Biến đổi khí hậu (BĐKH), băng tan, nước biển dâng không còn là nguy cơ, không còn là mối đe dọa mà thực chất đã và đang tàn phá đất nước ta.
Nguyên nhân làm biến đổi khí hậu đâu phải chỉ tại riêng nhân dân ta, có chăng chỉ là rất ít so với các nước khác, bởi nước ta đâu đã phải là đất nước công nghiệp, khí thải ra đâu đã nhiều. Cả thế giới này gây ra khí thải nhà kính. Các nước phương Tây gây ra nhiều nhất, nhất là ở Thế kỷ XVIII, XIX, XX và gần đây nhất là ông bạn láng giềng khổng lồ ở phía Bắc của chúng ta cũng đã xả ra lượng khí thải khổng lồ không kém. Vậy mà chỉ một mình chúng ta phải hứng chịu, nếu như không muốn nói là chịu đựng nhiều nhất.
Khí hậu Trái đất nóng lên làm băng tan và nước biển dâng lên, trong khi đó lại không mưa, hạn hán, đồng ruộng nứt nẻ, nước sông khô cạn, không còn nguồn chảy ra biển, nước biển tràn vào, thế là xâm nhập mặn. Nước sông không chảy ra biển một phần cũng vì nó đã bị chặn lại để làm thủy điện, các hồ chứa đã tích nước sông lại, vậy đâu còn nước chảy ra sông?!
Hiện nay, ở đất nước ta, hạn hán chủ yếu là vùng Tây Nguyên, xâm nhập mặn chủ yếu là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê đã có gần 20 tỉnh ở Miền Nam bị xâm nhập mặn, có những nơi xâm nhập mặn đã kéo dài tới 60km tính đến bờ biển.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ (tính đến tháng 2-2016) thì hiện đã có 86.000ha bị thiệt hại trên 70% năng suất, có nơi mất trắng, 43.000ha bị thiệt hại từ 30-70%. Có khoảng 155.000 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Để đối phó với BĐKH các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp cho từng địa phương như đắp đê ngăn mặn, tạo hồ chứa nước ngọt, tách bạch giữa nước sông với nước biển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết đa ngành, thực thi chương trình lồng ghép phát triển… Những giải pháp này đều phải được tính toán, phân tích kỹ lưỡng bởi những mặt ưu mặt khuyết của từng giải pháp.
Chính phủ, các Bộ ngành đã vào cuộc. Đích thân Thủ tướng đã chủ trì họp và chỉ đạo các biện pháp thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lời cảnh báo: Từ đây đến cuối tháng 6 nhiệt độ có thể sẽ tăng cao hơn từ 1 đến 1,5ºC, lưu lượng sông Mê Kông thiếu hụt từ 20-30% và tiếp tục suy giảm, thủy triều có thể lên cao hơn 0,6m. Xâm nhập mặn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục lấn sâu từ 60-65km. Bộ này đề xuất các địa phương vùng ĐBSCL cần khai thác nước ngầm cung cấp nước ngọt cho dân, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ và vận hành có hiệu quả các cống hiện có. Tại hội nghị này Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đưa ra các đề nghị là phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ người dân chống hạn, mặn. Ông Phát dự kiến các địa phương vùng ĐBSCL trước mắt cần 32.500 tỷ đồng để chi cho việc ứng phó với BĐKH.
Chi tiết để triển khai việc ứng phó này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh các tỉnh thành phố có hạn hán, xâm nhập mặn rà soát các thiệt hại của nhân dân ở vùng này để có kế hoạch hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn để giúp người dân và các tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và cuộc sống. Trên cơ sở vốn tín dụng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn sẽ thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay.
Sự nỗ lực của Chính phủ, của các ngành các cấp và chính quyền địa phương là rất to lớn, là một động viên lớn cho nhân dân, còn nhân dân vùng bị ảnh hưởng thì đang nỗ lực hết mình bởi đây là sự sống còn của họ.
Tuy vậy đó chỉ là nội lực, việc huy động ngoại lực của chúng ta có nhưng còn mờ nhạt. Chúng ta cần huy động mạnh mẽ việc xây dựng các dự án xin tài trợ quốc tế, xin tài trợ của các tổ chức nhân đạo, những dự án mang giải pháp cấp bách để tranh thủ vốn viện trợ đầu tư cho các dự án này. Chúng ta kêu gọi sự nhân đạo của quốc tế, bởi Việt Nam đâu có gây ra biến đổi khí hậu, Việt Nam chỉ là nạn nhân, nên Việt Nam xứng đáng được nhận sự giúp đỡ.
Một điều quan trọng khác cũng cần được nhấn mạnh đó là sông Mê Kông. Nguyên nhân của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đó là sự cạn kiệt của nguồn nước cấp của dòng sông Mê Kông. ĐBSCL là điểm cuối, Trung Quốc chiếm điểm đầu của sông này. Sông Mê Kông là 1 trong 10 con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài 4800km, diện tích lưu vực là 795.000km² chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, lưu lượng chảy trung bình hàng năm là 15.000m³/s, tổng lượng chảy hàng năm 475 tỷ m³ tại châu thổ ĐBSCL. Đây là nơi sinh sống của 65 triệu người, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của cư dân ở ven sông.
Điều cực kỳ lo ngại là sông này lại có tiềm năng thủy điện rất lớn và tốc độ phát triển thủy điện ở khu vực này ngày một tăng lên. Đương nhiên công trình thủy điện sẽ gây tác động lớn đến chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn đến cư dân sinh sống ở lưu vực sông này. Cho đến nay, tổng dung tích của các hồ chứa nước của các đập thủy điện, riêng ở Vân Nam đã lên tới 20 tỷ m³. Nếu ta so sánh với con số 475 tỷ m³/năm chảy qua ĐBSCL thì ta sẽ hiểu được các hồ chứa ấy gây tác động lớn đến chừng nào đối với việc xâm nhập mặn và sạt lở ở ĐBSCL. Rồi tương lai đây, nước bạn Lào anh em thân thiết của chúng ta sẽ xây thêm 13 đập thủy điện nữa! Thì tương lai của ĐBSCL sẽ như thế nào? Có thể nói vấn đề nóng bỏng chính là ở đây.
Có một đạo lý nhân bản là nếu một dòng sông có điểm xuất phát và điểm cuối nằm trong một quốc gia thì quốc gia đó muốn làm gì thì làm. Còn một dòng sông thuộc về 6 quốc gia thì phải có sự bàn bạc để khai thác cùng có lợi, khong chỉ một anh biết lợi cho riêng mình mà còn mặc kệ các anh khác, đó là điều không thể chấp nhận được.
Cho nên chúng ta có quyền yêu cầu, thậm chí phải đấu tranh để các nước ở thượng nguồn sông phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của chúng ta. Được biết Ủy hội sông Mê Kông có chức năng làm việc đó cùng với sự giúp đõ của một số nước lớn. Chúng ta rất vui mừng là trong cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, ngoài việc đề ra giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại cây trồng, quy hoạch thủy lợi… Thủ tướng đã giao cho Bộ Ngoại giao chuẩn bị công hàm để Thủ tướng phê duyệt gửi Chính phủ CHND Trung Hoa xem xét điều tiết, xả bớt lượng nước tích trữ tại thượng nguồn sông Mê Kông thuộc tỉnh Vân Nam, đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với các quốc gia thành viên trong Ủy hội sông Mê Kông để cung làm việc này.
XUÂN HẢI
ĐT&PT SỐ 62/2016