Home / QUY HOẠCH / Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh của 7 tỉnh Duyên hải Miền Trung

Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh của 7 tỉnh Duyên hải Miền Trung

Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh của 7 tỉnh Duyên hải Miền TrungĐịnh hướng liên kết và phối hợp phát triển các địa phương trong Vùng                      Tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh trong Vùng khá tương đồng với nhau cả về tiềm năng biển và ven biển, tiềm năng du lịch, tiềm năng phát triển cảng và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn. Nhưng hiện tại tính liên kết trong Vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất lỏng lẻo, thậm chí trong nội bộ Vùng còn cạnh tranh mạnh mẽ, làm cản trở sự phát triển chung. Sự liên kết giữa Huế, Đà Nẵng và Hội An tuy có khá hơn nhưng chưa có sự khác biệt nhiều; giữa các KKT, KCN sự trùng lặp về sản phẩm, về chức năng….. vẫn diễn ra. Làm thế nào để tạo ra tính liên kết trong sản xuất và kinh doanh để có sức cạnh tranh quốc tế cho các sản phẩm trong Vùng là vấn đề quan trọng cần phải vượt qua.

1 – Liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn Vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong Vùng. Trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà Vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả Vùng như: hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông ; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước, hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

Liên kết hình thành các trục giao thông Bắc – Nam và mạng kết nối với nội địa và cảng biển. Xây dựng các đoạn đường bộ cao tốc thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Nhanh chóng triển khai và hoàn thành đường cao tốc Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng – Chu Lai – Quảng Ngãi – Quy Nhơn và Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị. Nâng cấp, xây dựng các đường thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây và các đường ngang nối vùng duyên hải với các tỉnh Tây Nguyên, nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan và Campuchia; nối thông và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển; đưa vào đúng cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ còn lại; xây dựng đường Trường Sơn Đông từ Đà Nẵng đến Lâm Đồng.

Nâng cấp đường sắt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia và khu vực, triển khai đường sắt đôi khổ 1.435mm đoạn Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu xây dựng một số đoạn đường sắt cao tốc Bắc – Nam, triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 400km.

Phát triển các cảng: Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) phục vụ trực tiếp sự phát triển của khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong các cửa ra biển cho hành lang kinh tế Đông – Tây qua cửa khẩu Lao Bảo; Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) có vai trò cảng trung tâm của khu vực Trung Bộ, là một trong các cửa ra biển cho hành lang kinh tế Đông – Tây qua cửa khẩu Lao Bảo; Cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) phục vụ khu kinh tế mở Chu Lai và Quảng Nam; Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi, phục vụ cho KKT Dung Quất và khu vực Quảng Ngãi; Cảng Quy Nhơn – Nhơn Hội (Bình Định) phục vụ trực tiếp khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định và đầu ra của hành lang Đông – Tây; Cảng Vũng Rô (Phú Yên) phục vụ trực tiếp khu kinh tế Nam Phú Yên và khu vực Phú Yên; Cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) phục vụ trực tiếp cho KKT Vân Phong và là cảng trung chuyển quốc tế cho khu vực, trở thành cảng biển lớn của Việt Nam đạt tầm vóc quốc tế; xây dựng Cảng Nha Trang (Khánh Hòa) thành cảng du lịch; Cảng Ba Ngòi (Khánh Hòa) phục vụ cho nhu cầu vận tải của Nam Khánh Hòa, Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên.

Phát triển các cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài, Canh Ranh; tiếp tục nâng cấp cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển hàng hóa quốc tế của khu vực; nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không Phù Cát, Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sân bay nội địa.

Xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, cấp điện, hệ thống giao thông, thủy lợi, các KCN … đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao điều kiện sống. Hiện đại hóa hệ thống thông tin và truyền thông.

2 –  Liên kết và phối hợp phát triển công nghiệp và các khu công nghiệp trên các lĩnh vực công nghiệp gắn với biển và dịch vụ cảng. Phải đặt sự phát triển công nghiệp của từng địa phương trong chiến lược phát triển công nghiệp chung của cả nước, trong tổng thể phát triển của cả Vùng và gắn kết với các Vùng khác. Cùng phối hợp tháo gỡ mọi khó khăn, cản trở tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, đặc thù nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài để nhanh chóng lấp đầy các KCN và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH của Vùng.

Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các KKT để các KKT này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của Vùng. Trước hết tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cả trong và ngoài các KKT đồng bộ và hiện đại theo chuẩn quốc tế. Hoàn chỉnh cơ chế chính sách, nhất là các thủ tục hành chính và cơ chế quản các KKT để các khu này thực sự là nơi có môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

3 – Liên kết và phối hợp phát triển nâng cao chất lượng ngành du lịch, dịch vụ. Phối hợp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng với các sản phẩm tiêu biểu là du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch tham quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề… Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có quy mô lớn. Tập trung đầu tư phát triển vào khu du lịch tổng hợp quốc gia và khu du lịch chuyên đề làm hạt nhân phát triển du lịch của cả Vùng. Tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ gắn với phát triển du lịch và hoạt động đầu tư tại hệ thống đô thị của Vùng như dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ công nghệ, pháp lý, môi trường, viễn thông, phát triển thị trường bất động sản, phát huy có hiệu quả các tổ chức tài chính. Xây dựng Huế, Đà Nẵng, Nha Trang thực sự trở thành các trung tâm du lịch lớn của Vùng và cả nước.

4 – Phối hợp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường sức lao động. Coi trọng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đầu đàn, cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà doanh nghiệp và công nhân lành nghề, đồng thời chú trọng xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Vùng theo hướng CNH, HĐH. Trước mắt ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng đa ngành chất lượng cao của Vùng đạt trình độ quốc gia và quốc tế tại các trung tâm vùng như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang.

5 – Phối hợp thực hiện chính sách phát triển các công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai cho miền Trung. Miền Trung là vùng hứng chịu thiên tai với tần suất cao, với mức độ thiệt hại lớn so với các vùng khác trong cả nước. Tạo điều kiện cho Miền Trung phòng chống giảm nhẹ thiệt hại thiên tai nhằm bảo vệ những thành quả phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình môi trường trên toàn cầu ngày càng xấu đi là nhu cầu cần thiết. Do vậy cần có quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng, phát triển các công trình thủy lợi lớn nhằm ngăn chặn hậu quả các trận lũ lụt, hạn hán. Hệ thống thủy lợi còn rất quan trọng cho phát triển thủy điện, nước sinh hoạt và phát triển công nghiệp của Miền Trung.

Đầu tư đồng bộ hệ thống thông tin chuyên ngành thủy sản, trọng tâm là quản lý tàu thuyền nghề cá, trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường biển.

Tập trung đầu tư cho các dự án mua sắm trang bị chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn để đảm bảo cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm đáp ứng kịp thời các tình huống xảy ra.

Đầu tư xây dựng Trung tâm, Trạm, Trụ sở làm việc cho các cơ quan thường trực tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực Miền Trung như: Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn; Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn chuyên ngành Hàng hải và nâng cao năng lực trang thiết bị cho Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn Hàng không; Trung tâm và các Trạm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực; Trung tâm Quốc gia huấn luyện Tìm kiếm Cứu nạn đường không, đường biển; Trạm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngoài biển đảo nhất là khu vực quần đảo Trường Sa.

Xây dựng các cơ sở dịch vụ hỗ trợ nghề cá, khu neo đậu tránh bão.

6 – Liên kết, phối hợp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, coi trọng việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong công nghệ chế biến, công nghệ sản xuất vật liệu mới.

Hợp tác nghiên cứu các dự án khoa học – công nghệ phục vụ trực tiếp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng. Kết hợp việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến về giống cây trồng và vật nuôi, kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm với việc hình thành các nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong các ngành then chốt và các sản phẩm mũi nhọn.

Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế của các tỉnh trong Vùng như chế biến nông – lâm – hải sản, chế biến thực phẩm.

Liên kết các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu.

7 – Hợp tác liên tỉnh, liên Vùng và hội nhập quốc tế. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ ngành Trung ương và các tỉnh từ khâu nghiên cứu, hình thành dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển của từng ngành, tỉnh và đảm bảo nguồn vốn, phương án cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái và tái định cư…

Phối hợp giữa các ngành, các tỉnh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch, công tác giám định đầu tư tất cả các dự án trên lãnh thổ Vùng.

Phối hợp giữa các ngành, các tỉnh trong xây dựng, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo; trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của Vùng và các tỉnh trong Vùng.

Trong giai đoạn đến 2020 sắp tới, nhu cầu hợp tác, phối hợp, liên kết giữa các địa phương cần đi vào các công trình cụ thể như liên kết xây dựng các khu kinh tế, sử dụng chung các kết cấu hạ tầng sẵn có như: Sân bay, bến cảng, đường xá….

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *