Các di sản kiến trúc đô thị cần được bảo tồn, cải tạo và nâng cấp để trở thành những thành phần vừa quý hiếm lại vừa bình đẳng trong cơ thể đô thị hiện đại.
1 . Các đô thị cũ đều có những tích lũy lớn nhỏ. Tích lũy vật chất là quỹ kiến trúc đô thị. Tích lũy tinh thần là truyền thống lịch sử và văn hóa, là nếp sống thị thành. Quỹ kiến trúc đô thị không được tiếp tục sử dụng là một sự phí phạm. Sử dụng mà không tái tạo, nó thành ứ tồn lịch sử, không chung sống cùng cơ thể đô thị hiện đại. Quỹ tinh thần mà không tinh gạn và kế thừa, thì chẳng khác gì tự chặt rễ. Đô thị đánh mất đi cái hồn cùng cốt cách, tạo nên bởi thời gian và sự cộng sinh.
Đô thị, hễ gián đoạn với dĩ vãng, là đánh mất chỗ dựa và bộ nhớ. Quỹ kiến trúc đô thị và quỹ giá trị tinh thần là những di sản, chứ không phải là di tích. Chúng không cần lưu giữ nguyên vẹn. Những di sản đô thị, vật chất và tinh thần, không thể và vô nghĩa nếu đặt vấn đề “di tích hóa”, “bảo tàng hóa”. Chúng chỉ có ý nghĩa khi tiếp nối dòng chảy tự nhiên của mỗi đô thị trên lộ trình bảo tồn – sàng lọc – thích ứng, góp phần tạo nên những tích lũy trong sự tiến hóa không ngừng của đô thị.
2 . Với những lý do lịch sử, những tích lũy đô thị ở ta chưa hẳn có niên đại xa xưa, chưa hẳn đã đồ sộ, càng chưa hẳn đã tráng lệ. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng kém phần đặc sắc. Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, TP.HCM, Đà Lạt sở hữu những vốn liếng đô thị tương đối lớn. Nhiều đô thị khác, nhỏ hơn về quy mô và sở hữu những cơ ngơi khiêm nhường hơn từ dĩ vãng, vẫn khá đặc sắc, với sự song tồn dung dị và sinh động hôm qua và hôm nay.
Hà Nội sở hữu những di chỉ khảo cổ học đồ sộ của nền văn minh đô thị Việt, khu 36 phố phường, các làng cổ trong đô thị, các khu phố xây dựng thời thuộc địa, những khung cảnh thiên nhiên đô thị hóa theo cách riêng cùng nếp sống – nếp làm ăn cũ, chưa hẳn phai mờ.
Huế sở hữu cơ ngơi đồng bộ của một kinh đô và thị thành Việt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, với phức hợp di sản kiến trúc cung đình với cấu trúc đô thị chưa bị suy suyển và các loại hình kiến trúc phong phú. Đặc sắc hơn cả là nhà vườn và các công trình tín ngưỡng, với một khung cảnh tạo nên bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa đô thị và thiên nhiên. Chỉ Huế, nơi duy nhất hầu như ít biến đổi, lối sống cân bằng các quan hệ gia đình – dòng tộc, con người – cộng đồng, cuộc sống thực tại và cuộc sống tâm linh.
TP.HCM sở hữu quỹ kiến trúc đô thị từ nửa sau thế kỷ XIX, tuy biến đổi lớn và tương phản, vẫn dễ dàng nhận biết hôm nay. Khu Chợ Lớn là một Chinatown (phố Tàu) còn bảo lưu các quỹ kiến trúc đô thị, nếp sống và nếp làm ăn sinh động. Có lẽ, Chợ Lớn là cấu trúc đô thị dạng Chinatown hiếm hoi không chỉ ở Việt Nam. Không kém phần nổi trội là tinh thần và lối sống đặc trưng Nam Bộ của cư dân đô thị hóa luôn bồi đắp bởi cái tính “mở” đặc biệt của thành phố này.
Đà Lạt ngay từ đầu quy hoạch là nơi nghỉ mát – nghỉ dưỡng và phát triển nửa thế kỷ với tư cách ấy. Nhờ vậy, hình thành cả một quỹ kiến trúc phong phú, đặc sắc, mang hình ảnh từ đâu đó đến, mà lồng ghép không thể khéo hơn vào thân thể thiên nhiên.
Ở ta, có đô thị sở hữu những di sản đô thị, như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Có đô thị là đô thị – di sản, như Huế.
3. Nhu cầu và đà phát triển của đô thị hiện đại luôn kéo theo sự đào thải, chẳng riêng gì cái cổ và cái cũ, mà ngay cả cái của ngày hôm trước. Dù vậy, cuộc đời của mỗi người và của toàn xã hội bao giờ cũng gồm 3 thì thời gian. Quá khứ hiện hữu ở dạng tàn dư, nổi và ngầm, đọng và chảy, tinh hoa và tàn tích. Cái gì đời cần, còn phù hợp với đời, sẽ tự nhiên tìm ra cách thức duy trì và tiếp nối. Ta chỉ có thể chủ động phần nào. Với quỹ kiến trúc đô thị và quỹ giá trị văn hóa – tinh thần, trong ứng xử có mức độ chủ động khác nhau.
Các di sản kiến trúc đô thị cần được bảo tồn, cải tạo và nâng cấp để trở thành những thành phần vừa quý hiếm lại vừa bình đẳng trong cơ thể đô thị hiện đại. Cải tạo là cái mắt xích đảm bảo cho sự phát triển tiếp nối có cũ có mới, có quen có lạ, có cái riêng và cái chung.
Có những phố cổ mà ta cần duy trì những căn nhà có giá trị điển hình, duy trì cấu trúc không gian phố thị, nâng cấp diện mạo đường phố đặc trưng, tiện nghi hóa quỹ kiến trúc nhà ở, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật. Và trong mức độ khả thi, cần duy trì các hình thức sản xuất và kinh doanh truyền thống. Điều kiện tiên quyết để kiến trúc đô thị cũ sống được và sống bình đẳng với cơ chế bung ra của đô thị mới, là sự điều tiết không gian và hình thái kiến trúc, thực thi bởi những cơ chế quản lý vừa uyển chuyển lại vừa quyền lực.
Đối với quỹ giá trị tinh thần của đô thị, thì cách ứng xử có phần khác. Sự kế thừa chỉ có khi chúng ta thừa nhận những nhu cầu phát triển tự nhiên, kể cả đột biến của cuộc sống, của xu thế cái mới áp đảo cái cũ. Những gì ta chủ động được trước tiên là nhận ra và nói ra cho được tinh hoa và giá trị của truyền thống, nâng niu và quảng bá chúng. Khơi dòng cho dĩ vãng chảy vào hiện tại. Lối sống và tính cách con người là 2 nhân tố có nhiều sức sống, đảm bảo cho sự tiếp nối dòng truyền thống đô thị. Sự bài xích cái mới và cái lạ thường ít hữu hiệu trong nỗ lực duy trì bản sắc. Những khẩu hiệu treo đầu ngõ lại càng không.
Di sản thuộc về dĩ vãng. Truyền thống là mạch sống nối dĩ vãng với hôm nay. Truyền thống cài đặt tự nhiên trong thể cứng của kiến trúc, trong thể mềm của văn hóa đô thị.
Thế hệ chúng ta đang đứng ở chặng đầu công cuộc phát triển thịnh vượng chưa từng thấy của văn minh đô thị. Cùng với đầu tư vật chất và công sức, chúng ta khơi và thúc dòng chảy tự nhiên của văn minh thành thị.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (*)
ĐTPT số 38/2012
(*) Giáo sư Hoàng Đạo Kính là kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc. Ông là Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, trực tiếp chủ trì, tham gia thực hiện hàng chục dự án trùng tu và tôn tạo di tích ở Hà Nội, Hội An, Huế, Mỹ Sơn…