Gặp gỡ Ông Lê Phước Thanh Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Phát triển hệ thống đô thị tại Quảng Nam
Quy hoạch, định hướng và giải pháp thực hiện
Trong 37 năm qua và đặc biệt 15 năm từ sau khi chia tách tỉnh, tỉnh Quảng Nam đã có một quá trình phát triển về mọi mặt. Trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về xây dựng và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hợp lý; quy hoạch mang tính chiến lược, định hướng phát triển không gian cho hệ thống đô thị và nông thôn, tạo vùng động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh… Đô thị & Phát triển đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Lê Phước Thanh Phó Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
PV : Tính từ 15 năm sau khi chia tách tỉnh, xin ông cho biết những kết quả chung đã đạt được trong qúa trình phát triển đô thị của tỉnh nhà ?
Ông Lê Phước Thanh: Từ sau khi chia tách tỉnh, hệ thống đô thị của tỉnh Quảng Nam đã có điều kiện để phát triển. Các đô thị từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyên lỵ đều được tập trung nguồn lực đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội, các khu dân cư, các trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa, thể dục thể thao. Chỉ sau hơn 10 năm, hệ thống đô thị Quảng Nam từ 15 đô thị (13 đô thị cấp huyện và 02 thị xã), đến nay đã tăng lên 21 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại III, 16 thị trấn và trung tâm huyện, 01 đô thị mới, 02 đô thị chuyên ngành; Các đô thị như Tam Kỳ, Hội An, đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, Kinh tế mở Chu Lai đang phát triển trở thành những đô thị động lực đang phát huy vai trò lan tỏa các vùng lân cận; Đã hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho, gồm: đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thành phố Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An – Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai – Núi Thành.Về kiến trúc đô thị ngày càng được chú trọng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng theo hướng bảo đảm dài hạn, đồng bộ, bền vững. Công tác quy hoạch đô thị được xác định là công tác trọng tâm, tất cả các đô thị, các khu vực đặc biệt đều lập và phê duyệt quy hoạch chung, hàng trăm đồ án quy hoạch chi tiết được hoàn thành làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư các công trình kiến trúc dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật… góp phần quan trọng tạo ra hệ thống đô thị phát triển hài hòa, bền vững, bộ mặt kiến trúc đô thị ngày một khang trang, thẩm mỹ.
Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những tồn tại cơ bản : Mạng lưới đô thị chủ yếu là quy mô đô thị thuộc loại vừa và nhỏ; đô thị phân bố chủ yếu theo cơ cấu hành chính và hình thành theo quá trình tự phát; các đô thị phát triển độc lập, ít có sự tương hỗ dẫn đến phát triển đô thị còn đơn lẻ. Tính ổn định trong phát triển theo quy hoạch xây dựng đã duyệt còn thấp, biểu hiện qua việc điều chỉnh nhiều lần các quy hoạch xây dựng. Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị còn chưa lường trước được vấn đề của hậu quy hoạch dẫn đến việc kiểm soát xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị chưa sát với thực tế. Việc xác định các khu vực đô thị cần ưu tiên chỉnh trang, cải tạo; xác định các khu vực ưu tiên lập quy hoạch, thiết kế đô thị; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện lập và điều chỉnh quy hoạch, thiết kế của đô thị chưa được định hướng rõ ràng. Đồng thời, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân, cơ quan có liên quan đến việc phát triển đô thị còn chồng chéo, thậm chí tùy tiện; trình độ quản lý đầu tư và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập, khả năng thu hút các nguồn lực để đầu tư còn hạn chế. Nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng gây cản trở đến phát triển đô thị; anh hưởng của đô thị với nông thôn còn yếu, chưa thực sự thu hút các nguồn lực từ nông thôn. Quỹ đất, nhà ở còn ít, hạn chế, hạ tầng kỹ thuật đô thị còn kém tiện nghi. Hầu hết các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải; hệ quả là tình trạng ô nhiễm đã xảy ra tại một số khu, cụm công nghiệp, khu dân cư. Các đô thị đều sử dụng bãi chôn lấp rác thải rắn; hệ thống dịch vụ giao thông chung còn rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào hạ tầng cấp quốc gia.
Chủ trương và quan điểm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nhằm khắc phục những tồn tại để quy hoạch đô thị đi vào quỹ đạo chung, đồng bộ. Khi đô thị phát triển mạnh thì bắt đầu quá trình tác động ngược lại vào vùng phụ cận, thúc đẩy vùng ngoại vi đô thị phát triển theo. Các vùng kinh tế động lực: Kinh tế mở Chu Lai, khu vực Điện Bàn – Hội An, Tam Kỳ…phải tạo sức hút lớn hơn nữa do vị trí địa lý và môi trường đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, xây dựng một chiến lược đô thị hoá hiệu lực là giải quyết vấn đề làm thế nào để thu hút dân cư vào các vùng đô thị mang đặc thù riêng biệt của tỉnh.
Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc
PV : Quá trình phát triển hệ thống đô thị tại Quảng Nam trong tương lai sẽ có định hướng như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Phước Thanh: Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, quy hoạch theo hướng : Tiếp tục phát triển chuỗi, cụm đô thị động lực gắn với không gian phát triển kinh tế và đô thị. Mạng lưới đô thị phải được liên kết, hỗ trợ với nhau, với các điểm dân cư nông thôn trong vùng. Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện địa hình để xây dựng phát triển các đô thị. Sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị, tiết kiệm đất đai; đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước vào mục đích phát triển đô thị, công nghiệp.
Về cấu trúc khung không gian hệ thống đô thị : Xét tình hình thực tế, các đô thị của tỉnh khó hội đủ điều kiện để phát triển thành đô thị cực lớn. Do vậy, định hướng mô hình cấu trúc khung không gian đô thị cơ bản theo dạng tuyến, chuỗi đô thị; đồng thời, các tuyến phát triển theo mạng lưới ô cờ là hợp lý. Vì vậy, khung cơ bản để phát triển đô thị sẽ theo các trục dọc (Bắc Nam) và trục ngang (Đông Tây).
Không gian phát triển đô thị và dân cư nông thôn được hình thành và phát triển theo các khu vực: đồng bằng – ven biển; trung du gò đồi và miền núi; các trục không gian kinh tế động lực Đông Tây và Bắc Nam. Và đặc biệt gắn kết chặt chẽ với khung không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất. Kế hoạch xây dựng phát triển đô thị của tỉnh theo 3 mô hình:
Một là, tập trung phát triển đô thị ở dải ven biển và dọc tuyến Quốc lộ 1A; đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá khu vực ven biển; khai thác triệt để vùng bờ biển và các đảo; thúc đẩy xây dựng các đô thị động lực, tạo điểm cực phát triển như: thành phố Hội An, Chu Lai; đô thị phục vụ phát triển khu kinh tế như thành phố Tam Kỳ. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các đô thị ven biển đang có xu hướng phát triển như: Điện Nam – Điện Ngọc, Duy Nghĩa, Bình Minh, Núi Thành; Khu vực miền núi và trung du phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với các điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã, cụm xã và các đô thị nhỏ, không phát triển đô thị vừa và lớn. Giáp biên giới với Lào, phát triển đô thị nhỏ gắn với cửa khẩu Quốc tế.
Hai là, phát triển đô thị đồng đều hệ thống đô thị trên trục giao thông đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn nhằm tạo ra các đô thị gắn với an ninh quốc phòng; thu hút dân cư ở các khu vực ven biển vào trong đất liền, hạn chế sử dụng quỹ đất nông nghiệp cũng như quỹ đất ven biển để phát triển đô thị; Không phát triển mở rộng các đô thị ở vùng đồng bằng – ven biển , dọc Quốc lộ 1A và khu vực các cửa sông để dành quỹ đất cho việc phát triển các khu du lịch đẳng cấp quốc tế và các dịch vụ cảng biển; Phát triển mở rộng và xây dựng mới các đô thị vừa và nhỏ tại vùng miền núi, trung du – gò đồi và vùng giáp biên giới đặc biệt tại các đô thị trung tâm huyện lỵ hiện nay nhằm dãn mật độ xây dựng dày đặc tại vùng ven biển; tập trung xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng khung nối các đô thị trên trục đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1A với các đô thị ven biển, đô thị biên giới tạo thành mạng lưới đô thị phát triển đồng đều.
Ba là, tập trung phát triển một số cụm đô thị động lực và các trục đô thị vùng Đông theo 3 cụm động lực: Tam Kỳ – Núi Thành, Duy Xuyên – Thằng Bình – Quế Sơn, Hội An – Điện Bàn; vùng Tây gồm: P’Rao – Thạnh Mỹ – Bến Giằng – Cha Val, Khâm Đức – Tắc Pỏ – Tân An; Các cụm đô thị động lực với các đô thị vừa và nhỏ, tạo cơ hội liên kết trong phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các đô thị lớn hơn, từng bước đô thị hoá các khu vực điểm dân cư nông thôn, xung quanh thành phố, xây dựng các cơ sở dịch vụ kể cả công nghiệp hỗ trợ cho các đô thị lớn hơn; các trục đô thị Bắc Nam và Đông Tây sẽ là những tuyến, những cầu nối hệ thống các đô thị từ cửa biển đến cửa khẩu, từ hệ thống đô thị phía bắc tới phía nam của tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo nên khả năng liên kết đa chiều không chỉ trong toàn tỉnh mà còn với khu vực; Định hướng hình thành 04 trục kinh tế đô thị theo hướng Bắc Nam: Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, Quốc lộ 1A và trục ven biển; 03 trục Đông Tây: Quốc lộ 14D – 14B, Quốc lộ 14E, Nam Quảng Nam.
Cần lựa chọn mô hình tập trung phát triển một số cụm đô thị động lực và các chuỗi đô thị phù hợp với đặc điểm về vị trí, điều kiện tự nhiên, đặc điểm phát triển kinh tế của tỉnh, khả năng khai thác được tối đa các lợi thế tiềm năng cũng như đón nhận được các cơ hội phát triển.
PV : Để thực hiện chủ trương về định hướng quy hoạch tổ chức và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh đến năm 2015 và xa hơn là 2030, Quảng Nam sẽ triển khai những giải pháp chủ yếu cụ thể như thế nào, thưa ông ?
Ông Lê Phước Thanh: Cần triển khai thực hiện phát triển đô thị theo các quy hoạch xây dựng đã duyệt và hoàn chỉnh quy hoạch vùng toàn tỉnh, quy hoạch chung xây dựng các đô thị nhỏ; gắn chặt chương trình phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng Tây tỉnh Quảng Nam, tạo cơ sở pháp lý thống nhất quản lý quy hoạch xây dựng toàn tỉnh theo quy hoạch vùng Tây và Đông. Về quy hoạch chung xây dựng: Triển khai và hoàn tất lập quy hoạch chung xây dựng, gồm các đô thị: Nam Phước – huyện Duy Xuyên, Hà Lam – huyện Thăng Bình, Đông Phú – huyện Quế Sơn; Thạnh Mỹ – Bến Giằng – huyện Nam Giang, Trung Phước – huyện Nông Sơn, Tắc Pỏ – huyện Nam Trà My. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng ở các đô thị Tiên Kỳ – huyện Tiên Phước, Tân An – huyện Hiệp Đức; UBND các huyện tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng và phát triển các thị tứ, các điểm dân cư có xu hướng đô thị hóa chuẩn bị lên đô thị loại V thuộc phạm vi quản lý hành chính của địa phương, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; Thành phố Tam Kỳ triển khai lập quy hoạch chung xây dựng đô thị; thành phố Hội An triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng giai đoạn phát triển; chú trọng công tác khớp nối các quy hoạch phát triển của các ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong việc triển khai quy hoạch chung xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị.
Tiến hành lập các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để phục vụ cho công tác quản lý xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng đối với chính quyền các cấp để tạo môi trường phát triển đô thị nhất quán trong tất cả các lĩnh vực.
Tiến hành quy hoạch phân khu xây dựng đô thị theo chiến lược, định hướng phát triển của các đô thị, nhằm đảm bảo phát triển đô thị theo đúng các định hướng về quy mô dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt; đồng thời, là cơ sở để nâng cao vai trò chức năng và quyền hạn của các địa phương trong tổ chức, thực hiện, quản lý phát triển đô thị ; Các quy hoạch phân khu xây dựng đô thị phải có quy định quản lý xây dựng đủ yêu cầu về các thời hạn thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch nhằm góp phần đảm bảo yêu cầu về xây dựng nhà ở, yêu cầu về đền bù, giải phóng mặt bằng của nhân dân trong vùng quy hoạch xây dựng.
Tổ chức lập chương trình phát triển đô thị và lập đề án nâng cấp đô thị lên đô thị loại IV cho đô thị Nam Hội An; UBND các huyện tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị đến 2020, tầm nhìn đến 2030 cho các đô thị còn lại và 18 thị tứ sau: Lâm Tây – xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc; Sông Vàng – xã Sông Ba, A sờ – xã Macooih, huyện Đông Giang; Azứt – xã Bhalêê, huyện Tây Giang; Phong Thử – xã Điện Thọ, Bảo An – xã Điện Quang, Cẩm Lý – xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn; Kiểm Lâm – xã Duy Hòa, Trà Kiệu – xã Duy Sơn, Bàn Thạch – xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên; Bà Rén – xã Quế Xuân 1, Mộc Bài – xã Quế Phú, Hương An, huyện Quế Sơn; Việt An – xã Bình Lâm, Sông Trà – xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức; Cây Sanh – xã Tam Dân, Kỳ Lý – xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh; Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành.
Giải pháp cơ bản về huy động vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, Trung ương; Các chương trình mục tiêu quốc gia, FDI, ODA; Ngân sách huyện cho chương trình phát triển đô thị; Nguồn lực từ chuyển quyền sử dụng đất, bất động sản, xã hội hóa đầu tư; Xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn; Đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; tiếp tục hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất đô thị để ổn định đời sống và tạo nguồn lực phát triển đô thị.
PV : Xin chân thành cám ơn ông !
Nguyễn Cửu Loan ( thực hiện) Số 37-38 ĐT&PT