GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG QUY HOẠCH XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI
Trong 19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/4/2009, thì tiêu chí Quy hoạch và thực hiện quy hoạch là tiêu chí được xếp lên đầu tiên. Qua đó đủ biết việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới là một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng rất nghiêm túc, nếu không có được cái nhìn tổng quát, thấu đáo dễ dẫn đến sơ lược, chiếu lệ hoặc duy ý chí. Một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho người dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, nói nôm na là làm cho người dân “giàu” và “văn hóa”. “Giàu” thì có tiêu chí cụ thể và hiệu quả thì thấy được, những tiêu chí “văn hóa” thì như thế nào? Ở đây xin nêu một số suy nghĩ về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc từ cái nôi của văn hóa làng xã mà các nhà quản lý cũng như các nhà kiến trúc không thể bỏ qua khi lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới ngày nay.
Xây dựng nông thôn “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” là cụm từ mà thời gian gần đây thường được nhiều người nhắc đến với thái độ hào hứng. Song cũng không ít người bày tỏ sự lo ngại trước xu thế hiện đại hóa nông thôn có thể là phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống làng xã đã tồn tại nơi đây hàng ngàn năm qua. Vậy thì văn hóa truyền thống làng xã đã hình thành và tồn tại như thế nào trong nếp sống ở nông thôn hiện nay?
Việt Nam là một dân tộc ngàn đời nay sống bằng nghề nông trồng lúa nước, cho nên toàn bộ văn hóa Việt Nam, xã hội Việt Nam, cái hay cái dở của ta đều từ văn hóa làng xã mà ra. Để làm lúa nước, dân ta tụ họp thành làng với tổ chức rất chặt chẽ và khép kín. Nguyên tắc tối thượng của xã hội công nghiệp lúa nước là ổn định để tồn tại. Muốn ổn định thì tốt nhất là mỗi người phải ngồi yên một chỗ, mọi người hợp lại thành một cộng đồng gắn kết ở yên trong một làng, nơi mà quyền lợi của mọi thành viên gắn bó chặt chẽ với nhau, công việc lặp lại theo mùa, ứng xử sao không mất lòng nhau.
Để tránh xáo trộn thì có gì “đóng cửa bảo nhau”; để khỏi mất lòng nhau thì ứng xử phải khéo léo, không nhất thiết là có sao nói vậy. Quản lý theo kiểu lãnh đạo tập thể, lấy lệ làng làm chuẩn mực. Đó là hệ giá trị tối ưu mà một xã hội nông nghiệp lúa nước đã xây dựng được cho mình.
Văn hóa làng xã còn được thể hiện trong mỗi gia đình với gia phong đã được chuẩn mực hóa từ lâu. Tôn ti trật tự trong làng, dòng họ và gia đình, có trên, có dưới, một xã hội có thứ bậc. Nó còn thể hiện bởi một nền văn học dân gian phong phú, cuộc sống lễ hội sống động. Mặt khác, văn hóa làng xã cũng được thể hiện bằng cảnh quan thơ mộng của những con đường làng với những hàng tre uốn lượn, tiếng sáo diều dập dìu. Rồi kiến trúc đình làng, ngôi nhà ở quê với ngưỡng cửa và bàn thờ. Những kinh nghiệm của ông cha chúng ta suốt bao nhiêu đời người cần mẫn xây dựng nên cái tổ ấm của mình quả là có những điều quý giá khiến chúng ta cần suy ngẫm. Ở đó có sự tính toán chu đáo về khí hậu, về vật liệu xây dựng, ở đó có thể hiện cái khiếu thẩm mỹ rất tinh tế nhằm tạo nên sự hài hòa giữa ngôi nhà ở và khung cảnh thiên nhiên xung quanh… Những giá trị truyền thống ấy chính là cội nguồn sức mạnh từ hàng ngàn năm nay của dân tộc ta, đất nước ta.
Chính nhờ cái văn hóa nông thôn đó mà suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Trung Hoa đã không đồng hóa ta được. Nó là pháo đài vững chắc chống sự xâm lăng của kẻ thù thời kỳ chiến tranh và là “bức tường lửa” ngăn chặn các tệ nạn và thói xấu từ bên ngoài vào trong nếp sống hiện đại ngày nay. Trong khi đó, bản thân mỗi người dân đều mong muốn giữ được những nét đẹp truyền thống xưa trong bộ mặt nông thôn mới của mình.
Ta trân trọng cội nguồn, bởi tại nguồn, nước bao nhiêu cũng trong!
Sau lũy tre chứa đựng những điều tốt đẹp và cả những bất cập. Lệ làng cổ hủ, phong kiến hay tôn sùng vô thức. Lợi ích nhóm, làng anh, làng tôi, họ Nguyễn, họ Vũ, để rồi tự kìm chân nhau. Mọi sự phát triển, tụt hậu, chiến thắng hay thất bại đều dựa vào truyền thống ấy. Gọi mỗi người Việt Nam là một trai làng thì không ngoa. Vì quả thật, họ được sinh ra trong cái nôi bản sắc văn hóa làng xã đó. Phải chăng đó là triết lý cho sự phát triển một đất nước với 70% – 80% nông dân. Song khi bước vào hội nhập, chuyển sang một xã hội đô thị và công nghiệp thì những giá trị ấy không còn thích hợp. Không những không còn thích hợp, nó còn là lực cản cho sự phát triển và nguyên nhân của những sai lầm.
Cần phải nhìn nhận một cách hết sức thiết thực và cụ thể rằng: nông thôn dù có đổi mới đến đâu cũng không thể trở thành đô thị được. Nhà của nông thôn có thể rất đẹp, đời sống nông thôn có thể gần ngang bằng thành thị nhưng đời sống nông thôn là gắn với ruộng đồng, chuồng trại chăn nuôi; khác hẳn với đời sống thành thị. Vì vậy hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn không phải là “bê tông hóa” tất cả. Nó vẫn phải giữ lại những phong tục tập quán, những di tích của làng xã, nhà thờ họ, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm, những nơi mang tính truyền thống như cây đa, giếng nước, cổng làng, đền chùa… vì những cái đó là đặc điểm riêng của nông thôn Việt nam, không thể bỗng dưng xóa bỏ đi mà thay vào đó là công viên hay tầu điện ngầm được (người dân vẫn thích đến đình làng, thích hát ở sân đình hơn là đến nhà văn hóa xã, thôn!). Xây dựng mới nhưng không có biện pháp bảo tồn, gìn giữ truyền thống văn hóa, cảnh quan làng xã thì chúng ta có nguy cơ phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống quý giá này.
Nguy cơ cao hơn là Mỹ từ “toàn cầu hóa” có thể cuốn trôi đi cả một đất nước, một nền văn hóa. Người ta chú trọng đến mở rộng thành phố, thêm nhà máy, khu công nghiệp, làm sân gôn… Môi trường bị hủy hoại, rồi tài nguyên thiên nhiên, đất trồng trọt bờ xôi ruộng mật, làng mạc trù phú dễ bị biến mất vào một bàn tay núp dưới danh nghĩa hội nhập, hoặc những nét vẽ cẩu thả của nhà kiến trúc lười suy nghĩ và những nhà quản lý thích thành tích.
Nhiều nhà kinh tế hay chính tri thường xuyên quên đi giá trị của văn hóa khi ra các quyết định mà không hiểu rằng, văn hóa không những là di sản mà là tương lai của một dân tộc. Nôi văn hóa làng xã sẽ đi theo suốt chặng đường phát triển, bởi 80% là nông dân, còn 20% ở thành phố cũng là do nông dân sinh ra.
Khi làm quy hoạch xây dựng nông thôn mới với triết lý phát triển không thể quên yếu tố “nông dân” và cái đình làng, người kiến trúc sư phải có những kiến thức sâu và rộng về cội nguồn của văn hóa làng xã, của cái đối tượng mà ta sẽ phải nghiên cứu và hoạch định nó trong từng nét bút. Bởi “công cuộc kiến trúc không giống như mộ bàn cờ, bày ra rồi lại xóa đi để dễ dàng bày lại theo những suy nghĩ thay đổi” (KTS. Nguyễn Cao Luyện).
Ngày nay, nghe rất nhiều mĩ từ nói về văn hóa, ít ai thích chữ nhà quê. Phải chăng những nét đẹp của nôi văn hóa làng xã bị bỏ qua, nhưng tính tiểu nông vẫn còn trong tư duy.
Xây dựng nông thôn mới để người nông dân được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, giữ được sống tình nghĩa cộng đồng; đồng thời được hưởng những giá trị ưu việt của văn minh đô thị. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới theo đúng các tiêu chí đã quy định và phù hợp với điều kiện từng nơi, đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, nâng cấp điện, đường, trường, trạm, chợ, nước hợp vệ sinh, các công trình văn hóa,… là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể nóng vội.
Làm quy hoạch kiểu gì để “Tam nông” vẫn được bảo tồn, sống trong môi trường tự nhiên trong lành, trong một xã hội thân thiện, tình nghĩa cộng đồng; đồng thời người dân ở nông thôn cũng sẽ được hưởng những giá trị ưu việt và ảnh hưởng tích cực của văn minh đô thị, nhờ các thành tựu mới của khoa học kỹ thuật trong sinh học, tin học, cơ khí, điện khí hóa, tự động hóa được đưa vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị tăng thêm trên mỗi đơn vị diện tích đất. Người nông dân được hưởng thụ các dịch vụ của đô thị, như điện, nước sạch, y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông, bảo hiểm y tế,…
Quy hoạch làng quê thế nào để những tinh hóa văn hóa đó vẵn luôn luôn tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại không chỉ ở vùng quê mà còn ở thành thị.
Tỉnh nào cũng tới vài chục làng nghề truyền thống, có làng nghề tồn tại từ ba trăm đến năm trăm năm với nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa. Nông thôn của ta cũng lưu giữ một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, đa dạng và phong phú. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện đại, việc giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc là một việc rất quan trọng và khó khăn, không thể xem nhẹ.
Mặt trái của cơ chế thị trường cùng những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào đang hàng ngày, hàng giờ tiến công vào các gia đình truyền thống, đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các tệ nạn xã hội đang len lõi đến tận vùng quê, nhất là những nơi bị thu hồi ruộng đất, nông dân chưa có việc làm. Quá trình đô thị thiếu quy hoạch cũng đang phá vỡ cảnh quan gắn bó với thiên nhiên của làng quê. Đô thị hóa cùng với các khu công nghiệp mọc lên khiến cho không ít vùng nông thôn bị ô nhiễm môi trường.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, giữ được diện mạo, môi trường lành mạnh của làng quê, đồng thời xây dựng người nông dân mới vừa có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến vừa có bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam là trách nhiệm của mọi người trong xã hội, mà bước đi đầu tiên là của các nhà quản lý và các nhà kiến trúc./.
KTS. Nguyễn Huy Phách
Số 35-36 ĐT&PT