Tháng 3 năm 1991, tôi vào Đà Nẵng lần thứ tư và lần này tôi với tư cách Trưởng đoàn của Đoàn cán bộ Quy hoạch đô thị của Bộ Xây dựng vào kết hợp với tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng làm quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhớ lại Đà Nẵng thuở ấy so với Đà Nẵng hôm nay tôi không thể cưỡng lại cảm xúc của mình, Đà Nẵng đổi thay như trong một giấc mơ.
Ngày ấy, đoàn chúng tôi đã gắn bó với các đồng nghiệp của Quảng Nam – Đà Nẵng trong suốt chặng đường quy hoạch, cùng khảo sát, nghiên cứu và lập được hồ sơ Quy hoạch chung để báo cáo với các cấp lãnh đạo và đã được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng tại Quyết định 604 ngày 20 tháng 12 năm 1993.
Vào thời gian ấy, đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh nên còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, công tác quy hoạch xây dựng đô thị vẫn được chính quyền địa phương và Trung ương quan tâm, coi đây là công việc đặc biệt quan trọng để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhưng thành phố Đà Nẵng lúc đó chỉ là trung tâm chính trị – kinh tế của tỉnh nên tầm nhìn còn hạn chế. Song, mục tiêu là quy hoạch tạo lập không gian cho thành phố lớn thứ 3 của cả nước có tính chất và quy mô đô thị phù hợp với chiến lược đô thị quốc gia vào những năm đầu thế kỷ XXI. Bộ khung đô thị được hình thành đủ lớn, đủ sức mạnh để gánh vác với tầm vóc của đô thị có quy mô gần 1 triệu người ở thập kỷ đầu tiên thế kỷ XXI này.
- Thành tựu xây dựng và phát triển đô thị
Tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2010), tôi thực sự xúc động với bài diễn văn của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Đấy là tất cả tình nghĩa và trách nhiệm của công dân Đà Nẵng với chính thành phố thân yêu của mình. Tình nghĩa với những người làm nên lịch sử, đặc biệt là những người đã hy sinh cho dân tộc và tự do của tổ quốc, cho thành phố mình. Trách nhiệm là sự lao động hăng say, sáng tạo để xây dựng lại thành phố, xây dựng thành phố phát triển văn minh, hiện đại; xứng đáng là đô thị trung tâm của miền Trung, đô thị lớn của quốc gia và hoài bão về một đô thị có tầm khu vực Châu Á. Bức tranh đô thị đang được người dân Đà Nẵng vẽ lên chính là đền đáp lại các thế hệ và những liệt sĩ những người anh hùng của thành phố biển.
Quy hoạch chung Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt năm 1993 đã được chính quyền thực hiện triệt để nghiêm túc. Trên cơ sở quy hoạch chung này, nhiều quy hoạch chi tiết, nhiều dự án xây dựng đã được triển khai để đưa vào hiện thực. Dự án đường quanh vịnh Đà Nẵng từ Liên Chiểu đến Thuận Phước, dự án hai bên bờ sông Hàn, đường Sơn Trà – Điện Ngọc, các công trình được xây dựng như biểu tượng của thành phố như cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn, cầu Rồng; các khu đô thị mới, khu công nghiệp phần mềm, các công trình kiến trúc đương đại mang dấu ấn đô thị biển, khách sạn văn phòng cao tầng, các công trình thể thao cấp quốc gia mà công trình nhà thi đấu thể thao mới đưa vào sử dụng là công trình điểm xuyến vào không gian đô thị hiện đại…
- Đề xuất ý tưởng cho quy họach thành phố.
Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị khẳng định thành phố Đà Nẵng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong vai trò là thành phố hạt nhân, là động lực cho sự phát triển của vùng và cả nước.
Sở hữu một địa hình kinh tế quan trọng mà ít thành phố nào có được: là trung tâm của miền Trung Tây Nguyên, đầu mối giao thông với miền Bắc – miền Nam và nước bạn Lào, có cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu là trung điểm của hệ thống giao thông cao tốc đường bộ, đường sắt cao tốc quốc tế và liên kết tốt với hệ thống giao thông đông tây và đường Hồ Chí Minh thời hiện đại.
Thiên nhiên đẹp và hùng vĩ lạ lùng, khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiều bãi tắm nổi tiếng, có vùng núi phía tây che chắn, có núi Bà Nà với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nền nhiệt độ mát mẻ quanh năm, là “Tam đảo” của miền Trung, Bà Nà đang được quy hoạch và xây dựng thành khu du lịch sinh thái đặc biệt của thành phố.
Hơn nữa, Đà Nẵng là trung tâm điểm đến của địa danh các di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế – Hội An – Thánh địa Mỹ Sơn là một lợi thế rất lớn mà khó có thành phố khác trong cả nước cạnh tranh được.
Đà Nẵng, rõ ràng là một thành phố có nhiều tiềm năng lớn trong cạnh tranh để phát triển. Có thiên nhiên và cảnh quan đẹp nổi tiếng, nhất là vịnh Đà Nẵng được che chắn tự nhiên và có không gian tuyệt vời nhưng chưa được khai thác đúng tầm. Núi Sơn Trà là tấm bình phong quý giá của đô thị biển và là tiềm thức, là trí nhớ cho mọi người Đà Nẵng khi nhìn về bầu trời của mình và khi nghĩ về thành phố thân yêu của mình. Sông Hàn, Non Nước, Nam Ô, Cẩm Lệ, Phước Tường đều là những tên gọi, địa danh gắn với lịch sử phát triển của Đà Nẵng cần chúng ta có tư duy ý tưởng phù hợp với quan điểm phát triển hiện đại trong thế kỷ đô thị hóa này.
Trong tiến trình xây dựng Đà Nẵng, công tác quy hoạch chung xây dựng đóng vai trò và quyết định cho sự phát triển. Tuy nhiên, quy hoạch phải thể hiện được chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Song bài toán lựa chọn ý tưởng quy hoạch để đạt được yêu cầu trong phát triển của thành phố còn quan trọng hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu phân tích khía cạnh kinh tế – xã hội và công tác triển khai quy hoạch chung đã được điều chỉnh mà mạnh dạn đề xuất một số ý tưởng nhằm nâng cao vị thế, nâng tầm đẳng cấp của đô thị trong quá trình hội nhập sâu với quốc tế với mong muốn xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của thế giới.
Đề xuất ý tưởng 1
Với tính chất đô thị đã được khẳng định là trung tâm đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm miền Trung và Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia, là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng cấp quốc gia; là thành phố cảng, đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học, kỹ thuật và công nghệ…
Trong các đô thị biển có vị thế quan trọng của mỗi quốc gia khi xây dựng và phát triển nhanh để hội nhập, giao lưu với các đô thị cần có hướng đầu tư cho thương mại và du lịch, dịch vụ vừa đáp ứng xã hội của đô thị vừa đáp ứng yêu cầu lớn cho khách du lịch ngày càng tăng.
Ngoài dự án đang triển khai, chúng tôi đề xuất: thành phố Đà Nẵng phải có trung tâm du thuyền với quy mô khá lớn, phù hợp với điều kiện địa hình cảnh quan. Trước mắt phục vụ khách quốc tế, nhưng trong tương lai là phục vụ cho nhu cầu của người dân đô thị. Đây là dự án quan trọng với đô thị du lịch biển bởi nó là nhu cầu có tính đẳng cấp cho chất lượng cuộc sống hiện đại đối với người nước ngoài giàu có và cho cả người Việt Nam có nhu cầu; vừa để khai thác tốt và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ban tặng bởi vịnh Đà Nẵng rất đẹp, kín gió, rất phù hợp với các loại hình du thuyền lớn và nhỏ. Xây dựng cảng du thuyền sẽ tăng thêm tính hấp dẫn và yêu cầu cần thiết của đô thị du lịch biển mà Đà Nẵng với vai trò, vị trí quan trọng trong các khu du lịch biển của miền Trung và của quốc gia biển Việt Nam. Những khu du thuyền hấp dẫn và thành công của Pháp như Macxay, Monaco, hay của Rotterdam Hà Lan, Toronto Canada, Osaka Nhật Bản…
Đề xuất ý tưởng 2
Khai thác vịnh Đà Nẵng không chỉ với du thuyền – cảng tổng hợp mà cần có một điểm vui chơi, giải trí. Vì vậy, đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo trong lòng vịnh Đà Nẵng. Đây là vịnh cảnh quan có không gian đẹp như vẽ, núi Hải Vân, Sơn Trà như cánh cung ôm trọn phía Bắc thành phố vào lòng vịnh. Việc xây dựng nhân tạo một đảo nhỏ trên ý tưởng xây dựng một bảo tàng về biển, một viện hải dương học kết hợp với vui chơi, giải trí ngắm thành phố và biển của người dân và khách du lịch như người Nhật đã xây dựng đảo nhỏ ở vịnh Tokyo. Hòn đảo nhân tạo này sẽ như là hòn ngọc của thành phố nằm trong vịnh Đà Nẵng, có thể cách bờ khoảng 2.000 m và cách phía núi Liên Chiểu hơn 2.000 m. Hòn đảo này được nối với thành phố ( khu trung tâm vịnh) bằng một đường hầm cho ô tô du lịch và nối sang mũi Liên Chiểu kết hợp với đê chắn sóng và cầu có hình dáng đặc biệt.
Đây sẽ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có một không hai, mang tính biểu tượng cao của Đà Nẵng và các thành phố biển của Việt Nam. Công trình có kiến trúc đặc sắc vừa làm đẹp, vừa làm rực rỡ vịnh Đà Nẵng vào ban đêm và làm vịnh Đà Nẵng thân thiện với con người Đà Nẵng hơn. Và hơn thế, công trình được xây dựng với kỹ thuật cao nhằm tôn vinh khoa học kỹ thuật xây dựng của Đà Nẵng ở thế kỷ XXI. Đây cũng là một công trình kiến trúc nghệ thuật – kỹ thuật, phục vụ du lịch nổi tiếng cho Việt Nam và mang thương hiệu Đà Nẵng thời kỳ thế giới hội nhập.
Đề xuất ý tưởng 3
Đà Nẵng – Bán đảo Sơn Trà là gạch nối liên kết trong địa danh tên gọi. 20 năm trước đây, khi nghiên cứu quy hoạch chung Đà Nẵng, chúng tôi đã nhìn vào Sơn Trà với bao khát vọng. Song, ngày đấy, yếu tố quân sự không cho phép những người làm quy hoạch có tham vọng lớn. Thế kỷ hội nhập, đất nước phát triển, chúng ta đã mạnh hơn và nhìn về tương lai cho mỗi đô thị cởi mở hơn. Yếu tố an ninh quốc gia là yếu tố quan trọng nhưng không phải mọi chỗ, mọi nơi và là tất cả.
Bán đảo Sơn Trà nên được chủ động đề xuất cho việc xây dựng đô thị và phục vụ du lịch một cách tích cực nhất. Chúng ta cần nhìn nhận bán đảo Sơn Trà có ý nghĩa quốc phòng quan trọng bởi vị trí tiền tiêu của nó; bởi thế, phần các đỉnh phía Đông dành cho quốc phòng. Đề xuất dành đỉnh cao phía Tây (nơi có vị trí đẹp, thuận lợi cho giao thông, nên dành cho xây dựng một tổ hợp khách sạn du lịch hạng sang, nhất là có kết hợp vui chơi giải trí tầm vóc quốc tế, đáp ứng cao nhất nhu cầu của khách quốc tế hiện tại và của khách du lịch trong tương lai.
Đề xuất ý tưởng 4
Tại bán đảo Sơn Trà được quy hoạch cho phần sườn phía Nam. Phía chân núi (theo hướng từ phía cảng Tiên Sa mũi phía Đông) đề xuất quy hoạch xây dựng các khu ở, biệt thự, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp theo nhịp điệu và độ cao khoảng từ 100m trở xuống. Đề xuất này có 2 ý nghĩa:
– Khai thác tốt quỹ đất (Đà Nẵng phát triển trong tương lai đến 2 triệu người là thiếu đất xây dựng). Kiến trúc cho các công trình nhà ở, du lịch ở trên sườn phía Nam sẽ làm cảnh quan đô thị sầm uất, đầy sức sống làm cho Sơn Trà gắn bó với Đà Nẵng hơn.
– Từ thành phố chúng ta nhìn lên Sơn Trà, ở đó có một cuộc sống đô thị mới trên cao như Hồng Kông, Monaco, Vũng Tàu… Dải kiến trúc này vừa làm cho đô thị thêm quy mô hơn, quan trọng là tạo được một cuộc sống đô thị ở trên cao với sự khác biệt và làm phong phú hơn không gian đô thị Đà Nẵng. Mặt khác, cuộc sống từ trên núi cao nhìn về sông Hàn – Đà Nẵng là điểm nhìn lý tưởng nhất cho mỗi người. Sở hữu một căn hộ, một ngôi biệt thự hay uống ly cà phê trong khách sạn sang trọng ở độ cao này khi nhìn về thành phố với sông Hàn tuyệt đẹp thì ý nghĩa cuộc sống và chất lượng sống của người Đà Nẵng có nơi nào sánh bằng.
Chỉ là đề xuất ý tưởng thôi nhưng chúng tôi thấy là khả thi nếu chúng ta dám xây dựng một dự án trên cao cho Đà Nẵng. Ở đây vấn đề quốc phòng, vấn đề rừng cảnh quan bảo vệ thiên nhiên, vấn đề xói lở và các thể chế cần phải được đặt ra để nghiên cứu, xem xét và lựa chọn có một kế hoạch tốt cho việc khai thác bán đảo Sơn Trà một cách hiệu quả nhất.
Đề xuất ý tưởng 5
Để Đà Nẵng hội nhập sâu, xây dựng sân bay cho Đà Nẵng là một nội dung quan trọng. Bởi sân bay Đà Nẵng đã được nâng cấp và có nhà ga mới nhưng trong tương lai cũng chỉ hạn chế khoảng 10 đến 12 triệu hành khách/năm. Đà Nẵng là trung tâm điểm đến của miền Trung và của di sản thế giới là một thành phố cấp quốc tế không thể có sân bay quy mô bé được. Tương lai cần phải có sân bay quy mô lớn cho các loại máy bay có tốc độ và số lượng hành khách lớn hơn. Đề xuất: không xây dựng sân bay mới ở Đà Nẵng vì không có diện tích lớn, nên lấy sân bay Chu Lai cách Đà Nẵng 90 km (đi đường cao tốc 1 tiếng và đường sắt cao tốc 30 phút). Đây là sự lựa chọn phù hợp cho sân bay quốc tế của Đà Nẵng nằm trên địa phận Quảng Nam. Chúng ta đang quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế không phân biệt ranh giới hành chính. Cần có ý tưởng kết hợp với quốc gia để xây dựng sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế của Đà Nẵng và của vùng miền Trung – Tây Nguyên.
- Phần kết
Những đề xuất ý tưởng trên đây đối với công tác quy hoạch xây dựng ở Đà Nẵng không phải vào thời gian nào cũng được. Phải đến lúc này, khi Đà Nẵng đã phát triển cao, có bước đột phá và công tác quy hoạch – quản lý quy hoạch đã tốt, đi vào nề nếp thì việc đề xuất các ý tưởng trên nhằm xây dựng Đà Nẵng thành đô thị có đẳng cấp thế giới, có sức sống và có sức cạnh tranh mạnh, và là một thành phố đáng sống đòi hỏi chúng ta hãy có ý tưởng cho đô thị quan trong này.
TS.KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam