Cung An Định – Sự giao thoa nghệ thuật kiến trúc Âu – Á đầu thế kỷ XX
Gắn bó với nhau trong một quan hệ tổng thể hài hoà mang nhiều ý nghĩa, cung An Định không hẵn là một toà lâu đài nguy nga với dáng vẻ và kết cấu phức tạp nửa Âu nữa Á mà còn là điểm xuyết duyên dáng trong bức tranh kiến trúc hiện đại giữa lòng đô thị Huế hôm nay.
An Định Cung là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm bên bờ sông An Cựu, phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Nguyên xưa, tòa nhà này được vua Đồng Khánh cho xây dựng và đặt tên là phủ Phụng Hóa với ý nguyện làm quà cho con trai trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1916, khi vua Duy Tân mưu việc nước không thành và bị người Pháp đày sang đảo Reunion, Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu Khải Định. Để tưởng niệm nơi mình đã sinh ra và lớn lên, vua Khải Định cho xây dựng lại phủ Phụng Hóa bằng ngân sách của gia đình và đặt tên là cung An Định vào năm 1917. Bài văn do vua Khải Định làm được ghi lại ở 3 mặt ban công của lầu Khải Tường đã phần nào nói lên lý do của việc xây dựng cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của vua Khải Định, cung An Định được ban cho hoàng tử Vĩnh Thuỵ làm của riêng để tỏ lòng thương mến của vua cha. Năm 1945, sau khi làm lễ thoái vị tại Ngọ Môn (30.8.1945), Vĩnh Thuỵ cùng mẹ là bà Từ Cung và vợ là bà Nam Phương, các con và một số người hầu cận rời Hoàng thành qua sống tại cung An Định. Từ năm 1955, cung An Định bị chính quyền Ngô Đình Diệm tịch thu và trưng dụng làm khu chung cư cho một số gia đình công chức tại địa phương. Sau năm 1975, bà Từ Cung tự nguyện hiến cơ sở này cho chính quyền Cách mạng. Trong thời gian dài, cung An Định được sử dụng làm địa điểm văn hóa công cộng sau đó là nơi kinh doanh các dịch vụ ăn uống… nhưng không được trùng tu, bảo dưỡng nên xuống cấp khá nghiêm trọng.
Năm 2001, cung An Định được trùng tu và trở thành một trong những điểm tổ chức lễ hội féstival Huế 2002. Năm 2003, Đại sứ quán CHLB Đức đã tài trợ 17.000 euro để phục chế 6 bức tranh tường quý hiếm ở nội thất tiền sảnh lầu Khải Tường. Bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia phục chế di tích người Đức, đã nghiên cứu, phân tích và phục chế các bức tranh… Nhờ đó một nội thất nhà Khải Tường lâu sang trọng, lộng lẫy như bản thân nó đã từng có đầu thế kỷ XX dần xuất hiện.
Trong các dịp Festival Huế 2004, 2006, 2008, cung An Định luôn là một trong những địa điểm quan trọng diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm trưng bày cổ vật… thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan đến Huế, góp phần không nhỏ làm nên thành công của các kỳ lễ hội Festival Huế.
“Cung An Định” di tích Cố Đô Huế.
Cung An Định là tập hợp các công trình lớn nhỏ do nhà thầu khoán Bang Hưng chỉ huy xây dựng với một ê kíp thợ giỏi nổi tiếng của Huế như: “Đệ nhất xảo thủ” Nguyễn Văn Khả, thợ vẽ Lương Quang Duyệt. Quay mặt về hướng nam, khuôn viên di tích cung An Định có diện tích là 23.463,15m2, phía trước có sông An Cựu làm yếu tố minh đường, bốn mặt được bao bọc bởi hệ thống tường thành xây gạch. Từ ngoài vào trong, chiếu theo trục Bắc – Nam, Cung An Định gồm có các công trình sau: bến thuyền, cửa cung, Trung Lập Đình, vườn hoa, Khải Tường Lâu, Cửu Tư Đài, chuồng thú, hai dãy nhà ngang, vườn cung với cây cảnh và hồ nước, cuối cùng là cổng hậu. Cửa cung gồm hai tầng, xây bằng gạch, và trang trí nghệ thuật khảm sành sứ đắp nổi đa sắc các motif hồ lô, rồng, phụng, mặt trời. Tiếp sau cửa cung là Đình Trung Lập, đây là một ngôi nhà bát giác rất xinh xắn, gồm hai tầng nền với các bậc cấp lên xuống theo hướng Đông -Tây. Đình có 8 cột, mỗi cột cao 1,8m; hai mái lợp được trang trí hình rồng khảm sành đắp nổi, chóp mái đình trang trí bầu hồ lô. Công trình quan trọng nhất của cung An Định là Lầu Khải Tường với diện tích gần 750m2, được sử dụng làm nơi ở và sinh hoạt. Toà nhà được chia làm 3 tầng, bao gồm 21 phòng. Tầng trên cùng dùng làm nơi thờ tự, tầng 2 dùng để ở và đáng lưu ý nhất chính là tầng 1. Nội thất tầng 1 có 7 phòng, hai bên dùng để làm phòng ăn và đặt tiệc; phòng chính giữa làm nơi tiếp khách.
Nổi bật ở gian tiền sảnh là 6 bức tranh trang trí trên các mảng tường. Các bức tranh được ốp viền khung gỗ, chạm khắc hoa mai, lá sen cách điệu rất đẹp. Sáu bức tranh này tuy không đề tên nhưng khi nhìn hình vẽ, người xem có thể dễ dàng nhận biết đó là phối cảnh thật của 5 lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh; riêng bức tranh thứ 6 (tính từ trong ra ngoài) chưa rõ vẽ công trình gì. Có ý kiến cho rằng đây có thể là bức tranh vẽ lăng Khải Định khi đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ và sở dĩ bức họa không giống với lăng Khải Định hiện nay vì sau chuyến đi Pháp (năm 1920) về, Khải Định đã cho thay đổi thiết kế lăng theo kiểu phương Tây. Cả 6 bức tranh không có chữ ký của hoạ sĩ nên đến nay việc xác định tác giả của 6 bức tranh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Năm 2003, khi trùng tu 6 bức tranh này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ở góc của 1 trong 6 bức tranh có chữ ký Nguyễn Văn Ngoan (hay Ngoãn) (?).
Phía sau Khải Tường Lâu, có một công trình lớn, đó chính là nhà hát Cửu Tư Đài. Công trình này bị đổ nát năm 1947, Hiện nay chỉ còn nền móng. Sau cuộc khai quật khảo cổ năm 2003, diện mạo nhà hát Cửu Tư Đài được phác họa lại; đó là một tòa nhà quay mặt về hướng bắc và nối với lầu Khải Tường bằng một hành lang. Nhà hát Cửu Tư Đài gồm có 2 tầng. Hệ thống sân khấu nằm ở giữa nền tầng 1. Khán đài được thiết kế ở cả 2 tầng, phía xung quanh sân khấu. Khán đài danh dự, nơi vua và khán giả thượng cấp ngồi xem nằm ở tầng 2. Theo mô tả của tư liệu thì phong cách trang trí ngoại thất của nhà hát Cửu Tư Đài gần giống nhà hát lớn ở Hà Nội nhưng phần trang trí nội thất lại tương tự Cung Thiên Định ở lăng Khải Định. Các mặt tường nội thất đều được đắp nổi bằng nghệ thuật ghép sành sứ, thuỷ tinh, thể hiện các đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam. Diện tích của nhà hát rất lớn, khoảng 1500m2 và có sức chứa hơn 500 khán giả. Đầu thế kỷ XX, biểu diễn trên sân khấu nhà hát Cửu Tư Đài không chỉ có đoàn Ba Vũ Huế, mà các đoàn tuồng cải lương nổi tiếng ở miền Nam như Phùng Há, Năm Phỉ… cũng được Hoàng gia mời ra biểu diễn.
So với các công trình kiến trúc xây dựng cùng thời thì Cung An Định là một công trình bề thế được khởi công và hoàn thành sớm nhất. Mở đầu cho thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế giao lưu, tiếp xúc và chịu ảnh hưởng phương Tây, Cung An Định đồng thời cũng tạo được nét đặc sắc riêng trong nghệ thuật kiến trúc bằng hệ đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, bát bửu, hoa văn cách điệu bên cạnh các trang trí cột theo phong cách Roman, bắc đẩu bội tinh, hoa hồng hay các thiên thần… mang phong cách châu Âu.
ThS. Phạm Thị Minh Tâm
Số 27 ĐT&PT