Home / QUY HOẠCH / MỘT SỐ GÓP Ý VỀ Ý TƯỞNG CẢI THIỆN HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG

MỘT SỐ GÓP Ý VỀ Ý TƯỞNG CẢI THIỆN HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG

 

     Sau 20 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng đã có những thay đổi to lớn, không ngừng trong phát triển đô thị. Những thay đổi đó là do thành phố đã có những định hướng phát triển có tầm nhìn xa, chính sách đúng đắn có tính chiến lược trong công tác quy hoạch đô thị. Chính sự phát triển đô thị đã tạo cơ sở cho kinh tế của thành phố tăng trưởng. Nhiều tuyến đường, cầu trọng yếu đã được xây  dựng. Hệ thống giao thông đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt và đường quốc lộ được đầu tư mở rộng. Các công trình xây dựng trọng điểm thuộc nhiều lĩnh vực như hệ thống các công trình y tế, giáo dục, văn hoá thể thao, dịch vụ thương   mại và hệ thống cấp nước, thoát nước cũng được đầu tư mạnh. Phát triển đô thị đã thay đổi diện mạo của thành phố, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. 

Hoa giấy các màu phủ kín lan can các cầu, làm giảm sự thô cứng của kết cấu bê tông
Hoa giấy các màu phủ kín lan can các cầu, làm giảm sự thô cứng của kết cấu bê tông

Với kinh nghiệm đã trải qua các dự án giao thông lớn ở Việt nam, có điều kiện làm việc và giao lưu với các tổ chức Tư vấn quốc tế, được tham gia các chuyến trao đổi kỹ thuật ở các nước phát triển, tôi xin có một số góp ý về giải pháp và ý tưởng tăng cường chất lượng giao thông đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường cho thành phố đáng sống này.

  1. Giải pháp kiến trúc xanh cho công trình hạ tầng giao thông

Liên quan đến ý tưởng xanh hóa đô thị, đưa rừng vào trong phố theo chủ trương của lãnh đạo Thành phố, xin có một đề xuất cụ thể liên quan đến chuyên môn của mình, đó là “xanh hóa” các công trình hạ tầng giao thông như Singapore đã làm rất thành công.

Với quỹ đất vùng lõi eo hẹp của thành phố, hiện nay cũng khá khó khăn để có các khoảng đất trống bố trí thêm cây xanh cảnh quan, một trong các giải pháp khả thi được các nước phát triển là tạo các mảng xanh trên mặt đứng của công trình hoặc trên tầng mái của các công trình. Ở Đà nẵng hiện có hai công trình đã áp dụng việc xanh hóa tường đứng đầu cầu là Ngã Ba Huế và cầu Sông Hàn và nên được nhân rộng sang các công trình khác.

Nhân việc có tham gia cùng Liên danh Tư vấn Quốc tế dự cuộc thi Phương án thiết kế Đầu tư xây dựng Công trình mới vượt sông Hàn vừa rồi, có một số ý tưởng đã trình bày trong cuộc thi xin được chia sẻ rộng rãi với cộng đồng:

  1. Phương án hầm vượt sông: Nếu phương án Hầm được lựa chọn, kiến nghị phương án tuyến hầm thẳng và có ô dự trữ ở giữa, mặc dù phải chấp nhận lượng giải tỏa lớn hơn phương án tuyến hầm cong, và kinh phí xây dựng hầm có tăng lên chút ít. Việc chọn tuyến thẳng sẽ đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài với hạn chế tối đa rủi ro về tai nạn cũng như các vấn đề kỹ thuật khác trong quá trình vận hành. Ngoài ra trong tương lai khi lưu lượng giao thông hai bờ sông tăng cao thì với phương án tuyến thẳng và có ô dự trữ ở giữa đủ rộng thì việc tăng năng lực thông hành của tuyến hầm, bổ sung các tuyến cho các loại phương tiện công cộng hiện đại như BRT, metro, monorail hoặc tramway rất thuận thiện với chi phí tối thiểu. Trong giai đoạn trước mắt dải dự trữ rộng ở giữa này có thể dùng để trồng cây xanh cảnh quan làm đẹp thành phố, lọc bớt khói bụi, tiếng ồn…

  1. Phương án cầu vượt sông: Nếu phương án cầu vượt sông được xem xét, kiến nghị chọn phương án cầu thấp hài hòa với cảnh quan khu vực, với kết cấu đơn giản nhất để giảm thiểu phần đầu tư công. Cảnh quan của cầu được tạo không phải bằng các kiểu trụ tháp và dây văng rất đắt tiền, mà thay vào đó được tô điểm và tạo sự khác biệt bằng kiến trúc xanh, phù hợp với sự nên thơ của dòng sông Hàn trên đoạn này. Do theo Quy hoạch tổng thể 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt, có một cầu đi bộ khu vực này, và với thực tế là nhu cầu có không gian đi bộ trên vùng trung tâm này là khá bức thiết, tôi đề nghị xem xét phương án kết hợp giữa cầu phục vụ giao thông và đi bộ với thiết kế phù hợp, đảm bảo an toàn và coi trọng yếu tố cảnh quan, góp phần sử dụng hiệu quả không gian mặt nước quý giá trên đoạn “đầu biển cuối sông” này.

 

Tạo một phố đi bộ xanh trên sông Hàn thơ mộng, với một cây cầu ngập tràn hoa giấy các loại trên  các lan can cả trên bờ và dưới sông, các tường đứng bê tông thô cứng đều được thiết kế phủ xanh,  với hệ thống giao thông 6 làn xe kết nối hai bên sông cho cả hiện tại và tương lai, với dải phố đi bộ và mua sắm rộng 15m ở giữa, có các gian hàng và dịch vụ đầy đủ phía dưới với các chỗ ngồi nghỉ ngơi uống nước, cà phê thư giãn, chỗ trú mưa, tránh nắng…., có mái phủ xanh phục vụ đi bộ vãn cảnh phía trên…Nếu ý tưởng này thành hiện thực, khu vực hai đầu cầu sẽ rất nhanh chóng phát triển và trở thành không gian đi bộ, mua sắm, sinh hoạt cộng đồng với các thương hiệu nổi tiếng như Vincom,Parkson….

Phần mảng bê tông trên cầu Cảng Sông Hàn cũng sẽ được thiết kế phủ xanh và trồng cây với các giải pháp vật liệu mới, đảm bảo vẫn được khai thác với các mục đích khác nhau như đỗ xe, cảng thuyền du lịch, các hoạt động lễ hội cả quy mô quốc gia và quốc tế…. Cầu Cảng Sông Hàn sẽ được nối dài ra phía hạ lưu cầu mới này để vừa có khả năng đón được Tàu du lịch cỡ lớn, vừa tạo được một Cảng du thuyền cao cấp để khai thác một cách hiệu quả không gian mặt nước khu vực này quanh năm chứ không chỉ có vài ngày dịp đua thuyền buồm hoặc đón tàu khách du lịch. Việc này sẽ vừa cải thiện cảnh quan khu vực vừa tạo được một nguồn thu rất lớn hàng năm cho ngân sách thành phố. Các đầu mục công việc này có thể kêu gọi xã hội hóa để giảm sức ép đầu tư công.

Trong tương lai khi nhu cầu giao thông tăng cao thì chính cái dải 15m này sẽ được sử dụng để bố trí đường cho phương tiện giao thông công cộng hiện đại như monorail, BRT hoặc metro….Xét dọc vệt trục sông Hàn thơ mộng thì giờ chỉ còn mỗi khu vực này là đủ rộng rãi cho các KTS bố trí các không gian xanh làm đẹp thành phố…Khi có cây cầu này thì sự kết nối Đông Tây sông Hàn chưa bao giờ gần như thế: có thể đi bộ từ bên này sang bên kia một cách thoải mái, dễ dàng với khoảng đường khoảng 600m, với hệ thống mái che, chỗ nghỉ chân, thư giãn, mua sắm dọc đường đi ….

Với kết cấu cầu vòm, chi phí xây dựng thấp hơn nhiều so với các phương án cầu cao dây văng và việc kết nối với các trục đường ở hai bờ song cũng thuận lợi hơn nhiều. Các loại tàu du lịch sông Hàn thông thường, kể cả tàu Rồng vẫn đi lại bình thường dưới cầu vòm này.

II. Giải pháp chống ùn tắc, kẹt xe bằng cách đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống Giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và hạn chế sự phát triển bùng nổ của phương tiện cá nhân như hiện nay.

Cơ sở hạ tầng giao thông ở thành phố Đà Nẵng được đánh giá là tốt hơn nhiều so với tỉnh thành khác nhưng hiện tượng kẹt xe vào giờ cao điểm vẫn xảy ra thường xuyên do lượng xe tham gia giao thông gồm ô tô, xe máy tăng mạnh trong những năm gần đây. Với đà này chẳng bao lâu nữa Đà Nẵng cũng rơi vào tình trạng kẹt xe triền miên nếu thành phố không có giải pháp mang tính bền vững.

 Một trong những giải pháp ưu tiên hiện nay vẫn là đầu tư phát triển hệ thống Giao thông công cộng (GTCC) và thay đổi thói quen đi lại của người dân. Ở các nước phát triến, mỗi khi ra đường là người ta nghĩ ngay đến GTCC nên nhiều lúc qua những tuyến khá hẹp chỉ có 2 làn xe mà hầu như không có ùn tắc. Tất nhiên để đạt được điều đó thì hệ thống GTCC phải phát triển đầy đủ và rộng khắp để đưa sự lựa chọn tương đương hoặc tốt hơn cho người tham gia giao thông.

Ở Đà Nẵng: Theo Quy hoạch giao thông vận tải thành phố được duyệt (tại Quyết định số 5030/QĐ-UBND ngày 28/7/2014) thành phố lựa chọn áp dụng các loại hình: tàu điện ngầm (Metro), xe Buýt, xe Buýt nhanh (BRT), xe điện bánh sắt (Tramway), không quy hoạch tuyến monorail.

62.1. Nâng cấp cải thiện chất lượng của mạng lưới xe buýt thành phố

Mạng lưới xe buýt Đà Nẵng hiện nay mới có 5 tuyến xe buýt nhưng chỉ có 1 tuyến nội thành; 4 tuyến còn lại hoạt động theo hình thức kế cận kết hợp với nội đô khiến mạng lưới có mức phủ tuyến, khả năng tiếp cận thấp. Cùng với đó là việc hiện nay có tới gần 10 doanh nghiệp vận tải cùng khai thác 1 tuyến, nảy sinh vấn đề phối hợp theo kế hoạch vận hành chung; việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá vé, quản lý, điều hành chưa được quản lý chặt chẽ; chất lượng dịch vụ chưa cao…

Sau một thời gian dài để xe buýt tự thân vận động, mới đây, TP Đà Nẵng đã vừa thống nhất phương án trợ giá xe buýt cho 5 tuyến xe buýt đến năm 2020.  Việc trợ giá xe buýt này nên được mở rộng hơn để đem lại hiệu quả cho hệ thống, tăng sức hấp dẫn cho hành khách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Nguồn vốn trợ giá lấy từ ngân sách TP và nên nghiên cứu lấy thêm từ nguồn thu khác liên quan đến hoạt động xe buýt như: Quảng cáo trên xe, quảng cáo tại nhà chờ xe buýt, quảng cáo trên các trụ cầu (hiện nay hầu như chưa khai thác hiệu quả)… Việc áp dụng hình thức trợ giá cũng nên rút kinh nghiệm từ các bất cập đã xảy ra ở Tp HCM và Hà Nội. Nên xem xét việc trợ giá vé theo hành khách nhân với số kilômet đi lại như ngành vận tải hàng hóa tính theo tấn/km vận chuyển. Với phương thức tính trợ giá vé này, nhân viên, lái xe buýt sẽ vui vẻ và tôn trọng hành khách đi xe buýt, thay vì bỏ trạm không rước khách hoặc có phân biệt đối xử với hành khách đi vé tháng như hiện nay.

2.2. Xem xét điều chỉnh dự án BRT Đà Nẵng:

Theo kinh nghiệm các các chuyên gia quốc tế, thực trạng của giao thông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là có quá nhiều phương tiện cá nhân tham gia giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đầu tư hệ thống BRT là giải pháp tối ưu cho việc giảm ùn tắc, tạo ra mạng lưới giao thông chuyển động thông minh, linh hoạt hơn, trong khi chưa có kinh phí, cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ cho việc xây dựng đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 2 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Năm 2030, Đà Nẵng có đến 28 tuyến buýt, gồm: 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường. Theo đề án này, các tuyến buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và 1 huyện, tạo nên sự kết nối giao thông công cộng trên khắp các tuyến đường nội thị.

Tuy nhiên việc lựa chọn tuyến BRT số 1 đi qua trục đường Nguyễn Văn Linh lên cầu Rồng. là tuyến đường nội thị rất đông đúc, nhiều ngã tư điều khiển bằng đèn tín hiệu, vốn hiện đã quá tải vào giờ cao điểm, dựa trên các phân tích đã lạc hậu của giai đoạn Thiết kế cơ sở được duyệt năm 2013, cần phải được xem xét lại. Nên nghiên cứu chuyển lộ trình đi thẳng Nguyễn Tri Phương đến đường Duy Tân qua cầu Trần Thị Lý sẽ phù hợp hơn. Đồng thời với việc vận hành tuyến này cần tổ chức các tuyến trung chuyển gom lượng khách từ vùng trung tâm kết nối với các Nhà chờ xe buýt nhanh cũng như các tiện ích liên quan để trung chuyển khách xuống có nhu cầu đến các điểm khác. Ngoài ra cần cải thiện an toàn và tiện nghi cho người đi bộ băng ngang đường để đến các điểm bến BRT, thay vì chỉ vạch sơn đơn giản như hiện nay. Như vậy mới có thể phát huy hiệu quả tuyến BRT cùng với mạng lưới xe buýt chất lượng cao sắp được triển khai.

Ngoài tuyến BRT đã nêu, trong tương lai với sự phát triển nhanh chóng của Đô thị thị các hình thức GTCC hiện đại khác như Metro, tàu điện trên cao, monorail cũng sẽ cần phải được đầu tư. Với tình hình tài chính hiện nay của Thành phố chưa thể đầu tư ngay nhưng cần có ngay nghiên cứu quy hoạch bổ sung từ lúc này để có thể kiểm soát được việc sử dụng không gian ngầm và nổi trong đô thị, tránh việc phải đập phá di dời lớn sau này. Một số ý tưởng sơ khởi về bổ sung Quy hoạch các tuyến giao thông tương lai của Đà nẵng được thể hiện trong hình dưới đây.

9_chinh1.Điều chỉnh đưa tuyến BRT qua hướng cầu Trần Thị Lý
Theo lộ trình từ đường Nguyễn Tri Phương ® Nguyễn Hữu Thọ ® Duy Tân ® Cầu Trần Thị Lý ® Ngô Quyền (thay vì đi qua Cầu Rồng), chiều dài 4km.

2.Xây dựng đường trên cao
Dọc trục đường Điện Biên Phủ ® Nguyễn Tri Phương ® Nguyễn Văn Linh (bắt đầu từ nút giao thông Ngã Ba Huế và kết thúc tại nút giao phía Tây cầu Rồng), chiều dài 5,5km.

3.Xây dựng tuyến Monorail 01
Theo lộ trình từ Ga đường sắt hiện tại ® Đống Đa ® Công trình mới qua sông Hàn ® Vân Đồn ® Chu Huy Mân ® Nguyễn Huy Chương ® Võ Nguyên Giáp ® Hội An (trong đó đoạn từ Ga đến đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 5,4Km).

4.Xây dựng đường đô thị kết hợp cùng tuyến Monorail 02
Dọc theo tuyến đường sắt cũ đoạn từ Trục 1 Tây Bắc đến ga đường sắt, chiều dài 3,8km.

5.Xây dựng tuyến đường nối Hà Huy Tập (đoạn đầm sen) với Lê Duy Đình
Kết nối với Nút giao Duy Tân – Nguyễn Văn Linh, chiều dài 2Km.

6.Đổi chiều giao thông đường Trần Phú và Bạch Đằng so với hiện tại để cải thiện giao thông dọc bờ Tây Sông Hàn

Hy vọng rằng các ý tưởng và kiến nghị nêu trên được các cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét và nếu cái nào phù hợp có thể có các nghiên cứu sâu hơn để biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện tình hình giao thông thành phố Đà Nẵng.

KS Mai Triệu Quang

ĐT&PT Số 64/2016

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …