Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / TỔ CHỨC KIẾN TRÚC CẢNH QUAN HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG

TỔ CHỨC KIẾN TRÚC CẢNH QUAN HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG

  1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng nổi lên như một “hiện tượng” về phát triển đô thị thời kỳ đổi mới. Sau 20 năm xây dựng, quy hoạch đô thị Đà Nẵng đạt nhiều thành quả đáng khích lệ, hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo mối liên kết phát triển khá tốt giữa các hệ thống kinh tế, văn hóa và xã hội. Có thể khẳng định rằng, quá trình hiện thực hóa đồ án quy hoạch Đà Nẵng chung đã mang lại diện mạo đô thị hiện đại và chất lượng cuộc sống mới. Quyết định mang tính đột phá “bắc cầu sang bờ bên kia sông Hàn” đã đưa đô thị Đà Nẵng vươn ra biển, chiếm hữu lấy vùng đất bốn bề là nước, dành đất phía sau lưng cho đồng ruộng, cho núi đồi, cho rừng. Phương thức đổi đất lấy hạ tầng đã nhanh chóng hình thành bộ khung hạ tầng của Đà Nẵng chỉ trong một thời gian ngắn, tạo điều kiện để đô thị hôm nay rộng lớn gấp nhiều lần so với trước đây. Tuy nhiên, theo lối quy hoạch hiện nay, cảnh quan đô thị được tạo nên từ những mảnh ghép rời rạc, không liên kết thành một hệ thống trên cơ sở cấu trúc hệ sinh thái cảnh quan đô thị. Giải pháp xây dựng đô thị nguy cơ gây ra tình trạng phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên, làm mất đi phần đặc trưng của các vùng cảnh quan văn hóa đặc sắc. Do đó, cần có cách tiếp cận các vấn đề xây dựng và phát triển đô thị theo phương pháp mới, trên cơ sở kiến trúc cảnh quan và sinh thái đô thị.

Mục đích của bài viết này là nhận diện những bất cập trong quá trình tổ chức kiến trúc cảnh quan (KTCQ) đô thị Đà Nẵng trong thời gian qua, đồng thời đề xuất những nguyên tắc có tính chỉ dẫn góp phần phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng trong tương lai.

Cầu Rồng - Ảnh: Thanh Bình
Cầu Rồng – Ảnh: Thanh Bình

2. Những bất cập trong tổ chứs KTCQ đô thị Đà Nẵng

Nhận diện những bất cập có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó kiểm soát nguy cơ và khởi đầu của tiến trình xây dựng và phát triển đô thị theo chiều sâu, qua đó làm nền tản xây dựng các nguyên tắc tổ chức KTCQ đô thị. Trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu, theo dõi thực tiễn xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng trong thời gian qua, tác giả đúc kết những tồn tại trong tổ chức KTCQ tập trung cơ bản các vấn đề nổi bật sau:

–  Sự suy giảm về môi trường sinh thái

Sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng đang làm biến dạng hệ sinh thái đặc trưng. Những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần sát với mép biển đã tạo nên sự ngăn cách giữa biển và công trình, nhiều cây số bờ biển vĩnh viễn bị con đường xóa đi; Việc chia lô bán biển, nạn giao đất cho các công ty khai thác các khu nghỉ mát liên tiếp và san sát đã tạo nên những bức tường thành bít kín bãi biển trên suốt trục ven biển Hoàng Sa – Trường Sa. Đối với sản xuất nông nghiệp, đất đồi núi, rừng cây phòng hộ có nguy cơ rơi vào tình trạng khai thác quá mức. Thực tế diễn ra với việc khai thác tại triền núi Sơn Trà để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp. Việc san lấp các đồi núi phía Tây để xây dựng các khu đô thị, việc đổ đất lấn biển hay bơm cát lấn sông để tăng quỹ đất tại những vùng đất địa chất yếu diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Các khoảng không gian trống tự nhiên hoang sơ dần bị xóa sổ, môi trường tự nhiên bị phá hủy, rừng dương trên các đồi cát ven biển đã biến mất, tất cả các điều này sẽ gây nên tác động xấu đến môi trường tự nhiên vốn rất nhạy cảm của vùng đất miền Trung khắc nghiệt.

– Nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học

Đà Nẵng có mức độ đa dạng sinh học cao ở cả các hệ sinh thái trên cạn cũng như dưới nước, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố [2]. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng: tình trạng xây dựng tràn lan, hệ thống các khu vui chơi, nghỉ dưỡng với khối tích quá lớn cùng với giải pháp vật liệu chủ yếu là bê tông cốt thép sơn phết màu nhảm nhở, vi phạm những nguyên tắc cơ bản về mỹ thuật lẫn kết cấu. Tuyến cáp treo khánh thành với nhiều kỷ lục thế giới, mở ra cho ngành du lịch nhiều cơ hội phát triển tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cho rằng, đây là con đường ngắn nhất cho sự xâm phạm môi sinh ở Bà Nà. Các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ chưa được kiểm soát tốt. Hệ thống đường giao thông dày đặc ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã làm chia cắt sự liên tục của một số khu rừng trong khu bảo tồn, điều này đồng nghĩa với nơi sống của các loài động vật rừng, đặc biệt là Chà vá chân nâu bị chia cắt.

– Sự đánh mất chất lượng và giá trị của cảnh quan đô thị

  Là vùng đất hội đủ nhiều lợi thế từ vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên, đặc trưng địa hình cho đến văn hóa – lịch sử, kinh tế – xã hội tuy nhiên KTCQ Đà Nẵng chưa tạo dựng được dấu ấn cảnh quan đô thị đặc trưng. Các dự án quy hoạch đô thị, du lịch bị xé nhỏ, khu biệt làm ảnh hưởng đến tổng thể chung. Ở nhiều nơi đường đã mở, mà cuộc sống phố phường thì chưa có, chưa có sức sống. Chất lượng sống của các trung tâm, các cộng đồng dân cư chưa cao, chưa tạo được bản sắc, văn hóa và lối sống riêng cho cộng đồng này; tổ chức không gian cảnh quan đô thị chưa chú trọng đến các xi-lu-et để tạo nét đặc trưng cho đô thị, công trình  đơn điệu về ngôn ngữ kiến trúc, nhà chia lô đồng đều, nhàm chán làm xấu đi bộ mặt đô thị [4].

– Hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng

Sau cải cách kinh tế năm 1986, những thay đổi của cấu trúc kinh tế ở Việt Nam từ hệ thống Trung ương đến địa phương đã tạo nên những thay đổi lớn. Thành phố Đà Nẵng gồm khu đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh với mật độ dân số trung bình, ngoại vi là vùng nông thôn rộng lớn chiếm 1/3 diện tích toàn thành phố, tập trung chủ yếu huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, các khu đô thị được mở rộng nhanh chóng ra các vùng ngoại thành, đặc biệt theo hướng Nam và Tây Nam. Nhưng hầu hết các khu vực này còn trống và dân cư thưa, các khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng đã chiếm lĩnh các vùng đất dọc ven biển ở phía Nam. Có thể thấy rõ rằng sự phát triển không gian hiện nay có thể tạo ra sự gia tăng quá mức không gian đô thị. Nếu kiểu phát triển này cứ tiếp diễn, thì nguy cơ xâm hại môi trường cảnh quan thiên nhiên là rất lớn và không gian đô thị ngày càng bị pha loãng tạo nên sự buồn tẻ, nhạt nhòa, không tương xứng hình ảnh của một đô thị động lực của khu vực.

– Thiếu sự tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị

Không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của thành phố môi trường, đô thị sinh thái, trong đó cấu trúc đô thị luôn hiện hữu các không gian xanh, mặt nước với tỷ lệ phù hợp, thảm xanh có độ che phủ cao. Thực tế cho thấy, hệ thống không gian xanh đã không được xác định như là những thành phần của chiến lược quy hoạch dài hạn cho đô thị Đà Nẵng, điều này thể hiện khá rõ ngay trong các đồ án quy hoạch và trong quá trình triển khai xây dựng các khu vực đô thị. Diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người hiện nay là 5,02m2, trong khi đó tiêu chuẩn cây xanh bình quân đầu người cho đô thị loại 1 là 10-12m2. Việc phân chia đất đai hầu hết dành cho xây nhà và giao thông đi lại. Giải pháp quy hoạch thiếu chú trọng bảo toàn hệ thống cấu trúc xanh đô thị, nhất là hệ thống sinh thái tự nhiên (Bà Nà – núi Chúa, Bán đảo Sơn Trà, vành đai nông nghiệp ven đô thị…). Quy hoạch hệ thống sinh thái tự nhiên chưa được nghiên cứu trong khi đó phân khu chức năng đô thị đã được thực hiện.

– Sự suy giảm của cảnh quan – giác quan (Sensescape)

Các thủ pháp thiết kế thiết kế đương đại ưu tiên lấy yếu tố trực quan thị giác làm chủ đạo đã bỏ qua sự cảm nhận không gian bằng các giác quan khác. Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, cuộc sống ngày càng tăng độ chính xác về công nghệ, giải pháp thiết kế cảnh quan với mong muốn kiểm soát các nhân tố cảnh quan – cảm giác (màu sắc, hình thái không gian, ánh sáng, âm thanh…) đã tạo ra những không gian đồng nhất. Tính đồng nhất của sự trải nghiệm cảm giác xuất phát từ việc mong muốn mang lại sự bình đẳng cho người dân thông qua các tiện ích, sự thoải mái khi khai thác không gian cảnh quan. Do đó, các kiến trúc sư thông qua giải pháp thiết kế đã giúp họ điều khiển chính xác môi trường của một không gian cảnh quan được tạo ra (nhiệt độ, màu sắc, bóng mát, chất liệu…) trong đó duy trì một băng tầng hẹp của các điều kiện giác quan (Banham, 1969). Sự sao chép một cách cứng nhắc của phương pháp thiết kế này đã dẫn đến những không gian giống nhau ở khắp mọi nơi, không có nơi nào đặc biệt – môi trường sống có thể rất tiện ích nhưng lại không mang lại cảm hứng và không đáng nhớ. Điều này thể hiện qua việc hình thành các khu dân cư mới với kiểu nhà phố chạy dài bám sát mặt đường, với các mô hình trường học, bệnh viện, không gian đường phố kiểu điển hình…Trong khi đó, những không gian mang đậm tính bản địa có giá trị văn hóa cao (làng chài, làng đá, làng hoa…) hầu như bị xóa sổ trong quá trình đô thị hóa, như những khu chợ cá với những mùi vị đặc trưng của Biển đã được thay thế bởi các công viên, khu nghỉ dưỡng ven biển. Sự suy giảm này của cảnh quan – giác quan có thể là nguyên nhân đã làm lu mờ hoặc thậm chí xóa bỏ bản sắc văn hóa của đô thị. Các hoạt động truyền thống của người dân địa phương hầu như được thay thế bởi một cảm giác văn hóa dễ nhận biết đối với mọi người nhưng khá xa lạ với người dân bản địa.

  1. Đề xuất 7 nguyên tắc tổ chức KTCQ đô thị

Trên cơ sở tổng hợp hệ thống lý thuyết về kiến trúc cảnh quan tiên tiến trong và ngoài nước, tác giả đề xuất 7 nguyên tắc chung, đóng vai trò hướng dẫn quá trình tổ chức KTCQ đô thị Đà Nẵng cụ thể như sau:

Một là, Gìn giữ sự đa dạng sinh học

Các hệ sinh thái đạt được sự ổn định và khả năng hồi phục thông qua các mạng lưới sinh thái đa dạng và phức tạp. Sự đa dạng sinh học càng cao thì các hệ sinh thái càng ổn định [1]. Sự đa dạng sinh học của đô thị phải được đảm bảo với các hành lang cư trú tự nhiên, nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và đem lại sự tiếp cận dễ dàng với thiên nhiên để nghỉ ngơi giải trí. Ngoài ra, đa dạng sinh học đô thị góp phần tạo ra sức sống cho cảnh quan đô thị, gìn giữ và phát huy đa dạng văn hóa.

Hai là, Thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên

Thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên nghĩa là luôn coi trọng tự nhiên, bảo tồn các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm thông qua các nội dung cụ thể: Phải cân đối giữa đầu vào (tài nguyên, năng lượng, thực phẩm) và đầu ra (chất thải, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ) [5]. Cần phải tiếp cận các chu trình sinh thái đô thị để tìm ra biện pháp tạo ra “cơ chế tự điều chỉnh” hoặc “điều chỉnh có điều kiện” một cách hợp lý nhất. Thay đổi cách sống đô thị và cách sản xuất để làm sao cho các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng diễn ra trong chu trình khép kín; Sử dụng nguyên vật liệu cho phù hợp với mục đích sử dụng của con người, tái tạo nguồn tài nguyên cũng như kết hợp kiến thức, kỹ thuật mới vào các quá trình thiết kế.

Ba là, Đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan.

Tính gắn kết là nói đến sự gắn kết giữa các yếu tố tự nhiên, yếu tố nhân tạo, các hoạt động đô thị và quy luật gắn kết để tạo thành không gian cảnh quan đô thị. Sự gắn kết này luôn biển đổi theo thời gian trong trạng thái cân bằng động, có xu hướng hình thành cấu trúc mới. Tổ chức KTCQ với mục đích không ngừng nâng cao chất lượng sống đô thị nhưng không phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Các yếu tố tự nhiên là nhân tố đóng vai trò tạo lập không gian cảnh quan đô thị. Do đó, không gian cảnh quan đô thị luôn lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, các yếu tố nhân tạo được tạo ra nhất thiết phải được gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên trên cơ sở các nguyên tắc thẩm mỹ, chú trọng tính nguyên vẹn của hệ thống vốn là một cấu trúc hoàn chỉnh.

Bốn là, Phát triển đô thị ở mức phù hợp với “ngưỡng” của môi trường

Mỗi môi trường sinh thái chỉ thích ứng với một giới hạn tác động nhất định, đặc biệt là sự can thiệp của con người. Sự tăng hay giảm cường độ tác động của yếu tố ra ngoài giới hạn thích hợp của hệ sinh thái sẽ tác động đến chất lượng môi trường và khả năng tồn tại sinh vật. Khi cường độ tác động tới ngưỡng cao nhất hoặc thấp nhất so với khả năng chịu đựng của môi trường sẽ dẫn đến nguy cơ bị hủy hoại. Trước hết, quy mô dân số và phát triển kinh tế – xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp “ngưỡng” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, giải pháp quy hoạch, mô hình hình thái không gian cảnh quan đô thị được lựa chọn trên cơ sở phân tích sự phù hợp với các nhân tố môi trường lý sinh.

Năm là, Tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải pháp giao thông “xanh”

Bố trí quy hoạch và xác định quy mô các khu chức năng cảnh quan đô thị (nhà ở, khu làm việc, khu dịch vụ, nơi vui chơi giải trí…) hợp lý để con người giảm bớt đi lại bằng phương tiện cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi để đi bộ và xe đạp. Giao thông và vận tải cần hạn chế bằng cách cung cấp lương thực và hàng hóa chủ yếu nằm trong phạm vi đô thị hoặc các vùng lân cận, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường [6].

Sáu là, Duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hòa trong đô thị

Tổ chức KTCQ chú trọng tỷ lệ diện tích cây xanh cao, hình thành các mảng xanh, bãi cỏ bờ sông, khu cây xanh cách ly giữa khu dân cư và công nghiệp, hệ thống hành lang xanh kết nối các khu vực cảnh quan. Tăng cường cây xanh trên các trục lộ giao thông để tạo bóng mát, ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy. Diện tích mặt nước (ao, hồ, sông, rạch) cân đối với diện tích dân số đô thị để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ. Chú trọng tổ chức các hồ điều hòa những nơi có nguy cơ ngập lụt để hạn chế ngập úng trong các điều kiện thiên nhiên bất lợi.

Bảy là, Lựa chọn cơ cấu phát triển ưu tiên các mô hình kinh tế “xanh”

Tăng cường các mô hình kinh tế đô thị theo hướng sinh thái, tập trung sức lao động và công nghệ mới thay vì tập trung sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước, nhằm duy trì việc làm thường xuyên và giảm thiểu nguyên liệu sử dụng. Công nghiệp của đô thị sẽ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh. Các quy trình công nghiệp bao gồm cả việc tái sử dụng các sản phẩm phụ và giảm thiểu sự vận chuyển hàng hóa.

  1. Kết luận & kiến nghị

Mục tiêu phát triển nhanh, mở rộng quy mô đô thị thông qua các chính sách “đổi đất lấy hạ tầng”, hạ tầng đi trước một bước… đã mang lại thành quả nhất định trong thời kỳ đầu của quá trình xây dựng và phát triển đô thị. Tuy nhiên để Đà Nẵng phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu sâu hơn về tổ chức KTCQ, nhận diện những bất cập, đề xuất các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan trên cơ sở xem xét các yếu tố tạo lập không gian đô thị trong mối tương quan của hệ thống và hướng đến sự cân bằng sinh thái đô thị.

Những nguyên tắc đề xuất mang tính chỉ dẫn sẽ góp phần bổ sung phương pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng hiện nay. Thế nhưng, để những nguyên tắc trên có thể ứng dụng vào thực tính thực tiễn cuộc sống, tác giả cũng đưa ra những kiến nghị đối với các cơ quan quản lý và những người tham gia trong lĩnh vực thiết kế KTCQ như sau:

Thứ nhất, cần tiếp cận giải quyết các vấn đề phát triển đô thị và bảo vệ môi trường dưới góc độ của hệ thống sinh thái đô thị. Giá trị mang tính lịch sử của một đô thị thông qua việc gìn giữ nguyên vẹn giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên, mọi sự hư tổn môi trường sinh thái tự nhiên đều dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai. Các giải pháp can thiệp vào tự nhiên nhất thiết phải tuân thủ theo nguyên tắc của sinh thái cảnh quan.

Thứ hai, các nhà quản lý, thiết kế và khai thác cảnh quan cần nhận thức rằng cảnh quan thông qua thiết kế và cảnh quan phát triển tự nhiên đều mang lại giá trị thẩm mỹ cho đô thị, trong đó cảnh quan tự nhiên luôn mang lại sự hài hòa, thân thiện và thích nghi với môi trường; Mọi ý tưởng và giải pháp thiết kế đều chú trọng sự hài hòa với cảnh quan tự nhiên, các yếu tố nhân tạo không được lấn át yếu tố tự nhiên nhằm tạo ra một hình ảnh thống nhất.

Thứ ba, đô thị phát triển bền vững trong tương lai nhất thiết cần phải có lộ trình quản lý cảnh quan đô thị chặt chẽ, thông qua việc ban hành các quy chế cụ thể về quản lý và bảo vệ cảnh quan nhất là chú trọng các khu vực cảnh quan nhạy cảm. Ngoài ra, cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc khai thác, gìn giữ và bảo vệ hệ thống cảnh quan đô thị.

Thực trạng tổ chức kiến trúc cảnh quan Đà Nẵng
Thực trạng tổ chức kiến trúc cảnh quan Đà Nẵng

TS.KTS Tô Văn Hùng

ĐT&PT Số 63/2016

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Huy Bá, Lâm Minh Triết (2000) Sinh thái môi trường học cơ bản, NXB Đại học quốc gia Tp HCM.

[2] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1998) “ĐDSH và bảo tồn hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam”. Thông tin chuyên đề Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

[3]Nguyễn Văn Đỉnh (2002) “Cảnh quan-sinh thái: Hướng nghiên cứu hiệu quả trong bảo vệ môi trường đô thị”. Tạp chí Xây dựng.

[4]Tô Văn Hùng (2010) “Tổ chức Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai”, Đề tài NCKH cấp Bộ MS B2010-ĐN01-24

[5]Lê Hồng Kế (1989) Đề cập bước đầu đến sinh thái trong quá trình quy hoạch và xây dựng điểm dân cư Việt Nam, Luận án PTS,

[6]Đàm Thu Trang (2002) Tổ chức kiến trúc cảnh quan trong các khu ở Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống, Luận án Tiến Sĩ, Hà Nội.

[7] Fritjof Capra (2004) The Hidden Connections: A Science for Sustainable Living, Anchor books, A division of Random House . Inc, Newyork.

[8]John L. Motloch (1975) Introduction to Landscape Design, ASLA

[9]Murphy Michael D (2005) Landscape Architecture Theory: An evolving body of thought, Long Grove Illinois, Waveland Press, Inc,

[10]Peter Fuhrmann (1998), Bauplanung und Bauentwurf, Kohlhammer Verlag, Stuttgart.

[11]Wenche E. Dramstad – Jame D. Olson and Richard T.T.Forman Landscape Ecology Principles in Landscape Architecture and Land-Use Planning, Harvard University, USA,  

[12] Viện QHXD Đà Nẵng (2013) Thuyết minh Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 – Tầm nhìn đến năm 2050

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …