công chức còn một bộ phận chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ. Cải cách hành chính còn chậm. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, nếp sông văn hóa văn minh chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đô thị.
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là vô cùng to lớn nhưng những thách thức đạt ra cho thành phố Tam Kỳ, đòi hỏi sự quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân mới có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố Tam Kỳ giàu đẹp – văn minh – hiện đại. Để Tam Kỳ xứng đáng là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh Quảng Nam, cần tập trung xúc tiến đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Tam Kỳ thật sự trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh. Hoàn thiện công tác quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng mở rộng không gian đô thị về phía Đông và Đông Nam, gắn kết với sự phát triển của Khu Kinh tế mở Chu Lai, phát huy những tiềm năng, lợi thế của các dòng sông và biển Tam Thanh để xây dựng thành phố theo định hướng đô thị sinh thái biển. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư để phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ. Chú trọng phát triển CN-TTCN và tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp – đô thị. Quy hoạch để hình thành các khu vực chuyên canh nuôi trồng thủy sản, rau sạch, hoa cây cảnh, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản suất nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển đô thị.
Hai là: Tập trung hoàn thành các công trình hạ tầng chỉnh trang đô thị một cách đồng bộ theo quy định hướng đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015 là đô thị hạt nhân của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh những hạng mục công trình trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và cảnh quan đô thị như: đường Điện Biên Phủ, cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2, N10, Bạch Đằng, các khu công nghiệp Tam Thăng, Thuận Yên, Trường Xuân II, chợ, Trung tâm thương mại, các khu đô thị mới… Triển khai các dự án xây dựng nhà ở và khu dân cư cho người thu nhập thấp, phối hợp để xây dựng các KDC, chung cư cho công nhân, sinh viên. Chú trọng thúc đẩy các công trình hạ tầng kinh tế có vai trò đòn bẩy trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Ba là: Tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị, nâng cao đời sống tinh thần. Tạo điều kiện hình thành thêm các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề trên địa bàn. Tiếp tục chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Hoàn thành công tác phổ cập bậc trung học ở các xã, phường. Phát triển khoa học công nghệ, nhất là ở những lĩnh vực thông tin – truyền thông, môi trường, trồng trọt và chế biến hải sản. Phát triển mạnh và đều khắp phong trào thể thao quần chúng. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chống tái nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các đối tượng chính sách, người có công. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo, trung tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh và khu vực.
Bốn là: Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ gắn với thế trận lòng dân và xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Tiếp tục kiện toàn, củng cố, sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị và năng lực. Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ thành phố đến cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh, bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm là: Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát huy mạnh mẽ vai trò các đoàn thể chính trị xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể.
Sáu là: Tập trung huy động mọi nguồn lực, đảm bảo tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Mở rộng quan hệ với các đơn vị hiệp hội đô thị, thành phố kết nghĩa, tổ chức tài chính tín dụng, Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai,… nhằm huy động nguồn vốn đầu tư. Tiếp tục huy động có hiệu quả nguồn ODA từ WB, ADB, AFD để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Thu hút những doanh nghiệp lớn có thương hiệu và năng lực tài chính đầu tư vào những công trình trọng điểm, tạo nên sự đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế thành phố. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
Để Tam Kỳ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến là nhiệm vụ hết sức quan trọng thể hiện được ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân trong việc xây dựng thành phố Tam Kỳ đạt các tiêu chí của đô thị loại II. Điều này đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân thành phố Tam Kỳ phải ra sức lao động, học tập, sáng tạo kể cả việc phải hy sinh nhựng lợi ích riêng tư để cùng bắt tay vào xây dựng thành phố. Chúng ta tin tưởng rằng với thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ đoàn kết chung lòng quyết tâm xây dựng thành phố Tam Kỳ ngày càng văn minh, hiện đại góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ – văn minh.
Nguyễn Văn Lúa
Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
ĐTPT số 37/2012